Thạc sĩ PhanThị Huyền Trân: GS.TS Trần Văn Khê – Còn đó trăm năm và mãi mãi


Thứ năm, 15/07/2021, 16:43 (GMT+7) 987 lượt xem

GS.TS Trần Văn Khê – Còn đó trăm năm và mãi mãi

(QK7 Online) – GS.TS Trần Văn Khê là một trong những cây đại thụ của làng âm nhạc  dân tộc Việt Nam. Ông là  một nhà nghiên cứu văn hóaâm nhạc cổ truyền của dân tộc và là người có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với  bạn bè quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Trần Văn Khê đã viết nên những trang sử vàng đáng nhớ, là một kho tàng quý báu  cho nền âm nhạc Việt Nam.
        GS.TS Trần Văn Khê sinh ngày 24 tháng 7 năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Vĩnh Kim là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và cũng là cái nôi của nhạc tài tử, sân khấu cải lương Nam bộ. Nơi đây đã sinh ra cho nghệ thuật sân khấu Nam bộ nhiều danh cầm nổi tiếng cả nước. Trong đó có gia đình của cố GS.TS Trần Văn Khê, khi cả bên ngoại và bên nội ông đều là những người trong giới nhạc truyền thống. Họ là những danh cầm nổi tiếng, là người có tên tuổi trong giới nhạc truyền thống lúc bấy giờ và có công rất lớn trong việc truyền bá, phát triển  dòng nhạc tài tử Nam bộ qua bao thế hệ.
Từ nhỏ, GS.TS Trần Văn Khê  đã học rất giỏi, năm 10 tuổi ông đậu tiểu học, 13 tuổi  đậu sơ học và tiếp tục học trung học tại Trường Pétrus Ký.
Năm 1941, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa, ông cùng Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên và được cử làm nhạc trưởng của dàn nhạc trường. Ông còn tham gia phong trào “Truyền bá quốc ngữ”, “Truyền bá vệ sinh”, rồi tham gia kháng chiến trong phong trào “Thanh niên Tiền phong” tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đến năm 1946, khi Pháp tấn công đánh chiếm lục tỉnh, các cơ quan bộ đội rút vào hoạt động bí mật. Trần Văn Khê trở về Sài Gòn và đi dạy học tại các trường tư, đồng thời làm thêm nghề mới là viết báo. Ông tham gia nhóm kháng chiến do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, sau là Mai Văn Bộ chỉ huy. Năm 1948, nhóm  kháng chiến tại thành bị lộ, Trần Văn Khê bị bắt và giam tại khám Catinat, ông bị giam hai tuần sau đó được thả ra vì không có chứng cớ, nhưng từ đó bị mật thám theo dõi.
Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp du học và học tại viện Khoa học Chánh trị Paris và từ đó ông bắt đầu hành trình hơn 50 năm bôn ba năm châu bốn biển của mình.
 Năm 1951 ông tốt nghiệp Khoa học Chánh trị  và Khoa Giao dịch Quốc tế và học Anh văn tại Đại học Văn khoa Paris.
Cuối năm 1954, ông theo học và chuẩn bị làm luận án tiến sĩ tại Khoa Âm nhạc trường Đại học Sorbonne, Paris với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Đến tháng 6 năm 1958,  ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ cùng với đề tài phụ “Khổng tử và âm nhạc”. Từ đây ông bắt đầu những bước đầu tiên trên chặng đường dài  nghiên cứu, giảng dạy và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam .
GS.TS Trần Văn Khê Với tài năng và tâm huyết của mình, GS.TS Trần Văn Khê đã tạo dựng được uy tín rất cao trong giới nghiên cứu âm nhạc thế giới và trở thành thành viên của nhiều tổ chức âm nhạc quốc tế: Thành viên của Viện hàn lâm khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Châu Âu về Khoa học văn chương và nghệ thuật, là thành viên rồi giữ vai trò Phó chủ tịch Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO, 10 năm liền được tín nhiệm ở vai trò Chủ tịch Ban tuyển chọn quốc tế của Diễn đàn âm nhạc châu Á, Tiến sĩ âm nhạc danh dự của Đại học Ottawa, Đại học Monoton (Canada) và là thành viên của nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế và các nước
Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, trình diễn và quảng bá âm nhạc dân tộc của GS. TS Trần Văn Khê, ông đã tham dự hơn 200 hội nghị quốc tế về âm nhạc và âm nhạc học trên 67 quốc gia, gần 20 liên hoan quốc tế về âm nhạc khắp năm châu, đăng gần 200 vài viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Đức, Trung Quốc, Ả Rập; Ghi âm trên 600 giờ âm nhạc và trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam, 300 giờ âm nhạc châu Á, châu Phi, chụp 8.000 ngàn ảnh về sinh hoạt âm nhạc của nhiều nước; Thu thập 500 đĩa hát của các nước, thực hiện 15 đĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam và thực hiện nhiều phim ngắn về dân tộc nhạc học. GS. TS  Trần Văn Khê là người đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa Ca trù, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành di sản phi vật thể của thế giới.
Năm 2006, GS.TS Trần Văn Khê trở về Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Với rất nhiều tư liệu nghiên cứu quý giá bằng sách, sổ ghi chép và băng đĩa, ông cùng các cán bộ ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và những người cộng sự xây dựng Thư viện Trần Văn Khê phục vụ nhu cầu nghiên cứu âm nhạc dân tộc, đồng thời tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn, nói chuyện, giao lưu với công chúng. Nơi ở của ông đã thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và khán giả trong và ngoài nước.
Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, GS.TS Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào cuốn “Đại từ điển Âm nhạc thế giới”. Bên cạnh đó, ông còn nhận được nhiều huy chương, bằng danh dự  và nhiều giải thưởng cao quý: Giải Nhì phần thi biểu diễn nhạc dân tộc tại Đại hội Liên hoan Thanh niên tổ chức tại thành phố Budapest, Cộng hòa Hunggary; Giải thưởng “Deutscher Schallplatten Preis” của Cộng hòa Liên bang Đức cho dĩa hát “Việt Nam I” phát hành năm 1967; “Giải thưởng lớn” Về dân tộc nhạc học của Hàn lâm viện Dĩa hát Pháp;  Bằng khen và Hội viên Danh dự của Hội nghệ sĩ Ái Hữu; Tiến sĩ Âm nhạc danh dự của Đại học Ottawa, Canada; Giải thưởng của UNESCO về Âm nhạc; Huân chương Văn hóa Nghệ thuật của Chính phủ Pháp; Giải thưởng “Dĩa hát hay nhất trong năm 1994” của Cộng hòa Liên bang Đức và Giải thưởng “Choc” của Tạp chí Thế giới âm nhạc ở Pháp cho dĩa hát “Việt Nam và đàn tranh”; Giải thưởng Koizumi Fumio về dân tộc nhạc học của Nhật Bản; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng của Bộ Văn hóa – Thông tin; Tiến sĩ Âm nhạc danh dự đại học Monoton, Cannada; Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương ký; Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc trao tặng; Giải thưởng Phan Châu Trinh về những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu và quảng bá âm nhạc dân tộc do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng…Ngoài ra ông còn rất nhiều những bằng khen, huân chương, huy hiệu, những quà tặng lưu niệm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trao tặng.
        Nhắc đến Giáo sư Trần Văn Khê, đó không chỉ là những công trình nghiên cứu giá trị, là khối lượng kiến thức uyên thâm, mà còn ở nhân cách sống cao quý, đầy tình thương. Gia đình, đồng nghiệp, học trò, giới mộ điệu âm nhạc, bạn bè trong và ngoài nước luôn dành cho cho ông những sự kính trọng, ngưỡng mộ và những tình cảm chân thành nhất.  
“Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê – Người cả cuộc đời đã cống hiến cho âm nhạc Việt Nam, góp phần to lớn trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam bằng tri thức âm nhạc. Trí tuệ, uy tín, tài năng, tâm huyết và sáng tạo của ông mãi mãi là tài sản quý báu của Văn hóa Việt Nam.” Đó là lời của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi sổ tang trong Lễ viếng GS.TS Trần Văn Khê, năm 2015.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TS Trần Văn Khê, sẽ mãi nhớ về ông, người đã sống và cống hiến hết mình cho âm nhạc dân tộc Việt Nam.   Thạc sĩ Phan Thị Huyền Trân

https://baoquankhu7.vn/gsts-tran-van-khe-con-do-tram-nam-va-mai-mai–300163339-0023728s37510gs?AspxAutoDetectCookieSupport=1

HUỲNH MINH HIỆP: TRẦN VĂN KHÊ – còn mãi trăm năm


Trần Văn Khê – còn mãi trăm năm!

Share: Share on facebook Share on twitter Share on linkedin Share on telegram Share on whatsapp

Cố giáo sư Trần Văn Khê (ảnh: Madeinsaigon.vn)

Năm nay là đúng 100 năm ngày kỳ tài âm nhạc Việt Nam Trần Văn Khê ra đời. Nhân dịp này, mời đọc lại bài viết của chính ông trên tạp chí Bách Khoa số 169, ngày 15 Tháng Một 1964, trong bài ông Khê trả lời phỏng vấn ông Nguiễn Ngu-Í.

Sinh năm 1921 tại Bình Hòa Đông (nay là làng Đông Hòa, tỉnh Mỹ Tho). Trong gia đình, bên nội bên ngoại đều biết nhạc, cha là Trần Văn Chiều tức Bảy Triều chuyên đàn kìm, đàn độc huyền và đàn cò; chế ra dây Tố Lan; cô là Trần Ngọc Viện chuyên đàn tranh, bầu gánh Đồng Nữ, học nhạc cổ trong gia đình, nhất là với cậu là ông Nguyễn Tri Khương. Biết đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, và đánh trống nhạc. Ngoài ra biết đàn qua loa: tì bà, mandoline, guitar và piano.

Cựu học sinh trường Trung học Trương Vĩnh Ký (1934-1941); trường Đại học Y Khoa tại Hà Nội (1941-1944); trường chánh trị Ba Lê, trường Đại học văn khoa Ba Lê; Nhạc học viện Ba Lê (1949-1958), có bằng P.C.B (Lí Hóa Sinh) bằng thứ nhứt trường Thuốc. Tiến sĩ văn khoa Đại học Ba Lê (1958) (môn Nhạc học: Musicologie)

Cựu nhạc Trưởng trường trung học Trương Vĩnh Ký (1937-39), trường Đại học Hà Nội (1941-1944). Giải nhì quốc tế về nhạc dân tộc (Budapest, 1949). Phần thưởng lớn của Hàn lâm viện dĩa hát tại Pháp (1960). Hiện làm tùy viên Trung tâm nghiên cứu Khoa học tại Pháp (Ban Nhạc học).

Phó giám đốc Trung tâm học nhạc phương Đông.

Phó chủ tịch quốc tế Trung tâm âm nhạc xã hội học.

Nhân viên ban chấp hành Hội đồng quốc tế Âm nhạc.

Hội viên của:

Hội Nhà văn Pháp (Societe francaise de Musicologie).

Hội Á Châu (Societe asiatique).

Hội Nhạc học Pháp quốc ( Societe francaise de Musicologie).

Hội Nhạc học quốc tế (Societe internationale de Musicologie) Thụy Sĩ.

Hội đồng quốc tế nhạc dân tộc (International Folk Music Council), Anh quốc.

Hội đồng dân tộc Nhạc học (Society of Ethnomusicology, Mỹ quốc).

Đã viết bài về nhạc Việt cho các nhà xuất bản Fasquelles, Gallimard, Larousse (Pháp), Unione Tipografico Editrice (Í) (sic) đăng vào Bách Khoa từ điển về âm nhạc.

Đã trình bày về nhạc Việt tại các trường đại học, đài phát thanh và đài vô tuyến truyền hình ở các nước Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Ba Tư, Nhật Bản, Maroc.

