CHÙA KHUÔNG VIỆT – ORSAY : GS TRẦN VĂN KHÊ nói chuyện về âm nhạc việt nam trên internet


Nói chuyện về Âm nhạc Việt Nam trên Internet

Gs. Trần Văn Khê gs tran van khe

Khi Thầy Tịnh Quang, trụ trì Phật Đường Khuông Việt tại vùng Orsay, phía Nam Paris, ngỏ lời mời tôi nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam trện mạn lưới Internet cho Phật tử Việt Nam đang sống tại nhiều nước trên thế giới, tôi không hình dung công việc ấy như thế nào. Nhưng nghe nói rằng nhiều người Việt đang sống ở hải ngoại, ước ao nghe tôi nói chuyện về âm nhạc truyền thống để hiểu thêm về văn hoá nước nhà, mà không có dịp nào khác hơn xem qua các băng từ video ghi lại chương trình văn nghệ của tôi và CLB Tiếng Hát Quê hương diễn trên  Đài Truyền hình Thành Phố. Và các bạn ấy mong có dịp được liên hệ trực tiếp với tôi, đặt những câu hỏi và được tôi trả lời ngay. Và tôi đã nhận lời

Tôi chỉ biết rằng ngang qua Internet, Thủy Ngọc,   con gái tôi ở Paris, nói chuyện với hai người em bà con, một người ở Thành Phố Hồ chí Minh, một người ở Sydney, Úc châu ). Tôi cho việc đó là quá lạ đối với tôi.

          Thầy Thiện Niệm, cùng tu với Thầy Tịnh Quang tại Phật đường Khuông Việt, Thầy đang soạn luận án Tấn sĩ về nghi thức kinh kệ trong Phật giáo Việt Nam, tại Đại học Paris IV. Thầy rất rành về máy vi tính, lãnh phần giữ máy, liên lạc với những người tổ chức và tham dự chương trình nói chuyện trên Internet.

Ngày mùng 7 tháng hai dương lịch, vào lúc hai giờ chiều, cháu Tươi lái xe đưa tôi và chị Tường Vân đến Phật Đường Khuông Việt, một ngôi chùa nhỏ, nhưng rất yên tĩnh. Từ ngõ vào chùa, Thầy Tinh Quang đã trồng nhiều  cụm hoa đào. Cây  cảnh, hòn non bộ, những tảng đá dọc theo đường lên chùa trên, đều do hai Thầy sắp đặt, tạo thành một không gian đầy Thiền vị. Nhà bếp lớn, cạnh bên một gian phòng đầy kinh sách, vừa dùng làm thư viện vừa là phòng họp chứa được lối 100 người, do hai Thầy tự đào đất, xây tường, đóng tủ, khỏi thuê người làm.

          Hôm nay, Thầy Thiện Niệm đặt một cái bàn lớn, trên đó để máy vi tính. Phía trong có loa phóng thanh, có máy chiếu video, có giàn âm thanh. Thầy Thiện Niệm và tôi ngồi trước máy vi tính . Có micro trước mặt. Hai  “chuyên gia” quây phim, Tươi và anh Thọ, mỗi người đứng một phía.

5 phút trước 15 giờ. Thầy Thiện Niệm mở máy, lên lưới. Thầy nói cho tôi biết rằng hôm nay, có Ông Nhật Tân, một kỷ sư trước kia ở gần Thầy Minh Châu trong 20 năm, vừa lo công việc cho Thầy Minh Châu, vừa học đạo. Hiện Ông đang làm việc bên Mỹ.

