NGÀNH MAI , thông tín viên RFA : Hát bội với Lễ Hội Kỳ Yên ở đình làng


Hát bội với Lễ Hội Kỳ Yên ở đình làng

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015-02-21
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
hat-boi-622

Đại Lễ Kỳ Yên ở Đình Thần Tân Thới – Tỉnh Bình Dương. (Ảnh minh họa chụp trước đây)

File photo


Hằng năm cứ đến giữa tháng 11 Âm Lịch, tức khoảng hơn 1 tháng nữa mới đến Tết, là người ta đã thấy các nghệ sĩ hát bội đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho nghề nghiệp (trang phục, đo hát và tập dượt) để sau khi ăn Tết xong, đến khoảng Rằm tháng Giêng là họ tổng dượt, để đến cuối tháng Giêng là bắt đầu ra mắt khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật này, trong dịp các làng xã cúng Lễ Hội Kỳ Yên, mà có rước hát bội về trình diễn.

Lễ cầu an, cúng tế linh thần

Khắp miền Nam nước Việt, làng nào cũng có một ngôi đình thờ thần hoàng bổn cảnh, và thông thường thì các làng xã nào mà dân chúng làm ăn khá, trúng mùa thì mỗi năm Lễ Hội Kỳ Yên đều có rước hát bội về, như trường hợp xã Thắng Nhì ở Bến Đình, Vũng Tàu chẳng hạn. Sở dĩ xã Thắng Nhì tổ chức hát bội hằng năm là do dân ở đây với nghề đi biển đánh cá, được coi như làm ăn khá hơn các làng xã khác.

Mấy năm gần đây, nhiều địa phương có điều kiện tổ chức lớn Lễ Hội Kỳ Yên, vì có kiều bào ở nước ngoài yểm trợ tài chánh, nên đa số đều có chầu hát bội.

Cứ đến mùa này là có một số nghệ sĩ hát bội, đứng ra lãnh chầu:

Thuê đồ hát, thuê âm thanh, ánh sáng, gom diễn viên, nhạc sĩ, hình thành một ban để ký hợp đồng trình diễn. Để phục vụ cho mùa lễ hội thì bắt đầu từ tháng 11 âm lịch là anh chị em nghệ sĩ hát bội từ khắp nơi trong thành phố cũng như ở các tỉnh xa lại kéo về tụ tap tại nhà nghệ sĩ Ngọc Khanh (con gái cô Ba Út nổi danh tài sắc một thời), lấy đó làm điểm hẹn cũng như nơi xuất phát cho những chuyến đi xa.

Mỗi năm thông thường là vào tháng 2, tháng 3 Âm Lịch, trăng tròn, tiết trời quang tạnh, rất nhiều nơi tổ chức lễ cầu an, cúng tế linh thần. Người dân vui lễ hội, mừng thắng lợi sau mùa thu hoạch nông nghiệp, ngư nghiệp, cầu phước lành cho cả năm, cho mọi người, mọi nhà.

Lễ Hội Kỳ Yên tháng Giêng hằng năm là lễ hội được tổ chức lớn nhất, trong đại nhất. Lễ hội cầu phúc cho thế giới hòa bình, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho sự an khang thịnh vượng của thập phương bá tánh…

hat-boi-305
Hát bội ở đình làng, một hình thức thưởng thức nghệ thuật ở nông thôn Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Lễ Kỳ Yên cũng như bao nhiêu lễ hội trên đất nước chúng ta, là dịp để người dân địa phương biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn các vị anh hùng, các bậc tiền nhân đã góp phần tạo dựng, và có nhiều công lao với quê hương, với dân tộc. Đó là những ngày làm song lại thật sự một quá khứ xa xưa, được biểu hiện như một đặc trưng truyền thống trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Gắn liền với lễ cúng tế thần linh là chầu hát bội. Nơi nào mà đáo lệ, Ban Quí Tế Hội Đình không tổ chức được chầu hát bội thì ai ai cũng tiếc. Bởi chính hát bội đã mang lại không khí tưng bừng cho lễ hội, niềm phấn khởi rạng rỡ cho mọi người, từ các bậc phụ lão đến thanh niên phụ nữ trẻ con. Mỗi năm một lần, ngày hội cúng đình có nơi còn vui hơn ngày Tết.