Đã diễn thuyết về nhạc Việt và tham dự các đại nhạc hội quốc tế ở Pháp, Anh, Hoa Kì, Í (sic), Ba Tư, Nhật Bản, Do Thái, Bỉ…

Biết qua nhạc Tây Phương để thưởng thức, tìm hiểu để mở rộng kiến văn thì tôi tán thành. Chớ phổ biến nhạc Tây Phương thật rộng rãi thì tôi không đồng ý. Lo phổ biến nhạc Tây Phương trong lúc nhạc Việt đi đến chỗ bế tắc, người dân Việt lần lần đi ra căn bản nhạc Việt, chẳng khác nào khuyến khích người Việt học tiếng Pháp để đọc sách của Corneille, Racine hay Camus, Sartre, học tiếng Anh để đọc Shakespeare hay Pearl Buck, trong khi phần đông chúng ta đang mù chữ và mù tiếng Việt. Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, một nhạc ngữ đặc biệt. Mà ngôn ngữ cũng như nhạc ngữ có một ngữ pháp riêng. Không thể vì ngữ pháp của một ngôn ngữ có tánh cách khoa học, mà đem nó áp dụng cho tất cả các ngôn ngữ khác. Quay về vốn cổ, để tìm đặc tính của dân tộc, lấy đó mà làm căn bản nghệ thuật. Một khi có căn bản vững chắc, thì công việc phóng tác, cải tiến sẽ không làm mất dân tộc tính. Người ngoại quốc yêu nghệ thuật không chê là chúng ta chạy theo sau họ, bắt chước họ một cách mù quáng, mà dân tộc ta không từ khước những nhạc phẩm tuy mang hình thức mới mà nội dung và căn bản bắt nguồn trong truyền thống muôn đời của đất nước.

Ba-Lê, Thu 1963, Bạn Ngu-Í

I- Tôi chuyên về môn Nhạc học (musicologie), áp dụng những phương pháp khoa học của phương Tây để nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của phương Đông; mà trước hết âm nhạc cổ truyền của nước Việt.

Tại nước Pháp, chỉ có trường Đại học Ba Lê và Strasbourg dạy khoa Nhạc học. Muốn vào học sinh viên phải có bằng “Dự bị Đại học” (Propédeutique) tốt nghiệp Âm nhạc viện, hoặc phải thi vào Nhạc học viện. Có bằng tốt nghiệp Âm nhạc viện hay là thi vào Nhạc học viện mà được trúng tuyển, sinh viên có thể thi bằng tốt nghiệp Nhạc học viện (Diplôme de l’Institut de Musicologie). Có bằng Dự bị Đại học, sinh viên có thể thi văn bằng “Âm nhạc sử”, một trong 4 văn bằng cần thiết để được bằng cử nhân Văn chương. Có cử nhân hay bằng tương đương thì sinh viên có thể thi tiến sĩ về Nhạc học (Đệ tam cấp, Đại học hay Quốc gia).

Khi vào Nhạc học viện, người sinh viên phải có những hiểu biết căn bản như: Kí âm pháp đến bực viết ám tả âm nhạc những bài hát có hai ba bè, đại cương lịch sử âm nhạc, đại cương lịch sử văn hóa. Vào đấy, sinh viên học thêm hòa âm sơ đẳng, phân tách hòa âm (Analyse harmonique), lịch sử âm nhạc, nhạc khí học (organologie). Về phần thực hành thì sinh viên phải học phép chuyển cách chép nhạc ngày xưa ra cách chép nhạc ngày nay, phải đọc được những bản chép nhạc của người Hi Lạp, La Mã, và người Âu từ thời Trung cổ nếu sinh viên muốn chuyên về ngành: Cổ nhạc (option ancienne), phải biết thâu các giao hưởng khúc lại thành hai phần cho đàn dương cầm, nếu sinh viên chuyên về ngành “Kim Thời” (option moderne), phải biết sắp loại các nhạc khí, hay nhận ra những đặc điểm căn bản về nhạc ngữ, nếu sinh viên chuyên về ngành “nhân chủng” (hay là ngành “dân tộc học”: ethnomusiccologie).

Sinh viên phải biết cách trình bày và sắp loại các tài liệu (fiches de documentation). Ngoài ra, những người thi tiến sĩ phải biết hai hoặc ba sinh ngữ (Pháp, Anh, Đức) và một hoặc hai tử ngữ (La Tinh, Cổ Hi Lạp, hay chữ Phạn, chữ Hán).

Khi ra trường, nhạc học giả mới chuyên về một môn, một ngành hay một thời đại trong âm nhạc sử. Có người chuyên về âm nhạc sử (histoire de la musique) thời Trung cổ hay về thế kỉ thứ XVI, XVII, tại một số nước nào đó ở Âu Châu: nước Đức, nước Ý chẳng hạn. Trong ngành “dân tộc nhạc học” (ethnomusicologie), nhạc học giả có thể chuyên về nhạc của một dân tộc hoặc một truyền thống nhứt định.

Hiện nay, tôi chuyên về ngành dân tộc nhạc học, và nghiên cứu các truyền thống âm nhạc ở Viễn Đông, và nhất là âm nhạc cổ truyền ở nước Việt.

Cố giáo sư Trần Văn Khê (ảnh: PLO)

II- Tôi sanh trưởng trong một gia đình mà bên nội bên ngoại đều biết nhạc cổ truyền. Từ thuở bé, nhờ nghe thân phụ tôi là Trần Văn Chiều tức Bảy Triều và cậu tôi là Nguyễn Tri Khương hòa đàn mà nhạc thấm vào người nên lúc lên 6, tôi đã biết đàn kìm và đàn cò. Tôi còn nhớ lúc xưa, cứ mỗi lần Cô sáu Ngọc ở ngoài Vàm Rạch Gầm vào Chợ Giữa (Sầm Giang) để ca Tứ đại, cha tôi đàn phụ họa theo dây Tố Lan do người chế ra, tôi không tài nào ngủ được. Trẻ con không phép thức khuya, mà tôi vẫn núp sau tấm vách lá nghe từ chữ nhấn tiếng ngân.

Lớn lên, nhứt là sau khi cha mẹ tôi qua đời, cô tôi là bà Trần Ngọc Viện nuôi tôi và dạy tôi đàn tranh, dạy cách nhấn mổ, nhấn vuốt, nhấn lật trong các bài hơi bắc, hơi ai, hơi xuân. Cậu tôi, ông Nguyễn Tri Khương, dạy tôi đàn theo nhạc lễ và đánh trống nhạc. Trong các dịp Tết, đám giỗ, đám khao hay những đêm trăng, ở nhà cậu tư của tôi, ông Nguyễn Tri Lạc, thân phụ của Anh Nguyễn Mĩ Ca, thường có những buổi hòa nhạc. Người lớn người nhỏ đều biết đàn. Cô tôi, bà Trần Ngọc Viện, lại có lập một gánh hát cải lương, gánh Đồng Nữ, nên tôi có dịp đờn cho mấy chị tập tuồng, nghe và học lóm chú mười Đờn, “Thầy hai thầy tuồng”.

Trong truyền thống cổ nhạc, mỗi lần đi hòa đờn hay nghe hòa đờn là mình học thêm. Tôi đã học cách đờn chuyền của bác chín Kỳ, cách đàn cò và đánh trống nhạc với anh tư Huyện ngày anh sang Pháp thu thanh cho dĩa hát Pathé. Nay tôi vẫn còn ghi lại cách đánh trống ma chay mà anh tư Huyện dạy tôi từ năm 1949. Thành ra tuy theo Tây học, tôi vẫn có căn bản nhạc cổ truyền. Lúc ở trường Trung  học Trương Vĩnh Ký, tôi đã có ý cải tiến cổ nhạc Việt bằng cách lập một giàn (sic) nhạc cổ gồm có đàn cò, đàn kìm, ống sáo nhưng cũng có đàn ghi-ta, đàn vi-ô-lông; mỗi cây, đàn theo một chiết phần dưới sự chỉ huy của một nhạc trưởng.

Khi gặp các bạn như Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, các bực đàn anh như Võ Đức Thu, Lê Thương, tôi thấy đồng ý với các bạn, các anh ấy ở chỗ tìm một nhạc ngữ mới, phù hạp với đời sống và nguyện vọng của người Việt thời nay. Tôi đã đi sâu vào ngành Tân nhạc, đã học chút ít kí âm pháp Âu Tây, đã “bạo gan” nắm lấy giàn (sic) nhạc của trường Đại học Hà Nội để giới thiệu tại các nhà hát lớn Hà Nội, Sài Gòn, tại hội chợ Triển lãm Sài Gòn bài “La marche des Etudiants” – sau nầy là bài Tiếng gọi Sinh viên rồi Tiếng gọi thanh niên (I) – bài Người xưa đâu tá (hay là bài Kinh cầu nguyện) và mấy bài loại lịch sử của Lưu Hữu Phước như Bạch đằng giang, Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng. Tôi đã tập nữ sinh trường Đồng Khánh ở Hà Nội và trường Áo Tím Sàigòn trình bày vở ca kịch “Tục lụy” của Khái Hưng và Thế Lữ do Lưu Hữu Phước phổ nhạc. Tôi đã thâu thanh cho hãng dĩa ORIA nhiều bài hát của Thẩm Oánh, Lê Thương, Võ Đức Thu, Phạm Duy. Tôi đã trình bày tại Budapest, Luân Đôn, Ba Lê cùng với những bài cổ nhạc, những bài hát của Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, Lê Thương và nhạc phẩm Bóng hoàng hôn của Võ Đức Thu.

(I) Theo chỗ tôi được biết thì bài này – Quốc ca của nước Việt cộng hòa (sic) – có một lịch sử khá li kì. Năm 1942, Lưu Hữu Phước có đặt một bài hành khúc cho một nhóm cách mạng ở hải ngoại, tên là “Quốc dân hành khúc”. Bài hành khúc này ra mắt quốc dân với lời Pháp, dưới cái tên “La march de Etudiants”. (Sinh viên Hà Nội thời ấy gồm có: Việt, Miên, Lào). Rồi sau đó mới đặt lời Việt với câu mở đầu bất hủ “Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi” và với cái tên “Tiếng gọi sinh viên”. Thời chánh phủ Trần Trọng Kim, một người bạn của Lưu, đảng viên Việt Nam quốc dân đảng, tự tiện đổi tên là “Tiếng gọi thanh niên”, với lời có đổi đi một ít của ca khúc “Tranh đấu” của bài “Quốc dân hành khúc”. Trước ngày toàn dân khởi nghĩa không bao lâu, Lưu mới có thể cho xuất bản “Quốc dân hành khúc” với lời của Hoàng Mai Lưu, gồm 3 ca khúc: Tranh đấu, Khải HoànKiến Thiết (Lời chú của Ngu-Í Nguiễn Hữu Ngư).

Tôi đã nghĩ rằng Tân nhạc là sự tiến hóa tự nhiên của nhạc Việt trong sự gặp gỡ, đụng chạm giữa hai nền Văn hóa Á Âu. Nhưng rồi vì bịnh nặng, tôi phải nằm trong các dưỡng bệnh viện trên ba năm trời. Tôi có dịp và có thì giờ suy nghĩ, xem xét lại công việc tôi đã làm, con đường tôi đã theo. Tôi được học thêm nhạc lí Tây phương, phân tách nhạc Việt một cách tỉ mỉ hơn. Tôi thấy rằng có lẽ tôi đi chưa đúng con đường phục vụ âm nhạc Việt. Tôi đang đi xa cái chân giá trị của nhạc cổ truyền. Tôi muốn đưa nhạc Việt vào một con đường mới mà một phần tôi chưa tìm hiểu thấu đáo cổ nhạc Việt, một phần tôi chưa rành Âu nhạc.

Và nhạc mới do sự phối hợp của hai nền nhạc cổ kim sẽ đi đến đâu? Tôi hoang mang chỉ nhận thấy mang máng rằng lối nhạc mà thuở ấy người ta gọi là cải cách, ngoài công dụng của nó trong cuộc cách mạng dân tộc, chưa có một giá trị nghệ thuật đáng kể. Trong 4 năm trời, từ 1954-1958, tôi đi sâu vào công việc nghiên cứu, học tập cổ nhạc Việt, tìm cái hay, cái đặc tính của cổ nhạc Việt để một mặt hoàn thành luận án tiến sĩ Văn chương (khoa Nhạc học), một mặt giới thiệu lối nhạc cổ truyền ấy cho những người yêu nhạc trên thế giới. Trong Nhạc học viện, tôi đã học hòa âm và phân tách hòa âm, với bà Dommel-Diénny, lịch sử âm nhạc với bà S. Corbin và giáo sư Jacques Chailley, dân tộc học và nhạc khí học với ông André Schaeffner, nho học với giáo sư E. Gaspardone, những đặc điểm về ngũ âm giai, cách chuyển hệ, và tiết tấu với ông C. Brailoiu.

