TRẦN PHƯỚC THUẬN : BÀN VỀ XUẤT XỨ VÀ Ý NGHĨA CỦA TỪ “VỌNG CỔ”


NGUỒN GỐC VỌNG CỔ
—o0o —
1
Bàn về xuất xứ và ý nghĩa của từ “Vọng cổ” 
 
Trần Phước Thuận 

Vọng cổ là một tên gọi rất quen thuộc với người Việt Nam, nhất là ở Bạc Liêu, ai cũng biết nó là một bản nhạc phổ thông nhất và tiêu biểu nhất trong cổ nhạc Nam Bộ. Vọng cổ hiện nay còn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu âm nhạc và thực tế đã có nhiều sách vở, nhiều cuộc hội thảo khoa học đề cập đến. Tuy nhiên tên gọi Vọng cổ từ đâu mà có và ý nghĩa đích thực của nó là gì thì đến nay vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Lý giải vấn đề này có 2 ý kiến tiêu biểu. Một là, ông Cao Kiến Thiết [1] cho rằng: Theo ba tôi kể thì năm 1919 thầy Thống tức ông Trần Xuân Thơ [2] người miền Bắc, giỏi chữ Nho, ngụ tại An Trạch Đông, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị ba tôi thay chữ Dạ cổ (tiếng trống đêm) thành Vọng cổ (tiếng trống vọng lại). Lý do là ba tôi lấy điển tích “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” làm nội dung của bài ca và bản nhạc. Bởi lòng Tô Huệ khi chức Cẩm hồi văn thì nghe tiếng trống đánh từ xa vọng lại, chứ không phải là tiếng trống đêm, cho nên chữ Dạ cổ thì tối nghĩa còn chữ Vọng cổ thì càng làm rõ điển tích này đã chọn. Và trong cuộc họp đó ba tôi đã đồng ý đổi chữ Dạ cổ hoài lang thành Vọng cổ hoài lang, nghĩa là theo tiếng trống vọng lại mà nhớ chồng. Nhưng lúc đó bản Dạ cổ hoài lang đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, nên phải mất thời gian khá lâu mới thống nhất được tên gọi “Vọng cổ”. Đây là lời phát biểu của ông Cao Kiến Thiết trong cuộc hội thảo khoa học về Cao Văn Lầu tổ chức tại Bạc Liêu năm 1989 [3].

Hai là, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng [4] nói rằng: “Chính soạn giả Trịnh Thiên Tư [5] trong buổi lễ giỗ tổ cổ nhạc ở Bạc Liêu năm 1935 đã đề nghị với ông Sáu Lầu và mọi người như sau: Bản nhạc gốc 20 câu của ông Sáu vẫn nên gọi là Dạ cổ hoài lang vì đó chính là cái tên gốc, cái tên lịch sử không nên sửa đổi. Hơn nữa nhớ chồng lúc ban đêm là điều thích hợp với người chinh phụ, lại hợp với nội dung bản nhạc của ông Sáu. Chúng ta không thể lấy ý nghĩa và hoàn cảnh của nàng Tô Huệ như thầy Thống đã nói lúc trước để sửa đổi cái tên Dạ cổ hoài lang, vì đây là hai tác phẩm khác nhau, cũng như không thể lấy Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để sửa Truyện Kiều của Nguyễn Du được. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay bản Dạ cổ hoài lang đã được biến thể sang nhịp 8, vậy cũng nên dùng 2 chữ Vọng cổ để đặt tên cho các bản đã được canh tân này. Nhưng Vọng cổ do tôi đề nghị hôm nay cũng không theo nghĩa “tiếng trống vọng lại” mà lại mang ý nghĩa “trông về truyền thống xưa”, vì các bản nhịp 8 tuy chữ đàn đã khác xa bản gốc, nhưng vẫn từ Dạ cổ hoài lang mà ra, vì vậy “truyền thống xưa” ở đây chính là bản Dạ cổ hoài lang. Ý kiến của ông Trịnh Thiên Tư được ông Sáu cùng mọi người chấp thuận và hoan nghênh nhiệt liệt. Và cũng từ đó đến nay mọi người đều gọi bản nhạc gốc là Dạ cổ hoài lang và gọi chung các bản được canh tân là Vọng cổ”.

Như vậy, từ Vọng cổ được xuất hiện do lời đề nghị của hai ông Trần Xuân Thơ và Trịnh Thiên Tư, nhưng từ Vọng cổ được sử dụng là của ông Tư hay ông Thơ ? Muốn giải quyết vấn đề này ắt hẳn phải xác định cái nghĩa đang được sử dụng của nó, nói cách khác bản Vọng cổ ngày nay – cái tên của nó mang ý nghĩa gì ?