Đông chật khán giả

Trong những buổi cúng đình, hát bội thường diễn liên tục, vậy mà xuất diễn nào cũng đông chật khán giả. Càng ở những vở diễn sau càng thu hút được số lượng người xem nhiều hơn. Cái không khí vừa tưng bừng vừa trang trọng đó, cứ diễn đi diễn lại, năm này sang năm khác, với những con người nối tiếp đi qua, từ đời ông cha, đến đời con cháu. Ngót hai thế kỷ đã qua, tập tục tốt đẹp ấy vẫn tiếp nối duy trì, có ai dám bảo là mê tín dị đoan hay hủ tục làm mất thời giờ vô ích, mà phải coi đó là một hình thứctín ngưỡng ăn sâu vào đầu óc dân quê, không có gì phá bỏ được. Cũng có những xã vài ba năm mới có hát bội, còn những làng xã nghèo quá thì cả chục năm vẫn không có hát bội.

Thông thường một chầu hát bội gồm có 5 hay 6 tuồng diễn ra trong 2, 3 ngày tùy theo yêu cầu từng địa phương. Một tuồng thường trình diễn trong 6 hoặc 8 tiếng đồng hồ. Các nhóm và các đoàn họ nhận ít nhất là hai chầu và nhiều nhất là tám chầu. Nhưng vẫn không đủ! Vì thiếu đào kép, một số diễn viên chính phải “chạy sô”, sáng nơi này, chiều nơi nọ, tối nơi khác. Do số lượng diễn viên và nhạc công rất ít chỉ hơn 30 người nên hầu như xuất diễn nào diễn viên cũng có vai. Không thiếu trường hợp sau những xuất diễn thứ 2, thứ 3, trong lúc trên sân khấu rộn rã tiếng đờn ca, thì nơi hậu trường đã có vài diễn viên đang ngồi cạo gió cho nhau… Có người phải hát ba xuất cho một ngày, hát hết các đợt chầu, đa số các diễn viên đều bị tắt tiếng, nói không ra hơi.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-022115-nm-02202015164716.html

NGÀNH MAI, thông tín viên RFA: Những thăng trầm của đoàn kịch nói Kim Cương


Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015-03-07
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
8scan0072_7a199-622.jpg

NS Kim Cương và Mẹ NS Bảy Nam, cùng các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói Kim Cương năm 2001.

Photo courtesy of NLĐ

Hoạt động trong chế độ bao cấp

Từ sau 1975 thoại kịch, hay cải lương đều hoạt động trong chế độ bao cấp, thì dĩ nhiên đoàn kịch Kim Cương cũng thế thôi, chỉ có cái là đoàn Kim Cương được bao cấp đến đâu thì chỉ người trong cuộc quản lý điều hành và cơ quan văn hóa thì mới biết rõ. Tuy nhiên về nghệ thuật thì có lẽ do chính kỳ nữ trông coi.

Trong nhiều năm đoàn Kim Cương hoạt động vững mạnh, dù ở Sài Gòn hay đi lưu diễn ở các tỉnh, huyện, vẫn gặt hái khá quan về tài chánh. Nghệ sĩ, diễn viên đi đoàn Kim Cương lãnh cát – xê rất khá, có cuộc sống ổn định dù rằng mùa nắng hay mùa mưa…

Theo như hằng năm thì ở miền Nam từ tháng Năm trở đi là bắt đầu có những trận mưa mùa, cứ chiều đến là trời đổ mưa, kéo dài đến tháng Bảy mưa ngâu ngập đường sá, cho đến tháng Tám trời vẫn mưa tầm tã. Trong khi đó thì ở ngoài Trung nắng ráo, do vậy mà rất nhiều đoàn cải lương di chuyển ra miền Trung tránh mưa trong vài tháng, và đến tháng Chín, tháng Mười miền Trung bắt đầu mưa thì mang đoàn hát về Nam. Và đoàn Kim Cương cũng theo kinh nghiệm này, tức cũng chạy trốn những trận mưa giông.

Có lần lưu diễn miền Trung nếu như đoàn hát nào gặp tình huống này cũng chịu không thấu, nếu không rã gánh, thì cũng ngưng mở màn một thời gian dài, ngắn nào đó chờ nguồn tiền bỏ vô để khôi phục lại mọi mặt thì mới sống trở lại.

Số là năm ấy đầu thập niên 1990, sau khi dàn dựng vở “Bông Hồng Cài Áo” và biểu diễn khá thành công ở Sài Gòn. Đến tháng Năm như thường lệ hằng năm, đoàn Kim Cương bắt đầu chuyến đi lưu diễn miền Trung để trốn những trận mưa giông, mưa tầm tã ở miền Nam. Thế nhưng không ngờ năm đó miền Trung mưa sớm, mưa ở đây thật lạ lùng cứ 6 giờ chiều thì mưa đột ngột đổ xuống, rả rích kéo dài đến gần nửa đêm.