Từ năm 1958 đến nay, những hoạt động của tôi không ngoài ba công việc chánh: giới thiệu nhạc Việt, tham dự các Hội nghị quốc tế, nghiên cứu và viết những tiểu luận về âm nhạc.

1/ Tôi giới thiệu nhạc Việt bằng cách diễn tấu cổ nhạc Việt trong những buổi hòa nhạc, truyền thanh hay truyền hình trong các nước Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Ba Tư, Ấn Độ, Nhật Bản, bằng cách thu thanh vào dĩa hát, bằng những cuộc tuần du diễn thuyết về cổ nhạc Việt trong các âm nhạc viện, các trường Đại học, tại Pháp, Anh, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản.

2/ Tôi đã tham dự các Đại nhạc hội quốc tế tại Budapest (Hung Gia Lợi, 1949), Exeter (Anh Quốc, 1950), Ba Lê (1958-1960-1962), Bath (Anh quốc, 1960), Teheran (Ba Tư, 1961), Đông Kinh (Nhật Bản, 1961), Nữu Ước, Princeton, Yale, Hoa Thạnh Đốn (Mĩ Quốc, 1961), La Mã (Í Đại Lợi, 1962), Jerusalem (Do Thái, 1933).

3/ Về công việc nghiên cứu và viết tiểu luận về âm nhạc thì tôi đã may mắn đem nhạc Việt góp mặt với nhạc các nước trong những quyển Bách Khoa tự điển về âm nhạc của nhà xuất bản Fasquelles, Gallimard, bên Pháp, Unione Tipografico Editrice Torinese bên Í (sic). Hiện tôi đang dự bị cho nhà xuất bản Larousse một bài về âm nhạc Viễn Đông mà trong đó lẽ tất nhiên nhạc Việt cũng sẽ được đề cập tới. Tôi đã viết bài về sân khấu nước Việt trong quyển “Les theatres d’ Asie” (Sân khấu các nước Á Châu) do ông Jean Jacquot của Trung tâm nghiên cứu Khoa  học của Pháp chủ trương, trong quyển Bách Khoa từ điển về Lịch sử kịch trường trên thế giới do nhà xuất bản Gallimard chủ trương.

Tôi đã đăng những bài khảo luận về nhạc Việt trong các tạp chí Arts Asiatiques (Nghệ thuật Á Châu), Revue de musicologie (Tạp chí về nhạc học) ở Ba Lê, Franche Asie (Pháp Á) ở Tokyo, Bulletin de La Société des Etudes Indochinoises (Tập san của Hội nghiên cứu các vấn đề ở Đông Dương) tại Sàigòn. Tôi đang hoàn thành bản sơ khảo về hệ thống ngũ âm giai và phép chuyển hệ trong âm nhạc Việt. Mỗi lần đi tham dự một Đại hội nghị hay diễn thuyết tại một trường Đại học, một bảo tàng viện là tôi phải luận về một vấn đề  khác nhau trong cổ nhạc Việt mà tôi đã có nói cho bạn nghe rồi trong các lá thơ hải ngoại.

Hiện tôi đang dạy nhạc Việt, lí thuyết và thực hành tại Trung tâm học nhạc Đông phương ở Ba Lê, nghiên cứu nhạc Việt cho Trung tâm nghiên cứu Khoa học Pháp; bên nầy, môn nghiên cứu âm nhạc được coi là một môn nghiên cứu khoa học. Tôi vừa đi diễn thuyết ở bên Thụy Sĩ về lại chuẩn bị tham dự Đại hội Jerusalem (Quốc gia Do Thái), diễn thuyết về nhạc Việt tại trường quốc gia âm nhạc Việt tại trường quốc gia âm nhạc viện Ba Lê, trường Đại học Poitiers, Cơ quan văn hóa ở Tunis, và viện Đại Học Bruxelles (Bỉ).

III- Việc làm của tôi đã trả lời câu hỏi của bạn rồi. Nhưng thái độ của tôi không tuyệt đối “chỉ nên” phục hưng hay cải tiến nhạc Việt, hoặc “chỉ nên” phổ biến nhạc Tây phương. Vả lại tại sao chỉ phổ biến nhạc Tây phương? Người dân Việt cũng cần có dịp thưởng thức những lối nhạc vô cùng sâu sắc của các truyền thống Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Nam Dương. Người dân Việt cũng nên biết qua các lối nhạc của mấy nước láng diềng (sic): Lào, Cam Bốt, Miến Điện hay lối nhạc đại thể của các nước Âu Mĩ. Biết qua để thưởng thức, tìm hiểu để mở rộng kiến văn thì tôi tán thành. Chớ phổ biến nhạc Tây phương cho thật rộng rãi thì tôi không đồng ý. Lo phổ biến nhạc Tây phương trong lúc nhạc Việt đi đến chỗ bế tắc, người dân Việt lần lần đi xa căn bản nhạc Việt, chẳng khác nào khuyến khích người Việt học tiếng Pháp để đọc sách Corneille, Racine hay Camus, Sartre, học tiếng Anh để đọc văn của Shakespeare hay Pearl Buck trong khi phần đông chúng ta đang mù chữ và mù tiếng Việt.

Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, một nhạc ngữ đặc biệt. Mà ngôn ngữ cũng như nhạc ngữ có một ngữ pháp riêng. Không thể vì lẽ ngữ pháp của một ngôn ngữ có tánh cách khoa học, mà đem nó áp dụng cho tất cả các ngôn ngữ khác. Thử lấy một ví dụ cụ thể: trong ngữ pháp Anh, tiếng tĩnh từ đứng trước tiếng danh từ. Nếu vì lẽ ngữ pháp Anh tiện lợi, chúng ta áp dụng luật nói trên cho tiếng Việt hay tiếng Pháp, chúng ta phải viết “một cao người” hay “un grand homme” để cho hạp với “a tall man” của người Anh, thì “một cao người” hay “un grand homme” không có nghĩa là “một người cao” hay “un homme grand”. Trong nhạc ngữ cũng thế.

Hòa âm là nền tảng của Âm nhạc Tây phương nhưng nếu đem các luật hòa âm Tây phương mà dùng để sáng tác nhạc Việt, chúng ta có thể đi đến chỗ lố bịch như viết “một cao người” thay vì “một người cao”. Thành ra, phổ biến nhạc Tây phương để quần chúng có thể thưởng thức tài nghệ chúng ta trong lúc chúng ta bắt chước người Tây phương trong cách tấu nhạc hay sáng tác nhạc thì không thành vấn đề. Phổ biến nhạc Tây phương cho thật rộng rãi để “nâng cao trình độ thẩm mĩ” của đa số quần chúng như nhiều người theo Tây học thường nghĩ, thì, theo thiểu kiến, là một việc không hợp lý và không hợp thời.

Không hợp lí vì mỗi dân tộc có một quan niệm thẩm mĩ riêng, một truyền thống riêng, một sự ưa thích riêng. Nói cho can mà nghe, dầu biết rằng món thịt bò “bít tết” bổ hơn món cá kho, bạn thử đem hết tài hùng biện để phổ biến sao cho “bít tết” thay thế được cá kho thì chừng đó có lẽ nhạc phương Tây sẽ đi sâu vào sự hiểu biết và ưa thích của quần chúng Việt. Vả lại, tại sao phải biết thưởng thức nhạc Tây phương mới có được một trình độ thẩm mĩ khá cao?

Đành rằng nhạc Tây phương có một truyền thống vững chắc, nhạc Tây phương sâu sắc, nhưng cạnh bên truyền thống Tây phương, còn bao nhiêu truyền thống khác cũng vững chắc cũng sâu sắc, như truyền thống Ba Tư, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa v.v…, mà hiện nay, các nhạc giới Âu Mĩ bắt đầu để ý và tìm hiểu, mà người dân Việt và người nhạc sĩ Việt chưa hề biết đến bao giờ. Không hợp thời, vì lo phổ biến nhạc Tây phương cũng như nghĩ đến việc trồng thêm một giống hoa đẹp trong vườn mà nhạc Việt đi đến chỗ bế tắc cũng như nhà đầy của quí đang cháy. Thử hỏi trong tình trạng đó, bạn chữa lửa hay bạn trồng hoa?

Cổ nhạc Việt có một truyền thống, nhưng hiện nay là một cụ già mang bịnh trầm trọng, có thể gần hấp hối, cụ già ấy còn bao nhiêu điều hay để thuật lại cho đám con cháu. Tân nhạc Việt, hay nhạc Việt viết theo đại thể Tây phương, là một đứa trẻ chập chững vừa biết đi. Tìm cho nó một con đường cũng như nghĩ việc cho nó học để trở nên một luật sư hay một kĩ sư. Trong nhà bạn có một cụ già đau nặng, và một đứa trẻ vừa mới biết đi, bạn lo chạy thuốc cho cụ già đầy kinh nghiệm ấy hay là bạn lo tìm trường học cho đứa trẻ, để mặc kệ cụ già?

Tôi sanh trưởng trong gia đình mang truyền thống cổ nhạc. Cũng như các bạn trẻ đồng lứa, tôi hướng về Âu nhạc để tìm một lối thoát cho nhạc Việt. Tôi vẫn biết rằng cổ nhạc Việt hợp với người Việt thời xưa. Người Việt thời nay, sống trong một xã hội mới, không còn những xúc cảm, những phản ứng như người Việt thời xưa. Nhứt định khư khư tồn cổ là đi ngược với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Phải tìm một nguồn sinh lực mới cho nhạc Việt nói chung, nhưng tìm ở đâu và tìm cách nào? Đó là cả một vấn đề mà tôi sẽ giải bày khi trả lời câu hỏi thứ 5 của bạn.

Hiện giờ, tôi đã tự nhận thấy rằng đã đi chưa đúng con đường nên tôi quay về nghiên cứu cổ nhạc và chương trình làm việc của tôi là tuần tự sưu tầm, khai thác, phổ biến, chấn hưng, rồi cải tiến vốn cổ. Tôi quay về vốn cổ từ năm 1952, lúc mà mọi người đều nghĩ đến việc “cải cách” âm nhạc, chỉ trừ một vài người như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba. Ngày nay, một số đông nhạc sĩ từ Bắc chí Nam đã thấy sự ích lợi của việc khai thác vốn cổ. Nhưng vẫn còn chưa đủ. Tôi hiến cả cuộc đời của tôi vào việc khai thác và phổ biến cổ nhạc, vì theo tôi đó là một công việc cần thiết và cấp bách.

Trào lưu trên thế giới là dung hòa Âu Á. Nhưng sự dung hòa đó thường đưa đi đến một sự phối hợp nhất thời, và đẻ ra những đứa con lai mà không ai thừa nhận. Loại nhạc ngoại lai lại được các giới thương mãi tung ra thị trường với một lối quảng cáo ồ ạt bằng điện ảnh, vô tuyến điện, hay vô tuyến truyền hình. Mà nhạc cổ, một lối nhạc có căn bản, có truyền thống, có chân giá trị thì bị bỏ vào trong một xó. Đó là nạn chung cho các dân tộc, nhứt là các dân tộc Á Phi. Nạn ấy nguy hiểm như một bịnh truyền nhiễm. Không lo ngừa thì trong chẳng bao lâu, trên thế giới, ta không còn được thưởng thức bài Nam ai, Nam bằng của nước Việt, bài Ỷ Lan của Trung Hoa, bài Rokudan của nước Nhật mà chỉ nghe những làn Sàigòn mambo, Shanghai cha cha cha hay Tokyo twist.

