VƯƠNG THƯ SINH : Dạ Cổ Hoài Lang và ông Sáu Lầu


Dạ Cổ Hoài Lang và ông Sáu Lầu

     Thuở nhỏ tôi vẫn thường nghe hai cái danh từ khá lạ tai, nghe riết rồi trở thành quen đi trong trí nhớ. Tôi muốn nói đến hai cụm từ ngữ “Dạ Cổ Hoài Lang” và “ông Sáu Lầu”. Vậy thì hai cụm từ này mang ý nghĩa như thế nào trong nền văn hóa Việt Nam? Tôi muốn gom ý muốn tìm hiểu của tôi để làm tựa đề cho bài viết này. Bài viết sẽ được bàn về chủ đề này cũng như những điểm về Cổ nhạc Nam phần như sau:
     Ông Sáu Lầu là ai ?
     Tham khảo sách “Nghệ Thuật Sân Khấu” của tác giả Trần Văn Khải và bài viết “Dạ Cổ Hoài Lang – Một Xuất Xứ Buồn” của giáo sư Trần Văn Khê, viết tại Paris thì ông có tên họ là Cao văn Lầu, sanh năm 1890 tại xã Thuận Lễ, tỉnh Tân An. Năm lên 6 tuổi, theo cha về Bạc Liêu. Ông Sáu Lầu sáng tác nhiều tác phẩm, nhưng tác phẩm “Dạ Cổ Hoài Lang” đã thật sự rung động tâm tư khán thính giả nhiều nhất khi nghe.
     Ý Nghĩa của “Dạ Cổ Hoài Lang”:
     Bản vọng cổ, trước hết có tên là Dạ Cổ, do ông Sáu Lầu sáng chế vào khoảng các năm 1919 hay 1920, tức ba năm sau khi cải lương ra đời. Khi đó tác giả được 30 tuổi khi ông chế bản vọng cổ. Vào thời điểm mà ông lập gia đình, nhưng chẳng may lại không có mụn con nào nối dõi tông đường nên bà mẹ buộc ông phải cưới vợ khác vì sợ tuyệt tự. Ông buồn rầu không còn thiết tha trong cuộc sống, chính tâm sự ưu sầu đó khiến ông cho ra tác phẩm bất hủ này. Ban ngày ra ngoài đồng ruộng tìm sự thanh thản, ông nghiền ngẫm những lời vợ ông nói với ông trước khi chia tay, ông vốn biết đờn cổ nhạc nên trong tâm trạng của người chồng đau khổ trước hoàn cảnh cuộc hôn nhân vợ chồng sẽ phải chia ly, ông hứng khởi tạo ra bản nhạc 20 câu gọi là “Dạ Cổ Hoài Lang”, nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống thúc mà nhớ chồng, để ám chỉ đến kỷ niệm bi thương của tâm sự lòng hay những lời tình tự của vợ ông trao cho ông.
     Có lẽ vì Cao Xanh không phụ người có thiện tâm, nên sau khi ông sáng tác bản vọng cổ này rồi, ít lâu sau vợ ông thụ thai và ông bà có được sáu người con.
