TRẦN QUANG HẢI : Chuyến đi trình diễn nhạc Việt tại Na Uy


Chuyến đi trình diễn nhạc Việt tại Na Uy
16 tháng 10 – 05 tháng 11, 2004

 

Trần Quang Hải (Paris, mùa thu 2004)

 

Sau 5 tháng kể từ ngày diễn tại Bergen do Rikskonsertene tổ chức, chúng tôi trở lại thành phố Bergen để diễn thêm 3 tuần với 38 buổi cho trẻ em Na Uy từ 16 tháng 10 tới 5 tháng 11, 2004 .

 

Một thoáng về thành phố Bergen

Thành phố Bergen lớn thứ nhì của Na Uy, là cố đô của xứ Na Uy, được Unesco ban tặng năm 2000 là thành phố của gia tài thế giới (ville du patrimoine mondial / city of world patrimony). Với dân số 235.000 người, Bergen nổi tiếng là trung tâm thương mại hàng hải vào thế kỷ 14 và được lựa là thành phố văn hóa âu châu năm 2000 .

Vua Olav Kyrre, trị vì từ 1066 tới 1093, người sáng lập thành phố Bergen vào thế kỷ 12 và trở thành thủ đô của Na Uy từ thế kỷ 13 cho tới suốt 600 năm sau .

 Image

 

Tỉnh Bergen được bao xung quanh bằng 7 ngọn núi , cho nên mưa rất nhiều suốt năm .

Tới Bergen cần phải thăm viếng những nơi sau đây : khu Bryggen do các thương gia Ðức thành lập thế kỷ 14 trở nên khu thương mại thịnh vượng suốt 400 năm , bị hỏa hoạn thiêu đốt trọn vẹn vào năm 1702 nhưng được dựng lại với những ngôi nhà được xây cất vào đầu thế kỷ 20 vẫn còn được giữ y nguyên như xưa , viếngFloyen (ở ngay trung tâm thành phố) với chiếc tàu điện Floibanen chỉ mất 7 phút là lên trên cao 320m có thể nhìn toàn tỉnh Bergen và đi dạo phong cảnh rất đẹp, viếng  Bergen Aquarium (www.akvariet.com) , nơi triển lãm các loại cá hiếm có và những con hải cẩu và các loài chim Bắc âu, ngôi nhà của nhà sáng tác nhạc Edvard Grieg (1843-1907) ở tỉnh Troldhaugen (www.troldhaugen.com ), ngôi nhà được xây cất vào năm 1873 của nhạc sĩ vĩ cầm Ole Bull (1810-1880) ở đảo Lysoen (email : lysoen@online.no)  và ngôi nhà được xây cất năm 1937 của nhà soạn nhạc Harald Saeverud (1897-1992) ở Radal (cách trung tâm Bergen 12 km) (www.siljustol.no) . Một nơi đáng được thăm viếng là nhà thờ Fantoft Stave Church ở thành phố Paradis. Ngôi nhà thờ bằng cây cất vào năm 1150 tại tỉnh Fortun ở Sogn và được dời tới Fantoft vào năm 1883 . Một trận hỏa hoạn xảy ra ngày 6 tháng 6, 1992 thiêu nát ngôi nhà thờ này nhưng được xây cất lại y như xưa và thu hút rất nhiều du khách tứ phương .

Ngoài ra dàn nhạc Bergen Philharmonic Orchestra được xem là xưa nhất Âu châu. Mỗi năm đại hội liên hoan quốc tế âm nhạc quan trọng nhứt xứ Na Uy    (Bergen International Festival) thu hút rất đông nhạc sĩ bốn phương tới trình diễn đủ các loại nhạc . Nhà hát National Scene được xây cất tại Bergen vào năm 1850.

Xung quanh tỉnh Bergen có rất nhiều fjords (Hardangerfjord, Sognefjord, Osterfjord ) nổi tiếng trên thế giới .

Những viện bảo tàng đáng được viếng như :

  • Bryggens Museum (www.visitBergen.com/Bruggen) là một viện bảo tàng chứa đựng những di tích khảo cổ khai quật tại khu Bryggens từ 1955 tới 1972, và tìm thấy những dinh thự từ thế kỷ 12. Ngoài ra còn có những đồ gốm Âu châu, những đồ vật hàng ngày từ thời Trung cổ
  • Hanseatic Museum (www.hanseatisk.museum.no) là một trong những ngôi nhà xưa nhất bằng cây và được bảo trì kỹ nhất, và những bàn ghế của thế kỷ 17 cho thấy hình ảnh của đời sống của những thương gia Hansa .
  • Bergen Art Museum (www.bergenartmuseum.no) gồm có 3 dinh thự riêng biệt với 3 collections : Lysverket gồm có những tấm tranh Na Uy và quốc tế từ thế kỷ 15 cho tới ngày nay, The Rasmus Meyer Collection có những tấm tranh nổi tiếng của Na Uy, tranh của họa sĩ Edvard Munch và tranh của các họa sĩ danh tiếng của Na Uy như J.C. Dahl, Tidemand và Gude, Harriet Backer và Christian Krogh. Bàn ghế tủ trong những nhà xưa của Bergen từ thế kỷ 18, và The Stenersen Collection gồm có tranh của thế kỷ 20 của họa sĩ Na Uy và quốc tề như Joan Miro, Pablo Picasso, Paul Klee và Jacob Weidemann .
  • Bergen Kunsthall (www.kunsthall.no) là một nơi triển làm lớn nhất về nghệ thuật đương đại .
  • West Norway Museum of Decorative Art/ Vestlandske Kunstindustrimuseum  (www.vk.museum.no) tàng trữ những nghệ phẩm tiểu công nghệ bằng bạc, đồ gốm, bàn ghế, quần áo, thêu dệt, nữ trang . Ngoài ra còn có những nghệ phẩm của nhà điêu khắcTone Vigeland, và cây đàn vĩ cầm xưa nhất (1562) của nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng nhất của Na Uy Ole Bull . Thêm vào đó có những tượng điêu khắc Phật nhiều nhất Bắc Âu, và những bảo vật bằng ngọc thạch, đồng, hàng vải và tranh Trung quốc .
  • Old Bergen Museum (www.tracteurstedet-gamle-bergen.no) có thể nói là cả một khu có người ở ngay trung tâm thành phố Sandviken (cách Bergen  7 phút đi bằng xe bus) gồm có khoảng 40 nhà bằng cây trên những con đường rất nhỏ lót bằng những viên đá giống như thời thế kỷ 18 và 19 được bảo trì một cách kỹ lưỡng 
  • Bergen Museum, University of Bergen (www.museum.uib.no)giống như viện bảo tàng dân tộc học (musée d’ethnographie – ethnographical museum) và viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên (musée d’histoire naturelle – Natural Historical Museum) hợp chung lại . Những đồ vật của Âu châu, Ai cập, Nepal, Mọi da đỏ, sắc tộc của đảo Solomon, sắc tộc Inuit , vv… và tất cả thú vật chim, rắn, địa chất học, thảo mộc học, và tiền sử thú y học .

 ImageImage

Ngoài ra còn hàng chục viện bảo tàng khác và rất nhiều ngôi nhà thờ qua nhiều thế kỷ nhân chứng cho nền kiến trúc Na uy .

Muốn khám phá những cảnh thiên nhiên của xứ Na Uy, chiêm ngưỡng những thác , hồ, fjords, hay thích câu cá saumon (salmon), xứ Na Uy có 60.000km bờ biển, 130 con sông đầy cá , tất cả những cảnh đẹp và fjords (đặc biệt của Na Uy, có bốn vùng chánh là Rogaland , Hordaland, Sogn & Fjordane, và More & Romsdal ) có thể tìm thấy trên mạng lưới www.fjordnorway.com . Trang nhà này được viết bằng tiếng Na Uy, Anh, Tây ban nha và Nhựt Bổn gồm những lời giải thích về làm cách nào đi tới các nơi có fjords, những sinh hoạt nghệ thuật, những khách sạn, chuyên chở, và những đại hội liên hoan dính liền với văn hóa Na Uy .

 

Những đại hội liên hoan âm nhạc tại vùng Hordaland và thủ phủ Bergen

Chỉ có một vùng của Na Uy và tại Bergen thôi mà đã có rất nhiều đại hội liên hoan nhạc (music festivals) suốt cả năm :

28 tháng giêng – 1 tháng 2 : Ride this Train – 4 ngày nhạc Rock (tỉnh Bergen)

2-4 tháng 4 : Vossjazz, đại hội liên hoan quốc tế nhạc Jazz (tỉnh Voss)

23 tháng 4 – 3 tháng 5 : Ole Blues – đại hội liên hoan âm nhạc (Bergen) (www.oleblues.net)

19 tháng 5 – 30 tháng 5 : Ðại hội liên hoan quốc tế âm nhạc (International Music     Festival) (Bergen), quan trọng nhứt trên toàn xứ Na Uy  (www.festspillene.no)

19 – 29 tháng 5 : Nattjazz – đại hội liên nhạc Jazz (Bergen)

27-31 tháng 5 : Ðai hội liên hoan âm nhạc Hardanger (Lofthus)

giữa tháng 6 – giữa tháng 8 : Floienkonsertene (nhạc hội Floien) (Bergen)

30 tháng 9 – 3 tháng 10 :Glueshelga Lokst Utove (cuối tuần nhạc blues)

22-24 tháng 10 : Osa Festivalen – đại hội nhạc dân ca và nhạc cổ điển (Voss)

 

Chuyến lưu diễn tại Bergen

 

Limeil Brévannes thứ bảy 16  10, 2004

Suốt đêm thứ sáu Bạch Yến thức để xếp hành lý , còn tôi tạm ngủ từ 2 giờ sáng tới 5 giờ .

Phải thu xếp những việc lặt vặt, trả lời một vài lá thư khẩn .

7giờ sáng ông Péric tới đưa chúng tôi ra phi trường Charles de Gaulle 1, đi hãng SAS .

8giờ tới phi trường, từ giã ông Péric và hẹn ông tới đón chúng tôi tối ngày 5 tháng 11 .

Nhờ đi sớm như vậy mà khi vào gởi hành lý tại quày số 22 không có ai hết .

10 giờ đi ra satellite 7, ghé mua thuốc hút 24 Euros cho 5 gói thuốc vấn Samson

Ghé một nơi bán dầu thơm mua một chai Possession giá 46 Euros .

Uống một tách cà phê trong khi chờ đợi lên máy bay .

10giờ 50 xếp hàng lên máy bay loại Boeing 737 . Chúng tôi ngồi hàng 6 B và C

11giờ 10 rời bến ra phi đạo , phải đợi hơn 30 phút mới được phép cất cánh .

12giờ ăn trưa trên máy bay . Bánh mì thịt nguội, bơ, uống rượu đỏ xứ Chí Lợi cũng khá ngon . Sau đó uống cà phê pha với cognac

13giờ 30 máy bay đáp xuống phi trường Gardemoen ở Oslo .

Chúng tôi lấy hành lý xong , đi ra ngoài tìm nơi gởi hành lý đi Bergen . Phải trở lại chỗ khởi hành của hãng SAS, cổng 106 .

14giờ 20 đi ngang qua hải quan . Ngồi chờ ở cổng 18 . Có chụp hình lưu niệm .

Tình cờ gặp hai anh em sinh đôi tên Karl-Kristian và Ole . Hai người này có từng sống ở Aix en provence 4 năm . Tuổi chừng 32, cả hai đều là luật sư .

Trao đổi danh thiếp và hẹn gặp nhau ở Bergen .

Chúng tôi ngồi hàng 11 B và C . Máy bay đầy cả người .

15giờ 10 cất cánh . Trên máy bay chỉ bán nước ngọt , bia và rượu , khá mắc tiền

15giờ 45 máy bay đáp xuống phi trường tỉnh Bergen . Có bà Berit đại diện Rikskonsertene đến phi trường đón chúng tôi .

Bà Berit đưa chúng tôi về tới khách sạn Comfort Holberg Hotel, 5 standgt, 5004 Bergen (www.comfort-holberg.no) . Nơi đây chúng tôi đã ở trên 3 tuần hồi tháng 5 vừa qua . Bạch Yến ở phòng 612, tôi ở phòng 412 cho hút thuốc .

Từ ngày 1 tháng 6, 2004, xứ Na Uy cấm không cho hút thuốc ở những nơi công cộng . Trong khách sạn , ngoại trừ các phòng ngủ cho hút thuốc (tầng 4 chẳng hạn) không có nơi nào trong khách sạn được quyền hút thuốc .

Sau khi mang hành lý vào phòng , tôi đi xuống lầu tới phòng ăn để tự đổ lấy bánh « waffles » một loại bánh kẹp Na Uy ăn với mứt và kem béo hay đường , va uống cà phê . Một lát sau Bạch Yến tới ăn bánh « waffles »

 

Ðỗ Châu Sơn tới khách sạn lúc 17giờ 35 để rước chúng tôi về nhà của Sơn để ăn tối .

 

Bạch Yến tặng cho Sơn rong biển Nhựt, tương sốt Nhựt, wasabi (một loại mustard)

Sau đó cùng đi bộ lại nhà của Sơn ở đường Kirchegatan 6, Bergen . Nhà ở lầu 2 ngay trung tâm thành phố . Tại nhà đã có Làm (bạn của Sơn) làm việc tại một xưởng làm cá salmon . Rồi có hai cậu trai trẻ tên Tuấn và Long . Vài mươi phút sau, có hai cô đến phụ . Hai cô này tên là Diệp (sinh năm 1968) học về biology . Còn cô trẻ tên Thảo (mới từ Nha Trang sang Na Uy hơn 1 tháng ).

Làm và Sơn làm món phở có gà, thịt bò tái với đủ các rau quế, ngò gai, rau hún, hành rất ngon .

Sau đó ngồi nói chuyện tới 12 giờ 30 khuya mới trở về khách sạn .

Có em Trần Văn Nho gọi , để số điện thoại lại .

Khuya quá nên đi ngủ . Sáng hôm sau gọi cho Nho sau .

 ImageImage

 

Bergen chúa nhựt 17 tháng 10, 2004 

7giờ 30 thức dậy, đi tắm sauna và tắm hơi cho tới 8giờ 15 , sau đó tôi đi ăn sáng. Ăn sáng ở Na Uy có rất nhiều thức ăn .Có thể nói là nhiều nhất trong các loại điểm tâm trên thế giới gồm có những món sau đây :

1.      Về nước uống có cà phê, trà, nước táo, nước cam, sữa tươi .

2.      Về trứng thì có trứng luộc cứng, trứng luộc chín phân nửa với tròng vàng còn lỏng, và trứng quậy chín (scrumbled egg / oeuf brouillé), và trứng chiên ốp la (oeuf sur plat / sunny side egg).

3.      Về trái cây thì có khóm, kiwi, dưa hấu, nho, dưa gan, cam.

4.      Về phô mai có phô mai ngọt (goat cheese) đặc biệt của Na Uy, và bốn loại phô mai khác .

5.      Về thịt thì có thịt nguội, thịt ba rọi chiên (bacon).

6.      Về cá thì có cá mòi và ba loại cá ngâm sốt tô-mát, hành , cá ngâm dấm hành .

7.      Về các loại đồ chua thì có củ cải đường ngâm dấm, dưa leo ngâm dấm, dưa leo tươi, cà chua tươi, cải bông (chou fleur / cauliflower).

8.      Về loại ngũ cốc ăn chung với sữa (cornflakes) có 5 loại khác nhau .

9.      Về sữa có sữa tươi ít chất béo hay nhiều chất béo, sữa chua có đủ loại mùi vị trái cây.

10.  Về bánh mì thì có bánh mì Bắc âu dòn (Wasa), bánh mì trắng có đủ loại hột mè, hột dưa, bánh mì nâu .

Tất cả những loại kể trên là dành cho ăn lót lòng . Mình có thể ngồi ăn bao nhiêu cũng được từ 6giờ 30 tới 9giờ sáng . Thứ bảy và chủ nhật thì từ 7 giờ tới 10 giờ sáng .

Tôi chỉ ăn có vài trứng chiên, cornflakes, cá mòi, và rất nhiều trái cây như dưa hấu, dưa gan, khóm, nho , và uống cà phê . Bao nhiêu đó cũng đủ no ứ hự .

Tôi coi lại dây đàn tranh và đàn cò . Lần này sang Bergen có gặp cậu Sơn, kiến trúc sư ở Bergen. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng rất có lòng với văn hóa Việt nam . Cậu ấy cho tôi mượn đàn tranh và đàn cò . Nhờ vậy mà tôi không cần phải mang theo đàn .

Tới 15giờ 30 Bạch Yến và tôi cùng đi lại tiệm cơm Thành Ðạt để ăn cơm chiều với các bạn Việt Nam gồm có : anh Dương Kiền, một nhà thơ nổi tiếng ở Bergen, vợ chồng em Trần Văn Nho (tên nhạc sĩ là Trần Thụy Minh), em Phạm Phú Minh (tên nhạc sĩ là Minh Thao), vợ chồng anh Vinh (cha mẹ của Hiển mà Hiển là chủ tiệm cơm Thành Ðạt), vợ chồng cháu Khoa (bác sĩ , con trai của anh Dương Kiền), em Phụng (một ca sĩ và ngâm sĩ địa phương ) .

Sau khi chào hỏi mọi người , rồi nhập tiệc . Các món ăn gồm gỏi gà, canh khổ qua với cá thác lác, và rau xào mực và tôm . Uống rượu trắng và đỏ . Ăn uống tới 17giờ 40 thì về nhà Trần Văn Nho cũng làm tiệc đãi bánh tarte aux pommes, uống trà, rồi ăn xâm bổ lượng . Có chụp hình kỷ niệm . Nghe nhạc sĩ Minh Thao hát ca khúc mới phổ nhạc bài thơ « Cầu Mộng » do Dương Kiền đặt lúc 20 tuổi . Nhạc đi từ Mi thứ sang Mi trưởng . Dòng nhạc êm tai, bài thơ thật trữ tình .

Cuộc nói chuyện kéo dài cho tới 20giơ`40 rồi mọi người từ giã nhau ra về . Vợ chồng Vinh đưa chúng tôi cùng Minh Thao và Phụng về Bergen .

Về phòng khách sạn lúc 21giờ 30, gặp Finn Cato Andersen mới từ vùng Arendal tới . Finn Cato đã từng làm việc với chúng tôi từ Arendal tháng ba 2003 hai lần tháng 3 và tháng 5 . Sau đó lại làm việc với chúng tôi tháng 4 và 5 , 2004 và lần nay tháng 10 và 11. Tất cả là trên 100 buổi diễn chung với nhau .

Finn đưa cho chúng tôi chương trình diễn suốt ba tuần với 38 buổi diễn ở hai vùng Arna và Asane . Nhìn thấy chương trình đã thấy mệt rồi . Chưa biết kết quả ra sao !

Trở về phòng lúc 22 giờ 30 để đi ngủ sớm tối nay .

 

 

 ImageImageImage

Bergen thứ hai 18 tháng 10, 2004

7giờ sáng thức dậy , tôi đi tắm sauna và tắm hơi trước khi ăn lót lòng . Sáng nay phải đi sớm vì bắt đầu diễn lúc 10 giờ 10 mà đường đi lại xa , phải mất trên 30 phút theo lịch trình .

8giờ 15 hẹn nhau tại phòng khách của khách sạn . Finn Cato Andersen, người lo âm thanh và lái xe đi lấy xe và chở chúng tôi tới trường học đầu tiên Ytre Arna skule . Người lo chương trình ở đây là bà Sissel Marie Hagen tiếp chúng tôi và đưa chúng tôi vào phòng diễn . Mấy đứa học trò lo tiếp khiêng máy móc âm thanh vào phòng .

Sau 45 phút chuẩn bị âm thanh và xếp ghế xong, chúng tôi thay quần áo diễn xong xuôi .