Quay về vốn cổ, khai thác vốn cổ để giữ những “bảo vật” của mỗi gia đình âm nhạc hầu có chút gì để khoe với người trong những dịp trao đổi văn hóa. Bạn thử nghĩ trong một cuộc trao đổi văn hóa giữa nước ta và nước Pháp, nhạc sĩ Pháp độc tấu dương cầm một nhạc phẩm của Debussy, nhạc sĩ Việt độc tấu dương cầm một nhạc phẩm của Ravel thì “trao đổi” ở chỗ nào? Vì dầu nhạc sĩ Việt có độc tấu dương cầm một nhạc phẩm của Võ Đức Thu hay của bà Nguyễn Văn Tị đi nữa, cuộc “trao đổi” ấy cũng kém hào hứng vì nước Pháp đưa ra một bảo vật chính cống, còn chúng ta đưa ra một nữ trang tương tợ hoặc đồng loại với bảo vật của người Pháp

(Xin nói ngay là công việc của những nhạc sĩ như các anh Võ Đức Thu, Nguyễn Xuân Khoát hay bà Nguyễn Văn Tị không phải là vô ích. Trong xã hội ngày nay, thường chúng ta tuy khuyến khích người Việt trau giồi tiếng Việt, nhưng cũng cần có người biết ngoại ngữ để tiện việc giao dịch quốc tế. Chúng ta cũng cần có những nhạc sĩ đủ tài năng sáng tác theo đại thể của người Âu Mĩ, để cho nhạc phẩm của họ được dân chúng Âu Mĩ yêu nhạc thưởng thức dễ dàng hơn. Nhưng họ chỉ có ích trong công việc ngoại giao, chớ nhạc phẩm của họ không thể đi sâu vào quần chúng Việt).

Quay về vốn cổ, để tìm đặc tính của dân tộc, lấy đó mà làm căn bản nghệ thuật. Một khi có căn bản và vững chắc thì công việc phóng tác, cải tiến sẽ không làm mất dân tộc tính. Người ngoại quốc yêu nghệ thuật không chê là chúng ta chạy theo sau họ, bắt chước họ một cách mù quáng, mà dân tộc ta không từ khước những nhạc phẩm tuy mang hình thức mới mà nội dung và căn bản bắt nguồn trong truyền thống muôn đời của đất nước. Trong tình thế hiện tại, tôi chủ trương khai thác và phổ biến dân ca, cổ nhạc, để bảo vệ một kho tàng có thể bị tiêu tan, chọn lọc những bảo vật tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc dùng trong việc trình bày văn hóa nước nhà cho một nền nhạc Việt sâu sắc và phong phú hơn.

IV- Như tôi đã nói, tôi không chống lại việc phổ biến nhạc Tây phương vì bảo vệ truyền thống không phải là bế môn tỏa cảng, không tiếp nhận văn hóa nước khác. Nhưng theo ý tôi việc phổ biến nhạc Tây phương dầu có nên đi trước việc phổ biến nhạc cổ truyền của các nước láng diềng (sic) hay các nước Á Châu, vẫn phải đi sau công việc khai thác và phổ biến vốn cổ của nước nhà.

Và như thế tôi xin miễn bàn về những cách gì tiện lợi và hiệu nghiệm nhất để huấn luyện nhạc sĩ và để cho quần chúng hiểu được và ưa được nhạc Tây phương.

V- Muốn trả lời câu hỏi nầy cho đầy đủ, chắc phải viết đến mấy bài báo. Ưu điểm và khuyết điểm của cổ nhạc, của tân nhạc là cả một đầu đề. Đường lối và điều kiện để chấn hưng cổ nhạc là cả một chương trình. Tôi chỉ vắn tắt đưa ra vài ưu điểm hoặc khuyết điểm chánh của tân nhạc và cổ nhạc theo ý tôi, để đi sâu hơn vào việc chấn hưng cổ nhạc

Quần chúng hiện nay đòi hỏi một lối nhạc mới phù hạp với đời sống mới. Tân nhạc đã đáp lại được phần nào nguyện vọng ấy. Đó là ưu điểm chánh của tân nhạc. Khuyết điểm chánh là tân nhạc chưa ra ngoài phạm vi bài hát nhỏ và vì sự thiếu căn bản của các nhạc sĩ trẻ tuổi, mà đi lần đến một loại nhạc ngoại lai, thiếu tánh chất nghệ thuật.

Khuyết điểm chánh của cổ nhạc là sự thất truyền và tinh thần thủ cựu, không cầu tiến của các nhạc sư. Thất truyền vì các nhạc sư ngày xưa hay “giấu nghề”. Dạy học trò bao giờ cũng sợ học trò hơn mình, thành ra mỗi nhạc sư giữ lại cho mình một bài hay, một ngón nhấn độc để chết rồi đem xuống mồ. Thành ra từ đời Phạm Đình Hổ (cuối thế kỉ thứ XVIII) mà các đào nương đã không biết hát các luật dương kiều âm kiều, các điệu Hà-nam, Hà-bắc, rồi đến ngày nay, các điệu xưa còn mấy đào nương hát được? Cứ mỗi một đời qua là có một số bài bản mất đi, mà không được người đặt ra bài bản mới.

Thất truyền vì người học đàn, không học cho đến nơi đến chốn, chỉ biết qua loa đã tự lấy làm mãn nguyện. Trong Nam có rất nhiều nhạc công đàn cổ, đi đâu chơi chỉ biết vài bài Bắc và bài Vọng cổ là đủ rồi, mà vài bài Bắc ấy, hay bài Vọng cổ đâu có phải là cả truyền thống cổ nhạc?

Vì thủ cựu, không cầu tiến nên không ai sáng tác bài mới hay có sáng tác bài mới như thầy kí Quờn hoặc cậu tôi là ông Nguyễn Tư Khương trong Nam, như ông Cả Soạn hay ông Nguyễn Quang Tổn ngoài Trung, thì không được người hưởng ứng. Lại có người thủ cựu như Hoàng Yến, viết bài lên án những ai đã “cả gan” dám đặt bài mới trong khi chưa thuộc hết bài cổ.

Nhạc cổ truyền có ưu điểm chánh ở chỗ nó (dân ca và cổ nhạc) bắt nguồn tự dân tộc, phù hạp với tiếng nói, câu thơ của người Việt, với quan niệm thẩm mĩ của người Việt, dựa trên một truyền thống mà tổ tiên ta đã kết tạo từ mấy ngàn năm và lưu lại đến ngày nay, một truyền thống có căn bản lí thuyết, đầy kinh nghiệm thực hành. Nhạc Việt cổ truyền dầu có chịu ảnh hưởng nhạc Trung Hoa, nhạc Chàm và gần đây nhạc Âu vẫn còn giữ được đặc tánh của nó.

Nếu ta nhìn nhận nhạc cổ truyền có một chân giá trị nghệ thuật, rằng truyền thống cổ nhạc vì những lí do chánh trị, kinh tế đang đi vào chỗ bế tắc, tôi thấy có bổn phận phải nghĩ đến việc phục hưng và cải tiến nhạc Việt. Cũng như muốn tìm một phương thuốc phải biết rõ căn bịnh, chúng ta thử xem tại sao cổ nhạc càng ngày càng suy và có cách nào cứu vãn tình thế chăng.

Tại sao cổ nhạc đi đến chỗ bế tắc?

Chúng ta chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, nên trong văn hóa nước Việt nói chung, có nhiều tính chất tịnh hơn động. Dân tộc Việt hoặc phải chống ngoại xâm, hoặc phải chịu đô hộ, nhứt là dưới thời Pháp thuộc, chẳng những ít có dịp phát triển truyền thống nghệ thuật mà còn chịu ảnh hưởng của dân tộc thống trị. Nhạc công, nhạc sĩ, từ xưa đến nay, chẳng những không thể mưu cầu sinh sống bằng âm nhạc lại còn bị khinh rẻ. Đến cuối triều Lê mà con nhạc công, nhạc sĩ, kịch sĩ không có quyền ứng cử ở khoa trường.

Người nhạc sĩ chuyên nghiệp trong truyền thống cổ nhạc thường có mặc cảm: hoặc tự ti đối với những người trong các nghề khác, giai cấp khác trong xã hội, cả đối những người nhạc sĩ chuyên nghiệp trong truyền thống Âu Mĩ; hoặc tự tôn cho rằng không ai hiểu được cái thâm thúy của cổ nhạc và xứng đáng cho mình truyền nghề. Thầy dạy thì giấu nghề. Học trò thì không thể bỏ cả cuộc đời học một loại nhạc để rồi không nuôi nổi thân mình lại bị người trong xã hội khinh khi là phường đàn con hát. Những câu như “Xướng ca vô loại” hay “Nữ đa cầm tắc dâm” là những bức tường ngăn cản bao nhiêu người học nhạc?

Các nhạc sư học theo lối truyền khẩu, thường rất thủ cựu, không nghiên cứu, không cầu tiến nên sự hiểu nhạc chỉ ở bề mặt thực hành mà không đi vào bề sâu của lí thuyết và so với các nước cùng một “gia đình âm nhạc” với ta như Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bổn – nhất là Nhật Bổn – chúng ta bị kém họ rất xa.

Xem sơ qua vài nguyên nhân của sự bế tắc trong cổ nhạc Việt, thấy nguyên nhân ấy ăn sâu vào nền tảng của xã hội nước ta, chúng ta thấy rằng không phải một vài cá nhân, có thiện chí hô hào, cổ động cho cổ nhạc, tìm cách nghiên cứu hay phổ biến cổ nhạc mà đủ. Công việc phục hưng cổ nhạc là công việc của một chánh phủ, của một cơ quan văn hóa có đủ phương tiện về mặt hành chánh và tài chánh. Công việc đó phải được toàn dân hưởng ứng, mà muốn có toàn dân hưởng ứng chúng ta phải gây nên một phong trào. Công việc đó thành bại cũng còn tùy nhiều điều kiện khách quan như tình hình chính trị được ổn định, đời sống xã hội được cải thiện v.v…

Thí dụ như điều kiện chính trị và xã hội đã được như chúng ta mong mỏi, ta sẽ làm gì để cho truyền thống cổ nhạc đừng mất đi? Có người nghĩ rằng muốn bảo vệ truyền thống chỉ cần sưu tầm, thâu thập tài liệu, thu thanh các làn điệu cổ, quay phim giữ lại những điệu múa v.v… Công việc đó rất có ích, nhưng truyền thống không phải là các bài nhạc loại “đồ hộp” ấy. Truyền thống là một sức sống do người thế hệ này trao lại cho người thế hệ sau. Chúng ta thấy rằng hiện nay trong truyền thống cổ nhạc, thiếu người học cũng như thiếu người dạy chỉ vì điều kiện kinh tế xã hội. Người nhạc công, nhạc sĩ cổ truyền không thể sinh sống bằng âm nhạc. Thành ra công việc phục hưng nhạc cổ truyền phải bắt đầu bằng:

1) Công việc cải thiện đời sống nhạc công, nhạc sĩ.

Phải giúp nhạc công nhạc sĩ cổ truyền có thể hiến cả cuộc đời trong việc học nhạc, dạy nhạc và tấu nhạc. Bằng cách nào?

a) Lập những ban nhạc cổ truyền để tấu nhạc trong nước với sự giúp đỡ của chánh quyền và tư nhân. Nhạc công được lãnh lương đều như một công chức tấu nhạc và dạy nhạc. Những ban nhạc ấy đầu tiên được thành lập ở các đô thị lớn và lần lần ở các làng mạc hay ngược lại tùy theo điều kiện của mỗi địa phương.

b) Tổ chức những nhạc hội để các ban nhạc địa phương tranh tài, đoạt giải, hoặc đem cái hay cái lạ của mỗi vùng đến trình bày cho dân chúng những vùng khác thưởng thức.

c) Tổ chức lại những chương trình phát thanh trong đó phần dân ca cổ nhạc không kém phần tân nhạc hay nhạc quốc tế.

d) Về mặt quốc tế, mở rộng các cuộc trao đổi văn hóa để nhạc công, nhạc sĩ Việt có dịp diễn tấu tại các nước ngoài. Thanh niên có thể nhờ đó mà khuyến khích phần nào trong việc tập trau giồi cổ nhạc.

2) Đi đôi với việc cải thiện đời sống nhạc công nhạc sĩ, là công việc tổ-chức giáo-dục âm-nhạc.

a) Giáo dục nhi đồng và học sinh trong các trường tiểu học, trung học.

b) Giáo dục quần chúng bằng đài phát thanh, những buổi hòa nhạc tại công viên, những buổi nói chuyện về âm nhạc.

c) Cải tổ chương trình đào luyện nhạc công, nhạc sĩ. Người nhạc công cổ truyền cũng phải có một căn bản văn hóa, một sự hiểu biết đầy đủ về nhạc sử, văn hóa sử, có một kĩ thuật diễn tấu khá cao để bên trong có thể giúp vào công việc giáo dục âm nhạc ở các trường, bên ngoài tham gia các nhạc hội và các cuộc trao đổi văn hóa. Như thế thì người nhạc công, nhạc sĩ cổ truyền sẽ không tự ti mặc cảm và thanh niên thấy tương lai tốt đẹp phần nào của người nhạc công cổ truyền mà để tâm học nhạc cho đến nơi đến chốn.