     Năm 1953 trong bài viết của tờ báo Dân Mới trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Thanh Cao, khi Thanh Cao hỏi ông Sáu Lầu ngày chào đời bản Vọng cổ, xin cho biết năm nào đã sáng tác. Ông Sáu Lầu trả lời: “Tôi không nhớ rõ đã được bao nhiêu lâu, nhưng chỉ nhớ năm ấy tôi được 29 tuổi và bây giờ tôi đã lên 63”. Báo đăng bài phỏng vấn năm 1953, khi ông 63 tuổi tức là ông chào đời năm 1890. Và năm ông sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang chính xác là năm 1919, vào lúc ông mang tâm trạng khủng hoảng tâm lý, trong hoàn cảnh bi thương bị mẹ bắt buộc phải ly dị với vợ ông sau 8 năm chung sống, vì lý do bà vợ không sanh được con như đã bàn phần trên. Về sau này bản “Dạ Cổ Hoài Lang” được đổi tên là “Vọng Cổ Hoài Lang”, tức trông mối tình xưa mà nhớ đến chồng. Sau đây là bài Vọng Cổ Hoài Lang nguyên thủy của ông Sáu sáng tác năm 1920:
     Dạ Cổ Hoài Lang
     (nhịp đôi)
“Từ là từ phu tướng
Bửu kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Ðêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin nhạn
Ôi, gan vàng quặn đau
Ðường dầu xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phụ phàng
Chàng hỡi chàng có hay
Ðêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắt cầm đừng lợt phai
Thiếp cũng nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng hai chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi”
     Trích dẫn nguyên bản lời bài “Ðêm nghe tiếng trống nhớ chồng” của ông Cao văn Lầu (1892-1976) tức soạn giả Sáu Lầu, bài hát tiền thân của bản Vọng Cổ ngày nay.

     (Trích sách “Nghệ Thuật Sân Khấu” của Trần Văn Khải)
     Bài vọng cổ trên đây chỉ có 2 nhịp, sau này các nhạc sĩ sáng tác đã tăng lên thành 4, 8 rồi 16 nhịp. Ca sĩ cải lương cần phải có làn hơi dài thì mới có thể chạy theo những bài hát đa nhịp này, vì thế họ cần luyện tập cho mình một làn hơi càng dài thì giọng ca càng “mùi” và càng được khán thính giả thích thú hơn.
     Ðôi dòng về Cổ nhạc Nam phần:
     Tôi có người bạn gốc Mỹ Tho, anh Dương Bé, sanh trưởng và lớn lên ở miệt lục tỉnh, nhưng anh sang Âu châu du học. Sau khi mất miền nam, anh sang Mỹ định cư. Dù sống ở xứ ngoài khá lâu, nhưng cổ nhạc đã thấm vào dòng huyết quản của anh. Một hôm anh rủ tôi đi ăn trưa, anh thuyết giảng cho tôi nghe thật nhiều về cải lương, lịch sử cổ nhạc mà anh đã nghiên cứu qua bao năm, tôi phục anh vô cùng. Dù mang sở học Âu Mỹ, nhưng tâm hồn anh vẫn là người Việt Nam thuần túy như thuở của miệt lục tỉnh ngày xưa.
     Sau đây là những điều được ghi nhận trong hàng loạt bài viết của anh Dương Bé:
     “Cải lương tuy đã có trước khi bài Vọng Cổ ra đời nhưng nhờ bài hát nầy mà nó đã biến thể, thu hút giới thưởng ngoạn nhanh chóng và đông đảo hơn. Một tuồng cải lương, về kỷ thuật, là một tổng hợp của nhiều bài bản cổ nhạc dựa theo nội dung cốt truyện. Tuy nhiên, dù vở tuồng thuộc bất cứ thể loại nào: bi thảm, hài hước, xã hội, dã sử hay hương xa, nó đều phải có ít nhất một bài Vọng Cổ ở mỗi màn. Bắt buộc không thể thiếu. Nếu do đào kép nổi tiếng thủ diễn thì họ phải hát Vọng Cổ vài lần (thường là lúc chia tay và khi tái ngộ). Thật cũng không ngoa nếu nói cải lương nhờ Vọng Cổ mà đi sâu vào dân chúng, từ giai cấp trí thức đến tầng lớp bình dân, và Vọng Cổ cũng nhờ cải lương mà có một địa vị bất tử trong lòng người dân từ Bắc vô Nam.