Tại Hội An, Phú Mỹ, các xuất hát của đoàn đã thu hút hàng ngàn khán giả. Xuất diễn bắt đầu từ 8 giờ 30 tối, chưa đến 7 giờ đã có hơn hai ngàn khán giả đến trước chờ đợi. Nhưng rồi trời đột nhiên cứ đổ những trận mưa ào ạt. Mưa như đuổi theo đoàn Kim Cương, hết ở Qui Nhơn đến Quảng Ngãi… Ở Năm Ô, đêm đầu hát, khán giả chưa biết nhiều nên không đông, nhưng đêm sau khán giả kéo đến đông đảo thì trời lại mưa. Sân khấu dựng ngoài trời, đoàn không diễn được đành phải trả vé. Đêm sau lại mưa, đoàn phải đời địa điểm. Trận bão ở Chu Lai năm đó làm bao ghe thuyền đánh cá bị đắm chìm, đoàn Kim Cương vừa đến Chu Lai ổn định để hát, nhưng chiều xuống, mưa bão nổi lên, cảnh trí, phông màn dựng ngoài trời, bay tứ tán, cũng may không ai bị chuyện gì nhưng đoàn cũng bị thiệt hại khá nặng: Cảnh trí, âm thanh bị hư hại phải nghỉ diễn ba, bốn ngày.

Khốn khổ như vậy mà đoàn Kim Cương vấn sống, và mọi người trong đoàn đều tin tưởng ở một Kim Cương, người nghệ sĩ có quá nhiều kinh nghiệm và thành tích nghệ thuật. Giới mộ điệu nghệ thuật sân khấu hoặc trên truyền hình đều khen tặng ban kịch Kim Cương, đêm nào đài phát hình kịch Kim Cương là khan giả đông đảo không thua gì cải lương phát hình tuồng hay, tuồng của Dạ Lý Hương chẳng hạn.

Vì thời cuộc, vì hoàn cảnh, Kim Cương có lúc xoay qua điện ảnh làm phim và cũng thành công hơn hẳn người ta trong lãnh vực này. Nhưng đối với Kim Cương vẫn là tạm bợ, mà sân khấu mới là chính.

Kim Cương có khoảng gần 3 năm ở Pháp vừa theo học nghệ thuật vừa đi làm. Ký giả Tô Yến Châu có lần đi Pháp gặp kỳ nữ ở Paris, thấy Kim Cương ngày ngày mang cặp sách đến rạp Opéra để học nghệ thuật, và mỗi đêm trình diễn một màn vũ điệu ở nhà hàng “Table des Mandarine”. Đồng lương tạm đủ sống, vì cô còn phải nuôi hai người em đang theo học đại học ở Pháp. Cuối năm 1966 Kim Cương về nước, được đông đảo nghệ sĩ ký giả đón tại phi trương: Ký giả kịch trường báo Hòa Bình hỏi:

– Ở Pháp, khán giả Việt kiều ái mộ và yêu cầu Kim Cương ở lại sao Kim lại về.

– Như vậy là anh hiểu lầm tôi quá nhiều. Tôi còn quê hương, nhà cửa, những người thân yêu. Tôi còn bao nhiêu khán giả, đồng bào thương mến ủng bộ tôi.

Quên làm sao được. Xứ sở mình là núm ruột. Ở xứ người chẳng quavì hoàn cảnh, vì một sự vạn bất đắc dĩ đó thôi. Vay mượn cái đẹp cái sang của người để khoát vào mình, cái đó có nghĩa gì.

8scan0103_be558-400.jpg
NS Kim Cương (trái) và nghệ sĩ Uyên Trinh trong vở Đám cưới đầu Xuân. Photo courtesy of NLĐ.

Đến lúc Việt Nam có truyền hình (1967) ban kịch Kim Cương ra đời, xuất hiện trên màn ảnh nhỏ được khán giả hoan nghinh nhiệt liệt. Ban kịch Kim Cương trên truyền hình nổi tiếng được mến mộ không ban kịch nào có thể sánh được, và mỗi khi đài phát hình kịch Kim Cương thì thiên hạ lũ lượt đi coi ở các máy truyền hình công cộng. Bởi thời gian đầu này máy TV chưa có bán rộng rãi ngoài thị trường cho người dân.