3) Đời sống nhạc công được cải thiện, quần chúng được giáo dục, ta cũng phải nghĩ đến việc tổ chức sinh hoạt âm nhạc.

Tổ chức những buổi hòa nhạc trong nông thôn hay ở các đô thị, khuyến khích sự thành lập các giàn (sic) nhạc tài tử trong các trường, các xí nghiệp, phát giải thưởng trong những kì đại nhạc hội để khuyến khích những nông dân, công nhân sáng tác và trình bày những điệu dân ca, dân vũ phù hạp với đời sống mới, nhạc công, nhạc sĩ sáng chế hay cải tiến nhạc khí, trình bày những nhạc phẩm mới mà cấu tạo theo cổ truyền, thành lập một cơ quan toàn quốc về âm nhạc để qui định về lí thuyết, danh từ kĩ thuật, phương pháp giáo khoa dùng trong âm nhạc Việt.

Tôi chỉ phác họa sơ chương trình phục hưng âm nhạc, bạn cũng thấy rằng không một tư nhân hay một đoàn thể nào có thể thực hiện được chương trình ấy. Ngoài ra các phương pháp sẽ được áp dụng thì tùy hoàn cảnh, tùy trường hợp mà thay đổi. “Tuần tự nhi tiến”, chúng ta lo việc tìm hiểu vốn cổ nước nhà, tìm học cái hay cái đẹp của nước ngoài (không phải chỉ nhạc Tây phương mà cả nhạc các nước Á Phi, mỗi nhạc sĩ sẽ chuyên về một vùng như những học giả bên nầy) để có thể áp dụng những cái tốt của người mà không làm tiêu diệt cái vốn mà tổ tiên ta đã trao lại cho chúng ta.

Trong phạm vi bài trả lời cuộc phỏng vấn, tôi không thể đi vào chi tiết. Có dịp tôi sẽ thảo luận sau với các bạn về những biện pháp có thể đem ra để chấn hưng nhạc Việt. Công việc cải tiến nhạc khí, qui định kí âm pháp, hay sáng tác những nhạc phẩm mới theo lề lối cổ truyền là những con dao hai lưỡi, nếu không thận trọng, chúng ta có thể làm hại cho nền nhạc cổ truyền trong khi chúng ta có ý định muốn vun bồi vốn cổ.

VI- Tương lai của nhạc Việt, theo tôi, sẽ tốt đẹp, vì sức sống của dân tộc ta rất mãnh liệt. Chỉ một chuyện phổ nhạc những câu thơ lục bát, dân tộc ta đã có hàng trăm lời (hát ru, hát ví, hát cò lả, trống quân, bao nhiêu cách hò, hát chèo, hát quan họ, ngâm thơ, hát láy v.v…) hàng ngàn làn điệu. Dạo đàn trước khi tấu nhạc, thêm những chữ chuyền, những cái láy, cái luyến, tô điểm từ tiếng nhạc bằng cách nhấn, cách rung, cách ngân, cách đổ hột, những cái ấy làm cho một điệu nhạc tùy người, tùy vùng, tùy lúc, mà có những hình thức khác nhau. Cách nhịp trống của ta cũng vô cùng phong phú.

Vốn cổ đó, chúng ta chưa tìm hiểu và khai thác hết. Nhưng viễn cảnh tốt đẹp của nhạc Việt không làm cho tôi quên được hiện tại rất đáng ngại:

Cổ nhạc đang suy

Tân nhạc đang hỗn độn

Nhạc theo đại thể Âu Châu còn ấu trĩ. Chúng ta thiếu: nhạc công có kỹ thuật tinh vi; nhạc sĩ có căn bản văn hóa nghệ thuật; học giả để tầm suy tâm nghiên cứu.

Nhất là chúng ta thiếu một chánh sách rõ rệt về việc phục hưng truyền thống, giáo dục quần chúng, đào tạo diễn viên và thiếu sự đoàn-kết và đồng tâm giữa các nhạc sư, nhạc sĩ, thiếu sự trao đổi văn hóa hay tài liệu nghiên cứu giữa người Việt trong toàn quốc. Bao giờ những khuyết điểm đó được bồi bổ, chúng ta mới mong thấy nhạc Việt tiến mạnh và tiến mau.

Mấy câu hỏi bạn đưa ra bao quát nhiều vấn đề, không thể trả lời cho thật đầy đủ trong phạm vi bài nầy. Nhưng cũng không thể chỉ nêu ra những ý kiến, trình bày những biện pháp mà không giải-thích. Có lẽ tôi đã quá dài dòng. Nhưng từ lâu, nhiều bạn xa gần gửi thư riêng hỏi thăm tôi về công việc tôi đã, đang và sẽ làm, về thái độ của tôi đối với cổ nhạc, tân-nhạc Việt hay Âu nhạc; nhân bài này, tôi có dịp trả lời chung cho các bạn ấy.

Việc gì cũng tùy lúc, tùy thời, tùy hoàn cảnh. Chắc các bạn hiểu rằng dầu ở đâu và làm việc gì, tôi cũng thiết tha đến vấn đề bảo vệ và phục hưng cổ nhạc.

Tôi đã nghiền ngẫm từ lâu những ý kiến tôi phát biểu trong bài này. Nếu các bạn ở trong một cơ quan chính phủ hay một đoàn thể tư nhân, nhờ hoàn cảnh thuận tiện hơn tôi, có thể đem ra áp dụng. Tôi rất vui mừng và thấy nhạc Việt có cơ gặp mưa thuận gió hòa và sẽ đơm hoa kết trái.

TRẦN-VĂN-KHÊ

(Huỳnh Minh Hiệp chép lại từ bộ sưu tập báo chí riêng)

TS HỒ VĂN TƯỜNG : trưng bày chuyên đề “TRẦN VĂN KHÊ-TRĂM NĂM CÒN MÃI”


TS Hồ Văn Tường vừa chuyển con thông tin chương trình của ĐH Bình Dương. 
(con nhắc lại 1 sự kiện nhỏ, giảng viên của ĐH Bình Dương, 1 môn sinh thầy Khê rất thương quý, là người trực tiếp sắp xếp bàn thờ Thầy Khê kèm hũ tro cốt ở nghĩa trang Bình Dương)
TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “TRẦN VĂN KHÊ – TRĂM NĂM CÒN MÃI” 🟠Cố GS.VS Trần Văn Khê – Nguyên Cố vấn đặc biệt Hội đồng Khoa học Trường Đại học Bình Dương🟠Trưng bày chuyên đề “Trần Văn Khê – Trăm năm còn mãi” giới thiệu trên 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của GS.TS Trần Văn Khê – Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho âm nhạc dân tộc và mang hình ảnh, văn hóa đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế.🟠Nội dung trưng bày chuyên đề gồm ba phần:🔹Phần 1: Quê hương và gia đình🔹Phần 2: Trần Văn Khê – Một đời truyền lửa🔹Phần 3: Vinh danh🔹Thời gian mở cửa: Từ ngày 23/11/2021🔹Địa điểm: Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh | 65 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

🔴Giáo sư, Viện sỹ Trần Văn Khê – Một tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước và dân tộc✅Được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, thầy Trần Văn Khê ngay từ những năm tháng tuổi thơ đã được hấp thụ những bài học qua tiếng hát ru của mẹ và cung đàn của cha, một phương pháp giáo dục mà sau này thầy vẫn gọi là “thai giáo” là “gia giáo” (giáo dục gia đình) trong các buổi chia sẻ với báo giới, nên âm nhạc truyền thống Việt Nam đã đi vào tâm thức của thầy Trần Văn Khê một cách rất tự nhiên, hình thành nên một tình yêu gắn liền giữa âm nhạc – truyền thống gia đình. Tuy nhiên, do vấn đề thời cuộc, thầy Khê buộc phải rời quê hương lưu lạc nơi đất khách quê người hơn nửa thế kỷ. Trong suốt thời gian sống, học tập và làm việc tại hải ngoại, ý thức dân tộc được điều kiện trỗi dậy trong thầy mạnh mẽ. Đó chính là động lực để thầy say sưa nghiên cứu, so sánh và truyền bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Nếu tình yêu âm nhạc của thầy Trần Văn Khê lúc còn ở quê nhà được hình từ “âm nhạc” và “truyền thống gia đình”, thì giờ đây tình yêu ấy còn là quê hương đất nước, dân tộc Việt Nam.✅Thầy Trần Văn Khê tuyệt đối không phải là người duy nhất yêu mến nhạc truyền thống, cũng không phải người đầu tiên nghiên cứu và hệ thống lại âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng chính do bối cảnh lịch sử đã tạo cho thầy có một tiền đề mà không phải ai cũng có được, đó là một tình yêu âm nhạc được xây dựng trên nền tảng của âm nhạc – truyền thống gia đình – truyền thống dân tộc. Chính trên cơ sở ấy, đã tạo nên sự thành công “không tiền khoán hậu” trong suốt hành trình của thầy Trần Văn Khê, để mỗi khi nhắc đến thầy người ta sẽ nghĩ ngay đến âm nhạc và văn hóa Việt Nam, và ngược lại nói đến văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt Nam người ta sẽ nghĩ ngay đến thầy Trần Văn Khê.✅Chính quá trình miệt mài nghiên tầm trong công tác sưu tầm, hệ thống, nghiên cứu với một ý thức cực kỳ cao độ, đã khiến thầy tích tụ được một kho tàng tri thức về âm nhạc truyền thống khổng lồ không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Châu Á. Từ đó, thầy luôn có tâm nguyện được giảng dạy và truyền trao tất cả những hiểu biết của mình cho thế hệ kế tục. ✅Trong suốt quá trình giảng dạy tại Đại học Sorbonne, thầy Trần Văn Khê luôn tận tâm giảng dạy cho tất cả các môn sinh tìm đến thầy để học về âm nhạc truyền thống Châu Á. Có rất nhiều trong số đó thành đạt, trở thành những giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng rồi Trần Văn Khê với ý thức cao độ về quốc gia dân tộc của mình, thầy mong mỏi được một lần hướng dẫn và chấm luận án cho một sinh viên Việt Nam đến nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam tại Đại học Sorbonne. Khát vọng ấy phải đến năm 1976 khi thầy gặp Nguyễn Thuyết Phong, người Việt Nam đến Đại học Sorbonne làm luận án về Âm nhạc Phật giáo Việt Nam thì ông mới thỏa được ước mơ.✅Tuy nhiên, trong lòng thầy lại luôn canh cánh một ước mơ to lớn hơn “được dạy âm nhạc Việt Nam cho học sinh Việt Nam ngay trên đất Việt Nam”.✅Ước mơ ấy của thầy Trần Văn Khê được hiện thực hóa sau khi thầy hồi hương và gặp được thầy Cao Văn Phường – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương vào năm 2005. Với cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn lớn có cùng một điểm chung là tự ý thức gánh vác trách nhiệm văn hóa giáo dục của nước nhà mà không chờ đợi bất kỳ sự giao phó nào. Bên cạnh đó, bằng sự đồng cảm sâu sắc với triết lý giáo dục Học – Hỏi – Hiểu – Hành để xây dựng những con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và thiên nhiên của Trường Đại học Bình Dương, thầy Trần Văn Khê đã dành cả mười năm cuối cùng của cuộc đời đồng hành cùng thầy và trò Trường Đại học Bình Dương. Mặc dù tuổi cao sức yếu, mặc dù bệnh tật hành hạ trong những lúc trái gió trở trời, song thầy Trần Văn Khê vẫn luôn ưu ái dành những giờ giảng hăng say về âm nhạc truyền thống, về văn hóa cho các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Bình Dương, nơi mà thầy Khê xem như là “ngôi nhà thứ hai” của mình. ✅Trong suốt mười năm gắn bó, thầy Khê và các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Bình Dương đã có những kỷ niệm sâu sắc khó có thể phai mờ cùng năm tháng. Mà trên hết chính là cốt cách, tinh thần trách nhiệm của một người thầy mẫu mực trong sự nghiệp phụng sự dân tộc được kết nên từ cuộc đời của thầy Khê sẽ mãi là mực thước để thầy và trò Trường Đại học Bình Dương nâng niu, gìn giữ, học tập.✅Sự trở về của thầy Trần Văn Khê sau hơn nửa thế kỷ sống tại Pháp cùng với 420 kiện hiện vật quý giá bao gồm sách vở, từ điển, bài viết, đĩa hát, băng cassettes, công trình nghiên cứu, nhật ký diền dã và nhiều nhạc cụ thầy sưu tập được suốt chặng đường nghiên cứu… để hiến tặng cho Việt Nam sau khi thầy qua đời. Điều ấy, lại một lần nữa khẳng định ý thức phụng sự quê hương đất nước, kề vai gánh lấy và hoàn thành xuất sắc một phần trách nhiệm to lớn của đất nước mặc dù không ai giao phó, đó là tinh thần của trí thức chân chính Việt Nam.