     Cổ nhạc Nam phần có rất nhiều bài bản: Xàng Xê, Nam Ai, Văn Thiên Tường, Nam Xuân, Sương Chiều, Tú Anh, v.v. nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài Vọng Cổ. Về sau chữ Vọng Cổ gần như đồng hóa và thay thế cho chữ Cổ nhạc Nam phần. “Nghe Vọng Cổ,” “ca Vọng Cổ,” “Làm vài câu Vọng Cổ nghe chơi!” trở thành ngôn ngữ thông dụng cho cách thưởng thức một bộ môn nghệ thuật đại chúng của dân miền Nam. Tuy nói là “nghe chơi” nhưng phải nhìn khán giả miền Nam khi họ nghe ca Vọng Cổ, dù ở các đám tiệc, buổi đờn tài tử hay trong rạp hát, mới thấy sự trân trọng của họ đối với bài hát và người trình diễn. Không ai bảo ai, tất cả đều im lặng khi câu rao bắt đầu. Họ chờ đợi nhưng cổ võ người nghệ sĩ trong im lặng, háo hức. Người hát cũng đáp lễ bằng để hết tâm hồn vào câu ca vì một câu ca vô hồn sẽ hiện rõ không thể dấu diếm, và đó là điều khinh thường người thưởng ngoạn. Câu xề vừa xuống là tiếng vỗ tay vang rền, từ em bé được cha mẹ dẫn đi xem hát lần đầu đến cụ bà hom hem ngồi bên đứa cháu, từ ông bà sang trọng ngồi ở hàng ghế thượng hạng gần sân khấu cho đến người đàn bà nhà quê ngồi cuối rạp ở hạng cá kèo. Tất cả đều vỗ tay. Tất cả đều bình đẳng. Không kẻ lớn người nhỏ, không kẻ giàu người nghèo. Chỉ có người thưởng thức một bài hát hay.
     Sau hơn 80 năm bài Vọng Cổ vẫn là vị hoàng đế không ngai của âm nhạc miền Nam. Trong một buổi trình diễn cổ nhạc Nam phần, dù là nguyên trọn hay trích đoạn vỡ hát cải lương hoặc đờn ca tài tử, bài Vọng Cổ luôn luôn có mặt và luôn luôn là bài hát chánh. Bài Vọng Cổ là một bài hát đặt biệt của miền Nam, không thể lầm lẫn. Nó là biểu tượng đặc biệt của dân miền Nam. Không to lớn dữ dội như sông Hồng, không thơ mộng, văn vẽ như sông  Hương nhưng như giòng Cửu Long với nhánh sông Tiền, sông Hậu chảy thấm vào đất đai, bồi bổ đồng ruộng, chảy thấm vào lòng người lúc nào không biết. Bản Vọng Cổ thấm vào tâm hồn hiền hòa, chất phác của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả miền Nam nói chung. Nhập vào từ lúc còn ngậm bầu vú mẹ, nhập vào từ lúc chập chửng bước đi cho mãi đến khi đặt chân vào cuộc đời đầy tranh đua, phiền toái.
     Có phải ông Sáu Lầu là người đã đặt ra bài Dạ cổ hoài lang? Theo truyền thuyết, ông Sáu Lầu cưới vợ đã lâu, gia đình đầm ấm  nhưng không có được một mụn con. Cha mẹ ông buộc ông phải cưới vợ khác để ông bà có cháu nối dõi tông đường. Ông Sáu buồn rầu, không biết xử sao cho vẹn cả đôi bên hiếu và tình. Sống xa người vợ thương yêu nhưng nào đâu quên bỏ được. Tuy xa mặt nhưng lòng không cách, tình yêu càng làm nỗi nhớ thương tăng thêm dào dạt. Lòng tâm sự của người chồng gởi cả vào bản nhạc mới được đặt ra, đó chính là bài Dạ cổ hoài lang bất hủ. Tuy bị cấm cản, ông vẫn lén lút lui tới với vợ. Sau đó bà có mang, vợ chồng lại xum họp.