Ðúng 10giờ 10 bà Hagen giới thiệu chúng tôi và tôi ra chào tất cả các em bé từ 7 tuổi tới 10 tuổi . Khoảng 140 em ngồi lặng im để nghe nhạc . Tôi giới thiệu các loại đàn môi . Mấy đứa nhỏ được chuẩn bị nên tôi hỏi nhạc khí nào chúng cũng trả lời đúng hết . Thật là vui khi thấy các em chăm chú nghe và theo dõi như người lớn . Tiếp theo tôi giới thiệu đàn cò . Rồi Bạch Yến hát bài « Cò lả » tôi đệm đàn cò . Rồi tôi biểu diễn muỗng, đàn tranh , các loại giọng . Các em thích thú cười khi tôi hát giọng Nhựt, Trung quốc . Sau đó, Bạch Yến và tôi hát bài « Hò Hụi » , các em hát « Hụ là khoan » theo rất đúng giọng và nhịp . Bạch Yến giới thiệu quần áo cổ truyền của tôi (áo dài khăn đóng ) rồi áo năm tà, khăn mõ quạ, khăn rằn ri miền Nam và nón lá . Sau cùng tôi giới thiệu sinh tiền và chấm dứt bằng bài hát « Hái hoa » với sự phụ đệm sinh tiền . Các trẻ em vỗ tay hoan nghinh thật lâu . Bà Sissel Marie Hagen nói với tôi :

« Chưa bao giờ tôi được dự một buổi trình diễn hay như vậy . Ông bà diễn hay đến nỗi mấy đứa nhỏ ngồi im phăng phắc, quả thật ít khi có đối với các buổi nhạc của Rikskonsertene . Chính tôi cũng học hỏi rất nhiều về nhạc khí Việt Nam và phong tục Việt Nam qua buổi diễn này . »

« Cám ơn Bà », tôi mừng rỡ đáp . « Chúng tôi cũng rất hân hạnh được dịp giới thiệu nhạc xứ chúng tôi cho các trẻ em Na Uy và được hội Rikskonsertene mời sang để chúng tôi có cơ hội trình bày âm nhạc xứ chúng tôi cho các trường học ở Na Uy . Chúng tôi hy vọng rằng âm nhạc sẽ là sợi dây thắt chặt tình thân hữu giữa Na Uy và Việt Nam . » Trong số học trò có một cháu trai tên là Khiêm tới chào chúng tôi và em nói tiếng Việt trôi chảy .

Sau đó , chúng tôi được mời uống trà và cà phê trước khi diễn xuất thứ nhì lúc 11giờ 30 . Bà Hagen giới thiệu chúng tôi với ông hiệu trưởng trường tại phòng giáo viên .

Xuất thứ nhì cũng gặt hái kết quả mỹ mãn . Ông hiệu trưởng trường có tới dự . Ðiều này rất hiếm vì ít khi ông hiệu trưởng trường tới dự vì lý do bận nhiều công việc hành chánh và điều khiển trường . Thế mà ở tại trường này ông hiệu trưởng nghe nói là chương trình rất hấp dẫn nên ông dành thì giờ tới dự suốt buổi diễn và sau khi chấm dứt chương trình ông tới bắt tay chúng tôi và khen rằng buổi diễn rất là nhà nghề .

Ngày đầu tiên được thành công là vui lắm rồi . Mấy đứa nhỏ đứng làm đuôi xin chữ ký . Chúng tôi ký tên trên cánh tay và bàn tay của chúng . Thật là vui quá sức .

Trở về khách sạn , chúng tôi cùng anh Finn Cato đi lại tiệm cơm Việt tên là   Thành Ðạt (cháu Thúy và cháu Hiển làm chủ) để ăn món bò bún và uống bia HANSA của tỉnh Bergen . Finn Cato lần đầu ăn món này rất là thích .

Image

 

15giờ, chúng tôi đi về khách sạn ăn bánh kẹp « waffle » Na Uy, uống cà phê .

Sau đó mọi người về phòng nghỉ .

17giờ 50 tôi thức dậy đi tắm sauna một lần nữa cho khỏe . Rồi đi xuống phòng ăn của khách sạn ăn tối . Ăn tối loại buffet có một món nóng (gà, hay cá, hay thịt tùy theo bữa), mấy loại cá ngâm dấm của Na Uy, rau cải (chou cắt nhỏ / cabbage), cà tô mát, dưa leo, phô mai, thịt nguội, cà phê, trà, nước ngọt táo, và nước cam, sữa tươi. Ở tại khách sạn này , ăn sáng và ăn tối hoàn toàn miễn phí, vì tính luôn trong giá tiền phòng . Ở Na Uy khách sạn rất mắc . Tiền phòng một ngày khoảng 170 Euros (1.350 Kronors Na Uy) .

Ăn xong tôi đi dạo phố , ghé lại một internet cà phê ở trung tâm thành phố, tôi vào hỏi giá thì tương đối mắc . Nếu chỉ dùng một giờ thì phải trả 60 Kronors một giờ . Còn nếu tôi trở thành hội viên (trả 100 Kronors một tháng ) thì khi dùng máy vi tính tôi chỉ trả 30 Kronors một giờ . Tôi liền ghi tên thành hội viên và tôi kiểm thơ suốt cả một giờ . Như vậy mỗi một giờ tôi chỉ trả 50% tiền phải trả bình thường .

Trên đường về tới khách sạn , tôi gặp Bạch Yến đang đi ra khỏi khách sạn , vì Bạch Yến muốn đi tìm tôi . May quá gặp nhau tại đây , tôi đưa Bạch Yến đi mua phonecard . Bên Na Uy nếu mua phonecard của Na Uy giá 50 Kronors chỉ gọi được 24 phút thôi . Còn nếu mua loại phonecard bán ở tiệm Á châu hay một vài nơi internet cà phê thì một phonecard gọi Âu châu, Mỳ Châu, Úc châu trả 100 Kronors có thể gọi 650 phút . Bạch Yến mua một phonecard loại gọi 650 phút vừa rẻ vừa tiện lợi (loại này chỉ có giá trị trong một tháng và chỉ gọi được từ Na Uy mà thôi . Chúng tôi ở Na Uy ba tuần cũng dư thì giờ gọi bạn hay những nơi khác trên thế giới mà không phải trả thật mắc . Tôi phải kể như vậy để khi có người nào đi sang Na Uy biết mà mua loại phonecard này cho đỡ tốn .

Bạch Yến vào internet cà phê dùng số mật mã của tôi để kiểm thơ . Sau đó trở về khách sạn .

Một ngày làm tròn phận sự đi diễn . Tôi đi ngủ để tiếp tục ngày hôm sau diễn tiếp . Mỗi ngày tôi phải thức thật sớm để vừa ăn sáng vừa chuẩn bị hành trang rời khách sạn trước 8 giờ sáng . Tuy phải thức sớm nhưng công việc chấm dứt trước 13 giờ , thành ra chúng tôi được rảnh suốt buổi trưa cho tới tối .

 

Bergen thứ ba 19 tháng 10, 2004

Sáng nay phải thức dậy thật sớm . 6giờ 30 đã ngồi dậy , đi tắm cho khỏe và cho đỡ buồn ngủ .

7giờ ăn điểm tâm qua loa thôi nhưng cũng đầy đủ chất bổ .

7giờ 30 rời khách sạn tới trường Adnamarka skule ở tỉnh Arnatveit . Nơi đây bắt đầu lúc 9giờ 45 . Học trò tới nghe rất nhỏ từ 6 tới 8 tuổi, khoảng 100 em . Xuất đầu tiên trẻ em hăng say giơ tay lên trả lời và cùng hát với chúng tôi bài « Hò hụi » rất đúng giọng . Ông hiệu trưởng là người tiếp đón chúng tôi khi chúng tôi tới trường . Ông  tới bắt tay chúng tôi khen nồng nhiệt :

« Tôi rất cám ơn ông bà đã mang lại cho trường tôi một gia tài âm nhạc Việt Nam thật hiếm có . Tôi đã học rất nhiều và tôi nghĩ rằng các em học sinh sẽ giữ một hình ảnh thật đẹp của Việt Nam » .

Chúng tôi được mời vào phòng giáo viên và được cho uống cà phê và bánh mì sandwich theo kiểu Na Uy. Chúng tôi có dịp gặp các cô giáo . Họ rất hiếu kỳ muốn biết về Việt Nam . Chúng tôi giải thích một cách đơn giản về lịch sử, văn hóa và âm nhạc Việt Nam .

Tới 11giờ 30 diễn thêm một xuất thứ nhì cũng cho trẻ em từ 6 tới 8 tuổi . Kết quả vẫn thành công . Ông hiệu trưởng đã viết vào quyển sổ lưu niệm của chúng tôi một câu như sau « tôi rất thích cách biểu diễn nhạc của ông , và cách hát dân ca của bà cũng như cách giới thiệu quần áo cổ truyền . Tôi không bỏ qua một giây phút nào và bị thôi miên » ( I really like your performance and the way your wife sings folk songs, and the way she presents traditional costumes. I enjoyed every minute and was completely hypnotized ). Một bà giáo gốc Mỹ sang Na Uy dạy học hơn 30 năm nay đã đến khen tôi :

« Ông quả thật là một người gõ muỗng thần tài . Tôi có xem nhiều nhạc sĩ bên Mỹ đánh muỗng nhưng tôi chưa thấy ai đánh muỗng như ông hết » (You’re really a genius of spoons. Tôi saw many spoons players in the States but none could play like you)

Tôi cám ơn lời khen của bà và của ông hiệu trưởng . Ðó là những phần thưởng nhỏ mà tôi có được khi đi trình diễn .

Trở về khách sạn, vợ chồng chúng tôi cùng anh Finn Cato lo về âm thanh và ánh sáng đi lại tiệm cơm Thành Ðạt để ăn cơm trưa . Hôm nay cháu Thúy làm món thịt bò, tôm và mực nướng vĩ , cuốn với bánh tráng và đủ các loại rau (hẹ, hành, ngò, rau quế, rau hún) với bún . Cháu cho phần ăn rất hậu, ăn xong ai nấy đều no ứ hự . Vợ chồng tôi uống bia địa phương HANSA

Sau đó trở về khách sạn , ghé ăn bánh kẹp « waffles) với mức , uống cà phê .

Chiều nay tôi không ăn cơm tối vì quá no . Chỉ đi dạo phố cho tiêu cơm , và tắm hơi thỗ nhĩ kỳ và sau na phần lan trước khi đi ngủ .

Khoảng 22giờ 30 em Trần Văn Nho gọi điện thoại báo tin vui là con dâu của anh vừa hạ sinh cháu gái nặng 3kg400 và dài 49 phân . Mẹ tròn con vuông . Em vừa lên chức ông nội, đúng là một niềm vui . Chúng tôi nói chuyện với nhau cả giờ , lại biết em bị trúng lạnh, ho hen chút đỉnh . Tôi mới khuyên em nên thận trọng khi đi thăm cháu vì phải nên tránh cho cháu bé đừng bị lây . Thứ sáu 22 tháng 10 anh sẽ đi Oslo để thăm cháu nội .

 

Bergen thứ tư 20 tháng 10, 2004 .

Tôi thức dây lúc 7 giờ . Ăn sáng xong xuôi là lên đường lúc 8giờ 35. Hôm nay có hai xuất diễn tại tỉnh Nyborg (vùng Asane) ở trường Haukas . Ông hiệu trưởng trường ra tiếp đón . Phòng diễn ở đây đẹp và được sưởi nóng .

10giờ 15 bà Tone, giáo sư dạy nhạc giới thiệu chúng tôi . Gần 120 trẻ em chăm chú theo dõi và thích thú vì được khám phá những nhạc khí lạ . Buổi diễn tạo nhiều hứng thú và được hoan nghinh như mọi khi .

 Image

Sau buổi diễn đầu tiên , chúng tôi được mời tới phòng giáo sư dùng bánh ngọt và uống cà phê .

11giờ 30 chúng tôi diễn buổi thứ nhì cũng được thành công như buổi đầu . Một số học trò đã viết vào quyển sổ lưu niệm như sau :

« Ðây là buổi diển hay nhất từ trước tới nay . Cách bẻ tay của ông quả là kỳ diệu. Nhạc techno hay nhất. Một thử thách rất khích động » (this was the best concert ever ! Fascinating the way you bent your fingers. The technobeat was best . An exciting experience !)

Trưa nay chúng tôi ăn cơm tại nhà hàng Thành Ðạt món cá chiên dầm nước mắm gừng và canh bí rợ tôm . Cháu Thúy lúc nào cũng muốn nấu những món ăn đặc biệt cho chúng tôi để làm vui lòng chúng tôi . Cháu còn rất trẻ (mới có 24 tuổi) mà đã lập gia đình và có một con trai tên Thành Ðạt (cũng là tên của tiệm) mà đã ra đời lập nhà hàng và làm đầu bếp chánh của tiệm . Cháu lại nói tiếng Na Uy như người Na Uy (vì sang Na Uy lúc còn nhỏ). Hai vợ chồng trẻ mới mở nhà hàng được gần một năm , tận tụy làm ăn nên cuộc sống thoải mái .

 Image

Sau đó chúng tôi đi về khách sạn ăn bánh kẹp Na Uy .

17 giờ tôi đi tắm hơi Thỗ nhĩ kỳ cho khỏe người trước khi gặp cháu Ðỗ Châu Sơn để đi lại xem rạp mà chúng tôi sẽ trình diễn vào ngày thứ bảy 30 tháng 10 tới đây .

18 giờ cháu Sơn tới khách sạn cùng đi với chúng tôi tới rạp BUL FENSAL , ở đường KongOscarsgaten 15, Bergen . Rạp rất đẹp, ở lầu 1, có chừng 200 chỗ ngồi rộng rãi , đúng theo tiêu chuẩn của một phòng hòa nhạc .

Sau đó Bạch Yến trở về khách sạn nghỉ , còn tôi cùng Sơn về nhà Sơn để tiếp tục hàn huyên và ăn phô-mai, uống rượu đỏ . Có Tuấn, Làm và một ông bạn dạy học có xem chúng tôi diễn lần trước , tới gặp tôi và nói chuyện đủ mọi vấn đề .

22giờ 15 tôi từ giã đi về khách sạn nghỉ .

 

Bergen thứ năm 21 tháng 10, 2004

Hôm nay đi sớm hơn mọi khi vì phải diễn xuất đầu 9giờ 25 . Anh Finn Cato Andersen lái xe đi lạc đường . Tới khi tìm ra trường Lone skule ở tỉnh Haukeland (cách Bergen độ 25 km) thì chỉ còn có 40 phút . Chúng tôi gặp một bà giáo dễ thương, giúp chúng tôi sửa soạn nơi diễn . Tôi giúp anh kỹ thuật viên khiêng máy móc vào phòng diễn , gắn máy vi âm, thử đèn và âm thanh xong , tôi vào thay quần áo diễn là vừa đúng giờ bắt đầu .

 

Gần 150 em bé ngồi nghe và theo dõi chương trình . Cả thầy lẫn học trò đều thích , vỗ tay và huýt sáo khen từng hồi . Chương trình thứ nhì bắt đầu liền sau đó cho học sinh lớp 5 tới lớp 7 (từ 10 tới 13 tuổi) nên những lời giải thích bằng tiếng Anh đều hiểu và theo dõi dễ dàng hơn . Sau buổi diễn có một vài em chạy lên khen chúng tôi « You are the best » (Ông là người hay nhứt ! ) hay « your music is very good » (Nhạc của ông hay lắm). Những lời khen của các em thoát từ trong lòng vì trẻ em không bao giờ nói láo . Khi chúng thích thì chúng nói chúng thích chứ không phải nói cho vui lòng . Bà thầy giáo chúng tôi gặp khi mới tới có dự xuất này đã lên chào chúng tôi và nói :

« Tôi chưa bao giờ được xem một chương trình diễn nhạc hay như vậy . Tôi không biết phải dùng lời nói nào để bày tỏ sự khâm phục trước tài đa dạng của ông , và trước một chương trình giới thiệu nhạc Việt Nam rất đúng phương pháp sư phạm » (I have never seen such an excellent performance like this one. I don’t know which word I have to use to express my admiration towards your multi talented presentation and the perfect programme of Vietnamese music reflecting exactly the ideal  pedagogy of music)

Có 4 giáo sư đã ghi cảm tưởng vào quyển sổ lưu niệm của tôi . Sau đó chúng tôi được mời vào phòng giáo viên để được đãi một bữa ăn gồm có tôm luộc, thịt nguội, phô mai , bánh mì, nho, cà phê, trà . Ðây là lần đầu tiên chúng tôi được đãi thịnh soạn như vậy . Nhân dịp này chúng tôi trò chuyện cùng một số thầy cô giáo và có người mang tới cho tôi một cặp muỗng của nhà trường và nhờ tôi biểu diễn màn đánh muỗng . Tuy không phải là hai cây muỗng giống nhau nhưng tôi vẫn gõ được và được hoan nghinh nhiệt liệt vì tôi có thể dùng bất cứ loại muỗng nào chứ không phải là muỗng đặc biệt .

12 giờ45 là xuất thứ ba dành cho trường Indre Arna Skule từ một nơi khác tới . Học trò từ lớp 3 tới lớp 7 (8 tới 13 tuổi) chăm chú nghe, và vỗ tay họa theo khi chúng tôi hát bài « Hái Hoa » có tiết tấu sinh tiền , hay hát « Hụ là khoan » khi chúng tôi mời các em phụ họa . Kết quả hoàn toàn như ý .

Hôm nay là lần đầu chúng tôi diễn 3 xuất trong một buổi sáng cho tất cả khoảng 450 trẻ em .

Sau đó lên xe đi về khách sạn . Trời bên ngoài mưa lâm râm , Bạch Yến không khỏe nên ở lại khách sạn không đi ăn cơm . Tôi cùng anh kỹ thuật viên đi ăn cơm ở nhà hàng Thành Ðạt . Hôm nay cháu Thúy nấu món gà kho sả rất ngon, và cho phần ăn rất hậu . Ăn xong là 16giờ 30 , tôi trở về khách sạn ăn thêm bánh kẹp Na Uy , uống cà phê rồi về phòng nghỉ một chút .

Tới 18 giờ tôi đi tắm hơi thỗ nhĩ kỳ và tắm sauna cho khỏe người . Tôi gọi điện thoại cho Bạch Yến để tới phòng ăn của khách sạn ăn tối .

Bên ngoài trời mưa và gió nhiều nên không đi dạo ở ngoài . Tôi về phòng viết bài về chuyến đi này cho tới 1giờ sáng mới đi ngủ .

 Image

 

Bergen thứ sáu 22 tháng 10, 2004

Trời hôm nay mưa nhiều quá mà chúng tôi phải diễn 2 buổi thật sớm . Ði lạc đường một hồi tới trường Garnes skule chỉ còn có 35 phút . Phải đi sang trường trung học ngang mặt vì nơi đó có phòng diễn . Sửa soạn xong xuôi thì vừa đúng giờ trình diễn .

9giờ 45 diễn xuất đầu cho trẻ em nhỏ . Chương trình thu hút trẻ em và chúng vỗ tay theo nhịp mỗi khi có tiết tấu . Bà hiệu trưởng trường lên phát biểu sau buổi diễn bày tỏ lòng ngưỡng mộ .

Chúng tôi được nghỉ 30 phút . Nơi đây không có ai cho uống cà phê , chỉ ngồi trong phòng đợi tới xuất thứ nhì .

11giờ 20 bắt đầu xuất thứ nhì . Học trò lớn hơn , hiểu tiếng Anh hơn và theo dõi một cách say mê . Sau khi diễn xong , học trò bu lại hỏi đủ thứ . Có một bà thầy đi tới nói :

« Lần đầu tôi dự một buổi trình diễn thật hay, có thể nói là tôi chưa bao giờ được thấy một buổi diễn hấp dẫn như vậy . Tôi xin nói với ông là buổi của ông hay nhất từ trước tới nay . Thành thật khen ông và chúc ông bà thành công trong những chương trình sắp tới » (It’s the first time that I have attended a fantastic performance . I can say that I have never seen such a fascinating concert. I can tell you that frankly your concert is the best one I have known . Congratulations to you and with my best wishes to you both for the coming concerts)

Tôi cám ơn bà thầy giáo và chụp hình chung với một số học trò . Chúng tôi ký tên cả 20 phút vì đứa nào cũng muốn có chữ ký của chúng tôi .