Lúc ấy nguyện vọng của Kim Cương là một ngày nào đó không còn chiến tranh, tạo được chiếc xe với một đoàn hát nhỏ, với vài chục kịch sĩ di chuyển khắp toàn quốc để trình diễn cho khán giả từ thành thị đến thôn quê thưởng thức, đâu đâu cũng có người cần đến văn nghệ. Càng cần hơn nữa ở các vùng hẻo lánh xa xôi. Và đúng như nguyện vọng của nàng, sau 1975 đoàn kịch nói Kim Cương hình thành và đi lưu diễn khắp nơi.

Nghệ thuật sân khấu bị khủng hoảng

Thập niên 1980 hầu như ai cũng nghĩ rằng đoàn Kim Cương sẽ sống thọ lâu dài, có người còn nói chỉ trừ trường hợp kỳ nữ đau yếu bệnh tật, không còn khả năng đi đứng hoạt động thì đoàn Kim Cương mới nằm một chỗ, mới giải thể. Chớ như một Kim Cương mạnh cùi cụi, một người đẹp đang sáng chói trên sân khấu, thì đoàn kịch chỉ ngày một thêm vững mạnh hơn mà thôi.

Nhưng rồi gặp lúc nghệ thuật sân khấu bị khủng hoảng, cùng với cơ chế thị trường được áp dụng, thì đoàn Kim Cương cũng điên đảo, cũng xuống dốc như bao nhiều đoàn cải lương khác. Kỳ nữ cố vùng vẫy đề ráng giữ đoàn Kim Cương khỏi bị rã gánh. Nhờ tài ngoại giao, kỳ nữ nghĩ ra phương cách phân phối vé. Kết hợp vừa bán vé tại rạp, vừa hợp đồng vé với các xí nghiệp, công ty, các cơ quan. Nhưng phương cách kết hợp này cũng chỉ cứu vãn đoàn hát một thời gian, bởi xí nghiệp, công ty nào cũng chỉ tiêu thụ vé qua một lần mà thôi, không còn mặn mà gì với sân khấu nữa.

Kim Cương nói có ai biết những tủi nhục của Kim Cương, vì thương anh em, vì thương đoàn Kim Cương mà phải nhắm mắt đi làm… như đi rao bán cao đơn hườn tán. Một người nghệ sĩ như mình mà phải khổ cực cầm từng cọc vé đi xuống từng hang cùng ngõ hẻm để rao bán, để nuôi sống một đoàn Kim Cương.

Tâm sự với một nhà báo, Kim Cương nói:

– Có lần tôi và nghệ sĩ Minh Hạnh xuống công ty Shell (mà lần đó lại là đi bán vé hát từ thiện). Vừa thấy mặt tôi và Minh Hạnh, một anh cán bộ thanh niên ra nhìn từ đầu đến chân, rồi hất hàm, hỏi “Bộ đói lắm sao mà phải mò tới đây bắt mua vé?…”! Lần đó, Minh Hạnh cứ ôm tôi, khóc và nói “Chị Kim ơi, thôi lần sau thà chịu đói, chớ đừng đi làm những chuyện thế này…”. Nói chung phải có tiền. Bởi nếu không, ngay cả cái tên nghệ sĩ cũng trở thành thứ hàng hóa rao bán.

Kỳ nữ than rằng:

– Kim Cương không có sự chỉ đạo, không có một sư yểm trợ nào của Nhà nước. Trong khi đâu phải là không có tiền, người ta xài tiền theo cảm hứng của cơ chế nhiều hơn tính đến hiệu quả thiết thực. Nhiều lúc tôi đã phải nói với mấy ông có trách nhiệm “Lạ quá, sao mấy ông lãnh đạo cũng bảo ráng giữ đoàn Kim Cương, mấy ông di tản cũng gọi điện về bảo rang giữ đoàn Kim Cương, nhưng chẳng ông nào cho Kim Cương đồng xu cắc bạc nào cả…”

– Thế rồi việc gì đến nó đã đến: Năm 1993 đoàn Kim Cương rã gánh, đào kép nghệ sĩ, công nhân mạnh ai nấy đi. Kỳ nữ “ngồi chơi xơi nước” nhớ lại quảng đời xả thân vì nghệ thuật mà thở dài. Và lâu lâu lại xuất hiện hát một hai sô từ thiện. Có nghĩa là hát giúp cho cơ sở từ thiện nào đó, nếu có thù lao thì cũng tượng trưng thôi.