“Hôm nay mình lên lưới”, Thầy Thiện Niệm nói, “trên site Chùa Quốc tế on line”. Mình có “phòng họp” dành cho những Phật tử các nơi gặp gỡ nhau, học hỏi hoặc thảo luận về những vấn đề liên quan đến Phật Giáo. Mình hẹn bắt đầu buổi họp lúc 15 giờ, giờ Paris. Tại vùng Cali, mới 6 giờ sáng. Và ở Úc châu, vùng Sydney lại đúng lúc 1, 2 giờ khuya. Hôm nay có những Phật Tử bên Đức ghi tên dự buổi họp. Giáo sư nói chuyện từ Phật Đường Khuông Việt , ở Orsay Pháp, mà thính giả thì ở cách  đây hơn 10.000 cây số sẽ nghe Giáo sư nói và trực tiếp đặt câu hỏi. Tôi sẽ lo đọc những câu hỏi hiện lên máy vi tính và nói lại cho Giáo sư biết mà trả lời. Bên nầy Giáo sư luôn có mặt trên mạn lưới,  nhưng từ các nơi, ai muốn đặt câu hỏi phải đưa tay lên xin phép . Giáo sư sẽ thấy bên tay mặt của màn ảnh có một số rất nhiều hình ảnh của các nơi tham dự. Khi hình bàn tay nào chớp lên trước, người điều khiển bấm nút cho micro mới có thể nói lên nghe tiếng được. Không được phép nói, cũng có thể gỏ trên bàn máy, câu hỏi cũng hiện lên màn ảnh bên Pháp và Thày Thiện Niệm sẽ đọc và nói lại cho tôi biết, hoặc thay tôi mà trả lời bằng cách gỏ trên bàn máy: Giáo sư sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong vài phút. Giáo sư sẽ đề cập đến vấn đề đó. “

          15 giờ đúng. Tín hiệu Chùa Quốc tế on line bắt đầu hiện lên trên màn ảnh. Bỗng tôi nghe trong loa phóng thanh có tiếng nói: “Kính chào Giáo sư Trần Văn Khê!  Xin cám ơn Giáo sư đã nhận lời lên lưới nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam cho chúng tôi nghe. Hiện giờ là 6 giờ sáng tại Cali (Mỹ), tuy vậy hôm nay đặc biệt anh chị em Phật Tử đến rất đông. Thường thì giờ nầy chỉ ba bốn chục bạn là nhiều. Hôm nay đông lắm có thể gần cả trăm người.”

Thầy Thiện Niệm ra dấu cho tôi trả lời.

          Tôi chào các bạn Phật Tử từ các nơi và nói lên lòng xúc động, vì đây là lần đầu trong đời tôi,  tiếng nói của tôi về âm nhạc dân tộc Việt Nam phát ra (từ một nơi, được nhiều lổ tai  ở bốn biển năm châu đón nghe. Trên màn ảnh của máy vi tính hiện lên những chữ to: “Clap! Clap!” Thầy Thiện Niệm nói : “Các bạn vổ tay hoan nghinh Giáo sư đó !”.

Những hàng chữ thi nhau hiện lên. Thầy Thiện Niệm rất vui nói cho tôi biết : “Các bạn bên Cali nói rằng mặc dầu còn sớm mà người đến nghe đông hơn thường.”

Tôi bắt đầu nói chuyện. Tuy chỉ đối diện với máy vi tính mà tôi có cảm giác sau lưng cái máy, có nhiều thính giả, và tôi nói, say sưa như đứng trước một cử tọa rất đông. Và khi biết lời nói của mình đã vượt không gian, qua trùng dương , lọt vào tai người đồng hương đang khao khát tìm hiểu văn hoá, âm nhạc nước nhà, mình có thể đem lại các bạn, một chút hương vị , một hơi nồng ấm của quê hương xa cách, tôi rất xúc động. Nhứt là rất thường thấy trên màn ảnh máy vi tính hiện lên những chữ Hay quá!! Hoặc những tràng pháo tay Clap Clap Clap!!! và mấy lần tiếp theo câu “Xin tặng Thầy tràng pháo hoa.” Rồi  màn ảnh rọi lên rất nhiều hoa hồng, bay liệng, phấp phới. Nhiều bàn tay đưa lên cùng một lúc xin nói… Anh Nhật Tân điều khiển buổi họp yêu cầu các bạn đợi diễn giả nói xong sẽ xin phát biểu.

          Sau 45 phút nói chuyện, các bạn đặt nhiều câu hỏi về tình hình âm nhạc dân tộc bên nhà lúc nầy ra sao? Hát bội có còn diễn mỗi đêm hay không ? Và muốn xem hát cải lương nên đến rạp nào? Làm sao cho giới trẻ yêu thích âm nhạc cổ truyền?. Tôi lần lượt trả lời từng câu.  Nhưng có nhiều câu hỏi đó không thể trả lời  trong đôi ba phút, mà nói cho rành mạch, mổ xẻ vấn đề, đưa ra nhiều giải pháp thì không đủ thời gian đáp ứng hết những chờ đợi của các bạn. Anh Nhật Tân yêu cầu các bạn đặt những câu hỏi ngắn gọn để Giáo sư trả lời ngắn gọn, như vậy nhiều người có thể tiếp xúc với Giáo sư.