Như trên đã nói từ Vọng cổ (望 鼓) của ông Trần Xuân Thơ, thì có nghĩa là “tiếng trống vọng lại” ? còn từ Vọng cổ (望 古) của ông Trịnh Thiên Tư có nghĩa là “trông về xưa”. Như vậy về phần nghĩa của hai từ này không dính dáng với nhau nhưng phần âm lại đồng âm nên thường hay nhầm lẫn. Muốn xác định từ Vọng cổ mang ý nghĩa nào, tốt nhất là dùng tên gốc của nhạc bằng chữ Hán để chứng minh và dùng phương pháp so sánh để giải quyết vấn đề này?

Hiện nay có một bản rất phổ thông gọi là Tân cổ giao duyên (新 古 交 緣), bản được thành lập do phương pháp gối đầu Vọng cổ của soạn giả Mộng Vân và sau đó được nhiều soạn giả khác thực hiện bằng cách kết hợp giữa tân nhạc và bản Vọng cổ. Chúng tôi tạm mượn cái tên Tân cổ giao duyên này để làm cơ sở để truy tìm ra cái nghĩa đang được sử dụng của từ Vọng cổ. Tạm nêu ra hai trường hợp như sau:

1. Nếu từ cổ ở đây có nghĩa là cái trống thì Tân cổ giao duyên (新 鼓 交 緣) sẽ được hiểu là “cái trống mới giao duyên”. Nghĩa là không phù hợp với kết cấu và nội dung của bản Tân cổ giao duyên. Nếu cố hiểu là “mới” và “cái trống” giao duyên với nhau lại càng không có ý nghĩa gì cả.

2. Nếu từ cổ ở đây có nghĩa là xưa thì Tân cổ giao duyên (新 古 交 緣) theo nghĩa đen là “mới” và “cũ” giao duyên, nghĩa bóng muốn nói tân nhạc và cổ nhạc cùng hòa hợp, thật đúng với kết cấu và nội dung bản Tân cổ giao duyên.

Rõ ràng là trường hợp thứ nhất không hợp lý. Và như vậy, cổ ở đây được xác định là xưa thì Vọng cổ phải mang nghĩa “trông về xưa” hay “chiêm ngưỡng truyền thống xưa”, ý nghĩa này là do ông Trịnh Thiên Tư đề xuất.

Tóm lại, Từ Vọng cổ có xuất xứ tại Bạc Liêu và được sử dụng từ tháng 08 năm ất Hợi (1935) do lời đề nghị của soạn giả Trịnh Thiên Tư.

Căn cứ vào lời phát biểu của ông Tư và xét theo thực tế thì Dạ cổ hoài lang và Vọng cổ là hai bản khác nhau, nhưng Vọng cổ do Dạ cổ hoài lang mà có, vì vậy Vọng cổ phải mang ý nghĩa “trông về truyền thống xưa”.

Chú thích :
(1) Con trai lớn của ông Cao Văn Lầu.
(2) Thầy tuồng đoàn hát bộ của ông Ba Xú, một trong những đoàn hát đầu tiên ở Bạc Liêu.
(3) Từ Dạ cổ hoài lang, Nxb. Mũi Cà Mau, 1992, tr.84-85.
(4) Nhạc sĩ Năm Nhỏ (1921-1982), học trò nhỏ nhất của Nhạc Khị, cũng là người thừa kế thờ Tổ Cổ nhạc Bạc Liêu sau khi thầy qua đời.
(5) Tác giả sách Ca nhạc cổ điển – 1962, nhà ở xã Vĩnh Mỹ, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu, ông cũng là bạn đồng môn với nhạc sĩ Cao Văn Lầu.


2
DẠ CỔ HOÀI LANG

Sáng tác: Cao Văn Lầu

Bài Dạ cổ hoài lang ra đời trong cái nền của dòng nhạc tài tử Nam Bộ càng làm cho dòng nhạc tài tử Nam Bộ phong phú hơn, gắn bó thuyết phục hơn với mọi người, mặc dù bài ”Dạ cổ hoài lang ” sanh sau đẻ muộn nhưng lại sớm chiếm được ưu thế, cảm tình trong giới và khán thính giả mộ điệu. Tính độc đáo ở đây là sự biến đổi phát triển không ngừng của bài Dạ cổ hoài lang, từ nhịp 4 chuyển sang nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và 64 chính là bài vọng cổ bây giờ.