Ði về khách sạn cũng hơn 13 giờ . Rồi đi ăn cơm ở nhà hàng Thành Ðạt . Hôm nay chúng tôi ăn canh chua đầu cá và cá kho . Cháu Thúy nấu đặc biệt cho chúng tôi và nấu ngon lắm , đúng khẩu vị . Anh bạn lo âm thanh thì thích ăn bò bún chang với nước mắm theo gu miền Nam tức là nước mắm có vị ngọt với tỏi và chút xíu ớt . Cậu ta đổ hết chén nước mắm và uống nước mắm ngon lành .

Sau đó trời bên ngoài vẫn còn mưa , Bạch Yến và tôi ghé lại tiệm internet café để kiểm thơ . Ở Na Uy, trời về chiều mau tối lắm . Trời lại lạnh , nên chúng tôi chỉ muốn về phòng rồi ăn uống sơ sài , tắm hơi và đi ngủ hay coi truyền hình .

Buổi tối thường là chúng tôi ít đi đâu vì sáng phải thức sớm . Còn cuối tuần thường là được mời đi ăn cơm , nhứt là các bạn người Việt ở đây .

 

Bergen thứ bảy 23 tháng 10, 2004

Hôm nay là ngày nghỉ, không có đi trình diễn, tôi thức trễ hơn , ăn sáng lúc 8giờ30. Khoảng 10 giờ sáng tôi đi dạo thành phố mặc dù trời mưa lâm râm .Nếu không đi dạo phố thì không biết khi nào mới có thì giờ đi thăm phong cảnh . Tôi chụp hình những thắng cảnh ở Bergen như chợ cá (bán cá tươi còn sống lội trong bồn, cua sống , tỉnh Bergen nổi tiếng về cua mà lúc này gần hết mùa những vẫn còn rất nhiều cua), khu nhà Bryggen (được Unesco tặng là gia tài thế giới – world heritage năm 2000), lâu đài của vua .

Tới 12 giờ tôi ghé lại chợ cá mua một khúc bánh mì với cá saumon sống và tôm luộc để ăn trưa . Về khách sạn tới phòng Bạch Yến thăm vì Bạch Yến không khỏe lắm do bịnh nhức bắp thịt khi trời trở lạnh .

Tôi đi tắm hơi thỗ nhĩ kỳ trước khi cháu Hiển lại đón chúng tôi đưa về nhà cha mẹ (anh chị Vinh) để ăn tối chiều nay .

Ðúng 16giờ, cháu Hiển tới rước chúng tôi như đã hẹn về nhà cha mẹ ở cách khách sạn độ 10 phút đi xe . Nhà anh Lê Văn Vinh rất rộng, đủ chứa gia đình anh cùng gia đình ba đứa con trai . Cả ba con trai đều lập gia đình .

 Image

Anh Vinh vượt biên với ba đứa con trai, ở trong một trại ở Thái lan mấy năm trời , rồi mới sang Na Uy. Sau đó anh mới mang vợ và con gái qua Na Uy sau . Anh đã can đảm học nghề may và đậu một bằng cấp chính thức của Na Uy. Nhờ nghề này, anh chị cần cù làm ăn dựng nên sự nghiệp, trở nên sung túc, cho các con học thành tài hết . Con gái học nha khoa, các con trai đều học có nghề đàng hoàng . Con gái tên Quý lấy chồng bác sĩ Việt tên Phú ở San Jose và sang Mỹ định cư . Con trai lớn tên Sang thành lập gia đình có hai con, một gái tên Tiên, và một trai tên Thái Dương . Người con trai kế tên Hiển lập gia đình với cháu Thúy có một con trai tên Thành Ðạt. Người con trai út tên Kim mới vừa lấy vợ tên Thoa, quê ở Sa đéc mới sang Na Uy từ tháng 8, 2004 . Anh Vinh lại có khiếu về hát , giọng tốt. Anh là một tấm gương tốt ở Bergen, sống với sức làm việc của mình và tạo một sự nghiệp tốt đẹp . Tuy sang Na Uy sau những người đồng hương nhưng anh có một đời sống khá hơn nhiều người đã sang đây trước anh .

 Image

Anh chị Vinh đãi chúng tôi món lẫu thái giống canh chua tôm, chả cá, bạc hà, ăn với bún và cơm . Món này do cô dâu của cậu con trai út  mới từ Việt Nam sang, tuổi còn nhỏ nhưng nấu ăn khéo và may vá rất giỏi, phụ giúp gia đình chồng ngay từ khi đặt chân lên xứ Na Uy .

Tới 20giờ 40 cháu Hiển và cháu Thúy về nhà sau khi đóng cửa tiệm cơm Thành Ðạt . Cùng đi có cậu Finn Cato Andersen, người lo âm thanh cho chúng tôi . Sau đó tới màn ăn cua . Cua bên nây không rẻ lắm đâu . Thế mà anh Vinh mua mấy chục con làm cua luộc có nhiều gạch rất béo ngon, cua xào sả, cua xào gừng, cua xào sả ớt để cho ai muốn ăn cay thì có món cay . Cả gia đình có 8 người, chúng tôi và anh Finh Cato tổng cộng 11 người lớn và 3 đứa nhỏ cùng ăn món cua rất ngon và vui . Mọi người cười nói vui vẻ . Ăn cua xong , Bạch Yến trổ tài làm món chuối đốt rượu rôm (rhum) với cà rem  « chó có lát » (chocolate / chocolat ), ngon và lạ miệng . Ngoài ra Bạch Yến còn chỉ cho cháu Thúy món chuối xào dừa .

Buổi ăn chấm dứt vào lúc 24giờ . Chúng tôi kiếu từ đi về . Cháu Sang lái xe đưa chúng tôi và Finn Cato về khách sạn .

Một ngày cuối tuần được ăn ngon và sống trong một gia đình Việt Nam hạnh phúc . Cám ơn anh chị Lê Văn Vinh đã cho chúng tôi một bữa cơm ngon đầy tình gia đình  tại thành phố Bergen .

 

Bergen chủ nhựt 24 tháng 10, 2004

Hôm nay tôi đi viếng thăm hai viện bảo tàng .

11 giờ trưa viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên mở cửa, tôi vào mua vé 30 kronors. Viện bảo tàng này tên là Bergen Museum de Naturhistoriske Samlinger, ở đường Harald Harfagresgate 1, 5020 Bergen, mở cửa mỗi ngày từ 11 giờ tới 15giờ . Có ba tầng lầu : lầu 1 về thảo mộc và địa chất học với tất cả các loại đá từ thời xưa , sự tiến triển con người và thảo mộc . Lên tầng thứ nhì thì thấy các loại thú, rắn, chim ở Na Uy (có hàng trăm loại), và một phòng về cá ông và bộ xương . Lầu ba trình bày các loại chim của nhiều xứ đủ loại và có nhiều loại tôi chưa bao giờ thấy trong đời. Viện bảo tàng này thuộc trường đại học Bergen, và tàng trữ một trong những kho tàng lớn nhất về dân tộc học và lịch sử thiên nhiên. Viện này do ông Wilhelm Frimann Koren Christie sáng lập vào năm 1825.

Sau khi rời viện bảo tàng này , tôi đi lại viện bảo tàng mỹ thuật Bergen Kunstmuseum ở trên đường Rasmus Meyers 3, 7 và 9 . Tôi trả 50 kronors tiền vô cửa . Nơi đây điểm đáng coi là vài tấm tranh của Pablo Picasso, một số tranh của Edvard Munch, họa sĩ nổi tiếng nhất xứ Na Uy, và trường phái tranh Na Uy từ thế kỷ 19 tới ngày nay , đặc biệt tranh của J.C.Dahl, Tidemand và Gude, Harriet Backer , Christian Krogh . Lần này có triển lãm những tranh vẽ của Nhật Bổn đã gây ấn tượng đối với các họa sĩ phái ấn tượng ở Pháp như Monet , Gauguin .

Trở về khách sạn tôi đi tắm hơi và chuẩn bị để đi tới nhà Tuấn ăn cơm tối . Có Làm và Sơn tới rước lúc 16giờ . Nhà của Tuấn ở ngoại ô Bergen không xa lắm , độ 10 phút đi xe . Nhà Tuấn ở lầu 2 tại một chung cư . Vào nhà , có Tuấn và vợ tên Trang cùng hai cháu bé , vợ Làm tên Chương và hai cháu gái, và anh chị Lai bạn láng giềng của Tuấn . Tuấn theo đạo Phật , trong nhà có bàn thờ hương khói nghi ngút , chuông mõ và sách kinh Phật để tụng kinh mỗi ngày .

Gia đình Tuấn đãi chúng tôi ăn súp măng cua với bánh mì tôm chiên, gỏi gà và mì vịt tiềm, uống rượu đỏ Úc châu . Mọi người ăn uống vui vẻ . Khi tới màn ăn tráng miệng thì có bánh táo tây, chuối chưng, và nho tươi . Một bữa cơm rất ngon và đầy tình đồng hương . Tuấn cũng có cộng tác trong chương trình nhạc Việt do cháu Sơn tổ chức ngày 30 tháng 10 sắp tới .

Tới 21 giờ chúng tôi phải kiếu từ ra về vì sáng hôm sau phải đi diễn sớm . Ghé lại Internet Café để kiểm thơ rồi hai vợ chồng đi bộ về khách sạn .

Hôm nay phải đi ngủ sớm hơn mọi khi .

 ImageImage

 

Bergen thứ hai 25 tháng 10, 2004

 

Sáng hôm nay trời mưa, chúng tôi lại đi thật sớm . 7giờ 30 sáng đã rời khách sạn . Ðường đi lạ, tới vùng Asane và chúng tôi sẽ diễn suốt hai tuần tại vùng này , tất cả là 27 buổi trình diễn cho 12 trường . Thời tiết bắt đầu lạnh . Chúng tôi tới trường lúc 8giờ 15 . Vậy mà khi dựng xong âm thanh và ánh sáng , còn dư 15 phút đủ để chúng tôi thay quần áo diễn .

9giờ15 bắt đầu chương trình . Tất cả giáo viên và cả ông hiệu trưởng đều có mặt. Chúng tôi đã làm cho học sinh từ 6 tuổi tới 12 tuổi say mê . Ông hiệu trưởng tới máy vi âm tỏ lời khen ngợi và cám ơn chúng tôi đã mang đến cho họ những giây phút vui vẻ cho ngày đầu tuần .

Chúng tôi phải thu xếp hành trang thật nhanh và anh Finn Cato lo dọn máy móc gấp rút vì chúng tôi phải di chuyển sang một trường khác cách xa khoảng 15 phút lái xe . Lần đầu tiên chúng tôi phải đổi trường nên hơi bị căng thẳng tinh thần . Nhưng rồi đâu lại vào đó . Chúng tôi tới trường Ulsetskogen Skole lúc 10giờ 30 . Có bà thầy dạy nhạc tên Britt Garnes ra tiếp đón . Bà này còn trẻ nhưng rất tháo vát , giúp chúng tôi khiêng bàn ghế và gọi một số học trò khiêng máy móc vô phòng diễn . Nhờ vậy mà phần kỹ thuật làm xong , còn sớm cả 30 phút .

Hai chương trình tại trường này bắt đầu lúc 11 giờ 25 và tiếp theo đó chương trình thứ nhì vào lúc 12giờ 20 rất được tán thưởng . Bà thầy dạy nhạc có viết trong quyển sổ lưu niệm của tôi như sau :

« Buổi trình diễn thật linh động . Ngay cả những học trò nhỏ tuổi nhứt cũng hiểu ông nói tiếng Anh . Và cách sử dụng giọng hát của ông quả thật đặc biệt . Cám ơn ông bà rất nhiều. Buổi trình diễn này sẽ ghi sâu vào ký ức của học trò và thầy cô giáo mãi mãi ! » (Your performance was exciting . Even our smallest pupils understood your talking English . And the way you used your voice was unbelievable . This performance will remain in pupils and teachers’ memory for ever ! )

Tôi có quay phim vidéo để giữ làm kỷ niệm . Ở xuất thứ nhì có con gái tên Lan , con của em Làm . Cháu là học trò Việt duy nhứt . Tôi có gặp cháu hỏi thì cháu cho biết là những đứa bạn của cháu nói là chúng tôi là những nghệ sĩ ngoại hạng. Chúng không ngờ là nhạc Việt rất đa dạng , đặc biệt và hấp dẫn như vậy .

Em Làm có tới trường sau giờ diễn để đưa chúng tôi về nhà của Làm ở trong làng này . Nhà Làm có 4 phòng , rộng rãi . Em Làm gốc ở Qui Nhơn sang Na Uy từ năm 1978 sau khi đi vượt biển . 10 năm sau , Làm làm giấy đưa vợ và con gái sang . Từ khi đoàn tụ gia đình , vợ chồng Làm sanh thêm hai con gái tên Nhụy (14 tuổi) và Lan (12 tuổi) . Làm có công việc làm vững chắc tại một nơi sản xuất cá hồi (salmon / saumon) ngon và mắc nhứt Na Uy . Chương , vợ Làm , giúp việc tại một nơi bán thức ăn ở trường đại học Bergen . Con gái lớn (28 tuổi) mới thành lập gia đình hồi tháng 7 , và hiện sống tại xứ Ðan Mạch .

Làm nấu canh chua đầu cá, làm món cá chiên dầm nước mắm tỏi ớt , và một dĩa tôm xào rau . Bữa cơm gia đình rất ngon và đậm tình đồng hương . Chúng tôi uống rượu đỏ Úc châu, và sau đó uống cà phê, ăn bánh ngọt . Ở chơi với gia đình Làm cho tới 18 giờ mới từ giã ra về .

Tôi về khách sạn , đi tắm hơi thỗ nhĩ kỳ , rồi sau đó đi xuống phòng ăn của khách sạn ăn sơ cho ấm bụng .

 Image

Tối nay Finn Cato và tôi đi coi hát bóng tuồng Cobilateral với Tom Cruise tại rạp hát bóng ở Bergen . Rạp này có 12 phòng chiếu phim . Âm thanh nổi , ngồi ghế thật tiện nghi . Khán giả Na Uy thích ăn uống trong rạp . Ða số đều mua bắp rang , kẹo, bánh , nước uống mang vào rạp vừa coi phim vừa nhai bắp rang .

Chúng tôi trở về khách sạn cũng 12 giờ khuya . Tối nào tôi cũng viết du ký trưóc khi đi ngủ vì nếu không viết sẽ quên và để qua ngày có khi không còn thì giờ viết đầy đủ .

 

Bergen thứ ba 26 tháng 10, 2004

Sáng nay chúng tôi rời khách sạn lúc 8giờ 45 đi tới trường Fertnès skole ở vùng Asane . Ðiều làm chúng tôi ngạc nhiên là ngôi trường này có một phòng trình diễn âm nhạc mới vừa cất xong chưa có ai trình diễn hết . Phòng trình diễn này sẽ được khánh thành chánh thức vào ngày 18 tháng 11, 2004 . Chúng tôi là nhạc sĩ đầu tiên diễn trước ngày khánh thành . Vui quá ! Nhạc Việt khai trương bán chánh thức . Phòng rất đẹp có 120 chỗ ngồi . Chúng tôi diễn cho 140 trẻ em xuất đầu cho các lớp 3 và 4 ( 9 và 10 tuổi) . Xuất thứ nhì cho trẻ em lớp 1 và 2 (7 và 8 tuổi) và xuất thứ ba cho các lớp 6 và 7 ( 11 và 12 tuổi) . Cả ba xuất đều thành công như mọi khi . Có một bà thầy viết lời khen :

« Ông bà diễn hay quá sức. Các trẻ em ngồi lặng thinh để nghe , điều này rất hiếm vì phần đông chúng hay động đậy và nói chuyện trong lúc trình diễn . Như vậy chứng tỏ chúng rất thích . » (Your performance was fascinating. All our children kept silent to listen to your music which was very rare because normally they kept on talking during the performance. This proved that they liked your music very much)

Chúng tôi về khách sạn có gọi điện thoại lại tiệm cơm Việt Nam « Bamboo Marken » do em Ðỗ Châu Toàn làm chủ để dặn chỗ đi ăn lúc 16giờ 30 .

Tôi đi tắm hơi và sau đó ăn bánh kẹp Na uy xong là tới giờ đi lại tiệm cơm « Bamboo Marken » ở ngay trung tâm thành phố, cách khách sạn độ 15 phút đi bộ . Dọc đường gặp em Diệp, một nữ sinh viên mà chúng tôi đã gặp ngày đầu tiên tại nhà cháu Sơn . Cô này đưa chúng tôi tới tiệm cơm và chào từ giã .

Vào nhà hàng « Bamboo Marken », chúng tôi rất ngạc nhiên là nhà hàng trang trí rất đẹp và rất Việt Nam . Cô dọn bàn mặc áo tứ thân , và cậu dọn bàn cũng mặc quần áo Việt nam . Trên tường treo những tranh Việt Nam, tường sơn màu nâu và trắng hạp với bàn ghế theo kiểu Việt Nam . Có thể nói đây là nhà hàng có đầy màu sắc rất Việt Nam mà chúng tôi không chờ đợi . Em Toàn , chủ nhà hàng ra chào chúng tôi và mời vào bàn ăn . Vợ, tên Vân , người miền Nam, ở Trà Vinh, là đầu bếp chánh, mặc quần áo theo kiểu bếp chánh tây phương . Chưa ăn mà chỉ nhìn thấy bao nhiêu đó là cảm thấy nhà hàng này có thể nấu ngon . Cầm thực đơn thì thấy toàn là các món ăn thuần túy Việt Nam .

Chúng tôi ăn mấy món ăn chơi như gỏi cuốn, chả giò . Gỏi cuốn ăn với tương , cuốn rất chặc, và chả giò làm bằng bánh tráng đúng theo hương vị Việt Nam và có đủ các loại rau như rau hún, ngò, rau tía tô . Sau đó tôi ăn bánh xèo có tôm , thịt heo, giá, đậu xanh và các rau như xà-lách, tía tô, rau dấp cá, ngò, rau hún , không thiếu rau gì hết . Chén dĩa hoàn toàn Việt nam , đũa làm bằng gỗ mun để vào trong một hộp bằng tre trình bày rất thẩm mỹ . Em Toàn mời chúng tôi ưống rượu đỏ của Ý rất ngon chứng tỏ là chủ nhà hàng biết lựa rượu ngon . Ly uống rượu , ly uống nước đúng theo luật ăn uống tây phương . Chúng tôi rất hài lòng và mến phục hai em Toàn và Vân chịu khó học hỏi và có đầu óc muốn bảo vệ văn hóa Việt Nam qua các thức ăn thuần túy . Bạch Yến ăn món chạo tôm có bánh tráng dẽo ngon , chấm với tương ngọt . Anh Finn Cato cũng có đi theo ăn , lựa món hoành thánh, rồi nem nướng . Ăn khen luôn miệng vì khám phá thêm một vài món Việt Nam . Tới phần tráng miệng, anh này ăn món kem chiên với khóm rất lạ miệng . Tôi ăn món chuối hấp nước cốt dừa, còn Bạch Yến thì ăn món khoai mì nướng . Bữa ăn hôm nay do hai vợ chồng Toàn – Vân đãi chúng tôi . Mới gặp nhau lần đầu mà đã mến chúng tôi . Em Vân đã từng có xem Bạch Yến đi môtô bay năm 1956 tại hội chợ Thị Nghè và vẫn còn nhớ Bạch Yến mặc quần áo trắng và thắt khăn đỏ . Hình ảnh đó đã in sâu vào tâm não của Vân cho tới ngày hôm nay, gần 50 năm sau mà vẫn còn nhớ .

 Image

Chúng tôi kiếu từ ra về lúc 20giờ 30 và rất vui sướng là thấy tại Bergen ít ra cũng có một tiệm cơm thuần túy Việt Nam không có một món Tàu nào trong thực đơn và rất chú trọng tới cách trưng bày thức ăn sao cho đẹp mắt , và gia vị đúng mùi vị món ăn Việt . Hy vọng là chúng tôi có dịp trở lại tiệm « Bamboo Marken » trong thời gian còn ở tại Bergen lần này để thưởng thức thêm các món khác .

Trở về khách sạn, tôi chuẩn bị đi ngủ sớm để hôm sau còn phải diễn thêm ba buổi nữa .

 Image

 

Bergen thứ tư 27 tháng 10, 2004

Hôm nay khởi hành trễ hơn . 8giờ 45 mới rời khỏi khách sạn đi tới trường Haukedalen Skole ở vùng Asane . Tới trường đã có bà phó hiệu trưởng trường tiếp đón đưa vào phòng diễn . Học trò đang sửa soạn nơi diễn . Mỗi buổi diễn có 150 học trò tới nghe .