          Theo qui định, đúng 16 giờ, chấm dứt buổi gặp gở trên Internet hôm nay, nhưng còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Tôi hỏi thăm các bạn có bận chi không, và cuộc gặp gỡ có thể kéo dài hơn không, các bạn đề nghị nên nán lại trên Internet. Nhưng Thầy Thiện Niệm nói nhỏ với tôi : “Giáo sư nên chấm dứt, buổi nói chuyện về âm nhạc hôm nay và hẹn một lần khác. Thà để cho các bạn còn thèm nghe, thì lần sau sẽ có đông thính giả hơn. Nếu kéo dài thêm, không biết bao giờ mới chấm dứt được, và sợ Giáo sư mệt vì tập trung tinh thần khá lâu.”

          Tôi nói đôi lời tạm biệt, vì sợ không đủ thời gian trả lời tất cả câu hỏi của các bạn.  Trên màn ảnh hiện lên rất nhiều câu chúc sức khoẻ, lời cám ơn nồng hậu Và Clap Clap Clap thi nhau hiện đầy ngập màn ảnh. Hoa hồng hoa vàng thay nhau hiện lên, tung bay, trong khi Kỷ sư Nhật Tân thay mặt toàn thể thính giả cám ơn tôi.

Tắt máy vi tính xong, Thầy Thiện Niệm rất vui mà nói : “Hôm nay, buổi nói chuyện của Giáo sư rất thành công.” Điện thoại reo – Kỷ sư Nhật Tân lại cám ơn tôi một lần nữa, qua điện thoại và mong rằng sẽ có một dịp khác mời tôi gặp gỡ các bạn trên  Internet . Tôi cám ơn kỷ sư và nhờ ông chuyển lại các bạn  đã cho tôi cái vui được  nói chuyện về âm nhạc cho một cử tọa rải rác khắp hoàn cầu.

          Thầy Thiện Niệm đã báo cho tôi biết rằng cuộc gặp gỡ sẽ tới đã được dự định vào ngày thứ bảy 28 tháng tư dương lịch vào lúc 16 giờ, giờ Paris tức là lúc 7 giờ sáng tại Vùng Cali bên Mỹ. Tôi đã nhận lời. Và lần nầy rôi sẽ nói chuyện về “Những nét đặthù của Kịch Nghệ truyền thống Việt Nam”.

Trần Văn Khê – 2003

(Theo bao Giaodiem.com)

http://www.tienghatquehuong.net/noichuyentrennet-TVK.htm

HỮU TRỊNH : Tản mạn về thị trường nhạc Việt 2015


Tản mạn về thị trường nhạc Việt 2015

Thứ Hai, 05/01/2015 14:05
(Thethaovanhoa.vn) – Trong hoạt động của showbiz Việt nói chung thì thị trường âm nhạc có thể xem là nơi có nhiều hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp nhất. Việc tiên đoán về bức tranh của nó trong một năm sẽ là điều vô cùng khó khăn. Nhất là với thị trường âm nhạc Việt Nam, một thị trường bất ổn từ 2 yếu tố chính của một nền “sản xuất” – “sản xuất” tác phẩm và “phân phối, tiêu thụ sản phẩm”.

Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động của năm 2014 chúng ta cũng có thể có những “dự báo tản mạn” về nhạc Việt đại chúng năm 2015.

Truyền hình thực tế: “Tung hoành” trong thế “bão hòa”

Có thể nói truyền hình thực tế (THTT) là trào lưu đang thịnh hành ở Việt Nam, do tính tương tác tạo nên sự hấp dẫn cao, nó thu hút sự chú ý của người xem đài và THTT ca nhạc cũng không nằm ngoài trào lưu đó. Vài năm gần đây xuất hiện hàng loạt chương trình THTT ca nhạc như: Vietnam Idol, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Got Talent (trong đó có ca hát), Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí, Tôi là người chiến thắng, Đố ai hát được…  Trong đó, đa số các chương trình sẽ tiếp diễn trong năm 2015. Do đó, năm 2015 THTT ca nhạc vẫn là hoạt động chủ yếu của đời sống âm nhạc đại chúng.