Hiện nay thì không nghe nói kỳ nữ hoạt động hát xướng gì hết. Vả lại tuổi đời cũng cao, sức khỏe đâu còn cho phép. Các thế hệ sau làm gì có được một người như kỳ nữ Kim Cương.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-030715-nm-03072015072255.html

HỒNG HOA /Đài Radio VOA , Hoa Kỳ: Nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh viết tác phẩm ca ngợi sức mạnh tinh thần người Việt


Nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh viết tác phẩm ca ngợi sức mạnh tinh thần người Việt

Ảnh: Christine Jade

Ảnh: Christine Jade


Giải Grammy của Mỹ được biết đến là giải thưởng danh giá nhất trong ngành công nghiệp thu âm, tương đương với giải Oscar trong lĩnh vực điện ảnh, giải Emmy trong lĩnh vực truyền hình, và giải Tony trong lĩnh vực sân khấu. Vào tháng 9 năm 2014, một nghệ sĩ đàn tranh của Việt Nam đã được mời trở thành thành viên của hội đồng vòng loại giải Grammy bao gồm 15 nghệ sĩ có chuyên môn về lĩnh vực âm nhạc thế giới và đã hoạt động trong lĩnh vực này nhiều năm. Người nghệ sĩ Việt Nam này không ai khác mà chính là nghệ sĩ Võ Vân Ánh (Vanessa Vo) và VOA Tiếng Việt đã có dịp trò chuyện cùng chị trước đây.

Nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh viết tác phẩm ca ngợi sức mạnh tinh thần người Việt

Quay trở lại với VOA lần này, bên cạnh những buổi biểu diễn thông thường của một nghệ sĩ đàn tranh, nghệ sĩ Vân Ánh cho biết chị đã bắt đầu các chuyến đi giảng dạy về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại nhiều trường đại học ở khắp Mỹ như Western Michigan, UC Santa Cruz cùng những buổi hội thảo ở các tiểu bang như Washingon, Massachusetts, Texas, Ohio, Indiana v..v… Chia sẻ về công việc mới giảng dạy của mình, chị nói:

“Khi nói dạy ở các trường đại học thì mọi người sẽ hỏi là chị sẽ dạy gì vì chị làm về nhạc dân tộc Việt Nam mà các cây nhạc cụ dân tộc Việt Nam thì các trường đại học ở Mỹ là không có. Âm nhạc là một phương tiện chị nghĩ rất mạnh để hiểu văn hóa nước khác. Công việc chính của chị giảng dạy ở trường đại học là dạy cho nhạc sĩ tương lai, những sinh viên học sáng tác nhạc nhưng phải sáng tác cho những cây đàn không phải của phương Tây. Khi mình đem cây đàn của mình sang nhạc phương Tây thì mình phải học và hiểu nhạc phương Tây như thế nào, truyền thống lề lối của họ như thế nào để tránh việc râu ông nọ cắm cằm bà kia. Những residency của chị rất vui làm cái đó vì những cái bước nhỏ này thôi, những bạn sinh viên học ở trường đại học, họ có cơ hội làm quen với âm nhạc và văn hóa của người Việt mình, thì mai kia khi tỏa đi khắp nơi, họ đã có chút gì đó thật sự đem văn hóa người Việt mình và chia sẻ với cộng đồng khác khi họ đi.”

Nghệ sĩ Vân Ánh biểu diễn trong Liên hoan Đàn tranh Quốc gia. Ảnh: Nguyễn ANghệ sĩ Vân Ánh biểu diễn trong Liên hoan Đàn tranh Quốc gia. Ảnh: Nguyễn A

Âm nhạc và những nét văn hóa Việt Nam đó đã được nghệ sĩ Vân Ánh truyền tải lại cho các bạn sinh viên một cách chân thực và sâu sắc, bao gồm thế mạnh, thế yếu của cây đàn dân tộc, và thậm chí cả những điều mà theo chị, ngay cả người Việt nhiều khi cũng chưa hiểu hết:

“Chị giới thiệu thể loại âm nhạc khác nhau của VN, từ Bắc Trung Nam, như làn điệu chèo, dân ca quan họ Bắc Ninh, cho đến hò Huế, lý miền Nam, hay tài tử miền nam, nhạc cải lương. Nhưng nếu họ chỉ nghe nhạc không thôi họ sẽ bị mất đi hẳn một phần quan trọng là cái âm nhạc đấy được dùng với mục đích gì, như thế nào. Như bài Trống Cơm rất đơn giản, trống mà lại có cơm, thật chẳng liên quan. Nhưng Trống cơm của người miền Bắc, khi chơi nhạc thì mình phải có thỏa thuận nào đó ở tông giọng nào đó, không phải mạnh ai nấy chơi. Các cụ ngày xưa chẳng bao giờ có ý thức phải lên dây, cũng có ý thức phải thay đổi nhưng không dùng từ lên dây như phương Tây. Nên khi đó nghĩ ra việc nhai cơm cho mềm ra, dính như kẹo cao su, lấy ra một cục gắn vào hai đầu trống, nếu cục cơm to thì tiếng trống trầm xuống, nếu cục nhỏ thì tiếng cao. Cứ thử rồi thêm bớt sao cho vừa giọng người hát thì sẽ xong. Từ đó mới gọi Trống cơm là vì thế. Hay những bài Lý Con Sáo miền nam, lời nhắn nhủ của bài đó không đơn giản là ai mang con sáo sang sông để cho con sáo sổ lồng bay đi. Không phải thế. Lời nhắn nhủ sâu sắc hơn là nếu bạn có gì quý báu trong tay thì phải biết giữ chứ mất rồi ngồi khóc chẳng làm được gì. Đó là nét văn hóa của người Việt mình, nói thì không nói thẳng mà rất sâu. Nếu những điều đó mình không có giải thích thì ngay cả người Việt không để ý không biết được chứ không nói người phương Tây.”

Âm nhạc truyền thống của Việt Nam không chỉ vang lên trong những khu giảng đường trước những nhạc sĩ tương lai của một nền âm nhạc phương Tây mà nó còn được tái hiện trên nhiều sân khấu trong các buổi biểu diễn chuyên nghiệp trên khắp Mỹ của nghệ sĩ Vân Ánh. Sau những lần biểu diễn như vậy, chị nói đã có những lần giao lưu với khán giả để lại cho chị nhiều ấn tượng và khiến chị không khỏi xúc động. Một trong những lần như vậy là trong chuyến lưu diễn của chị ở Chicago hồi tháng 9 vừa rồi. Nghệ sĩ Vân Ánh kể lại câu chuyện mà chị được nghe từ một vị khán giả đã nhẫn nại chờ chị nửa tiếng sau buổi biểu diễn và khi các khán giả đã về hết:

“Năm 1968, lúc đó ở bên Mỹ là chính phủ Mỹ cần phải tuyển nhập ngũ, trên 18 tuổi. Những người Mỹ da đen không những thường xuyện được chọn mà còn bắt phải vào quân ngũ tại khi đó cuộc chiến tranh rất tệ rồi. Chồng của cô (vị khán giả nói trên) bị bắt vào quân ngũ. Trước khi đi họ làm đám cưới thì không biết như thế nào. Làm đám cưới xong, trao nhẫn xong, rồi lúc đi thì đến năm 1972 chồng cô tử trận ở Việt Nam nhưng không thấy xác, họ chỉ đem biển tên về thôi.

Ảnh: Jason LewẢnh: Jason Lew

Nghệ sĩ Vân Ánh nói rằng, người phụ nữ này đã cắt đứt mọi mối liên hệ với Việt Nam sau khi nhận được tin về cái chết của người chồng, ví dụ như từ chối đến nhà hàng hay các tiệm làm móng của người Việt Nam tại Mỹ. Tuy nhiên, sau khoảng 40 năm, người ta lại thấy cô xuất hiện tại một buổi hòa nhạc của một nghệ sĩ Việt Nam:

“Lý do cô đến buổi concert là nhìn thấy trên báo Chicago Tribune là chị sẽ đến và cô ấy muốn thử và xem đó có phải là cách để hàn gắn vết thương không. Đến lúc cô ấy nghe chị giải thích về bài Qua cầu gió bay, cô ấy thấy giống câu chuyện của cô ấy.

Chính nhờ những làn điệu và hiểu được nội dung của ca khúc Qua cầu gió bay rất đỗi Việt Nam đó mà theo lời kể của nghệ sĩ Vân Ánh, vị khán giả này cuối cùng cũng có can đảm đến nói chuyện với chị và thậm chí cám ơn chị. Nghệ sĩ Vân Ánh nói rằng trong những lần biểu diễn ở Mỹ, chị đã gặp nhiều cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam và có rất nhiều người trong số họ đã tới gặp và cám ơn chị, nhưng đây là lần đầu tiên chị nhận được lời cám ơn từ vợ của một cựu chiến binh. Người nghệ sĩ này chia sẻ rằng bởi lẽ thông qua bức thư của chồng cô ấy và âm nhạc của chị, người góa phụ ấy đã có thể hình dung ra cuộc sống của chồng mình ở Việt Nam như thế nào trước khi chết. Nghệ sĩ Vân Ánh nói rằng nhiều khi chị cảm thấy có những điều chị làm rất nhỏ nhưng cũng có thể giúp cả hai bên thấu hiểu nhau hơn.