Xuất đầu vào lúc 10giờ 20 cho các lớp từ 1 tới 7 nhập chung tất cả mọi lứa tuổi . Bà phó hiệu trưởng có tham dự buổi này rất thích và đã thuyết phục bà hiệu trưởng trường tới nghe chúng tôi vào xuất thứ nhì dành cho trẻ em lớp 1 tới lớp 3 (6 tới 8 tuổi) . Trước khi diễn chúng tôi được nghỉ 30 phút , được mời ăn trưa với bánh mì thịt nguội, phô mai , uống trà .

Xuất thứ nhì bắt đầu lúc 11 giờ 30 cũng thành công như xuất đầu . Bà hiệu trưởng nói với tôi rằng chương trình quả thật đặc biệt và thu hút cả thầy lẫn trò .

Xuất thứ ba dành cho học sinh lớp lớn hơn từ lớp 4 tới lớp 7. Học sinh hiểu tiếng Anh hơn và rất được hoan nghinh . Một ông thầy dạy nhạc tới bắt tay tôi và nói :

« Tôi dạy nhạc và biết ít nhiều về nhạc . Tôi khám phá nhiều nhạc khí hôm nay và đặc biệt là kỹ thuật hát đồng song thanh của ông thật tài tình . Tôi ít khi được chứng kiến một buổi trình diễn hay như vậy . Cám ơn ông bà đã đến đây biểu diễn thật là quý cho chúng tôi và cho học sinh trường này »

Chúng tôi về khách sạn và đi bộ vào trung tâm thành phố Bergen để tới một tiệm ăn á châu khác để khám phá thêm . Tiệm này có tên Na Uy « Brod og Vin » thu hút rất nhiều sinh viên Na Uy vì giá rẻ hơn những nơi khác và ở gần khu đại học . Những món ăn cơm dĩa Tàu giá 55 kronors (8 Euros / 9 US dollars) đủ các món thịt gà xào rau, gà cà ri, bò xào mì , bò xào chua ngọt , heo xào rau thập cẩm, tôm mực sốt chua ngọt . Mỗi món đều có cơm đi theo , đủ chất bổ cho sinh viên . Tiệm lúc nào cũng đông khách . Trong tiệm có 4 cô á châu (Việt gốc Tàu) lo nấu và dọn bàn rất chuyên nghiệp và trẻ . Chúng tôi ăn thử một cơm dĩa tôm và mực sốt chua ngọt ăn khá ngon vì đây là quán cơm bình dân .

Trở về khách sạn , chúng tôi ăn bánh kẹp và uống cà phê . Buổi tối tôi đi tắm sauna rồi đi ăn cơm ở buffet của khách sạn . Có cháu Sơn tới thăm chúng tôi và mang tặng mấy trái lựu và vài đôi vớ ấm na uy làm bằng len để chúng tôi đừng bị trúng lạnh . Ngoài ra hai em Vinh và Hà có gọi điện thoại mời chúng tôi tới ăn tôm mắm chủ nhật 31 tháng 10 . Hai em Nho và Hồng mời chúng tôi ăn cơm tối thứ năm 28 tháng 10 . Cháu Sơn muốn mời chúng tôi dùng một bữa cơm trước khi chúng tôi trở về Paris . Mới biết rằng người Việt ở Bergen rất hiếu khách và rất yêu mến nghệ sĩ và ngưòi đồng hương .

 

Bergen thứ năm 28 tháng 10, 2004

Sáng nay chúng tôi rời khách sạn lúc 8giờ 40 . Tới trường Eidsvag skole lúc 9giờ 15. Ðủ thì giờ để chuẩn bị . Hôm nay diễn hai xuất thôi . Xuất đầu vào lúc 10giờ 10 cho trẻ em từ lớp 1 tới lớp 7 (6 tới 13 tuổi) rất khó vì chúng không cùng lứa tuổi . Nhưng chúng tôi vẫn đạt kết quả tốt . Sau đó được mời uống cà phê và ăn bánh ngọt tại phòng các giáo viên . Xuất nhì bắt đầu 11giờ30 thành công hơn . Học trò xin chữ ký và hai bà thầy đã viết vào sổ lưu niệm khen chương trình rất hạp với trẻ em Na Uy .

Sau khi về khách sạn lúc 13 giờ , anh Finn Cato và tôi đi ăn cơm Tàu ở tiệm Yang Tse Kiang ở đối diện với chợ cá để thay đổi thức ăn . Tôi ăn món thịt bò xào rau thập cẩm, còn anh Finn Cato ăn món vịt . Sau đó tôi đi lại tòa soạn báo Bergen Tidende , một tờ báo lớn nhứt của Bergen để đưa tài liệu chúng tôi lưu diễn tại Bergen để báo này có thể gởi ký giả tới xem chúng tôi diễn cho trẻ em tại trường học .

Trở về khách sạn, tôi đi tắm hơi và chờ tới giờ đi lại nhà Hồng Nho ăn cơm tối .

17giờ 40 chúng tôi cùng anh Finn Cato đi lại nhà Hồng Nho . Hai vợ chồng này sang Na Uy từ năm 1979 . Sau 25 năm sinh sống tại đây, Hồng hành nghề kế toán, còn Nho thì dạy tiếng Na Uy cho những người di dân mới tới Na Uy sinh sống . Các con đều học thành tài và có nghề nghiệp vững vàng . Một gia đình Việt Nam thành công ở Na Uy . Nhà của Hồng Nho rất đẹp, ngự trị trên một đồi cao, có phong cảnh rất đẹp .

 Image

Tối nay , Hồng Nho đãi chúng tôi món lẩu đồ biển (tôm, cá và mực) nhúng nước dùn . Rau thì có nấm đông cô, nấm tây, mướp, su bông (chou fleur / cauliflower), broccoli, uống rượu đỏ. Thức ăn rất ngon , bầu không khí thân mật . Anh Finn Cato khám phá thêm một gia đình Việt Nam . Chúng tôi muốn anh người Na Uy này biết người Việt tới xứ Na Uy đã tạo nên sự nghiệp ra sao và thấy rõ từng lớp người Việt sinh sống ra sao . Muốn biết rõ đời sống ra sao thì chỉ có vào bên trong gia đình mỗi người mới có một cái nhìn xác thực . Sau khi ăn xong , tới phần tráng miệng có cà rem, nhãn hộp, trái cây tươi, chocolat . Một bữa ăn thịnh soạn và chúng tôi đã sống một buổi chiều thật vui vẻ .

Tới 22 giờ chúng tôi kiếu từ ra về . Anh Finn Cato rất cảm phục sự thành công của gia đình Hồng Nho và sự khắc phục tiếng Na Uy của vợ chồng Hồng Nho .

Chúng tôi rất mừng là được dịp cho một người Na Uy nhìn thấy đời sống thật sự của người Việt và tạo cho người Na Uy nể phục người Việt hơn .

 

Bergen 29 tháng 10, 2004

Hôm nay có tới ba xuất diễn . Chúng tôi phải thức sớm . 6giờ 30 tôi đã thức dậy, đi ăn lót lòng lúc 7giờ và rời khách sạn khoảng 7giờ 45 . Ði lạc đường , tới trường đầu tiên Kalvakaet Skole diễn cho 200 trẻ em . Ðây là buổi diễn cho nhiều học trò nhứt trong chuyến đi này vào lúc 9giờ 15 . Tuy đông nhưng học trò rất chăm chỉ và theo dõi từng tiết mục . Diễn xong , chúng tôi phải thu xếp đồ đạc để đi tới một trường khác ở cách đó 15 phút lái xe .

10 giờ 35 chúng tôi tới trường Kyrkjekrinsen Skole . Nơi đây không có phòng thay đồ ở cạnh nơi diễn , phải lấy sân khấu tạm dùng làm phòng thay quần áo và diễn tại phòng thể thao lớn . Xuất thứ nhì bắt đầu 11giờ 30, trễ 15 phút , học trò toàn là nhỏ không nhưng rất có kỹ luật . Xuất thứ ba lúc 12giờ 30 dành cho học trò lớn hơn , có vài học trò ngồi xe lăn . Kết quả rất thành công .

14 giờ , trở về khách sạn . Chúng tôi ba người đi ăn cơm tàu ở tiệm China Palace, một trong vài tiệm cơm tàu lớn nhứt (200 chỗ) ở Bergen ở ngay trung tâm thành phố . Bạch Yến ăn món tôm xào với hột điều, tôi ăn vịt nước cam, và Finn Cato ăn vịt xì dầu . Món ăn nấu rất ngon . Cơm theo kiểu Tứ Xuyên .

15giờ 30 tôi có hẹn với GS Tom Solomon , người Mỹ sang dạy ở Bergen môn dân tộc nhạc học. Anh này chuyên về nhạc xứ Bolivia (Nam Mỹ) . Anh Tom Solomon có mời tôi sang diễn tại trường quốc gia âm nhạc ở Bergen hồi tháng 4 vừa qua . Lần này gặp nhau chỉ để chào hỏi thôi . Anh ấy sắp đi sang Mỹ dự hội nghị dân tộc nhạc học của Society for Ethnomusicology tại Minneapolis , tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ từ 3 tới 7 tháng 11.

Chiều nay tôi đi tắm hơi thỗ nhĩ kỳ rồi ăn cơm tại khách sạn chứ không có chương trình gì đặc biệt cả . Tối nay tôi đi coi hát bóng với Finn Cato tuồng « Sky Captain and the World of To-morrow » với Judie Law và Angeline Jolie, một tuồng khoa học ảo tưởng .

 

Bergen thứ bảy 30 tháng 10, 2004

Sau hai tuần trình diễn 25 buổi, tôi thức dậy trễ hơn bình thường . Suốt buổi sáng ở trong phòng, viết bài tham luận cho kỳ hội nghị vào năm tới mà tôi sẽ tham dự vào tháng 8, 2005 ở Sheffield , Anh Quốc .

Tôi  tới phòng của Bạch Yến tập dượt chương trình sẽ diễn chiều nay do Ðỗ Châu Sơn tổ chức tại phòng Bul Fensal, ở đường Kong Oscarsgaten 15.

14giờ tôi đi tắm hơi cho khỏe .

15giờ em Làm tới khách sạn đón Finn và tôi đi lại phòng diễn để trang bị máy móc âm thanh và đèn . Phòng rất đẹp có 150 chỗ ngồi rất trang nhã .

17giờ 20 Bạch Yến tới , thay quần áo diễn và chờ khán giả tới

18giờ 15 cháu Sơn lên sân khấu giới thiệu chương trình .

Bạch Yến trình bày nhiều bài dân ca từ ba loại ru con Bắc Trung Nam, đến các thể loại ngâm thơ sa mạc, lẩy Kiều, tao đàn, ngâm thơ theo kiểu cải lương , dân ca Cò lả, Lý con sáo Trung, Hò Hụi, Hái Hoa . Tôi biểu diễn các loại đàn môi xứ Ya kút-xia, Phi luật Tân, Nam dương , Trung Quốc và Việt Nam , đàn tranh, đàn cò, sinh tiền , muỗng , đàn bầu và hát đồng song thanh . Một chương trình thu ngắn trong một giờ nhưng đầy đủ các tiết mục .

 Image

Suốt một giờ trình diễn, chúng tôi chinh phục khán giả Na Uy và Việt Nam . Ai cũng thích và vỗ tay không ngừng .

Diễn xong, chúng tôi được tặng hoa rất đẹp . Chúng tôi có dịp gặp lại gia đình anh Phát sau 25 năm . Anh Phát đã gặp chúng tôi tại khách sạn Victoria vào năm 1979 khi anh ấy mới tới Bergen sau khi được tàu Na Uy vớt . Lúc đó chúng tôi đang diễn tại Bergen . Một dịp may cho chúng tôi là gặp nhóm người Việt Nam đầu tiên tới Bergen (khoảng 200 người) . Một chương trình sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại khách sạn và đã in sâu trong đầu những người tỵ nạn mà cho tới sau 25 năm họ vẫn còn nhớ . Một số khán giả Na Uy tới bắt tay khen chúng tôi và họ rất khâm phục và thích nhạc Việt . Mấy em nhỏ sinh ra ở Na Uy cũng tới khen chúng tôi . Ðó là những phần thưởng vô giá đối với chúng tôi . Chúng tôi đã giúp cho mấy em trẻ Việt Nam thấy một phần nào gia tài âm nhạc Việt Nam và mong rằng chúng sẽ tiếp tục khám phá thêm nhạc Việt trong tương lai .

Một số đông khán giả ở lại trò chuyện và ăn chả giò, bánh bao, bánh ngọt chocolat, nước suối, cà phê, trà . Chúng tôi chụp hình kỷ niệm với khán giả, với ban tổ chức để lưu niệm . Ban tổ chức chỉ có Sơn, Làm và gia đình, Tuấn và gia đình và một vài chị giúp chiên chả giò và làm thức ăn thiện nguyện . Tuy ít nhưng có tinh thần và trách nhiệm, biết phân chia công việc và hết lòng với nhau. Có hai cô Diệp và Thảo là sinh viên từ Việt Nam sang du học cũng tới giúp . Ðiều quan trọng là đặt văn hóa lên trên mọi chính kiến chính trị .

Khoảng 21giờ 40 mọi người từ giã ra về . Chúng tôi trở về khách sạn còn được tặng một số chả giò và bánh . Sau đó Bạch Yến , Finn và tôi đi coi hát bóng tuồng về xã hội Hoa kỳ với cảnh chiến tranh ở Kuwait năm 1991 và hậu quả của chiến tranh này đối với một toán quân bị đầu độc bằng cách bị sai khiến do một ống thuốc để vào trong người . Tuồng do Wenzel Washington, một tài tử Mỹ đen đóng rất hay và Meryl Streep đóng vai người mẹ muốn cho con mình trở thành tổng thống mà làm bất cứ chuyện ác độc để đi tới đích .

 ImageImage

Tối hôm nay là lễ Haloween. Trẻ em hóa trang và cắt trái bí rợ thành hình đầu người có gắn đèn bên trong . Và cũng tối hôm nay , bắt đầu giờ mùa đông , tức là lui lại một giờ .

 

Bergen chúa nhựt 31 tháng 10, 2004

Suốt ngày hôm nay ở trong phòng nằm nghỉ . Trời bên ngoài mưa hoài nên không có đi ra ngoài hay đi viếng vài viện bảo tàng như chúa nhựt vừa rồi .

15 giờ đi tắm hơi . Ăn bánh kẹp sau đó .

16giờ 10 cháu Hiển đến đón về nhà hai em Vinh – Hà để ăn cơm tối . Tới nơi thì thấy có rất nhiều người đã ngồi chờ . Nào hai em Vinh – Hà, chủ nhà, em Hồng, vợ chồng Vinh – Nguyên, vợ chồng anh Quang , và một cặp vợ chồng người Na Uy rất thương người Việt .

Mọi người chào hỏi chúng tôi . Anh bạn Finn Cato cũng được chúng tôi đưa tới gia đình này để cho anh ta thấy người Việt sống như thế nào .

Nhập tiệc sau đó . Hôm nay Vinh – Hà đãi chúng tôi món ăn mắm tôm, và bì bún . Món mắm tôm làm ở Hoa kỳ do một người miền Trung làm . Món bì do Hà làm với sự phụ giúp của mấy cháu .

 Image

Mọi người ăn và hàn huyên vui vẻ . Tôi ngồi cạnh anh Quang , quê ở Cầu Lộ gần nhà của bà cố tôi ở Vĩnh Long . Anh Quang , sinh năm 1937, có vợ là chị Tú (tuổi Canh Thìn) lúc trước có học với Má tôi ở trường Gia Long . Tôi với anh Quang nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa lúc tôi ở Vĩnh Long từ năm 1949 tới 1954 . Tôi có cảm tưởng như thành phố Vĩnh Long hiện ra trước mắt tôi , hình ảnh tôi chỉ còn nhớ trong ký ức mà nếu tôi có dịp về Vĩnh Long bây giờ chắc không thể nào nhận ra nơi tôi ở thời ấu thơ sau 50 năm xa cách . Tôi không ngờ là sau 50 năm tôi có thể gặp lại người cùng tỉnh, biết Má tôi, miếu cây da, nha bưu điện, rạp hát bóng duy nhứt , tòa nhà đức tổng giám mục Ngô Ðình Thục . Những người thày như ông Thàn, ông Tệt , cô giáo Muối, Tuấn bạn học cùng lớp với tôi và cũng là bạn học với anh Quang ở trung học .

Anh Quang sang Na Uy năm 1988 và hiện còn đang làm việc trong khi chờ đợi ngày hưu trí .

Tới phần ăn tráng miệng có món bánh lọt do chị Nguyên , vợ anh Vinh (nhà thơ Ðăng Trình) làm . Ngoài ra có trái cây , cà phê, trà khổ qua .

Cả nhà yêu cầu tôi hát bài « Xổ số kiến thiết quốc gia » của chú Ba Trần Văn Trạch , và nhờ tôi biểu diễn muỗng cho mấy đứa nhỏ trong nhà được thưởng thức .Tôi có giải thích kỹ thuật hát đồng song thanh cho cặp vợ chồng người Na Uy, ông bà Leif Maroy, vì ông này có đến dự buổi trình diễn của chúng tôi tối hôm qua và rất thích chương trình nhạc Việt .

20giờ 30 chúng tôi kiếu từ ra về và hẹn sẽ gặp lại nhau trong tương lai mà không biết bao giờ vì chúng tôi nghĩ rằng sẽ hiếm có cơ hội trở lại Bergen trong những năm sắp tới , nhứt là sau gần 7 tuần sống ở Bergen trong năm 2004 với 73 buổi trình diễn cho học sinh . Dù sao đây cũng là một kỷ niệm khó quên với những người đồng hương mà chúng tôi may mắn gặp và biết được sự thành công của một số người sau một phần tư thế kỷ sinh sống trên đất Na Uy .

Anh Chị Quang đưa chúng tôi về khách sạn . Rất tiếc là chúng tôi phải đi ngủ sớm nên không có ghé lại nhà anh chị Quang . Anh Quang có lái xe đi ngang nhà anh chị , chỉ cho chúng tôi biết nơi ở và nói với chúng tôi là nhà của anh chị lúc nào cũng mở cửa đón chúng tôi .

Chỉ còn có một tuần nữa là xong chuyến đi Bergen . Mau quá ! Thời giờ còn lại không biết có còn gặp lại các bạn đồng hương nữa hay không ?

 

Bergen thứ hai 1 tháng 11, 2004

 

Ở Na Uy ngày 1 tháng 11 không phải là ngày lễ Các Thánh như bên Pháp , mà là ngày thường. Học trò vẫn đi học và tất cả tiệm tùng đều mở cửa . Chúng tôi rời khách sạn lúc 9giờ để đi lại trường Hordvik Skole ở một nơi xa nhất của vùng Asane . Lái xe mất trên 30 phút , lại đi lạc đường . Sau cùng tìm được trường chỉ còn có 40 phút . May là có học trò tiếp mang vật liệu vào phòng diễn . Nơi đây có sân khấu . Chúng tôi diễn trên sân khấu , học trò ngồi ghế nghe nhạc như trong phòng hòa nhạc . Xuất đầu bắt đầu lúc 10giờ 45 và xuất thứ nhì lúc 11giờ 40 . Học trò ngồi im để nghe và chương trình thu hút học sinh như mọi khi . Diễn xong, lo thu xếp đồ đạc , trở về khách sạn lúc 13giờ 30 .

Hôm nay chúng tôi trở lại tiệm cơm Thành Ðạt để ăn trưa . Cháu Thúy nấu món gà xé phai ăn với cháo rất ngon . Sau đó cháu Thúy đưa cho chúng tôi hai cái áo lạnh Na uy của Vinh – Hà tặng cho chúng tôi . Thật là bất ngờ . Vinh có nói với tôi là bên Na Uy mua áo lạnh đặc biệt Na Uy phải biết lựa cho đúng kiểu và đúng hiệu thì mới có áo tốt . Thế là Vinh mua tặng 2 áo cho chúng tôi mà không có nói trước, làm chúng tôi ngạc nhiên trước cử chỉ đẹp đó và rất cảm động . Tôi liền mặc áo thấy vừa vặn và đi dạo phố với chiếc áo mới . Bên ngoài trời mưa lâm râm khi chúng tôi tới internet càfé để kiểm thơ .