Tuy rating truyền hình có thể vẫn cao, vẫn đem đến cho nhà sản xuất nhiều lợi nhuận, nhưng có lẽ nó sẽ không còn gây sốt như vài năm trước đây. Bởi tất cả các chương trình cơ bản như nhau: thí sinh biểu diễn rồi giám khảo nhận xét. Điều quan trọng là các kịch bản đã cũ không còn gây bất ngờ cho khán giả nữa. Cho đến nay, chưa có kịch bản mới nào thuộc hàng “khủng” của thế giới được nhập về. Việc Cát Tiên Sa phải cho chương trình Giọng hát Việt “nghỉ” năm 2014 để xen kẻ bằng chương trình khác phần nào cho thấy điều đó. Hay nói cách khác, THTT vẫn tung hoành trên thị trường biểu diễn âm nhạc nhưng nó sẽ bị bão hòa và dần nhàm chán.

Mỹ Tâm trong Live Concert HeartBeat tạo được ấn tượng – một live show không phải của truyền hình. Ảnh: Việt Cường

“Quả ngọt”: May rủi

Trong bối cảnh quá nhiều “người đi hái quả” mà ít “người trồng cây” nên quả ngọt từ các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình luôn phập phù, mang tính may rủi. Nếu có những tài năng ca hát “đột biến” gây bão trong làng ca nhạc như Uyên Linh, Phương Mỹ Chi, Hương Tràm họ cũng khó phát triển để trở thành một nghệ sĩ lớn, bởi thiếu nền tảng căn bản.

Với một góc nhìn khác đối với những chương trình THTT ca nhạc, nếu xem đây chỉ là show truyền hình giải trí, không có nhiệm vụ tìm kiếm tài năng âm nhạc thì sự lấn át của quá nhiều chương trình giải trí như đã diễn ra sẽ làm mất cân đối trong hoạt động chung của nền âm nhạc đại chúng. Và sự tập trung gần như toàn bộ những nghệ sĩ gạo cội vào các chương trình THTT ca nhạc cũng là điều không cần thiết.

“Vàng thau lẫn lộn”

Music video (MV) vẫn tiếp tục bùng nổ, nhất là đối với các ca sĩ trẻ (số liệu do Zing cung cấp: năm 2013 có 3.000 MV và năm 2014 có 15.000 MV được đăng tải trên zing). Việc thực hiện MV ít tốn thời gian, tiền bạc so với thực hiện album, nhưng hiệu quả quảng bá hình ảnh lại nhanh chóng và hiệu quả trên môi trường Internet như hiện nay. Tuy nhiên, MV bùng nổ về số lượng nhưng sự chuyển biến về chất lượng thì không đáng kể và các ca sĩ chăm chú làm MV cũng đồng nghĩa với việc xao lãng thực hiện album – sản phẩm được xem là thể hiện phong cách, đẳng cấp của ca sĩ.

Cùng với việc tôn vinh những sản phẩm dựa trên tiêu chí lượng người truy cập của những giải thưởng như Pops Awards, Zing Music Awards, sẽ xuất hiện những “sao” ca nhạc mới mà đa số là những gương mặt trẻ hoặc “lạ” như năm 2014: Hoài Lâm, Sơn Tùng M-TP, Khởi My, Bảo Anh, Hồ Quang Hiếu…

Sự xuất hiện của những “sao” ca nhạc mới là điều đáng mừng cho đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, những sao ca nhạc nếu có một cái “chuẩn” về âm nhạc nó sẽ mang ý nghĩa tích cực. Còn nếu chỉ đơn giản là theo sự yêu thích của người nghe, nhất là người nghe của chúng ta hiện nay do đặc thù về hoàn cảnh lịch sử – thẩm mỹ âm nhạc không được trang bị đầy đủ từ hệ thống giáo dục âm nhạc đại trà – nó chỉ góp phần làm thị trường âm nhạc thêm nhiều “vàng thau lẫn lộn”.

Sẽ thiếu vắng show “độc”?

Lĩnh vực live show sẽ “thất thu” do 2 chương trình dài hơi Sol vàng và Dấu ấn tiếp tục thực hiện mỗi tháng 1 chương trình trong năm 2015. Có thể nói đây là 2 chương trình thực hiện live show cho ca sĩ, Sol vàng đa số là live show của các ca sĩ hải ngoại như: Elvis Phương, Phương Dung – Giao Linh, Lệ Thu, Ý Lan, Phi Nhung, Lê Uyên, Bạch Yến… Còn Dấu ấn đa số là live show của ca sĩ “nội”: Thu Minh, Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường, Ngọc Sơn, Hiền Thục…

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, mỗi năm Sol vàng cùng Dấu ấn thực hiện 24 live show cho ca sĩ, nhưng chỉ là live show truyền hình, không đầu tư chu đáo và nhiều ý tưởng. Những show “độc” được đầu tư tiền tỷ như của Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm sẽ thiếu vắng và đó cũng là thiệt thòi cho khán giả âm nhạc.