     Sở dĩ tôi chỉ gọi là bản nhạc mà không gọi là bài ca hay bài hát vì hiện nay có một số nghi vấn về lời của bài Dạ cổ hoài lang. Có những người cho rằng lời bài hát do ông Trần Xuân Thơ đặt ra, hay do một nhóm tài tử Sài Gòn đặt ra. Có người lại xác định là ông Sáu Lầu đã sáng tác cả nhạc lẫn lời. Dù sao đi nữa mọi người đều đồng ý là ông Sáu Lầu là cha đẻ của bài nhạc vô địch đó. Bài Dạ cổ hoài lang sau chuyển thành Vọng Cổ hoài lang (Trông tình xưa nhớ đến chồng) và cuối cùng là Vọng Cổ như ta biết ngày nay.
     Theo cá nhân tôi, nếu truyền thuyết về hoàn cảnh sáng tác của ông Sáu Lầu là đúng thì có lẽ ông chỉ đặt ra bài nhạc, còn lời ca là của một nguồn gốc khác chưa được xác định chắc chắn. Tại sao? Ðọc lời ca của bài Dạ cổ hoài lang ta thấy rõ ràng đó là lời than thở nhớ thương của một người vợ có chồng đi chinh chiến nơi phương xa. Nàng mong chồng bình an trong chiến trận, nhớ lời ước hẹn, tình nghĩa phu thê mà sớm quay về gia trung. Ðây không phải là lời thương yêu ai oán của một người chồng, vì hoàn cảnh, đang phải sống xa lìa người vợ thủy chung. Dù có ngụy trang thế nào đi nữa, ông Sáu Lầu cũng không thể đặt ra lời cho một người đàn bà nhớ chồng để gởi gắm tâm sự nhớ vợ của ông. Rất phản tự nhiên. Văn chương của lời ca cũng tương hợp với các loại truyện thơ như Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương của đất Nam Bộ thời ấy hoặc các truyện Tàu như Tam quốc chí, Nhạc Phi, Thuyết Ðường do ông Nguyễn Chánh Sắc dịch. Ngoài ra, tất cả các bản nhạc xưa đều được sáng tác nguyên thủy cho nhạc khí, không lời hát và có lẽ nhờ đó mà chúng đuợc phổ biến rộng rải và lưu truyền cho đến ngày nay. Chúng không bị bó buộc tình cảm để chỉ được trình diễn hay thưởng thức trong một hoàn cảnh nhất định như các bài hát có lời.
     Bài Vọng Cổ có một nét đặc biệt mà gần như không một bài hát nào khác được thừa hưởng. Ðó là tính đa dạng, biến thái của bài hát theo lời ca. Cũng cùng điệu nhạc, điệu đàn nhưng bài Vọng Cổ thay đổi hẳn bản chất tùy theo lời đặt ra. Buồn thương sầu thảm như Lan và Ðiệp, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Ðài. Não nề ai oán như Sầu vương ý nhạc, Hạng Võ biệt Ngu Cơ. Khuyên dạy êm đềm như Tu là cội phúc, Nỗi mừng ngày cưới. Kể truyện tích xưa như Ðội gạo đường xa, Lưu Bình Dương Lễ. Vui đùa, dí dỏm như Tư Ếch đi Sài Gòn, Tựa tuồng sân khấu. Không một soạn giả nào có thể dùng bài Lý con sáo để nói những lời hý lộng mà chỉ có thể than thở như cô Lan  trong Tình Lan và Ðiệp của soạn giả Viễn Châu (đừng lầm với bài Lan và Ðiệp cũng của ông Viễn Châu):
     “Hoa bay theo gió cuốn rụng đầy sân rêu,
Nhìn hoa tàn rụng rơi, Lan bâng khuâng tê tái tâm hồn
Bởi bao cay đắng dập dồn,
Tình đầu vừa tan theo khói sương,
Lan khóc than trong tháng năm sầu thương.
Mùi thiền đành quen câu muối dưa,
Mong lãng quên khổ đau ngày xưa.”