Trong khi âm nhạc truyền thống của Việt Nam do nghệ sĩ Vân Ánh đem tới cho những khán giả ở Mỹ có thể phần nào hàn gắn vết thương mà người thân của những binh sĩ Mỹ đã tử trận trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam phải chịu, thì cùng lúc đó, với số tiền 40.000 đôla mà tổ chức Asian American for Community Involvements trao tặng, nghệ sĩ Vân Ánh cho biết dự án The Odyssey-từ Việt Nam đến Mỹ (From Vietnam to America), một tác phẩm được viết để ca ngợi sức mạnh tinh thần của người Việt, sẽ được trình diễn vào cuối năm 2015 ở San Francisco. Tác phẩm này của nghệ sĩ Vân Ánh biểu diễn cùng hai nghệ sĩ Mỹ Alex Kelly và PC Munoz, là hai thành viên trong nhóm VA’V Trio mới của chị, sau đó sẽ cũng đến với khán giả ở New York, Houston, và Kennedy Center vào năm 2016. Chia sẻ thêm về dự án này, nghệ sĩ Vân Anh nói:

Ảnh: Jason LewẢnh: Jason Lew

“Đối với những người dân thường như chúng ta thì cuộc chiến tranh nào đi chăng nữa cũng đem lại những mất mát, tổn thương cho dân thường chứ không có gì tốt đẹp. Chương trình The Odyssey From Vietnam To America thì chị viết về âm nhạc để ca ngợi sức mạnh tinh thần của người Việt mình. Chị rất tự hào sức sống của người Việt mình mạnh như tre. Tại sao nhiều người cũng ví người Việt mình, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam, như cây tre? Tại vì đây là một thứ cây không bao giờ hủy diệt được, có chặt đến tận gốc, đào, cho dù còn sót một chút nó sẽ nhảy sang chỗ khác vẫn mọc lại được. Nó tổn thương cỡ nào đi nữa, gần như sắp chết, mọi người nghĩ nó chết rồi, nhưng mà nó vẫn có hy vọng, sức mạnh nào đó để sống trở lại. Chị thấy sức mạnh của người Việt mình mạnh như thế.

Nghệ sĩ Vân Ánh cho biết thêm rằng nguồn cảm hứng để viết tác phẩm này của chị đó chính là từ chuyến vượt biển của những người Việt Nam:

“The Odyssey From Vietnam to America chủ yếu ca ngợi tinh thần sức mạnh của con người nhưng niềm cảm hứng là câu chuyện từ chuyến vượt biển của những người Việt Nam, làm sao họ có thể tìm được sức mạnh để vượt qua khó khăn, chị nghĩ là khó nhất trong cuộc đời người ta. Khi làm tác phẩm này, chị phải làm rất nhiều nghiên cứu và phỏng vấn nhiều người thì điều chị tìm được để khẳng định suy nghĩ của chị, chị rất vui là: sự yêu thương rất con người của người Việt mình, đó là cái lý do tại sao giúp những người rơi vào trường hợp như thế có thể vượt lên được.”

Thành công hiện giờ của nghệ sĩ Vân Ánh có được có lẽ nhờ vào sự ủng hộ từ khán giả, gia đình, và đồng nghiệp. Tiếng đàn của người nghệ sĩ này cũng đã và đang đi vào lòng của nhiều khán giả của mọi lứa tuổi và mọi sắc tộc. Nhưng mục tiêu lớn nhất mà nghệ sĩ Vân Ánh hy vọng làm được đó là:

“Mình muốn làm sao để mai kia người Việt Nam mình đi đâu hay âm thanh của âm nhạc dân tộc Việt Nam cất lên, không quan trọng bạn là ai. Bạn là người Việt thì bạn có thể nói là ôi đó là nhạc cụ, âm nhạc của đất nước tôi, còn nếu đó là người nước ngoài thì họ có thể nói ô, đó là âm nhạc Việt Nam. Đó là điều mà chị muốn làm.

http://www.voatiengviet.com/content/nghe-si-dan-tranh-vo-van-anh-viet-tac-pham-ca-ngoi-suc-manh-tinh-than-nguoi-viet/2579984.html

TRÀ MY : Siu Black “cháy” dữ dội trong đêm trở lại


Siu Black “cháy” dữ dội trong đêm trở lại

07/03/2015 22:12 GMT+7 :

TTO – Sự trở lại của “họa mi núi rừng” Siu Black đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và các đồng nghiệp tại nhà thi đấu Nguyễn Du vào tối 7-3.