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa

http://thethaovanhoa.vn/cac-giai-tt-vh-to-chuc/tan-man-ve-thi-truong-nhac-viet-2015-n20150105093306562.htm

 

NHÀ VĂN TRẦM HƯƠNG : Nữ danh xứ Nam kỳ – Kỳ 3: Người cô “đặc biệt” của Giáo sư Trần Văn Khê


Nữ danh xứ Nam kỳ – Kỳ 3: Người cô “đặc biệt” của Giáo sư Trần Văn Khê
07/03/2015 05:48

Trần Ngọc Diện là ai? Bà có công trạng gì mà TP.HCM có một con đường đặt tên bà ở Q.2.

gánh hát đồng nữ
Các thành viên gánh hát “Đồng nữ” – Ảnh: T.LCác thành viên gánh hát “Đồng nữ” – Ảnh: T.L
“Cô Ba tôi tên là Trần Ngọc Diện. Ngọc Diện tức là mặt đẹp như ngọc, chớ không phải Ngọc Viện như nhiều người lầm tưởng. Do khi đi làm khai sanh, người trích lục ghi nhầm nên từ Ngọc Diện bị đổi thành Ngọc Viện. Cô ba tôi rất không vui vì sự nhầm lẫn này”. Mở đầu câu chuyện, GS Trần Văn Khê đã đính chính cho họ tên người cô ruột.
Thế hệ ngày nay biết về bà chỉ trong mấy dòng sơ lược khi đọc quyển sách Phụ nữ Nam bộ thành đồng do Bảo tàng Phụ nữ biên soạn và ấn hành năm 1989: “Đoàn hát “Đồng nữ” được tổ chức năm 1927 tại tỉnh Mỹ Tho do bà Trần Ngọc Viện (cô ba Viện)… Cô Ba từng là giám thị của một trường nữ công tại Sài Gòn, rất khéo tay trong thêu may, nấu nướng mà lại am hiểu âm nhạc dân tộc. Chủ trương của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đưa cô ba Viện ra lập đoàn hát “Đồng nữ” một mặt để làm tài chánh cho đoàn thể, mặt khác để tuyên truyền yêu nước và vận động phụ nữ tham gia cách mạng…”.
Theo GS Trần Văn Khê, đó là người phụ nữ sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ngoài tài may vá, thêu thùa, cô Ba Diện còn có tài đờn tranh, đờn tỳ bà rất hay. Sau khi lấy chồng, sinh con đầu lòng không nuôi được, chồng cũng chết vì bệnh thời gian sau đó, cô Ba trở thành giáo viên dạy nữ công gia chánh trong trường Áo tím. Ông nội mất, cậu bé Trần Văn Khê buồn rầu, bỏ ăn, ngồi khóc suốt ngày. Thương cháu, cô Ba đưa cậu bé lên Sài Gòn. Mỗi khi đi dạy, sợ cháu không ai chăm sóc cô mang đi theo. “Nhờ vậy mà tôi được mấy chị nữ sinh thay phiên nhau ẵm và chọc cho tôi “nói lẽ”. Trước kia, ông nội tôi dạy hễ ai hỏi “Em đi học sau này lớn lên làm gì?” thì tôi trả lời: “Em học để lớn lên giúp nhơn quần xã hội”. Các chị cười to thích thú và tôi cứ tiếp tục trả lời như con két. Nhưng có lẽ những lời nói ấy cũng phần nào thấm vào tiềm thức của tôi, nên đến khi khôn lớn, trong việc chọn môn học hay công việc làm, tôi luôn nghĩ đến lợi ích chung hơn là lợi ích cho riêng mình”.
Năm 1926, đám tang cụ Phan Chu Trinh đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng to lớn của phong trào yêu nước ở Sài Gòn và lục tỉnh, lôi cuốn hàng chục ngàn thanh niên, trong đó có nhiều phụ nữ. Cô Ba Diện vì tham gia đám tang mà không được tiếp tục dạy học nữa. Do giỏi nữ công gia chánh lại am hiểu âm nhạc dân tộc nên cô được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng động chí Hội giao nhiệm vụ lập gánh hát “Đồng nữ”.