Ký âm cổ nhạc: (theo loại đàn dây Bắc)

1

Từ là từ phu tướng, Hò lìu xang xê cống

2

Báu kiếm sắc phán lên đàng. Líu cống líu cống xê xang

3

Vào ra luống trông tin chàng. Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò

4

Năm canh mơ màng. Liu xế xang xự xề xang lìu hò

5

Em luống trông tin chàng, Xừ liu xáng ũ liu cống xề

6

Ôi gan vàng quặng đau. (í a) Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu

 

   

7

Đường dù say ong bướm, Hò lìu xang xang xế cống

8

Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Xê xê líu xừ, líu lĩu xừ xang

9

Đêm luống trông tin bạn, Xừ xang xế, líu xê xang xư’’

10

Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang

11

Vọng phu vọng luống trông tin chàng. Xừ, xê líu xừ, líu cống xê, líu hò

12

Sao nỡ phũ phàng … Liu xề xang xự cống xê xang lìu hò

 

   

13

Chàng là chàng có hay? Xừ xang xừ cống xế

14

Đêm thiếp nằm luống những sầu tây. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang

15

Bao thuở đó đây sum vầy, Xừ xang xề hò líu cống xế xang hò

16

Duyên sắc cầm lợ phai. (í a) Lưu xáng xàng, xề liu xề xáng ú liu

 

   

17

Là nguyện cho chàng Hò xự cống xê xang hò

18

Hai chữ an bình an. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang

19

Trở lại gia đàng, Xừ xang xế, hò líu cống xê xang hò

20

Cho én nhạn hiệp đôi. (í a) Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu

  Ký âm: Vũ Đức Sao Biển.

Bản Dạ cổ hoài lang sử dụng thang âm lên tới 7 cung, thuộc hệ thang âm Ai, Oán.

  

Nhạc Pháp 

Bài “Dạ cổ hoài lang” có 20 câu, hai nhóm đầu mỗi nhóm 6 câu, hai nhóm sau mỗi nhóm 4 câu. Mỗi câu trong bài có 2 nhịp, gọi là nhịp đôi.

Ngay từ thời chỉ mới có nhịp đôi, bản “Dạ cổ hoài lang” đã được đặt lời khác. Việc đặt (ngôn ngữ nhạc Việt gọi là “soạn”) lời ở các bản cổ nhạc không giống như đặt lời tân nhạc. Một bài tân nhạc khi đặt lời thì theo sát câu nhạc của lời trước, tức là theo đúng hay rất sát nốt nhạc trong mỗi stanza. Đặt lời một bản cổ nhạc giống như làm bài thơ họa: Theo đúng nốt nhạc (ngôn ngữ nhạc Việt gọi là chữ nhạc) ở cuối câu (chỗ dứtnhạc) và theo giọng bình – trắc ở những chữ đó.

Câu 2 nhịp, tuy nhiên, không thỏa mãn được nhu cầu của các nhà soạn nhạc. Bản nhạc (bản vọng cổ luôn gọi là “bản”, không gọi là “bài”) được tăng lên 4 nhịp, tức nhịp tư, trong khoảng thời gian 1927-1935. Sau đó tăng lên nhịp tám năm 1936-1945, và cũng khoảng thời gian này được mang tên bản “Vọng cổ“. Từ nhịp tám lên nhịp 16, 32, 64, 128,… Bản thông dụng nhất hiện nay là bản nhịp 32.

Bản vọng cổ nhịp đôi, nhịp tư chỉ theo sát chữ nhạc ở chỗ dứt câu. Nhưng khi bản nhạc có nhiều nhịp, phải theo đúng chữ nhạc ở một số nhịp nhất định.

Thí dụ, câu 1 của bản nhịp đôi chỉ cần dứt ở chữ cống, theo chuẩn của bản Dạ cổ hoài lang.

Nhưng câu 1 của bản nhịp 32 phải có chữ hò ở nhịp 16, hò ở 20, xê ở 24, xang ở 28, cống ở 32. Ở bản 32 nhịp, tất cả các câu đều có xề (gọi là “xuống” xề) ở nhịp 4. (Trên thực tế, bản 32 nhịp thường câu 1 và 4 ngắn, chỉ có 16 nhịp sau, còn 16 nhịp đầu nói thơ hoặc nói lối hoặc xen tân nhạc.

Khi câu nhạc còn ngắn, bản nhạc chỉ gieo vần ở cuối câu. Lên tới nhịp 32, 64, các soạn giả bắt đầu gieo vần liên kết bên trong mỗi câu.

Nguồn: WIKIPEDIA.COM

Leave a comment