 Image

Trở về khách sạn thì đúng vào lúc ăn bánh kẹp Na Uy và luôn dịp ăn cơm tối vì lúc đó gần 18giờ . Ăn xong tôi đi tắm hơi, còn Bạch Yến về phòng nghỉ .

Tối nay , Sơn đến khách sạn để cùng đi với chúng tôi nghe nhạc Baroque với Tango hòa chung với nhau tại  Ludvig Bar ở Hotel Neptun gần khách sạn nơi chúng tôi ở . Chương trình này do ông Gabriel , giám đốc của hội Columbi Egg tổ chức . Khi chúng tôi tới , ông Gabriel đã từng tổ chức cho tôi diễn hồi tháng 4 vừa qua, tiếp đón và chào hỏi chúng tôi . Rồi mời chúng tôi vào phòng diễn ngồi tham dự chương trình này .

Ðúng 20giờ 30 , chương trình bắt đầu . Hai nhạc sĩ Na Uy , từng sống bên Pháp, trình diễn thật điêu luyện, rất được khán giả tán thưởng . Một người đàn bandoneon, một loại phong cầm của xứ Á căn đình chuyên dùng cho loại nhạc tango, cùng với một nhạc sĩ khác đàn trung hồ cầm (violoncelle / cello) chuyên đàn nhạc baroque, Johan Sebastien Bach . Hai loại nhạc hòa chung tạo một màu sắc đặc biệt . Tôi được mời lên biểu diễn hát đồng song thanh, đàn môi và muỗng rất được tán thưởng . Ðến nghe nhạc mà được mời lên trình diễn , góp phần vào chương trình tối nay thấy vui trong lòng .

23 giờ  chấm dứt chương trình . Sơn đưa chúng tôi về khách sạn . Một buổi tối rất vui vẻ và thoải mái , lỗ tai đầy âm nhạc . Cháu Sơn là một người Việt rất hiếm ở Bergen thích tìm hỏi đủ loại nhạc để mở mang trí tuệ. Tuổi còn trẻ mà có đầu óc như thế quả thật hiếm có trong thời buổi này . Cháu lại rất giỏi về môn ảo thuật . Có biểu diễn cho chúng tôi xem những trò ảo thuật bẻ muỗng , dấu đồng tiền, và một số trò rất điêu luyện . Mới biết là cháu là hội viên của hội ảo thuật của Na Uy. Cháu thường đi tham dự những chương trình ảo thuật của Na Uy và biểu diễn ảo thuật cho những buổi sinh hoạt cộng đồng Việt Nam tại Bergen .

Chúng tôi đi ngủ lúc 1giờ sáng .

 Image

Bergen thứ ba 2 tháng 11, 2004

Hôm nay diễn 3 xuất. Tôi thức 6giờ 30, đi ăn sáng lúc 7giờ .

8giờ rời khách sạn . Tìm được trường dễ dàng vì trường này gần trường hôm qua . Chuẩn bị xong xuôi còn dư giờ . Xuất đầu cho trẻ em lớp 1, 3 và 4 . Bà hiệu trưởng giới thiệu chúng tôi, xong tôi ra chào mấy em nhỏ . Lần này tôi diễn ngắn lại vì thời giờ không đủ . Học trò tới phòng trễ 10 phút vì phải đi từ lớp tới nơi diễn và phải chờ tất cả là 6 lớp . Tuy ngắn hơn nhưng vẫn đầy đủ chứ không có bớt tuồng . Xuất thứ nhì kế tiếp cho lớp 2, 3 và 5 . Bà hiệu trưởng vẫn có mặt vì rất thích và muốn quan sát coi phản ứng của trẻ em như thé nào . Kết quả là rất thành công .  Sau đó chúng tôi được nghỉ 30 phút . Trường đãi chúng tôi ăn trưa với bánh mì thịt nguội, phô mai và uống cà phê . Trường này có đông giáo sư dạy nhạc . Có lớp dạy đàn ghi-ta , và có 3 thầy dạy nhạc (piano, ghi-ta và trống ) . Mấy người thầy dạy nhạc đặt câu hỏi về nhạc và giọng hát cũng như kỹ thuật đánh muỗng . Tôi chứng minh cho họ thấy là học hát đồng song thanh chỉ mất vài phút . Một cô giáo thử tập . Chỉ có một phút là cô ấy hát được hai giọng trước sự ngạc nhiên của toàn thể thầy cô giáo .

Bà hiệu trưởng tặng cho chúng tôi một hộp phô mai ngọt với sữa dê (goat cheese / brunost) vì thấy chúng tôi loại phô mai này .

Xuất chót vào lúc 11giờ30 cho lớp lớn hơn từ lớp 5, 6 , 7 . Có 5 em Việt Nam trong phòng . Diễn xong, học trò ùa lại xin chữ ký . Bà hiệu trưởng có tới dự lần thứ ba và đã thấy qua ba xuất , với ba trình độ khác nhau mà kết quả đều như nhau . Bà nói với tôi :

« Ông chinh phục trẻ em quá dễ dàng . Tôi không ngờ là chúng ngồi im theo dõi và ngoan ngoản không làm ồn, chứ bình thường chúng hay làm ồn lắm . » (You have easily dominated the children . I am surprised that they kept silent and followed the concert and behaved very well without making noise. Normally they make noise during concerts . )

Chúng tôi có chụp hình với các em Việt Nam và bà hiệu trưởng . Tính ra tới ngày hôm nay chúng tôi đã diễn 30 buổi . Chỉ còn có 8 xuất nữa là xong chuyến đi này .

Về khách sạn hãy còn sớm , chúng tôi đi nghỉ vì chiều nay sẽ đi ăn cơm ở tiệm Việt « Bambus Marken » do em Toàn làm chủ .

16giờ, chúng tôi đi lại tiệm của Toàn ăn cơm .Hôm nay tôi ăn bánh xèo, cơm hấp lá sen có tôm, thịt gà, hột sen làm rất ngon . Bạch Yến ăn món cá kho tộ và rau muống xào tỏi . Uống rượu đỏ . Anh Finn Cato ăn món chả giò và bún cà ri gà . Ăn xong tính tiền thì được bớt 50 % . Chúng tôi ngạc nhiên trước cử chỉ quá tốt đó . Không ngờ chỉ mới quen mà Toàn và Vân đã đối đãi thật nồng hậu . Sau đó còn đãi trà với chà là và bánh đậu xanh Việt Nam . Ngồi nói chuyện chơi một lát có Làm tới tiệm, gặp nhau nói chuyện một hồi tới 20 giờ . Sau đó đi lại tiệm Internet cà phê kiểm thơ trả lời rồi về phòng .

Tối nay tôi thức xem kết quả bầu cử bên Mỹ vì hôm nay là ngày bầu cử tổng thống bên Mỹ . Không biết ông Bush sẽ tái cử hay ông Kerry sẽ thắng cử . Rốt cuộc tôi chưa biết kết quả là tôi buồn ngủ quá nên đi ngủ .

 

Bergen thứ tư 3 tháng 11, 2004

5giờ 30 tôi thức dậy , mở truyền hình xem để theo dõi cuộc bầu cử tổng thống xứ Mỹ . Vẫn chưa biết kết quả cho tới lúc phải rời khách sạn để đi trình diễn ở trường Flaktveit skole ba xuất .

Xuất đầu vào lúc 10giờ 15 cho lớp 1 và 2, học trò rất nhỏ chưa quen nghe tiếng Anh nhưng tôi không nói nhiều mà làm nhiều trò hơn để cho chúng nghe nhạc và phụ họa với tôi . Tùy theo từng lớp của học trò mà tôi thay đổi cách trình diễn . Xuất thứ nhì bắt đầu 11giờ 30 cho lớp 3, 4, 5 . Lớp tuổi này biết nghe tiếng Anh và theo dõi chương trình chăm chỉ . Xuất thứ ba cho lớp lớn 5, 6 , và 7 . Ðây là lớp tuổi dễ cho chúng tôi biểu diễn . Học trò rất thích , huýt sáo sau buổi bài bày tỏ sự ham thích .

 Image

Trưa nay chúng tôi đi ăn cơm ở tiệm Sze Chuan House, ở đường Nedre Korskirkeallm. 9, một tiệm nhỏ nhưng ăn tàu Tứ Xuyên không mắc lắm.

Chiều nay cháu Sơn tổ chức một bữa ăn hải sản đãi chúng tôi lúc 17 giờ . Bạch Yến , Finn Cato và tôi là khách chánh . Ngoài ra có Làm, em Diệp (tuổi Mậu Thân), em Thảo (tuổi Quý Sửu), anh Lai (giáo sư dạy tiếng Việt ở các trường ở Asane), em Tuấn . Các món ăn nào có cá hồi sống, un khói, cua, sò biển đủ loại (oysters, coquille Saint Jacques), gỏi gà với loại rau đặc biệt là « tiến vua » chỉ có ở miền Bắc mà thôi . Uống rượu trắng, nước ngọt. Tiệc kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ . Sau đó ăn tráng miệng trái cây (lựu rất ngon, mứt gừng , mứt dừa, chocolat) . Cháu Sơn biểu diễn vài màn ảo thuật rất hay và đặc biệt là dùng bong bóng làm thành những con khỉ trèo cây, con chó, con ngỗng vv… quả thật là có thiên tài .

 

 Image

 

Sau đó tôi từ giã ra về , trời bên ngoài mưa gió lớn , mấy lần làm bật cây dù suýt gảy dù . Về tới khách sạn có em Trần Văn Nho gọi điện thoại nói chuyện trên 1 tiếng đồng hồ .

Tôi có xem tin tức thì biết là ông George Bush tái cử tổng thống thêm 4 năm nữa sau khi kiểm phiếu của tiểu bang Ohio lại một lần nữa vì ai thắng ở Ohio sẽ thắng cử tổng thống . Lúc đó ông Bush được 254 và ông Kerry được 252 . Mà muốn được thắng cử phải có 270 . Rốt cuộc ông Bush thắng ở Ohio và được tuyên bố tái cử tổng thống . Như vậy đảng Cộng Hòa sẽ nắm chính quyền ở Mỹ thêm 4 năm nữa .

 

Bergen thứ năm 4 tháng 11, 2004

Hôm nay diễn 3 xuất nhưng bắt đầu 10giờ 15 nên rời khách sạn lúc 8giờ 45 Rolland Skole. Trường này có sân khấu nên chúng tôi diễn trên sân khấu có đèn đuốc sáng trưng . Xuất đầu dành cho trẻ em lớp 1 và 2 tuổi rất nhỏ . Phải có một bà thầy dịch từ tiếng Anh ra tiếng Na Uy . Diễn xong, bà hiệu trưởng mời chúng tôi tới phòng giáo viên đãi ăn trưa với bánh mì thịt nguội và phô mai rất ngon . Trời bên ngoài mưa nhiều nhưng đối với người Na Uy như vậy chưa phải là mưa . Khi nào mưa là phải có giọt mưa to và phải mưa xối xả chứ không phải mưa lâm râm . Xuất thứ nhì cũng cho lớp nhỏ nhưng thêm lớp 3 và 4 nhưng cũng phải dịch cho chúng hiểu . Xuất thứ ba dành cho lớp 5, 6, và 7 . Ðây là buổi diễn thành công nhất trong chuyến đi này . Học trò vỗ tay và huýt sáo luôn miệng sau mỗi tiết mục . Các người thầy cũng rất thích và say mê theo dõi . Một bà thầy tới nói với tôi :

« Tôi chưa bao giờ được dự một chương trình giới thiệu nhạc cổ truyền linh động như vậy . Tôi sẽ đi thăm xứ ông và sẽ đi nghe nhạc cổ truyền tại trong xứ để tìm hiểu thêm . Cám ơn ông thật nhiều và mong ông trở lại đây trong tương lai » (I have never attended such a fantastic concert of traditional music like this one. I will go and visit your country and will go to concerts of traditional music in your country to appreciate more your music. Thank you very much and hope that you will come back here in the future )

Trưa nay chúng tôi tới tiệm « Bambus Marken » ăn trưa lúc 3 giờ . Tôi ăn món bánh xèo và một tô phở bò viên, có đủ mùi vị và đặc biệt là có đủ rau (ngò gai, rau quế, rau hún, giá, chanh xanh, ớt tươi . Bạch Yến ăn món tôm kho tộ rất đúng khẩu vị , và món rau muống luộc . Finn Cato thích món chả giò với rau xà lách, rau tía tô, rau quế , ngò gai . Sau đó còn ăn thêm món bò bún với thịt gà xào sả ớt với tất cả loại rau kể trên . Ăn món nào đúng mùi món đó , và đặc biệt là trong thực đơn không có một món nào của Tàu cả . Thực đơn chỉ có 20 món và tất cả đều được trình bày rất khéo . Tráng miệng có trái cây tươi đặc biệt Á châu như măng cụt, nhãn, chôm chôm, và bòn bon . Lần đầu tiên tôi thấy trong một tiệm cơm Việt ở Na Uy có đủ trái cây tươi Á châu và nhứt là vào mùa thu, trời lạnh, nhập cảng trái cây tươi rất khó . Tới khi tính tiền thì hai em Vân và Toàn không tính tiền mà còn nói là đãi chúng tôi trước khi chúng tôi trở về Pháp . Hai em nói rằng hai em thấy chúng tôi làm văn hóa , truyền bá âm nhạc trên thế giới làm cho hai em rất hãnh diện đón tiếp chúng tôi và chỉ mong được đóng góp một phần nhỏ vào công việc làm của chúng tôi .

Tôi có nói với hai em Vân và Toàn là hai em cũng đang làm văn hóa qua thức ăn . Mở một tiệm cơm ở Bergen, giữa những tiệm cơm Tàu, cơm Thái, cơm Nhựt mà hai em giữ vững màu sắc Việt Nam từ cách trang trí phòng ăn, tranh ảnh trưng bày và âm nhạc để cho khách ăn nghe (toàn là nhạc cổ truyền và chỉ là nhạc đàn chứ không có hát dùng làm nhạc nền cho thực khách không bị phải nghe nhạc với lời ca mà họ không hiểu), đến bàn ghế, nắp bàn, vật liệu để ăn (đũa, chén , tô, dĩa tất cả đều là Việt Nam, ly khác nhau cho rượu, nước và bia ) . Về thức ăn cũng chú trọng tới thức ăn đúng mùi vị, hạp khẩu vị, không lai căng , không dùng xì dầu mà chỉ dùng nước mắm . Các cô dọn bàn mặc áo tứ thân, đi đứng nhẹ nhàng . Giá cả phải chăng. Tiệm ăn chỉ có 26 chỗ ngồi rộng rãi , thoải mái mở cửa từ 11 giờ sáng tới 15 giờ là dành cho cơm với giá thật rẻ , và từ 15 giờ tới 23 giờ là ăn theo thực đơn . Chúng tôi đã tới đây ăn mấy lần , ăn món khác nhau để cho biết coi đầu bếp có giỏi hay không và có biết cách nấu theo đúng truyền thống cơm Việt hay không . Sau vài lần, chúng tôi nhìn nhận người bếp chánh quả thật nấu cơm ngon, và giỏi . Hỏi ra mới biết em Vân đã về Việt Nam học nấu ăn trước khi mở tiệm . Tôi hy vọng rằng tiệm này sẽ là nơi đáng dùng làm nơi giới thiệu các món ăn Việt thuần túy tại Bergen và có thể cho toàn xứ Na Uy .

 Image

Tôi đã đi ăn nhiều tiệm Việt Nam trên thế giới mà thú thật đây là lần đầu tôi rất lấy làm vui mừng thấy có một tiệm cơm mang màu sắc đặc biệt Việt Nam từ A tới Z .

 

Trở về khách sạn thấy có một bao thơ của em Trần Văn Nho gởi vài CD nhạc của Nho sáng tác để nhờ tôi mang về cho em Minh Châu, Tuyết Dung và Thu Hiền ở Pháp .

Sau đó tôi đi tắm hơi thỗ nhĩ kỳ lấn chót tại đây . Cháu Sơn có tới thăm chúng tôi và mang quà ảo thuật tặng cho Bạch Yến . Chúng tôi thấy cháu Sơn còn nhỏ tuổi mà có đầu óc rất nặng về việc bảo vệ văn hóa Việt Nam tại Na Uy. Cháu làm việc đắc lực, hữu hiệu, không nề hà tốn kém khi biết việc mình làm có thể mang lại tiếng tốt cho văn hóa Việt Nam .

Tôi lo sửa soạn hành lý để sáng mai rời khách sạn sớm , đi diễn hai xuất rồi đi ra phi trường để về trở lại Pháp sau ba tuần diễn cho các trẻ em Na uy biết về nhạc dân tộc Việt Nam .

 Image

 

Bergen thứ sáu 5 tháng 11, 2004

Hôm nay là ngày chót của chuyến lưu diễn , chỉ có 2 xuất tại trường Li Skole . Tự nhiên chúng tôi thấy nhẹ người , không còn mệt nữa . Buổi đầu tiên vào lúc 9giờ 15 . Bà hiệu trưởng trường này đã được bà hiệu trưởng trường Rolland mà chúng tôi diễn hôm qua gọi báo tin là chương trình của chúng tôi rất đặc biệt không thể bỏ qua .

Thế là nơi đây đã được cho hay nên ai nấy đều nóng lòng chờ đợi . Sau khi giới thiệu xong, tôi bước ra chào các em và bắt dầu với một giọng nói thật là trầm làm các em cười vì lấy làm lạ . Chương trình được tiếp đón nồng nhiệt . Xuất chót lúc 10giờ 10 dành cho các lớp 5,6 và 7 tức là các em hiểu tiếng Anh hơn . Đây là chương trình thành công nhứt , các em vừa hoan hô, vừa huýt sáo, vừa dậm chân bày tỏ sự hâm mộ . Chúng tôi chấm dứt chuyến đi bằng một buổi diễn xuất thần .

 Image

Sau đó, chúng tội lo thu xếp hành lý cho thật mau để còn trở về khách sạn thu xếp hành lý, trả phòng, rồi còn phải trả các dụng cụ máy móc . Rồi còn đi ăn cơm trưa ở tiệm Sze Chuan House ở đường Nedre Korskirkeallm. 9. Ăn giống như hôm thứ tư . Tiệm này nấu mau nên chỉ trong 30 phút là chúng tôi ăn xong . Finh Cato lái xe ra phi trường , trả xe và cùng nhau đi gởi hành lý . Finn Cato đi Kristiansand , còn chúng tôi lấy máy bay quốc tế đi Copenhagen , rồi từ đó đi Pháp . Chúng tôi từ giã nhau , bịn rịn vì sau ba tuần cùng ở chung một khách sạn , cùng đi làm, cùng ăn cơm chung, cùng đi tắm chung , đi coi hát chung , nên bây giờ phải chia tay làm cho chúng tôi thấy xao xuyến trong lòng . Chỉ mong rằng trong chuyến lưu diễn vào tháng 5, 2005 sẽ hiệp chung lại thành một ê-kíp để làm việc với nhau .

16giờ 10 chúng tôi lên máy bay SAS ra cổng 22, ngồi hàng ghế 33 gần cuối chót . Tới Copenhagen lúc 17giờ 45 . May là máy bay ở Copenhagen bay trễ nên mọi việc đều êm xuôi . Tới 18giò 30 mới bắt đầu bay . Trên máy bay của hãng SAS, chúng tôi ngồi hàng 30 cũng gần chót . Từ 1 tháng 11, 2004 các chuyến máy bay đi Âu châu không còn cho ăn miễn phí mà phải trả tiền mới được ăn , nhưng vé máy bay được hạ xuống , rẻ hơn nhiều .

Chúng tôi tới Paris lúc 19giờ 50 , gọi điện thoại cho ông Peric , một người Nam tư ở gần nhà chúng tôi để đến đón chúng tôi .

Về tới nhà lúc 22 giờ . Một chuyến đi đầy kỷ niệm và để lại trong lòng chúng tôi những hình ảnh khó quên .