     Bản Vọng Cổ ca đủ 6 câu phải mất khoảng 6 phút, gần gấp đôi một bản tân nhạc, có thể kể đầy đủ một câu truyện, một sự tích. Vì vậy Vọng Cổ là một phương tiện rất tốt để truyền bá kiến thức văn hóa cho đại chúng nhất là với tầng lớp dân quê ít học. Ðất rộng, người thưa. Vất vả, cô đơn là những nỗi khó khăn mà lớp người tiền phong xuôi Nam khai phá đất đai, mở mang xứ sở phải chịu đựng:
“Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu

     Nhờ Vọng Cổ mà người bình dân miền Nam biết được các tích truyện đầy luân lý như Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, Tử Lộ v.v. hay những điển tích truyện Tàu như Triệu Tử Long triệt giang, Ðơn Hùng Tín, Ðắc Kỷ Trụ Vương, Lữ Bố hí Ðiêu Thuyền, Chung Vô Diệm. Không có lối giáo dục nào hay hơn. Trước là truyện thơ, sau là Vọng Cổ đã tạo cho người miền Nam một nếp sống và nhân sinh quan khác hơn dân các miền khác. Tinh thần phóng khoáng của những bậc tiền bối đi trước đã được các tích Cậu Hai Miêng, Ðào Viên kết nghĩa, Ðơn Hùng Tín, v.v. vung bồi, như phù sa làm phì nhiêu thêm đất vườn vùng đồng bằng sông Cửu, và truyền dạy đến lớp hậu sinh ngày nay. Nó tạo ra những phong cách “tứ hải giai huynh đệ”, “anh hùng tử, khí hùng bất tử” mà đến nay người miền Nam vẫn còn tự hào.
     Rảo bước vào các làng quê miền Nam, người khách lạ luôn luôn nghe tiếng ca Vọng Cổ văng vẳng vọng ra từ một ngôi nhà nào đó trong xóm. Có thể là giọng ca của Minh Cảnh, Lệ Thủy, hay Hữu Phước, Ngọc Giàu. Có thể là bài Vọng Cổ xưa như Người mẹ mùa ly loạn, Gánh nước đêm trăng, có thể là một tân cổ giao duyên như Chàng là ai, có thể là giọng ca hài hước của Văn Hường trong Vợ tôi tôi sợ. Nhưng âm vang của bài Vọng Cổ luôn luôn ôm ấp, quấn quít tâm hồn người dân hiền lành, mộc mạc từ mấy mươi năm trước cho đến bây giờ. Và sẽ còn mãi về sau, thương hoài câu Vọng Cổ.”, Dương Bé, tháng 6, năm 2004.
     Lời kết của bài viết này là khi nghệ sĩ Việt Hùng còn sanh tiền, ông ưu tư về sự mai một của ngành cổ nhạc tại hải ngoại, tôi có dịp gặp ông, ông ca với làn hơi dài chất chứa cả một quê hương mang theo. Ông đã từng tâm sự lòng: “Một giọng hát, một câu hò như “Chiều chiều trước bến Văn Lâu…”, một câu quan họ, hay một câu vọng cổ cất lên làm ta thấy cả “hồn dân tộc trong ấy”. Thật vậy, với lớp người sanh trưởng từ bên kia bờ Thái Bình Dương có những ấp ủ, những quyến luyến với bản sắc văn hóa của người Việt mà chúng ta có đầy đủ lý do để tự hào, để hoài niệm, thì theo ý tôi những suy tư của Việt Hùng hay Dương Bé là nên gìn giữ ngành cổ nhạc tại hải ngoại, vì nó là bộ môn văn hóa độc đáo và cao quí của chúng ta. Nếu đi gần hơn với bài viết “Dạ Cổ Hoài Lang và ông Sáu Lầu” này, soạn giả Cao văn Lầu với những đóng góp của ông trong ngành cổ nhạc, mà trong đó có bài bi thương “Dạ Cổ Hoài Lang”, đã để lại cho đời những tiếng lòng thổn thức trong tâm khảm đầy văn hóa và đầy hương vị của quê hương Việt Nam, và rất “Việt Nam”. Tôi suy nghĩ như vậy.

     Vương Thư Sinh

http://www.quocgiahanhchanh.com/dacohoailang.htm

Leave a comment