Chim “họa mi” núi rừng bùng cháy trong đêm nhạc của mình. Ảnh: Tiến Long – Ảnh: TIẾN LONG

Đây là lần trở lại hiếm hoi của Siu Black sau một thời gian ẩn dật vì những vấn đề cá nhân.

Mở màn với ca khúc Và ta đã thấy mặt trời, Siu Black bước ra trong những tràng pháo tay giòn tan của khán giả.

Ánh mắt của nữ ca sĩ dường như trở nên tự tin hơn khi nhận thấy bốn phía khán đài có rất đông khán giả đến, lắng nghe và hòa theo từng câu hát của chị.

Giọng ca đầy nội lực và phong cách trình diễn quên mình trên sân khấu vẫn là điểm cuốn hút nhất của giọng ca núi rừng.

Những ca khúc đã từng gắn liền với tên tuổi của Siu Black như Em muốn sống bên anh trọn đời, Đôi mắt Pleiku, K’Bing ơi, Ly cà phê Ban Mê, Ngọn lửa cao nguyên…. lại một lần nữa bùng cháy bằng giọng ca đầy lửa của nữ ca sĩ.

Sau chuỗi những ca khúc về miền đất Tây Nguyên, khán giả gặp lại một Siu Black đầy khắc khoải trong những tình khúc Không thể và có thể, Đâu phải bởi mùa thu, Chỉ là giấc mơ, Ru ta ngậm ngùi, Còn chút gì để nhớ, Without you…

Dù trước đó có thông tin sẽ không có ca sĩ khách mời nhưng khá nhiều đồng nghiệp đã đến cổ vũ và hát cùng Siu Black trong đêm nhạc trở lại này.

Trong ca khúc Thềnh thềnh oh ơi, Siu Black hát cùng giọng ca nhí Thiên Nhâm.

Khán giả ở nhà thi đấu Nguyễn Du đã reo hò rất lớn khi giọng ca Siu Black cất lên đầy da diết cùng nam sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong ca khúc Cho em một ngày.

Sau tiết mục này, Siu Black cho biết chị không biết người song ca cùng mình hôm nay là Đàm Vĩnh Hưng. “Siu Black không biết là hôm nay Đàm Vĩnh Hưng sẽ tới”, nữ ca sĩ xúc động nói.

Nhạc sĩ Ngọc Châu, ca sĩ Kasim Hoàng Vũ, Ya Suy, Hà Mi, Jean Paul Blada cũng đã đến ủng hộ đêm nhạc của Siu Black.

Sôi động, cháy hết mình cùng khác giả. Ảnh: Tiến Long
Cùng bé Thiên Nhâm thể hiện ca khúc “Thềnh Thềnh oh ơi”. Ảnh: Tiến Long
Siu Black biểu diễn cùng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bài hát “Cho em một ngày”. Ảnh: Tiến Long

Sau một thời gian vắng bóng, sự trở lại của Siu Black đã nhận được sự chào đón của đông đảo khán khả. Ảnh: Tiến Long

Vượt lên những ưu tư, lo lắng, Siu Black dường như đã trở về với con người xưa của mình, phóng khoáng và đầy mạnh mẽ trên sân khấu của riêng chị.

Nhìn Siu Black phiêu theo từng giai điệu, có cảm giác như chị muốn giải phóng hết niềm khao khát được hát chất chứa trong hai năm qua.

“Xin cảm ơn tất cả quí vị còn yêu quý Siu Black…” là câu Siu Black nhắc đi nhắc lại trong chương trình. Và ca khúc “Cảm ơn” cũng khép lại bằng những giọt nước mắt của nữ ca sĩ.

Đã có lúc Siu Black “vội vàng ra đi” như câu hát trong ca khúc mở màn và hôm nay, chị trở lại trong tình yêu thương của khán giả.

Chỉ mong rằng giọng hát này sẽ còn cháy mãi chứ không phải là “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng” vì những chuyện riêng tư…

TRÀ MY