 

Trần Quang Hải (Paris, mùa thu 2004)

 

TRẦN QUANG HẢI : DÂN CA VIỆT NAM


 

DÂN CA VIỆT NAM 

Trần Quang HảiParis, Pháp

Tiến sĩ Trần Quang Hải hiện đang làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (National Center for Scientific Research) của nước Pháp với chức vụ nghiên cứu gia về dân tộc nhạc học (ethnomusicologist) chuyên về nhạc Việt Nam và nhạc Á châu, đặc biệt về giọng hát.

–oOo–

Dân ca Việt Nam rất là phong phú. Tất cả những bài ca do dân quê sáng tác và không thuộc nhạc triều đình, nhạc thính phòng, nhạc tôn giáo thì được xếp vào loại dân ca.

Xứ Việt Nam với gần 80 triệu người Việt và 53 sắc tộc khác nhau thừa hưởng một truyền thống dân ca đa diện.

Định nghĩa danh từ dân ca, theo tôi, là những bài ca không biết ai là tác giả, được truyền miệng từ đời này sang đời khác, dính liền với đời sống hàng ngày của người dân quê, từ bài hát ru con, sang các bài hát trẻ em lúc vui chơi, đến các loại hát lúc làm việc, hát đối đáp lúc lễ hội thường niên.

Dân ca lại mang một màu sắc địa phương đặc biệt, tùy theo phong tục, ngôn ngữ, giọng nói, và âm nhạc tính từng vùng mà khác đi đôi chút. Nhưng nhìn chung, vẫn là bài hát thoát thai từ lòng dân quê với tính chất mộc mạc, giản dị của nó.

Dân ca Việt Nam được trình bày theo trình tự một đời người, nghĩa là bắt đầu bằng các bài hát ru em khi em bé bắt đầu chào đời, đến khi đứa bé lớn lên, trưởng thành và chết đi, sẽ có những bài hát liên hệ đến từng giai đoạn của một đời người.

Tôi xin bàn về các bài hát ru em và các bài hát nghe trong lúc trẻ em vui chơi, nô đùa. Chúng ta thường nghe lúc còn ấu thơ, được chị, mẹ hay bà ngoại hoặc bà nội ru cho ngủ. Loại hát này được gọi là hát ru (miền Bắc), ru con (miền Trung), hayhát đưa em, ầu ơ ví dầu (miền Nam). Âm giai dùng trong loại hát ru em được thay đổi tùy theo vùng. Ở miền Bắc, hát ru dựa vào thang âm ngũ cung (do-ré-fa-sol-la-do). Miền Trung sử dụng âm giai tứ cung (do-fa-sol-sib-do), và miền Nam thì chọn âm giai ngũ cung (do-mib-fa-la-do). Người mẹ thường bày tỏ nỗi lòng của mình, hay than van số phận hẩm hiu của mình qua bài ầu ơ ví dầu. Lời ca thường lấy trong ca dao và thể thơ là lục bát.

Ầu ơ.. Gió đưa bụi chuối sau hèAnh mê vợ bé bỏ bè con thơCon thơ tay ẩm tay bồng

Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông .

Đến khi đứa trẻ lớn lên, trong lúc chơi giỡn thường hay hát những bài mà đa số các giai điệu đều dựa trên thang âm tam cung (do-fa-sol). Chẳng hạn, khi chơi ú tìm, các trẻ em để ngón tay trỏ của mình vào trong lòng bàn tay của một em trong bọn. Một đứa trẻ hát:

Chi chi chành chànhCái đanh thổi lửaCon ngựa chết chươngBa vương thượng hạBa cạ đi tìm

Ú tim oà ập.

Khi nói tới tiếng “ập” thì bàn tay nắm được ngón tay người nào thì người đó nhắm mắt đếm để cho những người khác chạy đi trốn.

Ngoài ra còn có những trò chơi khác như đánh trõng, táng u, đánh dũa, hoặc là oánh tù tì (từ chữ Anh là one, two, three, nghĩa là một, hai, ba) giúp cho trẻ em Việt Nam giải trí trong khi nhàn rỗi, ngoài giờ học hỏi ở nhà trường.

Hò từ chữ HÔ mà ra, có nghĩa là làm cho giọng mình manh hơn. Do đó, Hò thường đi đôi với việc làm nặng như kéo gỗ, chèo thuyền, đập đá. Nhưng hò cũng có thể hát lúc nghỉ ngơi, lúc hội hè, lúc đám tang như hò đưa linh, và có khi dính liền với một vùng nào đó như hò Nghệ An, hò Thanh Hóa, hò Sông Mã, hò Đồng Tháp.

Có ba loại Hò chánh:

Hò trong lúc làm việc, tiết điệu ăn khớp với động tác, và thường dùng những chữ như dô ta, rố khoan, hụ là khoan,vv…

Hò trong lúc nghỉ xả hơi, thường là hò đối giữa trai gái có tính cách đùa giỡn, chọc ghẹo hay tỏ tình.

Hò trong lúc lễ hội, thường là hò đối đáp để tranh giải.

Hò làm việc thường hò đông người với nhau. Một người hò trước và tất cả phụ họa theo sau. Người hò chánh gọi là hò cái và những người phụ họa gọi là hò con. Hò chia làm hai phần: lớp trống hay vế kể thì do một người hát, còn lớp máihay vế xô thì do toàn thể phụ họa.

Ở miền Nam, hò thường nghe trên sông, hay lúc làm việc ngoài ruộng. Mỗi tỉnh, mỗi vùng có những loại hò đặc biệt. Do đó có tên gọi như hò Bến Tre, hò Cần Thơ, hò Đồng Tháp.

Ở tỉnh Bến Tre, có thể có loại hò như sau:

Hò ớ ơ….Xứ nào vui cho bằng xứ Cù Lao, ớ ơ…Hò ớ ơ…..Tiếng muỗi kêu như ống sáo thổi

Bông mọc như hàng rào sương lý, ớ ơ…

Hoặc xuyên qua câu hò, chúng ta có thể biết người hò thuộc địa phương nào như:

Hò, ớ ơ…Ghe anh nhỏ mũi trắng lườn

Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em, ớ ơ…

Hò miền Nam gồm có hò ba lý xuất xứ từ bài Bá Lý Hề của cải lương rất được thông dụng giữa các ca sĩ chuyên nghiệp. Hò theo điệu ai oán dùng để kể chuyện. A li hò lờ xuất hiện khoảng 50 năm nay thôi, dùng thể thơ lục bát. Hò lô tô, hò cấyvv… Các loại hò thường được ứng khẩu tùy hứng, nhạc thì chỉ có một giai điệu duy nhứt, hay theo một thang âm đặc biệt miền Nam (do-mib-fa-sol-la-do).

Miền Trung là nơi tập trung của nhiều loại hò và nhiều giai điệu hơn hai miền Bắc và Nam. Ngoài loại hò làm việc, hò đối, còn có hò đưa đám ma. Ở Thanh Hóa có hò sông Mã được chia làm năm loại hò tùy theo giai đoạn: hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn, hò cập bến, với các đoạn kể, xô nhịp nhàng theo nhịp một, nhịp hai.

Trong khi chèo thuyền, chúng ta còn được nghe các loại hò mái xấp, hò mái nhì, hò mái đẩy. Có giả thuyết cho rằngmái có nghĩa là mái chèo, và còn có giả thuyết khác nữa cho rằng mái là đàn bà đối với trống là đàn ông. Còn xấp có nghĩa là mau hơn, nhì có nghĩa là đôi, là phải hát hai lần, cònđẩy có nghĩa là làm cho thuyền đi tới. Ở vùng Thừa Thiên, Quảng Trị còn nghe hò mái ba nghĩa là phải hát ba lần.

Các loại hò làm việc như hò đạp nước, hò tát nước, hò khiêng nước, hò xay lúa, hò giã gạo, hò giã đậu, hò giã vôi, hò mài dừa,vv…

Khi leo giốc, thì có hò leo dốc. Khi đập đá thì có hò nện hayhò hụi. Tiết tấu rất nhanh, và theo nhịp đập đá. Người kể hát một đoạn, thì toàn thể hát “hụ là khoan” để làm tăng sức mạnh khi làm việc.

Ở miền Bắc, hò đẩy xe, hò kéo gỗ rất được phổ thông. Một người hát một câu thì cả đám hát rố khoan, rố khoan rố khuầy hay hố khoan trong điệu bắt cái hố khoan hay bắt cá hò khoan do các người chài lưới hát. Ngoài ra, chúng ta còn tìm thấy điệu hò giã vôi và hò dứt chỉ ở miền Bắc nữa.

Hầu hết các điệu hò ở Việt Nam đều dùng thể thơ lục bát với thể thức thêm những chữ không có nghĩa vào như “là hụ là khoan, rố khoan rố khuầy”,vv… Với nghệ thuật ngắt câu khác nhau tùy theo từng điệu hò hoàn toàn khác biệt và phong phú qua tài sáng tác của các người dân quê, kho tàng dân ca do đó ngày càng to lớn hơn và xuyên qua các lời ca trong điệu hò, chúng ta thấy một nền văn chương bình dân phản ảnh trung thực ngôn ngữ của tiếng nói Việt Nam.

Miền Nam có rất nhiều điệu hò và lý. Những bài nào không thuộc vào hò thì là lý. Có Lý chim khuyên, Lý bông lựu, Lý chuồn chuồn, Lý cây chanh, Lý chè hương, Lý bỏ bìa, Lý con khỉ đột, Lý ngựa ô, Lý quạ kêu.

Lời ca rất mộc mạc, chỉ hai câu thơ lục bát trong bài Lý chim khuyên như:

Chim khuyên ăn trái nhãn lồng

Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi

mà được hát thành:

Chim khuyên (quầy a) ăn trái (quây a)Nhãn lồng (à), nhãn lồng , ớ con bạn mình ơi !Lia thia (quầy a) quen chậu (quây a)

Vợ chồng (à), vợ chồng, ớ con bạn quen hơi.

Miền Trung có thể nói là trung tâm của các điệu lý và hò. Lý có nghĩa là hát của giai cấp dân quê (do chữ lý làng mà ra), so với Ca Huế thuộc giai cấp vua chúa, quan liêu trí thức. Tất cả điệu lý được thoát thai từ các bài hát chèo, ca Huế, hát tuồng, và hát cải lương.

Điệu lý giao duyên bốn mùa hay lý vọng phu được hát theo điệu Nam ai Trung chuyển sang Ai Oán Nam khi xuống tới miền Nam và trở thành lý bốn mùa hay lý ru con. Thể thơ được dùng là thất ngôn:

Thí dụ như:

Giãi sông Ngân mây rầu rầu chuyểnMột bước đường trời biển chia haiHỡi nàng nàng ơi !

Anh dặn một lời xưa nhớ đừng quên.

Từ đó các nhà nho mới đem vào Ca Huế và đổi tên lại thànhlý giao duyên 12 tháng như:

Đầu tháng giêng mãn thiên xuân sắcAi nấy vui mưng thiếp bặt mắt trôngQua tháng hai bông hoa nhài ướm nở

Thiếp luống trông chàng vừa trở gió đông, vv…

Hát giao duyên với loại thơ thất ngôn cũng được dùng trong hát chèo.. Đến khi bài Lý giao duyên được sử dụng với thể thơ lục bát qua hai câu thơ:

Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng bay xa.

Thì lại được đổi lại là Lý con sáo. Điệu Lý con sáo rất được quãng bá ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi miền với thang âm đặc thù đã tạo ra ba điệu lý khác nhau: Lý con sáo Bắc, Lý con sáo Trung, và Lý con sáo Nam. Ngoài ra, chúng ta còn biết thêm một điệu Lý con sáo nữa là Lý con sáo Quảng.

Ở Thừa Thiên, khi hát bài lý con sáo, thay vì hát đoạn “ơi người ơi”, lại hát “tang tình tang”. Bài lý con sáo được gọi làLý tình tang,và khi hát bài 10 thương thì được đổi thành lý mười thương.

Các điệu lý đều dựa trên thể thơ lục bát trên âm giai tứ cung nhu bài lý ba cô, lý lượn, hoặc âm giai ngũ cung như bài lý bắt bướm hay lý cây đa.

Nghệ thuật sử dụng thể thơ lục bát của người Việt rất tài tình. Qua hai bài Lý con sáo Trung và Nam, chúng ta nhận thấy dân tộc Việt Nam đưa vào những tiếng đệm bằng cách lập lại những chữ trong câu chẳng hạn nhu “í a, ố tang tình tang”, vv mà làm cho nhạc điệu trở nên phong phú vô cùng.

Dân ca do đó đi sâu vào lòng dân và đôi khi còn ảnh hưởng rất mạnh vào nhạc thính phòng Ca Huế hay Đàn Tài Tử miền Nam hoặc vào các điệu hát Chèo, Cải lương.

Hát hội

Hát hội là loại hát đối giữa trai gái tùy hứng ca hát đối đáp thi tài cao thấp trong những dịp lễ đầu xuân hay thu, hoặc khi đêm trăng thanh gió mát sau một ngày làm việc mệt nhọc ngoài đồng.

Hát hội có nhiều loại: hát trống quân, hát quan họ, cò lả ở vùng Bắc Ninh, hát đúm ở Hải Dương, hát phường vải ở Nghệ Tĩnh, hát ghẹo ở Thanh Hóa, hát xoan ở Phú Thọ,vv..

Hát hội hay hát đối đều mang những đặc điểm chung như sau:

Người hát, làng xã, phải đối nhau chẳng hạn nhóm nam ca sĩ đối lại với nhóm nữ ca sĩ, và thuộc làng xã khác nhau

Hầu hết đều là tình ca để đưa đến hôn nhân.

Đặc tính đoàn thể rất được nhấn mạnh, như trong quan họ có tục kết bạn và phải thuộc vào gia đình quan họ. Truyền thống này được thấy ở hát ghẹo ở Thanh Hóa, và hát xoan ở Phú Thọ có tục lệ “nước nghĩa”.

Thi đua là một trong những đặc tính quan trọng. Trong một cuộc hát đối, các người hát thi đua về trí nhớ, lời ca, óc nhạy bén, phải tùy cơ ứng biến, khi gặp khó khăn, tài sáng tác tùy hứng, và kỹ thuật ca hát phải có trình độ cao. Do đó, các làng xã xứ ta thường hay tổ chức hát lấy giải.

Đặc tính bán chuyên nghiệp. Người hát quan họ phải thuộc một số bài căn bản, phải luyện tập thường xuyên. Do đó mới có tục lệ ngủ bọn, nghĩa là các người hát cùng chung một nhóm thường tựu hợp ở nhà của một người trong bọn, ăn ngủ tại đó để có thì giờ học tập với nhau và tập hát gọi là bẽ giọng

Hát hội xảy ra trong một phạm vi địa lý nhỏ hẹp, nhứt là ở Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ miền Bắc xứ Việt Nam mà thôi.

Mỗi cuộc thi hát như thế thường chia làm ba hay bốn giai đoạn:

Hát mời ăn trầu trong trống quân

Hát giọng lề lối trong quan họ

Hát dạo, hát chào, hát mừng, hát hỏi trong hát phường vải

Hát dạo, hát mừng, hát thăm trong hát ghẹo

Sau khi hát mở đầu thì đến phần hát thi. Phần này, bắt đầu các bài hát khó vì phải sáng tác tại chỗ, như hát trả lời câu đố trong trống quân, giọng sỗnggiọng vặt trong quan họ,hát đố, hát đối trong phường vải, và hát đối, hát đố, hát xe kết trong hát ghẹo. Chẳng hạn như trong bài hát trả lời câu đố trong trống quân, bên gái ra câu đố thì bên trai phải giải cho trúng và đố lại. Bên nào không đối được thì kể như thua. Loại hát này được đệm bằng một nhạc khí đặc biệt là cây trống quân hay thổ coå. Một cây mây dài bốn, năm thước căng vòng cầu bắt ngang một cái hố được đào ngay điểm giữa cây mây. Một người hát đánh vào cây mây để đệm, tạo âm thanh giống như tiếng trống.

Cuộc thi hát tiếp tục sang giai đoạn ba với các bài hát khen tặng trong trống quân, hát mời, hát xe kết trong phường vải, và giọng hãm, giọng huỳnh trong quan họ.

Sau cùng là hát tiễn như trong phường vải, hát giã bạn trong quan họ, hát thề, hát dặn, hát tiễn trong hát ghẹo.

Hò, lý, hát hội với Trống quân, Quan Họ, Hát phường vải, Hát ghẹo, Hát xoan, cò lả,vv… rất gần với chúng ta qua lời ca đơn giản, diễn đạt tất cả hình ảnh sống động của xã hội nông thôn Việt Nam và mỗi người hát là một nhà thơ.

HÁT VÈ / NÓI VÈ

Vè là một bài văn kể một chuyện đặc biệt xảy ra và ngụ ý khen chê. Bài văn làm theo thể thơ bốn chữ, năm chữ, lục bát, hay song thất lục bát hoặc các thể thơ biến thể. Hát những câu vè thường lấy giọng đọc lên, không có đệm trên, đệm giữa, hay đệm dưới như các lối hát dân ca khác, nhưng dựa trên nhịp 2/4. Ở miền Nam, những câu vè về trái cây, các loại cá, các thứ bánh, vv… ngoài lối vè kể chuyện. Các câu vè thường bắt đầu bằng sáu chữ

Nghe vẻ nghe ve Nghe vè……….

Thí dụ vè trái cây:

Nghe vẻ nghe veNghe vè trái câyDây ở trên mâyLà trái đậu rồngCó vợ có chồngLà trái đu đủChặt ra nhiều mủLà trái mít ướtHình tựa gà xướcVốn thiệt trái thơmCái đầu chơm bơmĐúng là bắp nâúHìnhthù xâu xấuTrái cà dái dêNgứa mà gãi mê

Là trái mắt mèo v.v.

Hát vè để tiêu khiển trong lúc làm việc, hát lúc nhàn rỗi một mình. Hát vè không có nhạc, nhưng có tiết điệu. Gần đây ở Việt Nam, có nhiều nhóm nhạc trẻ đã chuyển hát vè thành nhạc Rap rất được ưa thích.

Dân ca Việt Nam rất phong phú, đa dạng, dính liền với bài ca hơn là với dàn nhạc, và nhạc khí. Dân ca đi liền với tiếng hát ru, đồng dao, trò chơi trẻ em, đến các điệu hò, lý, các điệu hát trong khi làm việc, trong các lễ hội tạo cơ hội cho thế hệ gặp nhau qua các loại hát giao duyên, qua tục “nước nghĩa”, “kết bạn”, “ngủ bọn “. Mức sáng tác bài bản mới vượt qua những thể loại nhạc cung đình, nhạc bác học, nhạc thính phòng và đưa vào trong văn chương bình dân những đóng góp đáng kể (hát quan họ, hát phường vải). Phần nhiều chỉ có tùy hứng lời trên một điệu nhạc (hát trống quân, cò lả). Chỉ có hát quan họ là vừa sáng tác lời lẫn nhạc. Hiện có trên 700 làn điệu khác nhau trong truyền thống hát quan họ. Hiểu được dân ca Việt Nam sẽ mang lại một niềm tự hào cho chính mình, tạo một sự hãnh diện trong lòng khi xứ mình có một nền văn học dân gian phong phú. Ngoài dân tộc Việt hay Kinh, chúng ta còn có 53 sắc tộc anh em sống rải rác trên khắp lãnh thổ Việt Nam với hàng trăm thể loại dân ca, nhạc khí hoàn toàn khác với dân tộc Việt. Đó là đề tài nghiên cứu trong tương lai.

Trần Quang Hải
Paris, Pháp

Sách tham khảo

 

Bảo Vân 1979: Tục ngữ, ca dao và dân ca , nxb Quê Hương, 304 trang, Toronto, Canada.

Đào Việt Hưng 1999: Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc Trung Bộ , nxb Viện Âm Nhạc, Hà Nội.

Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý 1978: Quan Họ: nguồn gốc và quá trình phát triển , nhà xuất bản Khoa Học xã hội, 527 trang, Hà Nội.

Lê Giang, Lê Anh Trung 1991: Những bài hát ru, nxb Văn Nghệ, 180 trang, TP Hồ Chí Minh.

Lư Nhất Vũ 1981: Dân ca Bến Tre, Ty Văn Hóa và Thông Tin Bến Tre, 346 trang, Bến Tre.

Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Nguyễn Văn Hoa 1985: Dân ca Kiên Giang, Sở Văn Hóa và Thông Tin Kiên Giang, 483 trang, Kiên Giang.

Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Nguyễn Văn Hoa, Thạch An 1986: Dân ca Cửu Long, Sở Văn Hóa và Thông tin Cửu Long, 391 trang, Cửu Long.

Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Nguyễn Văn Hoa, Minh Luân1986: Dân ca Hậu Giang, Sở Văn Hóa và Thông Tin Hậu Giang, 666 trang, Hậu Giang

Lư Nhất Vũ, Lê Giang (chủ biên) 1995: Dân ca Đồng Tháp, nxb Tổng Hợp Đồng Tháp, 520 trang, Đồng Tháp.

Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc 1962: Dân ca Quan Họ Bắc Ninh , nxb Văn Hóa, Viện Văn Học, 340 trang, Hà Nội.

Nguyễn Chung Anh 1958: Hát Ví Nghệ Tĩnh, 147 trang, Hà Nội.

Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao 1942: Hát Giặm, quyển 1, 348 trang, Hà Nội 1944: Hát Giặm, quyển 2, 340 trang, Hà Nội

Nguyễn Trọng Ánh 2000: Âm nhạc Quan Họ, nxb Viện Âm Nhạc, Hà Nội.

Nguyễn Văn Huyên 1934: Les Chants Alternés des Garcons et des Filles en Annam , Paul Gueuthner, 224 trang, Paris, Pháp.

Nguyễn Văn Huyên 1997: “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam”, Nghiên Cứu Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam, tập 1, nhiêù tác giả, nxb Văn Hóa Dân Tộc,trang 11-216, Hà Nội.

Nhóm Lam Sơn 1965: Dân ca Thanh Hóa, nxb Văn Học, 286 trang, Hà Nội.

Phạm Duy 1975: Musics of Vietnam (Nhạc Việt Nam), Dale R. Whiteside (xb) Southern Illinois University Press, Carbondale, Hoa Kỳ.

Toan Ánh 1970: Cầm Ca Việt Nam , nxb Lá Bối, 270 trang, Saigon.

Trần Quang Hải 1989: Âm Nhạc Việt Nam, biên khảo, nxb Bắc Đẩu, 361 trang, Paris, Pháp.

Trần Văn Khê 1967:Vietnam (les traditions musicales) (Việt Nam, truyền thống âm nhạc), nxb Buchet/Chastel, 224 trang, Paris, Pháp (tái bản năm 1996)

Trần Việt Ngữ, Thành Duy 1976: Dân ca Bình Trị Thiên , nxb Văn Học, 342 trang, Hà Nội.

Tú Ngọc 1981: Bước đầu tìm hiểu hát Xoan Vĩnh Phú , Ty Văn Hóa Thông tin Vĩnh Phú.

Tú Ngọc 1994: Dân ca người Việt, nxb Âm Nhạc, Viện Âm Nhạc, Hà Nội. (Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1995)

Tú Ngọc 1997: Hát Xoan: dân ca lễ nghi -phong tục, nxb Viện Âm Nhạc, 216 trang, Hà Nội.

Danh sách dĩa hát CD nhạc Việt Nam

1. Vietnam / Reves et RealiteTran Quang Hai et Bach Yen

. (Việt Nam / Giấc Mơ và Sự Thật : Trần Quang Hải và Bạch Yến) 1988. Nhà xuất bản (CD) Playasound PS 65020, Paris, Pháp.

2. Fêtes Traditionnelles Vietnamiennes / Trân Quang Hai & Bach Yên ( Lễ Truyền Thống Việt Nam / Trần Quang Hải và Bạch Yến) 1996. Nhà xuất bản (CD) Studio SM, Paris, Pháp.

3. Khac Chi Ensemble / Moonlight in Vietnam. (Ban Khắc Chí / Ánh Trăng Việt Nam) 1997.Nhà xuất bản (CD) Henry Street Records HSR 000, Canada..

4. Songs of the Banyan – Phong Nguyên Ensemble, 1997. Nhà xuất bản Latitude LAT 50607, North Carolina, Hoa kỳ.

Dĩa CD phát hành tại Việt Nam

1. Làng Quan Họ (Village in Quan Họ) . Nhà xuất bản VMI (Vietnam Musicology Institute), CD1, Hà Nội .

2. Thuyền Quan Họ (The Boat in Quan Họ) Nhà xuất bản VMI (Vietnam Musicology Institute), CD2, Hà Nội.

3. Tình Quan Họ (The Love in Quan Họ) . Nhà xuất bản VMI (Vietnam Musicology Institute), CD3, Hà Nội.

4. Trăng Quan Họ (The Moon in Quan Họ) . Nhà xuất bản VMI (Vietnam Musicology Institute), CD4, Hà Nội.

5. Về với Huế (Coming to Huế) . Nhà xuất bản VMI (Vietnam Musicology Institute), Hà Nội.

6. Hò Sông Mã (Tunes of Mã River) . Nhà xuất bản VMI (Vietnam Musicology Institute), Hà Nội.

7. Hát Ru (Lullabies) . Nhà xuất bản VMI (Vietnam Musicology Institute), Hà Nội.

8. The Best of Vietnamese Folk Songs and Music . Nhà xuất bản VMI (Vietnam Musicology Institute), Hà Nội.

Những dĩa hát CD phát hành tại Việt Nam từ 1995 trở đi . Ngoài ra Viện Âm Nhạc bắt đầu xuất bản loại dĩa VCD, vừa có nhạc lẫn hình từ năm 1999.

TRẦN QUANG HẢI : Các Loại Đàn Tranh Ở Viễn Đông


Các Loại Đàn Tranh Ở Viễn Đông 

Image

Trần Quang Hải

 

 

 

 

Viễn Đông là một phần của Á châu và chịu ảnh hương văn minh vàvăn hóa Trung Quốc rất sâu đậm. Các xứ Nhựt Bổn, Đại Hàn và Việt Nam đều sử dụng Hán tự để diễn tả tư tưởng, dù rằng mỗi xứ đều có chữ viết riêng (Nhựt với hiragana, katakana, kanji; Đại Hàn với hyangul; Việt Nam với quốc ngữ). Vì thế, ảnh hưởng của nhạc Trung Quốc đối với ba xứ vừa kể trên rất là hiển nhiên .

Cổ Cầm (Trung Quốc)

Image

Dù muốn dù không, các cây đàn tranh ở Viễn Đông đều xuất xứ từ Trung Quốc. Có lẽ cây đàn tranh cổ xưa nhứt là cây cổ cầm (ku qin ) bên Trung Quốc . Tiếng đàn khi khoang khi vồn, nghe rất du dương. Xưa kia, đức Khổng Tử chỉ nghe tiếng đàn cổ cầm mà đã mất ăn mất ngủ ba tháng

Theo truyền thuyết, cây đàn cổ cầm được sáng chế vào thời Nghiêu Thuấn, và chỉ có 5 dây thôi, nên được gọi là “ngũ huyền cầm”. Về sau, hai vị hoàng đế Văn và Võ, mỗi người thêm vào một dây làm thành cây đàn 7 dây hay “thất huyền cầm”. Hai dây thứ 6 và thứ 7 được gọi là dây Văn và dây Võ . Nhà thi hào Nguyễn Du có lẽ không am tường vềnhạc nhiều nên nhà thơ Tố Như , lúc tả Thúy Kiều khảy đàn mà chúng ta đã đặt nhiều giả thuyết không biết có phải là cây đàn tỳ bà, hoặc cây đàn nguyệt, hoặ một cây đàn bốn dây nào đó, đã viết như sau :

“So dần dây Võ dây Văn,

Bốn dây to nhỏ một vần cung thương “

Dây Võ dây Văn chỉ có hai dây mà thôi, chứ làm sao mà bốn dây được !!! Hơn nữa, hai dây Văn Võ chỉ dùng để nói đến hai dây thứ sáu và thứ bảy của cây cổ cầm . Ở Việt Nam, Phạm Đình Hổ, trong quyển “Vũ Trung Tùy Bút “, có nhắc đến một danh cầm đời nhà Trần là Nguyễ Sĩ Cố đánh đàn cổ cầm rất hay . Trong quyển “Toàn Thư ” cũng có nói tới một nhạc sĩ thời nhà Trần đàn cổ cầm 5 dây của Trung Quốc thật điêu luyện, tên là Trần Cụ Ở Nhựt Bổn và Đại Hàn không thấy nói tới cây cổ cầm .

Hình dáng cây cổ cầm ra sao ?

Cổ cầm gồm có một âm bảng bằng cây ngô đồng dài độ một thước được sơn đen bóng nhoáng . Trên mặt âm bảng , ngoài 13 chấm tròn nạm xa cừ dùng làm dấu để người đàn coi theo đó mà bấm dây, có 7 sợi dây căng dài từ đầu tới cuối âm bảng . Đàn này không có trục và nhạn như đàn tranh thường thấy .

Đặc điểm của cổ cầm là cách sử dụng phiến thanh hay bồi âm (sons harmoniques / harmonic sounds) giống như âm thanh phát ra từ cây đàn bầu hay đàn độc huyền của Việt Nam . Cây cổ cầm rất khó đàn cho hay . Hiện nay chỉ còn độ 200 người Trung quốc biết đàn cây đàn này . Số người ngày càng thưa thớt . Các ông thầy già rồi chết đị Số nhạc sĩ trẻ đàn hay rất hiếm. Có vài sinh viên Trung quốc và Hồng Kông có viết luận án về cây cổ cầm . Cây đàn sắc 25 dây ngày nay không còn có ai biết đàn .

 

ZHENG (đọc là Tsân) , đàn tranh Trung Quốc

Image

Theo huyền thoại Trung Quốc, ngày xưa có một ông già sống

chung với hai cậu con trai tre, và ngoan và rất thích đàn . Trong nhà, ông bố có một cây đàn tranh 25 dâỵ Ở đây, tôi xin mở dấu ngoặc, tự hỏi không biết có phải là cây đàn sắc hay chăng ? Vì cây đàn sắc có 25 dây . Đó chỉ là nghi vấn mà thôi . Trở lại chuyện hai cậu học đàn tranh . Một hôm bỗng dưng hai cậu cùng muốn đàn tranh một lúc . Trong nhà chỉ có mỗi một cây đàn tranh. Lúc đầu còn lời qua tiếng lại . Dần dần, cãi nhau dữ dội . Ông bố nghe tiếng cãi lộn, mới đi vào hỏi cớ sự ra làm sao . Khi hiểu ra sự tình , ông bố mới khuyên môt trong hai người nên nhường cho người kia đàn trước. Nhưng rốt cuộc không sao hòa giải được . Tức giận quá, ông ta mới đi tìm một cây búa, rồi xách cây đàn chặt ra làm đôi theo chiều dọc để làm thành hai cây đàn tranh : một cây 13 dây, bây giơ ` còn thấy ở miền Bắc Trung Quốc và ở Nhựt Bổn, còn cây kia 12 dây hiện vẫn còn thấy ở Mông cổ và Đại Hàn . Lại có một giả thuyết khác cho rằng cây đàn tranh Trung Quốc là do ông Mông Điềm sáng chế ra vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch Hình thù cây đàn tranh Trung Quốc rất giống cây đàn tranh Việt Nam nhưng to hơn . Bề dài cây đàn dài lối 1m,50. Mặt đàn làm bằng cây ngô đồng . Có 13 dây tơ theo truyền thống Bắc Kinh hay 16 dây sắt theo truyền thống Quảng Đông, được căng dài trên mặt âm bảng . Cũng có một hàng trục và một hàng nhạn

xê dịch được. Người đàn dùng ngón tay trỏ, ngón giữa và ngón áp út của bàn tay mặt để khảy vàba ngón trỏ, giữa và áp út của bàn tay trái để nhấn. Họ chỉ dùng móng tay để khảy và rất ít khi dùng móng sắt, hay đồi mồi như người Việt . Cây đần thường để trên bàn trước mặt người đàn hoặc để trên đùi . Ngày nay ở Đà i Loan, cây đàn tranh có cây ngắn độ 1 thước và cây dài tới 1m,80 . Kỹ thuật đóng đà n làm theo kỹ nghệ hóạ Khúc cây đưa vào máy cắt, vàkhi ra khỏi máy đã gần thành cây đàn . Thành ra cây đàn tranh rất tốt, kích thước không sai chạy, và hình dáng hoàn hảo, nhưng lại rất yếu về âm thanh. Họ không còn tuyển lựa khúc cây tốt, già, có gân màchỉ lấy bất cứ khúc cây ngô đồng nào cũng được ; Tất cả mọi việc đều kỹ nghệ hóa, máy móc hóa, chuyên về lượng mà làm giảm đi phần phẩm . Ở Đài Loan, các cô học đàn mua cây đàn tranh hoặc sơn xanh, sơn đỏ, sơn vàng. Mặt âm bảnh không còn là cây ngô đồng màlà một loại ván ép rẻ tiền. Các ông thầy bị đồng tiền làm chi phối nghệ thuật và thường đàn với mục đích thương mại . Đàn tranh thường được sử dụng độc tấu, song tấu hoặc trong một dàn nhạc .

 

KAYAKEUM (đọc là câyđa-cum), đàn tranh Đại Hàn

Image

Cây đàn tranh Kayakeum là một trong ba cây đàn tranh chính của triều đại Silla, có 12 dây tơ căng dài trên mặt âm bảng, trên 12 con nhạn hình chữ A, nhưng không có trục . Trong quyển Silla cổ ký, hoàng đế Kashil của vương quốc Kaya đã sửa đổi thêm bớt một cây đàn của nhàĐường bên Trung Quốc. Theo truyền thuyết cho rằng cây đàn tranh Kayakeum được phát triển từ một cây đàn dây gọi là “cầm” (qin) đã có từ thời Tam Quốc . Như thế thì cây đàn tranh Kayakeum có trước thời vương quốc Kaya .

Vào thế kỷ thứ 6 Công nguyên, một nhạc sĩ nổi tiếng tên là Uruk không những giỏi về tài đàn tranh Kayakeum, mà còn có tài sáng tác. Ông ở tại vương quốc Kaya . Khi vương quốc Kaya có loạn, ông Uruk mới cha .y sang vương quốc Silla và tại đây ông ta rất được hoàng đế Jinhung mến chuộng. Ông Uruk mở lớp dạy đàn tranh Kayakeum, dạy hát và múa tại Kookwon (bây giờ là Choongjoo, tịnh Choongchung-bookdo). Ông Uruk đã sáng tác 12 bản nhạc như là Ha-Karado, Sang Karado, vv…. Những nhạc phẩm của Uruk đều dựa trên nhạc dân gian bởi vì tên các nhạc phẩm thường lấy tên các tỉnh lỵ thời đó . Ông Uruk đã sáng tác hai điệu Hahlim và Noojook và 115 bản nhạc nhưng chỉ có 12 bản của ông và ba bản nhạc của học trò ông là Eemoon, là còn được truyền tụng tới bây giờ . Có hai loại đàn tranh kayakeum: một loại gọi là Poongyoo Kayakeum dành cho nhạc cổ điển và nhạc cung đình, và một loại gọi là Sanjo Kayakeum dành cho nhạc dân gian . Kỹ thuật đánh đàn tranh của người Đại Hàn có phần khác .Họ dùng phần thịt của lóng tay đầu của cả năm ngón tay của bàn

tay mặt và ba ngón tay trỏ giữa, và áp út của bàn tay trái để nhấn. Họ đàn rất mạnh, và thường cây đàn tranh kayakeum đi kèm với trống changgo, một loại trống giống hình thù cái bồng của Việt Nam nhưng to hơn . Đàn tranh Kayakeum có thể độc tấu chung với trống changgo như trong thể điệu Sanjo, hay đàn trong dàn nhạc cung đình Ah-ak (Nhã nhạc), hay trong dàn nhạc Hyang-ak (Hàn nhạc). Từ 50 năm nay , có nhiều nhạc sĩ soạn nhạc phẩm cận đại cho kayakeum , nổi tiếng nhứt là nhạc sĩ Hwang Byong Gi .

 

KOTO (đọc là cô tô) , đàn tranh Nhựt

Image

Theo truyền thuyết, một nhạc sĩ người Trung Quốc đem một cây đàn tranh vào xứ Nhựt và cây đàn ấy gọi là So-no-koto hiện vẫn còn được sử dụng trong vũ điệu cung đình cổ truyền Bugaku . Hoặc một huyền thoại cho rằng vào thế kỷ thứ 7, có một bà thuộc dòng dõi quý tộc tên là Ishikawa Iroko, trong thời gian đi nghỉ ở miền quệ Một hôm tình cờ bà nghe một âm thanh lạ khi đi dạo gần một động núị Bà mới đi lại gần nghe và gặp một ông đạo sĩ người Trung Quốc đang khảy đàn tranh. Bà Ishikawa Iroko mê mẩn tâm thần và xin thọ giáo . Sau một thời gian học tập, bà ta mới trở về nhà, thuật lại cho mọi người nghẹ Không ai chịu tin rằng chuyện đó có thật . Bà ta tức quá mới dẫn mọi người lại động núi thì không thấy ai hết, ma ` chỉ thấy trên vòm trời xanh ngay trên đỉnh núi lơ lửng một vần mây trắng . Từ đó bàIshikawa Iroko mở trường dạy đàn tranh và thành lập môn phái Kyushụ Điều chắc chắn là đàn tranh Koto Nhựt có từ thời đại Nara (710-793) được dùng trong dàn nhạc Gagaku (Nhã nhạc). Mãi tới đầu thế kỷ thứ 16, vào thời đại Momoyama (1574-1602) , một nhà sư đạo Phật ở miền Bắc Kyushu tên là Kenjun (1547-1636) sáng tác những bài hát đầu tiên với tiếng đệm của đàn tranh. Loại nhạc mới này gọi là Tsukushi-goto lấy tên của tỉnh thành nơi nhà sư đã sống . Sau đó có một nhà sư khác tên là Yatsuhashi Kengyo (1614-1685) ở Kyoto học cách đàn và hát theo thể nhạc mới tsukushi-goto và ông lại tạo ra một thể điệu mới cho nhạc koto bằng cách phỏng theo hình thức cấu tạo sá u bài hát của tsukushi-goto, và được gọi là kumi-uta . Sự khác biệt giữa hai trường phái Tsukushi-goto và Yatsuhashi nằm trong cách lên dây đàn và cách sử dụng điệu . Trường phái Tsukushi-goto lên dây đàn theo điệu Ryo của nhã nhạc (gagaku), nghĩa là âm giai với 12 bán cung trong khi trường phái Yatsuhashi chỉ dùng hai điệu mới gọi là Hirajoshi (Sol- sol thấp một bát độ-SiĐo-Mi-Fa-La-SiĐo-Mi-Fa-La-Si) và Kumoijoshi (Mi- La thấp một quãng 5 – Sib-Re-Mi-Fa-La-Sib-Re-Mi-Fa-La-Si) dựa theo điệu In (âm) âm giai lên gồm các nốt: Mi-Fa-La-Si-Re-Mi trong khi âm giai xuống gồm các nốt : MiĐo-Si-La-Fa-Mị Hai điệu Hirajoshi và Kumoijoshi trở thành hai thang âm tiêu biểu và đặc thu của nhạc Nhựt Bổn ngày naỵ Nhà sư Yatsuhashi và những người học trò của ông có sáng tác một số bài độc tấu đàn tranh nhưng hầu hết các bài đặt ra đều làbài hát với phần đệm đàn kotọ Đồng lúc với sự phát triển thể nhạc mới Tsukushi-goto, nhạc shamisen (shamisen là một đàn dây giống như cây đàn tam của Việt Nam ) cũng bă ‘t đầu lộ diện ở Nhựt . Ông Ikuta Kengyo (1656-1715) mới phối hợp đàn shamisen và đàn tranh koto trong khi trình diễn Ji-Uta ( một loại hát đệm đàn Shamisen) . Từ đó về sau, những bài bản gồm có một phần ngắn hát và một phần dài đàn tranh koto . Phần đánh đàn gọi là Te-goto và thể cách trình diễn các bài hát kiểu đó gọi là Te-goto-monọ Trong khi Te-goto-mono được bành trướng mạnh ở Kyoto và Osaka, thì ở Edo, một nhạc sĩ khác tên là Yamada Kengyo (1757-1817) mới tạo ra một thể cách mới cho nhạc koto là phối hợp nhạc hiện đại shamisen và nhạc koto . Vào cuối thời đại Edo (1603-1867) ông Yoshizawa Kengyo ở Nagoya lại nghĩ ra cách để đàn koto một mình đệm bài hát mà thôi . Kiểu này đã từng dùng trong Kumi-Uta, nhưng có khác là ông Yoshizawa Kengyo trích lời ca qua các bài thơ cổ điển trong các cổ thi tuyển danh tiếng như Kokin Waka Shu, Kin Yo Shu, vv… Ông ta lại chế ra một cách lên dây hoàn toàn khác hẳn hai điệu âm (In) và dương (Ryo) và đặt tên là Kokin-joshi lấy từ tên Kokin Waka Shu mà ra . Âm giai như sau : Mi-La-Si (thấp)-Re-Mi-Fa-La-Si-Re-Mi-Fa-La-Si.