GS TRẦN VĂN KHÊ : Âm nhạc trong du lịch


Từ 10 năm nay, rất nhiều công ty du lịch đã tìm tôi yêu cầu cố vấn về loại nhạc nào phải dùng và dùng cách nào để hỗ trợ cho du lịch.

Mặc dầu chỉ là người nghiên cứu và giáo dục về âm nhạc, nhưng vì thấy việc đem âm nhạc vào du lịch cũng là một vấn đề quan trọng, nên tùy người và tùy tính chất của công việc mà tôi đã có những góp ý khác nhau. Nay trong bài viết này tôi muốn tổng kết tất cả những suy tư và gợi ý của tôi về vấn đề trên.

Muốn phục vụ du khách một cách toàn diện thì phải đi theo người đó từ khi rời đất nước của họ đến nước của ta, tức là bắt đầu từ trên máy bay, tại phi trường, trong khách sạn, trong nhà hàng và tại những tụ điểm nghệ thuật. Như vậy thì âm nhạc ở những nơi ấy nên dùng như thế nào cho phù hợp?

Trên máy bay

Trước đây đa số các hãng hàng không đều sử dụng loại nhạc nhẹ để phục vụ khách trong khi chờ máy bay cất cánh, nhưng hiện nay thường không để nhạc gì cả.

Có lần vào năm 1963, tôi đáp máy bay của hãng Air India đi từ Paris tới thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Vừa lên hết cầu thang, cô tiếp viên mặc áo sari truyền thống màu đỏ nhạt chắp hai tay kính cẩn chào tôi theo phong cách Ấn Độ và ân cần đưa tôi đến chỗ ngồi. Trên thành máy bay gần cửa sổ có vẽ hình những vũ nữ múa theo điệu cổ điển Bharata Natyam của miền Nam Ấn Độ. Hai chi tiết đó làm cho tôi có cảm giác đã đến Ấn Độ mặc dầu máy bay còn đậu tại phi trường Orly của Paris.

Bữa ăn phục vụ cho hành khách trên máy bay có món cà-ri dê đặc sản của Ấn Độ, lại không có bánh mì theo phương Tây mà là bánh “nạn”, một loại bánh mì của Ấn Độ. Tôi đang khoan khoái thưởng thức một không gian đậm đà bản sắc Ấn Độ thì đột nhiên loa phóng thanh phát lên bài nhạc Pháp đang thịnh hành với giọng ca của tài tử Tino Rossi: Chante, chante pour moi (Em hãy hát, hãy hát cho tôi nghe). Tất cả cảm giác say sưa được đến miền đất Ấn Độ của tôi tiêu tan tức khắc!

Sau chuyến đi, tôi viết một bức thư cho Tổng giám đốc Công ty Air India để nói lên nỗi thất vọng của mình vì một bài ca mà công ty đưa ra cốt để làm vui lòng hành khách Pháp, nhưng trong thực tế bài ca đó chẳng những không phù hợp với chiếc áo sari, với hình vũ nữ vẽ trên thành máy bay và cả món cà ri, mà còn phá tan không gian đậm màu Ấn Độ mà Air India đã gợi trong lòng du khách!!!

Tôi không ngờ Tổng giám đốc Hãng Air India sau khi đọc qua bức thư đã đích thân hồi âm. Ông cảm ơn về những góp ý của tôi và nói rằng công ty của ông cũng đã có nghĩ đến việc đó, nhưng cái khó là tất cả những danh cầm của Ấn Độ đã được các hãng dĩa quốc tế ghi âm phát hành và giữ quyền tác giả, nếu muốn sử dụng những bản nhạc ấy thì phải tốn kém khoản tiền rất lớn. Vì thế công ty của ông quyết định chỉ dùng những dĩa hát phương Tây phù hợp với từng nơi, tại phi trường Pháp thì lựa bài dân chúng Pháp ưa chuộng, tại phi trường Mỹ thì cho phát nhạc Mỹ…

Tôi bèn viết thư trả lời ông Tổng giám đốc, đề nghị nên sử dụng âm nhạc dân gian Ấn Độ mà tôi đã có dịp nghe tại Sangeet Natak Academy (Hàn lâm viện ca vũ nhạc Ấn Độ) và nhấn mạnh là việc để nhạc ngoại quốc trong một không gian đầy yếu tố Ấn Độ chưa hẳn đã làm cho người ngoại quốc thích thú. Khi một khách nước ngoài chọn máy bay của Ấn Độ để đi từ nước của họ đến Ấn Độ, có nghĩa là họ muốn tìm hiểu về đất nước và con người Ấn Độ. Vì thế, một bài nhạc Âu châu có thể phá tan cảm giác đó.

Qua kinh nghiệm này, chúng ta thấy khi đón tiếp khách thập phương trên một phi cơ của hãng hàng không Việt Nam, thì một tà áo dài thướt tha, một món ăn đặc sản Việt Nam, lại có thêm một tiếng đàn bầu hay đàn tranh độc tấu thì có thể tạo cho du khách một không gian thuần Việt mà họ sẽ không tìm thấy trên máy bay của một nước nào khác.

Tôi đã đi rất nhiều lần trên máy bay của hàng không Việt Nam. Hiện nay, mỗi người đều được phát một ống nghe riêng để tự do chọn lựa loại nhạc mình ưa thích. Lần nào tôi cũng tìm chương trình âm nhạc Việt Nam, thử đặt mình vào địa vị một du khách nước ngoài tò mò muốn tiếp cận với âm nhạc Việt Nam, nhưng tôi rất thất vọng vì trong số những băng nhạc đưa ra chỉ có một vài câu hò miền Trung hay miền Nam, một vài bài ca hay bản hòa đàn dân tộc, ngoài ra toàn là các ca khúc mới và những bản nhạc nhẹ, loại thanh nhạc mà dầu hay đến đâu mà người ngoại quốc không hiểu lời ca thì cũng không thể thưởng thức một cách trọn vẹn.

Nếu để nhiều bản nhạc do dàn nhạc hòa tấu rần rộ, ồ ạt thì người ngoại quốc không thấy được màu âm của nhạc khí đặc biệt. Vì thế, tôi nghĩ đến việc đưa ra những cây đàn độc tấu, chẳng hạn tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, kể cả nhạc khí của đồng bào thiểu số như đàn T’rưng, đàn Klongput hay sáo Hmông sẽ có thể hấp dẫn được du khách nước ngoài. Thỉnh thoảng một vài câu hò, điệu lý, ca Huế, ca trù, một vài bản hợp tấu, nhất là những bài trống Việt Nam cũng làm cho du khách ngạc nhiên và thích thú. Thời gian của mỗi tiết mục cũng không nên quá dài.

Tại phi trường

Trong các phòng đợi hay những nơi nhận hành lý tại các phi trường trong nước, hiện nay ít nơi để âm nhạc cho hành khách nghe. Tôi không bàn đến việc nên hay không nên để âm nhạc, nhưng một khi đã có âm nhạc thì những điểm tôi nêu ở trên vẫn có thể áp dụng. Điều cần lưu ý là không bao giờ để tiếng nhạc quá to.

Theo ý tôi, một điệu nhạc êm ái, dịu dàng có thể giúp cho khách du lịch không sốt ruột khi chờ đợi tại phi trường.

Trong khách sạn

Đa số các khách sạn trong nước thường để nhạc nhẹ của châu Âu ở khu vực tiếp tân. Điều đó không sai, nhưng nếu chúng ta khéo lựa âm nhạc dân tộc, phát lên đừng quá lâu cũng đừng quá to, chính là dịp gieo vào tiềm thức của khách nước ngoài một khái niệm về âm nhạc truyền thống.

Tất nhiên chúng ta không thể phát lên một trích đoạn hát bội, hay nhạc lễ, hoặc bài ca sáu câu vọng cổ mà du khách không thể hiểu lời. Nhưng nếu như có một tiếng sáo vi vu, một tiếng đàn bầu nũng nịu, một tiếng đàn tranh trong trẻo, một tiếng đàn nguyệt hay đàn đáy chững chạc, gân guốc, có lẽ sẽ rất phù hợp.

Còn tại nơi điểm tâm, các khách sạn sang trọng thường để một nữ nhạc công đánh đàn piano hoặc một vài cây đàn violon. Nhưng theo ý tôi, du khách thường muốn khám phá những chuyện mới lạ mà loại nhạc ấy lại quá quen thuộc với họ. Một vài khách sạn thay vì thuê nhạc công đàn piano thì sắp đặt một nữ nhạc công mặc áo dài ngồi đàn tranh. Kinh nghiệm cho thấy, hôm nào cũng có vài du khách tới ngắm nghía cây đàn, hỏi han đôi ba câu về nhạc khí và âm nhạc Việt Nam.

Trong nhà hàng

Trong nước ta có nhiều nhà hàng lớn tổ chức một dàn nhạc nhỏ về âm nhạc dân tộc, có nơi để nâng lên đẳng cấp của nhà hàng, cũng có người nhằm mục đích giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam với thực khách.

Nhưng du khách đến nhà hàng để thưởng thức những món ăn ngon, cũng có người đến ăn cho qua buổi rồi tiếp tục công việc, chớ không phải mục đích chính là để nghe nhạc. Trong lúc du khách vừa ăn vừa nghe nhạc, thì âm nhạc được biểu diễn chỉ là một loại nhạc nền. Chính vì vậy mà nhiều nhà hàng không cần nhạc công giỏi hay có tên tuổi mà chỉ lựa những cô trẻ tuổi, xinh xắn, thuộc độ mười bài nhạc dân tộc là có thể tạo ra một chương trình gọi là nghệ thuật.

Theo ý tôi, muốn thu hút du khách bằng âm nhạc thì nên tổ chức một chương trình đặc biệt sau phần tráng miệng, lúc thực khách dùng trà, cà phê hay rượu tiêu hóa, có thể tổ chức một chương trình ngắn dưới 30 phút giới thiệu âm nhạc dân tộc.

Trường hợp này, người dẫn chương trình là rất quan trọng, phải là người duyên dáng, rành rẽ tiếng nước ngoài, giới thiệu ngắn gọn mà đầy đủ các tiết mục. Tôi rất tâm đắc với câu viết của nhà văn Pháp Romain Rolland:

“Âm nhạc, dầu ai nói gì, cũng không phải một tiếng nói đại đồng. Cần có cái cung của tiếng nói để bắn cái tên âm thanh vào trong lòng của người nghe”.

Một chương trình chọn lọc và khéo giới thiệu sẽ có hiệu quả hơn về mặt kinh tế và nghệ thuật.

Tại các tụ điểm nghệ thuật

Hiện nay có nhiều nơi chuyên giới thiệu âm nhạc dân tộc trong một chương trình nghệ thuật cho du khách thưởng thức. Tôi xin đề nghị một số nguyên tắc để tổ chức một chương trình như thế:

– Nên dàn dựng một chương trình có đủ ca, vũ, nhạc. Và phải có người dẫn chương trình như đã nói ở trên.

– Nên in tờ chương trình có hình ảnh đẹp và giới thiệu đầy đủ các tiết mục, địa chỉ và điện thoại của nơi tổ chức.

– Đối với du khách cái nhìn dễ hấp dẫn hơn cái nghe, tiết tấu dễ quan tâm hơn nét nhạc, cụ thể hơn trừu tượng, giản dị hơn phức tạp, làm cho du khách thoải mái, đẹp mắt, êm tai hơn bắt buộc du khách phải suy nghĩ.