GS Trần Văn Khê kể tiếp: “Cô Ba tuyển đào kép nữ trong những gia đình nông dân; vừa là bầu gánh, vừa đạo diễn, tự thiết kế và may tất cả xiêm y. Cậu Năm tôi – ông Nguyễn Tri Khương – và một người gọi là thầy Hai vừa đặt tuồng, vừa dạy võ cho các chị. Gánh hát có chị Năm Trần Thị Ơi coi về kỷ luật, chị Tư Cầm và chị Ba Nhàn lo về quần áo và ăn uống cho cả gánh, anh ba Trần Văn Hòe lo việc bảo vệ và trật tự. Gánh hát lưu diễn khoảng hơn một năm từ làng đến tỉnh, từ tỉnh đến Sài Gòn, được khán giả rất ưa thích nhưng luôn bị bọn mật thám theo dõi. Đến năm 1929, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm gánh “Đồng nữ” hoạt động. Cô Ba chia xiêm y, dụng cụ cho diễn viên và về ở nhà ba má tôi tại Vĩnh Kim”.
Dưới sự bảo bọc của cô Ba Diện, cậu bé Trần Văn Khê dần dần trưởng thành, lên Sài Gòn học Trường Trương Vĩnh Ký, rồi ra Hà Nội học ĐH Y khoa. Năm 1943 ông về Nam, tham gia phong trào Cách mạng Tháng Tám. Dòng đời đưa đẩy ông rời Tổ quốc, phiêu bạt trên khắp vùng đất trên thế giới, mang theo hồn âm nhạc dân tộc truyền bá muôn phương… Trong vô vàn kỷ vật quý giá suốt cuộc đời gần một thế kỷ của mình, ông coi bức ảnh người mẹ kính yêu đã hy sinh tuổi xuân mình cho đại cuộc và cảnh cô Ba Diện chụp cùng chị em gánh hát “Đồng nữ” như tài sản vô giá.
“Tháng 6 năm 1944 tôi về thăm cô. Cô gặp tôi rất vui và nói rằng: “Cô thèm được nghe con hòa đờn với cậu Năm một lần, coi như tế sống cô vậy!”. Để làm vui lòng cô, hai cậu cháu cùng hòa đờn tài tử những điệu như: Nam xuân thanh thản, Nam ai u buồn… Khi trở lại điệu Bắc là điệu vui để kết thúc, nhìn cô đau ốm nằm trên chiếc ghế gật gù thưởng thức nhạc, hai cậu cháu nước mắt đầm đìa… Lần hòa đờn này để lại ấn tượng suốt đời, tôi đau lòng nghĩ rằng đây có lẽ là lần cuối cùng tôi còn được đờn cho người mà mình thương quý nhất nghe. Cô Ba tôi không còn, từ đó căn nhà lá tại Vĩnh Kim nhờ mấy người chị bà con trông nom. Sau này, do bận nhiều việc nên tôi cũng chưa có dịp trở về thăm lại căn nhà đầy kỷ niệm thời thơ ấu trước khi sang Pháp…”, GS Trần Văn Khê rưng rưng.
Bất ngờ khi nghe tôi nói ở Q.2 có con đường mang tên Trần Ngọc Diện, mắt ông rực sáng. Ông muốn đến tận nơi và được đi trên con đường vinh danh tên tuổi người cô ruột của mình. Khi đứng dưới tấm biển đề tên Trần Ngọc Diện, kỳ lạ thay, tôi nhìn thấy khoảnh khắc thời thơ ấu trong ông bỗng ùa về trong dáng vẻ từng trải, lịch lãm của một con người nổi tiếng khắp thế giới, bỗng hình dung ra căn nhà lá trong vườn vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim năm nào, có cậu bé Trần Văn Khê đã nhiều lần phụng phịu khi bị cô Ba mắng yêu.

Nhà văn Trầm Hương

>> Nữ danh xứ Nam kỳ – Kỳ 2: Nữ bác sĩ đầu tiên của Sài Gòn
>> Nữ danh xứ Nam kỳ: Người đẹp mở khách sạn ở Sài Gòn