Từ khi nhạc Tây Âu bắt đầu xâm nhập đất Phù Tang vào đầu thời đại Meiji (1868 trở vềsau), nhiều nhạc sĩ cổ truyền Nhựt thử sử dụng các âm giai mới vào trong nhạc Nhựt và một số ít đã thành công . Miyagi Michio (1895-1956) , nhà soạn nhạc Nhựt đầu tiên đã phối hợp hai luồng nhạc Á Âu, sử dụng hai nhạc ngữ Ddông Tây trong khi soạn các nhạc phẩm cho đàn koto . Từ đó những nhạc sĩ trẻ tuổi và các người đánh đàn tranh koto đều bắt chước ông Miyagi Michiọ Có một số phê bình ông và lại thử một hướng đi khác . Gần đây, nhứt là từ khi sau thế chiến thứ hai (1939), rất đông nhà soạn nhạc Nhựt thi đua nhau sáng tác nhạc đương đại dựa trên nhạc cổ truyền . Cây đàn tranh Koto làm bằng cây pawlonia , dài 1m80. Mười ba dây tơ căng dài trên mặt âm bảng. Mười ba con nhạn hình chữ A hứng chịu 13 dây đàn . Đàn tranh Koto không có trục giống như đàn Kayakeum của Đại Hàn. Người khảy đàn mang móng vào ngón tay cái, trỏ và giữa của bàn tay mặt và dùng ba ngón tay trỏ, giữa, và áp út củq bàn tay trái mang móng đeo ở ngón tay thì đủ biết người đàn thuộc trường phái nào (Gagaku, Tsukushi-goto, Ikuta, Yamadạ Đàn tranh koto có thể đàn độc tấu, tam tấu với với đàn tam shamisen, ống tiêu shakuhachi, hay đàn trong dàn nhạc cổ điển hay cận đại

 

Đàn Tranh Việt

Image

Có lẽ đàn tranh là cây đàn được nhiều người Việt biết đến nhiều nhứt và có đông người học nhứt trong số các nhạc khí cổ truyền Việt Nam . Thật ra đàn tranh không phải bắt nguồn từ Việt Nam mà đúng ra là từ Trung Quốc . Có một giả thuyết cho rằng tiếng đàn khi đánh lên nghe giống như âm từ “tranh”. Nhưng giả thuyết này không đứng vững . Về sau có một số giả thuyết khác cho rằng đàn tranh là do chữ “tranh” có nghĩa là “tranh luận thêm một bộ trúc phía trên . Giả thuyết này có đưa ra một huyền thoại . Nói rằng ngày xưa có hai người tranh nhau một cây đàn “sắc’ có 25 dây . MôNg Điềm , một vị quan thời nhà Tần, mới chặt cây đàn sắc ra làm hai, một cây đàn 12 dây và một cây đàn 13 dâỵ Từ đó người ta mới gọi là đàn tranh . Một huyề thoại khác nói rằng dưới thời nhà Tần có hai chị em nhà kia tranh nhau một cây đàn sắc có 25 dây . Dành qua dành lại , cây đàn rớt xuống bể làm haị Người chị lấy cây đàn có 13 dây , còn người em lấy cây đàn 12 dâỵ Từ đó mới phát xuất tên đàn tranh . Điều chắc chắn là đàn tranh Trung Quốc đọc là zheng (tsân) được xuất hiện giữa khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên vào cuối nhà Tần . Ở Việt Nam, đàn tranh xuất hiện đầu tiên vào lúc nào, không ai biết rõ . Có thể vào cuối thế kỷ thứ 9 . Nhưng có điều chắc chắn là đàn tranh được nhắc đến lần đầu tiên trong dàn tiểu nhạc dưới thời nhà Trần (1225-1400) trong quyển Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ . Ông Phạm Đình Hổ kể rằng cây đàn tranh chỉ có 15 dây chứ không phải 16 dâỵ Người đánh đàn mang móng bằng bạc để khảy hoặc dùng hai khúc cây sậy nhỏ đánh lên dây theo kiểu đánh đàn tam thập lục ngày nay . Cách dùng cây sậy khỏ lên dây không còn được truyền tụng nữa .

Đàn Tranh còn được gọi là Đàn Thập Lục (16 dây). Thùng đàn dài khoảng từ 100cm tới 110cm . Một đầu rộng từ 17cm tới 20cm, và một đầu nhỏ cỡ 12cm tới 15cm. Mặt âm bảng làm bằng cây ngô đồng hình cầu vòng . Thành đàn làm bằng gỗ trắc . Đáy đàn làm bằng một miếng ván có khoét ba cái lỗ: lỗ hình bán cầu ở phía dưới đầu đàn để có chỗ cột dây đàn cho đừng bị tuột dây; lỗ thứ nhì hình chữ nhựt ở giữa đáy đàn dùng để cho người đàn có nơi để xách đàn, và lỗ thứ ba tròn và nhỏ dùng để treo đàn trên vách tường sau khi hết muốn đàn nữa .Đầu đàn có một sợi dây bằng đồng uốn cong gọi là “cầu đàn” dùng làm điểm tựa cho 16 dây đàn bằng thép . Mỗi sợi dây căng từ cầu đàn tới trục đều chạy trên một con nhạn (còn gọi là ” ngựa đàn” – chevalet theo tiếng Pháp hay bridge theo tiếng Anh). Nhạn có thể di chuyển tùy theo cách lên dây đàn theo điệu Bắc, Nam, Xuân, Ai , Đảo, Oán,vv… Âm vực của đàn tranh cổ truyền là ba bát độ hay quãng 8 (octave) . Theo truyền thống miền Trung và Bắc, người đàn sử dụng ngón tay cái, trỏ và giữa của bàn tay mặt hoặc với móng tay thật để dài mà khảy nhưng âm thanh phát ra không được trong trẻo) hoặc với móng gẩy (onglet / plectrum) đeo vào . Ở miền Nam chỉ dùng có hai ngón tay mặt: ngón cái và ngón trỏ mà thôi . Có nhiều thủ pháp cho tay mặt rất được phổ thông cho đàn tranh. Cách gẩy lướt trên các dây đàn tạo thành một chuổi âm dài . Có hai cách đàn chữ Á .

Á xuống gẩy với ngón cái từ các âm cao đến âm thấp khoảng 7 hay 8 dây liên bậc

Á lên gẩy với ngón tay trỏ từ âm thấp tới âm cao. Kỹ thuật này rất được ưa thích tại Việt Nam và nhứt là các nhạc sinh thế hệ trẻ sau này thường đàn trong các nhạc phẩm mới sáng tác Đánh chồng âm , hợp âm thường được thấy trong nhạc đàn tranh, có nghĩa là hai âm thanh cùng đánh một lúc tạo thành hai âm cách nhau một quãng tám, gọi là song thanh ( miền Nam), hay song long (miền Bắc), có khi liên bậc hay có khi cách bậc. Đánh song huyền là cách đánh hai dây cùng một lúc nhưng âm thanh không cách nhau một quãng tám như song long/song thanh màcó thể là quãng 2, 3, 4, 5 vv

Đánh nhiều dây là đánh cùng một lúc ba hay bốn dây tạo thành một hợp âm . Kỹ thuật này mới được áp dụng sau này co chiều hướng tây phương. Ngón vê làdùng các ngón tay mặt gẩy liên tục thật mau trên một dâỵ Có thể vê hai dây. Một số thủ pháp như ngón láy rền, ngón vuốt, vv… làm tăng thêm sự phong phú của kỹ thuật đàn tranh Việt Nam. Thủ pháp của bàn tay trái góp phần để tạo rõ hiệu quả âm thanh tính qua các ngón rung, ngón nhấn, ngón vỗ . Mấy lúc sau này tay trái còn được sử dụng phối hợp với bàn tay mặt để đánh các chồng âm hay một vài kỹ thuật khác . Thủ pháp tay trái gồm có:

Ngón rung là dùng 2 hay 3 ngón tay trái rung nhẹ trên sợi dây tạo một âm thanh phát ra giao động như làn sóng nhỏ

Ngón nhấn thể nhấn nửa bậc, một bậc hay một bậc rưỡi Ngón nhấn láy được dùng rất thường ở đàn tranh

Ngón vỗ dùng ngón tay mặt gẩy dây cùng một lúc ngón tay trái vỗ và nhấc lên ngay.

Ngón vuốt dùng tay mặt gẩy đàn, tiếp theo dùng 2 hay 3 ngón tay trái vuốt trên dây đàn đó làm tăng sức căng của dây đàn một cách đều đều , liên tục âm thanh được nâng cao lên nửa cung hay một cung là thủ pháp của tay trái mà trước đây quá ít người biết sử dụng . Có thể gẩy bằng hai tay để tạo thêm chồng âm . Thường là tay trái gẩy những âm rải trong khi tay mặt phải sử dụng ngón vê , hoặc trong khi tay mặt nghỉ. Đôi lúc có thể gẩy giai điệu trong bản nhạc, đặc biệt là những đoạn nhạc êm dịu, trữ tình .

Bồ âm là kỹ thuật mới bắt nguồn từ kỹ thuật đàn bầu, nghĩa là chạm cạnh bàn tay trái lên giữa dây đành tính từ cầu đàn tới con nhạn trong khi tay mặt gẩy dây đó

Cách lên dây đàn

Có nhiều cách lên dây đàn tranh tùy theo điệụ Sau đây là một số lên dây căn bản

Dây Bắc, Quảng: Sol – La – Do – Re – Mi – Sol

Dây Đảo : Sol – La – Do – Re – Fa- Sol

Dây Nam Ai,Xuân:Sol – Sib – Do – Re – Fa- Sol

Dây Vọng cổ : Sol – Sib + Do – Re – Mi – Sol

Sa Mạc : Sol – Sib+ Do – Re – Fa- Sol

Tây Nguyên : Sol – Si Đo – Re – Fa#- Sol

 

Bài bản căn bản

Vềbài bản cho nhạc sinh học đàn tranh, tôi chỉ ghi lại đây một số bài căn bản theo truyền thống miền Trung và miền Nam mà thôi .

Theo truyền thống miền Trung, dây Bắc có 10 bài ngự

1. Phẩm tuyết

2. Nguyên tiêu

3. Hồ quảng

4. Liên hoàn

5. Bình nguyên

6. Tây mai

7. Kim tiền

8. Xuân phong

9. Long hổ

10.Tẩu mã

 

Về bài bản theo dây Nam thì có :

1 Nam ai (còn gọi là ai giang)

2. Hành vân

3. Nam xuân (còn gọi là Hạ giang hay Nam chiến)

4. Nam bình (còn gọi là vọng giang)

5. Chinh phụ

6. Tứ đại cảnh

7. Tương tư khúc

 

Truyền thống miền Nam trong nhạc đàn tài tử gồm có một số bài dây Bắc:

bài nhỏ:

1. Lưu thủy đoản

2. Bình bán

3. Kim tiền Huế

4. Tây thi vắn

5. Khổng Minh tọa lầu

6. Mẫu tầm tử

7. Long Hổ hội

8. Thu hồ

 

6 bài lớn:

1. Lưu thủy trường

2. Phú lục

3. Bình bán chấn

4. Xuân Tình

5. Tây thi

6. Cổ bản

 

7 bài lớn trong nhạc lễ :

1. Xàng xê

2. Ngũ đối thượng

3. Ngũ đối hạ

4. Long đăng

5. Long ngâm

6. Vạn giá

7. Điệu khúc

 

Các bài điệu Quảng gồm có:

1. Ngũ điểm

2. Bài tạ

3. Khốc hoàng thiên

4. Xang xừ líu

 

Dây Nam gồm có:

1. Nam ai

2. Nam xuân

3. Đảo ngũ cung

4. Tứ đại oán

5. Văn Thiên Tường

6. Vọng cổ

 

Sự đóng góp của một số giáo sư cổ nhạc như GS Nguyễn Hữu Ba, GS Bửu Lộc, GS Vĩnh Phan, GS Nguyễn Vĩnh Bảo, đã tạo ra một số nhạc sĩ trẻ có đầu óc muốn cải tiến và phát triển như Phạm Thúy Hoan và các nhạc sĩ nhóm Hoa Sim như Quỳnh Hạnh, Phương Oanh, Ngọc Dung ở Saigon trước 1975 . GS Nguyễn Vĩnh Bảo đã dựa trên các cây đàn tranh của Đài Loan, Nhựt Bổn mà chế biến những đàn tranh 17, 19 và 21 dây với những âm thanh thật trầm và thật sống làm cho âm sắc giàu hơn nhiều Tại Paris, Trung Tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương (Centre d’Etudes de Musique Orientale / Centre of Studies for Oriental Music) do GS Trần Văn Khê sáng lập vào năm 1958 đã đào tạo hàng trăm nhạc sinh đàn tranh đủ các quốc tịch trong vòng 30 năm (tính cho tới năm 1988 là năm trung tâm này đóng cửa).

Ngày xưa, đàn tranh ít được phổ biến, chỉ hòa đàn trong dàn nhạc ngũ tuyệt, đàn tài tử miền Nam, hay là độc tấu, hoặc đệm cho một người hát . Ngày nay, với những kích thước lớn nhỏ khác nhau, với số dây từ 16 lên tới 21 dây hay nhiều hơn nữa, với những thủ pháp tân kỳ, đàn tranh có thể độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát, cho ngâm thơ và luôn cả trong nhạc điện thanh (electro-acoustical music/ musique electro-acoustique) mà nhà sọan nhạc Nguyễn Văn Tường và tôi đã cọng tác để thực hiện qua nhạc phẩm Về Nguồn trình bày lần đầu tại Pháp năm 1975 . TS Lê Tuấn Hùng đã bảo vệ luận án tiến sĩ nhạc học về Đàn Tranh, bài bản đàn tranh tại trường đại học Monash University, Melbourne, Úc Châu vào năm 1991. Tại Pháp có GS Trần Văn Khê, Trần Thị Thủy Ngọc, Quỳnh Hạnh và Phương Oanh mở lớp dạy đàn tranh . Tại Canada, có Đức Thành ở Montreal dạy đàn tranh hàm thụ và trình diễn đàn tranh .Tại Úc châu có Lê Tuấn Hùng. Tại Hoa kỳ có TS Nguyễn Thiếu Phong, BS Đào Duy Anh.

Tôi đã giới thiệu đàn tranh tại Pháp và ở hải ngoại từ năm 1966 qua hàng nghìn buổi trình diễn và tại hàng trăm đại hội liên hoan nhạc truyền thống khắp năm châụ Với 23 dĩa hát thực hiện tại Pháp (15 dĩa như 33 vòng , 8 CD), tôi đã mang tiếng đàn tranh đi vào 60 quốc gia và nhơ ` đó ai ai đều biết tới tiếng đàn tranh Với một cái nhìn tổng quát vềcác loại đàn tranh ở Viễn Đông, tôi hy vọng mang lại cho độc giả một cái nhìn xác thực về sự đa diện của cây đàn tranh và sự giàu có về âm thanh, thủ pháp, bài bản, cũng như về các nhạc sĩ, các nhà viết nhạc cho một nhạc khí đặc trưng của Viễn Đông: Đàn Tranh.

Tại Việt Nam ngoài Phạm Thúy Hoan, còn có hiện nay ba nữ nhạc sĩ đàn tranh trẻ tuổi là Hải Phượng (đoạt giải Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc 1992), Vân Ánh (đoạt giải đàn tranh tài năng trẻ năm 1995) , và Thanh Thủy (đoạt giải tài năng trẻ đàn tranh năm 1998) . Một hội đàn tranh Châu Á lần đầu được tổ chức tại Saigon từ 10 tới 14 tháng 9, 2000 với sự tham dự của hơn 200 nhạc sĩ đàn tranh của Việt Nam, Đại Hàn, Nhựt Bổn và Tân Gia Ba thổi một luồng gió mới vào nhạc dân tộc trong xứ, và có thể làm phát triển đàn tranh ở Việt Nam .

 

==========================================

Trong phần sách tham khảo và CD vềnhạc đàn tranh, tôi chỉ lựa một vài quyển sách và CD về nhạc đàn tranh Việt Nam mà thôị Còn sách và dĩa CD vềnhạc ba quốc gia kia : Trung quốc, Nhựt Bổn và Đại Hàn vì số trang có hạn .

Sách tham khảo

VIETNAM

Trần Quang Hải, 1989: Âm nhạc Việt Nam – biên khảo, 362 trang, nhà xuất bản Nhóm Bắc Đẩu, Paris.

Trần Quang Hải /Michel Asselineau, Eugene Berel, 1994: Musics of the World, (Nhạc thế giới ), nhà xuất bản JM Fuzeau, 360 trang, 3 CD, Courlay, Francẹ

Trần Văn Khê, 1962 : Musique traditionnelle vietnamienne (Nhạc cổ truyền Việt Nam), nhà xuất bản Presses Universitaires de France (PUF) 382 trang, Paris .

Trần Văn Khê, 1967 : Vietnam , Traditions Musicales (Vietnam, Truyền Thống Âm Nhạc), nhà xuất bản Buchet Chastel, 225 trang, Paris

 

Dĩa hát CD về Đàn tranh Viễn Đông

VIETNAM

 

TRAN QUANG HAI

CD: Vietnam: Rêves et Realite / Tran Quang Hai & Bach Yên , nhà xuất bản Playasound, PS 65020, Paris, 1988

CD: La cithare vietnamienne, Dan Tranh par Tran Quang Hai, nhà xuất bản Playasound, PS 65103, Paris, 1993.

CD : Landscape of the Highlands, Dan Tranh by Tran Quang Hai, nhà xuất bản Latitudes LAT 50612, Chapel Hill, North Carolina, Hoa Kỳ, 1994

 

NGUYEN VINH BAO

CD: Vietnam / Tradition du Sud par Nguyên Vinh Bao / Tran Van Khê, nhà xuất bản OCORA C 580043, Paris,1992 .

CD : Vietnam /Tradition of the South / Nguyên Vinh Bao (đàn tranh) Trân Van Khê (tỳ bà ), nhà xuất bản AUVIDIS, Unesco, D 8049, Paris, 1993 .

 

HAI PHUONG

CD : Vietnam / Le Dàn Tranh : Musiques d’hier et d’aujourd’hui / Hải Phượng (đán tranh) Tran Van Khê (đàn kìm ), nhà xuất bản OCORA C560055, Paris, 1994.

 

TRAN VAN KHE

CD : Vietnam / Poésies et Chants / Tran Van Khê (đàn tranh, kìm, ngâm thơ), Trân Thi Thuy Ngoc (đàn tranh), nhà xuất bản OCORA C 560054, Paris, 1994.

 

LE TUAN HUNG /LE THI KIM

CD : Musical Transfiguration : A journey across Vietnamese Soundscapes / Lê Tuân Hùng & Lê Thi Kim, nhà xuất bản MOVE MD 3128, Úc Châu, 1993. LêTuấn Hùng (đàn tranh, bộ Gõ, hát), Lê Thị Kim (tranh, sinh tiền, hát)

 

CD: Echoes of Ancestral Voices / Traditional Music of Vietnam/ Dang Kim Hiên & Lê Tuấn Hùng , nhà xuâ’t bản, Move Records MD 3199, Úc Châu, 1997. Lê Tuân Hùng & Dang Kim Hiền (tranh, giọng, percussions)