– Nên để ý đến liều lượng, không nên có những tiết mục quá dài.

– Các bộ môn âm nhạc giới thiệu phải chính xác chớ không nên ngoại lai.

– Nên chọn lựa nhạc công có vững tay nghề nếu không có những nghệ sĩ đẳng cấp cao.

– Nên mặc y phục dân tộc, kể cả nam giới. Hiện nay những nhà thiết kế Việt Nam có tạo ra nhiều mẫu áo dài cho nam giới rất đẹp.

* * *

Trên đây chỉ là một số suy tư và đề nghị dựa trên kinh nghiệm bản thân khi tôi giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam tại các nước và sau khi nghe nhận xét của các bạn nước ngoài khi họ đi tìm một chương trình âm nhạc dân tộc để thưởng thức.

Rất mong có nhiều bạn đầy đủ kinh nghiệm trong giới du lịch góp ý kiến thêm về vấn đề này, để hỗ trợ cho ngành du lịch trong nước ngày thêm phát triển.

NGUYEN THANH HIEP : CAM TUONG SAU KHI NHAN SACH “5O NAM NGHIEN CUU NHAC DAN TOC VIET” cua TRAN QUANG HAI , 01.07.2021


Nguyễn Thanh Hiệp added 2 new photos to the album: GSTS TRÂN VĂN KHÊ — feeling grateful with Lê Thu Imbert and 13 others at Báo Người Lao Động.

tScponsdomre12ihd  · Ho Chi Minh City, Vietnam  · Nhận được món quà từ thủ đô Paris của GSTS Trần Quang HảiĐó là quyển sách quý “Trần Quang Hải : 50 năm nghiên cứu nhạc dân tộc Việt” đã từng ra mắt tại CSU LB , California, USA ngày 10-2-2019.

Hôm nay anh gửi về tặng trong niềm xúc động bởi đó là pho tư liệu quý trong quá trình nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc dân tộc Việt.Sách đã trình bày và giới thiệu các loại đàn, hát của dân tộc ta từ thời nhà Đinh, thế kỷ thứ 10, cho tới ngày nay.

Phần trình bày rành rẽ của anh là tài liệu quý báu cho những người biên khảo về âm nhạc Việt Nam, cổ nhạc lẫn tân nhạc.Tôi thích nhất phần cổ nhạc, anh đã giới thiệu về các loại nhạc như nhạc cung đình, nhạc lễ, nhạc tôn giáo, nhạc thính phòng, nhạc tuồng, dân ca, nhạc dân tộc thiểu số.

Các nhạc cụ: đàn tranh, đàn đá thêm vào những nhạc cụ đặc hữu của Việt Nam, các loại hát như hát xoan, hát Then, Tày, Nùng, Thái… Ở phần tân nhạc được anh ghi chép khá tỉ mỉ các giai đoạn tượng hình (1928-1937), thành lập (1938-1945), kháng Pháp (1946-1954), giai đoạn đất nước bị chia cắt (1954-1975) và giai đoạn từ 1975 đến nay.

Thừa hưởng từ cha – cố GSTS Trần Văn Khê, anh ghi chép cẩn thận, đối chiếu khoa học và có những so sánh toát lên tinh thần tự hào dân tộc khi nói về cội nguồn văn hóa Việt, trong đó màu sắc chủ đạo là âm nhạc dân tộc.

Đây là công trình sáng tác, khảo cứu mà anh đã bảo vệ luận án tiến sĩ nhạc dân tộc tại trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội Pháp tại Paris năm 1973, năm anh 29 tuổi, về những khám phá mới mẻ trong kỹ thuật hát đồng song thanh.Tới năm 1989, anh được cấp bằng quốc gia giáo sư nhạc truyền thống nhưng đã làm việc khảo cứu từ năm 1968 tại Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học CNRS ở Paris. Đồng thời, anh còn làm việc trong Viện Dân Tộc Nhạc Học của Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật và Truyền Thống Dân Gian tại Paris.

Sở trường của anh là hát đồng song thanh và đàn môi. Ở bộ môn nghệ thuật độc đáo này, GSTS Trần Quang Hải là người tài ba nhất thế giới. Anh đã sáng tác hơn 50 bài kể chung cho đàn tranh, cho muỗng, hát đồng song thanh hay là nhạc cho phim.

Qua quyển sách cũng hiểu hơn về cuộc hành trình của anh khi đã trình diễn trên 3500 buổi giới thiệu nhạc Việt tại 70 nước từ năm 1966 đến nay. Và trong hơn 1500 buổi nói chuyện, giảng dạy cho học sinh các trường học ở Âu Châu, tại 100 trường đại học trên thế giới đã cho thấy nỗ lực phi thường của anh. Thích nhất vẫn là những kỷ niệm, ký ức khi anh tham dự trên 130 đại hội liên hoan âm nhạc quốc tế và có hơn 8000 người theo học hát đồng song thanh do anh giảng dạy.

Trong từng câu chuyện, anh đã nhắc đến dòng dõi bốn đời tài danh trong ngành nhạc dân tộc và anh là đời thứ năm – một trái tim nồng nàn dành cho âm nhạc dân tộc không kém gì cha của mình và một nghệ sĩ tài hoa đã làm rạng danh nhạc dân tộc Việt khắp năm châu.

Cảm ơn anh – mong một ngày sau khi dịch bệnh được đẩy lùi sẽ hội ngộ cùng anh tại quê nhà. Nhớ mãi đóa hoa anh tặng trong kỷ niệm 100 ngày mất của GSTS Trần Văn Khê do GS Phương Oanh tổ chức tại Pháp mà anh và chị (ca sĩ Bạch Yến) đến tặng cho Thanh Hiệp.#trănuanghai

NGUYEN THANH HIEP

bia sach : tran quang hai : 50 Years of Research in Vietnamese Traditional Music and Overtone Singing

BĂNG CHÂU : Hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến


Thứ năm, 17/06/2021 – 15:27

Hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến

Dân trí

Nhân kỷ niệm 43 năm ngày cưới, GS-TS Trần Quang Hải đã trải lòng về cuộc sống hạnh phúc bên danh ca Bạch Yến tại nước Pháp.

Giáo sư – Tiến sĩ (GS-TS) Trần Quang Hải, sinh năm 1944, là con trai trưởng của cố GS.TS Trần Văn Khê. Trong hơn 60 năm gắn bó với hoạt động nghệ thuật, trình diễn và nghiên cứu, ông đạt được nhiều thành tựu với gần 30 giải thưởng Quốc tế. Bên cạnh thành công trong sự nghiệp, GS Trần Quang Hải còn có cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng danh ca Bạch Yến.

Ngày 17/6/2021 là ngày kỷ niệm 43 năm thành hôn của GS.TS Trần Quang Hải – Bạch Yến. Sau hơn 4 thập kỷ gắn bó trong hôn nhân, dù không có người con chung nào nhưng ông bà vẫn có cuộc sống gia đình hạnh phúc và sự thành công trong sự nghiệp âm nhạc.

Hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến - 1
Ảnh cưới năm 1978 của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến.

Nhân kỷ niệm 43 năm ngày cưới, GS-TS Trần Quang Hải đã trải lòng về cùng Dân trí về cuộc sống hạnh phúc bên danh ca Bạch Yến tại nước Pháp.

Tôi thành công nhờ có vợ… sắp đặt

Với hơn 43 năm gắn bó trong cuộc sống hôn nhân, điều gì khiến GS-TS Trần Quang Hải trân trọng nhất ở người bạn đời của mình – danh ca Bạch Yến?

Tôi trân trọng vợ mình vì có tình thương, chung thủy và sự hy sinh nghề nghiệp. Bạch Yến đã chuyển từ hát tân nhạc sang học hỏi hát dân ca để cùng tôi đi truyền bá nhạc dân tộc khắp thế giới. 

Trong 43 năm qua, chúng tôi đã cùng thực hiện nhiều CD, trình diễn qua 60 quốc gia và hơn 100 đại nhạc hội quốc tế.

Ông thương vợ mình nhất ở điều gì trong tính cách và cách sống?

Vợ tôi sống rất ngăn nắp, ăn uống cẩn thận để giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt, Bạch Yến rất chú trọng về cách trình diễn trên sân khấu và thận trọng khi xếp đặt chương trình.

Vợ bảo tôi ăn mặc đúng phong cách người Việt xưa khi chúng tôi đi diễn. Mỗi khi lên sân khấu yêu cầu tôi phải mặc áo dài the, khăn đóng đen, dép Gia Định, áo quần trắng bên trong… Cả cách đi đứng trên sân khấu, cách chào cung kính theo người Việt Nam.

Còn về phía vợ tôi thì móng tay, móng chân phải để trắng, không đeo nữ trang vì đóng vai gái quê. Bà mặc trang phục theo nội dung bài hát. Là khăn mỏ quạ, áo tứ thân cho dân ca Bắc; khăn rằn ri, áo bà ba trắng quần đen cho dân ca Nam Bộ. Khi đi ra sân khấu, luôn luôn đi sau chồng. 

Hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến - 2
Hình ảnh vợ chồng GS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến trình diễn cùng nhau năm 1998.

Nhờ vậy mà chúng tôi chỉ có hai người không cần phải rườm rà áo quần, trình diễn mộc không cần micro, âm thanh. Chỉ có hai người với vài nhạc cụ do tôi trình diễn, như đàn tranh, đàn cò, sinh tiền, muỗng… mà vẫn chinh phục khán giả Tây phương vì giữ đúng phong cách cổ truyền. 

Nên tôi khẳng định, nhờ xếp đặt của vợ để chúng tôi đi đến thành công.

Theo ông, có phải khi người ta có cuộc sống riêng an ổn thì mới có thể chuyên tâm cho sự nghiệp? Ông có thấy mình may mắn khi gặp được người bạn đời ăn ý như bà Bạch Yến?

Có thể nói, tôi rất may mắn khi cưới được Bạch Yến làm vợ. Chính vợ đã giúp tôi thành công trong sự nghiệp âm nhạc và nghiên cứu. 

« Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn », từ ngày chúng tôi thành vợ chồng tới nay, tôi đã gặt hái nhiều thành công rực rỡ.

Và có điều gì vợ làm khiến ông « bực mình » mà không dám nói không?

Vợ tôi tính quá kỹ lưỡng, đâu ra đó đàng hoàng. Đôi khi tôi không quen vì tính hay buông đùa, xí xóa. Cũng có lúc bực mình, nhưng tôi không dám thổ lộ (cười). Nhưng rồi nghĩ lại, thấy mình bực bội hoàn toàn vô lý. Vậy là tìm cách giải hòa.

Trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những lúc bất đồng. Vậy điều gì khiến ông bà bất đồng với nhau nhiều nhất? Và cả hai làm sao để chấp nhận những bất đồng của nhau?

Không ai có thể sống hoàn toàn trong một cuộc sống yên lặng. Chúng tôi thường hay bất đồng ý kiến trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng dù có gây sự với nhau thường cũng chỉ trong chốc lát, lâu hơn là trong một ngày thì cả hai hòa hợp lại với lời xin lỗi của đôi bên.

Mỗi ngày, tôi luôn chọc vợ cười vì tính tôi hay đùa. Chúng tôi gọi nhau bằng ba-má nên vợ tôi thường nói « Ngày nào ba không làm má cười thì thôi nhau ».

Có bao giờ giữa ông bà xảy ra mâu thuẫn đến mức muốn chia tay nhau không?

Có đôi lúc chúng tôi gây nhau « dữ tợn » lắm, nhưng chưa đi tới chỗ muốn chia tay. Cả hai đều có một « quá khứ sôi động », với sự hiểu biết nhau, thương yêu nhau, kính trọng nhau cho nên dễ làm hòa.

Tôi biết ơn vì vợ – « kế mẫu » đã dạy dỗ con gái tôi nên người

Hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến - 3
Vợ chồng GS Trần Quang Hải tại New York năm 1980

Ông có cảm thấy buồn hay tiếc gì khi ông bà không có người con chung nào?

Chúng tôi không buồn vì không có con với nhau. Trời Phật định đoạt như thế nào thì mình phải chấp nhận. 

Tôi đã có con với người vợ trước. 3 năm sau khi ly dị tôi gặp Bạch Yến. Vợ tôi là « kế mẫu » nhưng thương yêu con gái của tôi như con ruột của mình. Bà còn dạy dỗ con tôi đúng theo truyền thống Việt Nam. 

Nhờ vậy con gái tôi dù sinh ở Pháp nhưng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt thông thạo. Tôi không bao giờ quên công ơn này của vợ.

Hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến - 4
GS Trần Quang Hải và con gái Minh Tâm

Ông bà đều lớn tuổi, bên cạnh không có con cháu, cả hai chăm sóc nhau như thế nào?

Vợ lúc nào cũng chăm lo sức khỏe cho tôi. Mỗi ngày bà « coi chừng » và khuyên tôi không nên ăn nhiều thịt mà nên ăn rau, trái cây. 

Năm 2017, khi biết tôi mắc bệnh ung thư máu, tiểu đường nặng, suy thận, áp huyết cao… tôi không còn lái xe vì uống nhiều thuốc. Bà ấy trở thành tài xế lái xe đưa tôi đi bệnh viện, nhắc chừng tôi phải uống thuốc đúng ngày giờ.

Tôi uống 20 viên mỗi ngày, y tá tới nhà chích ba lần mỗi tuần, thử máu một lần mỗi tháng. Tôi ba lần « xém chết » vì kỵ thuốc uống.

Tôi suýt bị tai biến não vì độ đường xuống quá thấp phải cấp cứu. May nhờ vợ tôi hay, kịp kêu xe cấp cứu. Tôi nằm bệnh viện 3 lần trong 3 năm 2017, 2018 và 2019.

Ngoài ra, vợ còn lo cơm nước, giặt ủi quần áo, đi chợ búa… cùng đi bộ với tôi 2km mỗi ngày. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của vợ mà sức khỏe tôi đã tốt hơn rất nhiều và tôi càng thương vợ hơn. 

Như GS Trần Quang Hải chia sẻ, vợ chăm cho ông từ miếng ăn, giấc ngủ. Vậy ngược lại, ông sẽ chăm lo cho bà như thế nào?

Từ lúc về hưu tới nay, tôi nói vợ để mình làm bếp. Tôi muốn giúp vợ đỡ lo phần nấu nướng. Lúc đầu vợ không chịu vì « nghi ngờ » tài làm bếp của tôi (cười).

Vợ chỉ bằng lòng chỉ dạy tôi cách căn bản pha nước mắm tỏi ớt theo gu miền Nam, cách ướp thức ăn theo Việt, Hàn, Trung Quốc… 

Tôi thường xem các chương trình dạy nấu nướng trên mạng để thay đổi thực đơn mỗi ngày. Dần dần, vợ đã thấy tôi từ « nấu tạm được » thành càng ngày nấu càng ngon.

Hiện, tôi đã biết nấu trên 60 món, một nửa là món ăn Việt Nam, một nửa là các xứ khác. Tôi lo việc rửa chén dĩa, chuẩn bị đồ ăn sáng, cà phê, bánh mì để vợ chồng cùng ăn với nhau. Tuy không nhiều nhưng đó là cách tôi chăm lo cho vợ.

Giấc mơ ấp ủ sau 60 năm xa quê

Một ngày của ông sẽ bắt đầu như thế nào?

Khi còn làm việc công sở, tôi đi làm ở Viện bảo tàng Con người. Cuối tuần hai vợ chồng cùng nhau đi trình diễn khắp Châu Âu theo lịch trình mỗi năm.

Hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến - 5
GS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến chụp ảnh cùng Tổng thống Pháp Jacques Chirac năm 2002. 

Từ năm 2009, khi về hưu, cuộc sống thường nhật có thay đổi. Tôi vẫn dậy sớm như hồi còn đi làm, nhưng để nghiên cứu hát đồng song thanh (Hát đồng song thanh là sự hài hòa âm thanh mà người hát có thể sản xuất từ sâu trong cổ họng – PV), viết bài và sửa soạn các bài tham luận cho các hội nghị quốc tế.

Tôi đã tham gia hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam do UNESCO đề xướng trong thời gian hưu trí. 

Trước khi phát hiện bị bệnh ung thư máu, năm 2017 tôi đã tặng cho Viện Âm nhạc Hà Nội hơn 1000 CD nghiên cứu nhạc dân tộc thế giới và hơn 1000 quyển sách tài liệu nghiên cứu dân tộc nhạc học.

Từ ngày biết mình bệnh, tôi có viết hai quyển sách kể lại 50 năm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt nam và hát đồng song thanh.

Những năm tháng đã đi qua, ngoài công việc thì điều gì khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất? Vui vẻ nhất?

Suốt 43 năm qua, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là vợ chồng tôi đã tạo một hình ảnh đẹp cho thế giới nghệ sĩ. Đó là lòng chung thủy với nhau, không một tiếng xấu trong cuộc sống, và luôn làm đẹp hình ảnh Việt Nam trong làng văn nghệ thế giới.

Hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến - 6
« Mỗi ngày tôi nói với vợ « Ba thương Má » và bà luôn đáp lời « Má cũng vậy », rồi cả hai cùng cười xòa. Nhờ vậy mà ít khi gây với nhau và tình yêu ngày càng đậm đà ».

Ông bà có định về sống tại Việt Nam những năm tháng sau này không?

Vợ chồng tôi mong muốn trở về sống ở Việt Nam trong những ngày cuối đời. Đó là giấc mơ của những người xa quê hương gần 60 năm. Chúng tôi chỉ sợ người trong nước không coi chúng tôi là người Việt mà chỉ coi là Việt Kiều!

Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ. Kính chúc ông bà luôn nhiều sức khỏe và an vui trong cuộc sống!

Băng Châu

https://dantri.com.vn/van-hoa/hon-nhan-43-nam-ngot-ngao-cua-gsts-tran-quang-hai-va-danh-ca-bach-yen-20210617141835109.htm

BÁN SÁCH GÂY QUỸ HỌC BỔNG TRẦN VĂN KHÊ


BÁN SÁCH GÂY QUỸ HỌC BỔNG TRẦN VĂN KHÊ

Đặt mua sách liên hệ :Email: tranvankhefoundation@gmail.comThư ký: Ngọc Hân 0782 78 28 28 (zalo, viber)

BÁN SÁCH GÂY QUỸ HỌC BỔNG TRẦN VĂN KHÊ

bìa sách TRẦN VĂN KHÊ / TÂM và NGHIỆP

Ngày 01/03/2021, UBND TPHCM đã ban hành Giấy phép thành lập số 680/QĐ-UBND cùng việc Công nhận Điều lệ Quỹ Học bổng Trần Văn Khê. Hoạt động chính của Quỹ Trần Văn Khê hỗ trợ, tài trợ, xét trao giải thưởng và học bổng thường niên của Quỹ góp phần cổ vũ việc gìn giữ, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam theo di nguyện của cố Giáo sưMời quý bạn hữu ủng hộ mua sách “Trần Văn Khê – Tâm và Nghiệp” đóng góp gây quỹSách Trần Văn Khê – Tâm và Nghiệp dày 296 trang, giá 110.000 đồng. Sách có 37 bài viết của 35 tác giả như GS.TS. Trần Quang Hải, NSND Bạch Tuyết, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Trần Trọng Thức, giáo sư triết học Thái Kim Lan, nhà nghiên cứu Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, TS NSUT Nguyễn Thị Hải Phượng… Phần hình ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á thực hiện.

GS TRẦN QUANG HẢI giới thiệu sách tại TP HCM 2016
GS TRẦN QUANG HẢI & GS TRẦN VĂN KHÊ

Cố Giáo Sư Trần Văn Khê – Người Đưa Âm Nhạc Cổ Truyền VN Ra Thế Giới


Cố Giáo Sư Trần Văn Khê – Người Đưa Âm Nhạc Cổ Truyền VN Ra Thế Giới

Cố Giáo Sư Trần Văn Khê – Người Đưa Âm Nhạc Cổ Truyền VN Ra Thế Giới

3,798 views•Apr 2, 2021901ShareSaveNgười Nổi Tiếng 1.36M subscribers

Cố Giáo Sư Trần Văn Khê – Người Đưa Âm Nhạc Cổ Truyền VN Ra Thế Giới Với giới mộ điệu, cố giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Khê là “báu vật” của nước nhà. Ông chính là người đã có công nghiên cứu và quảng bá âm nhạc cổ truyền VN ra thế giới. Dù ở bất cứ nơi đâu, giáo sư Khê đều nói về giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống và tầm quan trọng của việc giảng dạy, quảng bá, khai thác đúng nguyên tắc để bảo tồn và phát huy nó. Trên cả mục đích công việc, đó là hành động thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc của một người con hơn 50 năm bôn ba nơi xứ người.

Nguồn: vi.wikipedia.org, cafef.vn, dantri.com.vn, vnexpress.net, nongnghiep.vn, giadinh.net.vn, congly.vn, thanhnien.vn, tuoitre.vn

MAI MỸ DUYÊN (1959 -)bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2007 về Đờn ca tài tử nam bộ


Trang chủQuy địnhChính sáchLiên hệ

Trang chủĐào tạo Nghiên cứu sinh

Nghiên cứu sinh

Mai Mỹ Duyên

Cập nhật ngày: 29 Tháng Giêng 2011

I. Thông tin cá nhân

Họ và tên: Mai Mỹ Duyên

Giới tính: Nữ

Sinh ngày 21-01-1959

Nơi sinh: Tiền Giang

Quê quán: Thị trấn, Cai Lậy, Tiền Giang

Dân tộc: Kinh

Chức vụ, đơn vị công tác hiện nay: Phó trưởng khoa Sau đại học-Trường Đại học Văn hóa Tp.Hồ Chí Minh

Địa chỉ liên lạc: Đại học Văn hóa Tp.HCM số 51 Quốc Hương, Phường Thảo Điền, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại cq: 08.35011788 (Khoa SĐH)

Điện thoại dđ: 0983210159

Fax: 08.38980740 Email: maimyduyen1959@yahoo.com.vn

II. Luận án tiến sĩ

– Mã số: 62 31 70 05
– Hướng nghiên cứu: Đờn ca Tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Tây Nam Bộ
– Chuyên ngành: Văn hóa dân gian
– Người hướng dẫn: PGS Tô Vũ
– Thời gian bảo vệ: 06-8-2007
– Nơi bảo vệ: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

III. Hoạt động khoa học

3.1. Sách

60 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam, viết chung, Viện Văn hóa Thông tin, 2004.

05 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành. Tham dự nhiều hội thảo trong nước và quốc tế.

http://vicas.org.vn/fellow.aspx?sitepageid=587&id=38

Hát xẩm – Nghệ thuật của cội nguồn dân gian | Chào Ngày Mới | ANTV


Hát xẩm – Nghệ thuật của cội nguồn dân gian | Chào Ngày Mới | ANTV

40,503 views•Jan 8, 20199257ShareSaveANTV – Truyền hình Công an Nhân dân 4.52M subscribers ANTV | Hát xẩm – Nghệ thuật của cội nguồn dân gian | Chào Ngày Mới ✯✯✯✯ Đông đi xuân tới, cùng với tiết trời mưa phùn se lạnh của mùa xuân Hà Nội. Hãy cùng ANTV thưởng thức đặc sản của dân gian- Hát Xẩm để trải nghiệm nét đặc sắc của Hà Nội. ————————————————————— ANTV – Truyền hình CAND là kênh tin tức thời sự an ninh trật tự chuyên biệt. Tin tức, tin tức 24h, tin mới, tin mới nhất, tin tức 24h mới nhất được cập nhật liên tục hàng ngày. Nguyên tắc thông tin là Nhân văn – Tin cậy – Kịp thời – Hấp dẫn . ✮✮✮ ĐĂNG KÝ KÊNH ✮✮✮ ★ Camera Giấu Kín: http://bit.ly/CameraSubscribe​ ★ An Ninh Thế Giới: http://bit.ly/ANTGSubscribe​ ★ ANTV – Truyền hình Công an Nhân dân: http://bit.ly/ANTVSubscribe​ ★ An Ninh Toàn Cảnh : http://bit.ly/ANTCSubscribe​ ★ Chuyện kể lúc 0 giờ: http://bit.ly/ChuyenKeSubscribe​ ★ Địa chỉ liên hệ: anvienmedia@gmail.com