DUY THANH : Khai trương Bảo tàng Nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại


Khai trương Bảo tàng Nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại

13/03/2015 09:54 GMT+7

TT – Ngày 12-3, lễ khai trương Bảo tàng Nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại được nghệ sĩ Văn Học (hội viên Hội Nghệ sĩ múa VN) tổ chức trang trọng.

Nghệ sĩ Văn Học giới thiệu với quan khách tại lễ khai trương Bảo tàng Nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại  – Ảnh: Duy Thanh

Chương trình diễn ra tại số 92B đường Dương Hiến Quyền (P.Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Đây là bảo tàng nghệ thuật múa rối độc diễn duy nhất tại VN hiện nay, được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép hoạt động.

Trong căn phòng khoảng 50m2, bảo tàng trưng bày khoảng 100 con rối lớn nhỏ các loại, chiếm đa số là các con vật và hình tượng các dân tộc VN, do chính tay nghệ sĩ Văn Học làm trong mấy chục năm qua và đã được ông biểu diễn khắp nơi trong nước cũng như ở 45 quốc gia trên thế giới.

Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều hình ảnh, báo và tạp chí viết về nghệ thuật múa rối độc diễn của nghệ sĩ Văn Học và các đầu sách về múa, múa rối do Văn Học viết.

Bảo tàng Nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại mở cửa miễn phí vào thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, tết trong năm. Những người muốn đến tham quan, tìm hiểu có thể gọi điện thoại trước cho nghệ sĩ Văn Học (0986071420) để được phục vụ tốt hơn.

Nghệ sĩ Văn Học (năm nay 74 tuổi, gốc Hà Nội) vốn xuất thân là đạo diễn, biên kịch múa. Năm 1984, ông được phân công về làm việc tại Nhà hát Múa rối trung ương và “bén duyên” với múa rối từ đó.

Ông là nhà sáng lập và giới thiệu nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại lần đầu tiên vào năm 1992 và đến nay ông là người duy nhất ở VN đeo đuổi nghệ thuật này.

Mở Bảo tàng Nghệ thuật múa rối độc diễn, nghệ sĩ Văn Học mong muốn góp phần gìn giữ, giáo dục về một nghệ thuật độc đáo của VN, tạo niềm vui cho thế giới trẻ thơ và giới thiệu đến đông đảo du khách trong, ngoài nước đến Nha Trang.

DUY THANH

Q.N. : Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những bức ảnh gia đình


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những bức ảnh gia đình

23/03/2014 10:56 GMT+7

TTO – Đêm nhạc Trịnh 2014 với chủ đề “Những sớm mai Việt Nam”, kỷ niệm 13 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra vào ngày 5-4 tại khu Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM).

Phóng to
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc 6 tháng tuổi – Ảnh gia đình cung cấp
Phóng to
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (giữa, thứ năm từ trái qua) cùng cha mẹ và các anh chị em trong gia đình – Ảnh gia đình cung cấp
Phóng to
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ – Ảnh: gia đình cung cấp
Phóng to
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát ở Quán Văn (Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM hiện nay) – một trong những nơi đầu tiên xuất hiện ca khúc Da vàng – Ảnh: gia đình cung cấp
Phóng to
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly – Ảnh: gia đình cung cấp
Phóng to
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao – Ảnh: gia đình cung cấp
Phóng to
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh trong chuyến lưu diễn ở Nha Trang năm 1995 – Ảnh: gia đình cung cấp
Phóng to
Phòng làm việc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được giữ nguyên trong hiện tại – Ảnh: gia đình cung cấp
Phóng to
Người hâm mộ viếng thăm mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Ảnh: gia đình cung cấp

Dịp này, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi đến TTO những bức ảnh “mang tính gia đình” của vị nhạc sĩ tài hoa.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho biết ngoài chủ đề rất đặc biệt về quê hương, chương trình cũng giới thiệu những ca khúc lần đầu được cấp phép: Chiều trên quê hương tôi, Một buổi sáng mùa xuân.

Bên cạnh đó là những ca khúc phản ánh một phần những góc nhìn, những tình cảm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho quê hương qua nhiều giai đoạn biến động của lịch sử như: Ta thấy gì đêm nay, Người già và em bé, Phúc âm buồn, Như hòn bi xanh, Ra đồng giữa ngọ, Hành hương trên đồi cao, Xin mặt trời ngủ yên, Gọi tên bốn mùa, Dựng lại người – dựng lại nhà…

Theo ban tổ chức, 30.000 vé mời của đêm nhạc Những sớm mai Việt Nam sẽ được phát miễn phí vào lúc 7g30 ngày 28-3 tại Trung tâm thương mại Crescent Mall (hướng giáp đường Nguyễn Văn Linh, 101 Tôn Dật Tiên, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM).

Ban tổ chức cũng dành 2.000 vé cho những khán giả ở xa, ngoài TP.HCM. Các khán giả này có thể đăng ký qua email httram@trinhcongson.vn hoặc trinhfoundation@trinhcongson.vn để nhận vé.

Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn (47C Phạm Ngọc Thạch, Q.3) cũng sẽ mở cửa từ 6g-16g cho công chúng thăm viếng và thắp nhang vào ngày giỗ 1-4 của ông.

Chương trình hành hương thăm mộ Trịnh Công Sơn sẽ do những người hâm mộ nhạc Trịnh tổ chức vào sáng 1-4 qua email httram@trinhcongson.vn.

Q.N

QUANG THI : KỊCH DÀI ĐI MỸ với sân khấu kịch IDECAF, tháng 4, 2015


​Kịch dài đi Mỹ

14/03/2015 09:43 GMT+7

TT – Tháng 4 này, sân khấu kịch IDECAF sẽ đưa vở Hợp đồng mãnh thú (kịch bản: Lê Hoàng, đạo diễn: Vũ Minh) đi phục vụ khán giả kiều bào ở Mỹ.

Hợp đồng mãnh thú – vở kịch của sân khấu IDECAF sẽ bay sô Mỹ vào tháng 4 – Ảnh: Gia Tiến

Đây là sự tiếp nối xu hướng đưa kịch dài đến Mỹ trước đó của các sân khấu Nụ Cười Mới, kịch Hồng Vân, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Minh Nhí…

Êkip của vở Hợp đồng mãnh thú đến Mỹ gồm NSƯT Thành Lộc, Ðức Thịnh, Lương Thế Thành, Tuấn Khải, Vũ Minh, Huỳnh Anh Tuấn, Cao Minh Thu. Lịch lưu diễn của vở sẽ từ ngày 8 đến
20-4.

Cũng trong thời gian này, Anh Vũ, Minh Nhí, Trung Dân… tiếp tục đưa vở Gia đình thằng Ðậu trở lại Mỹ. Ðây là chuyến đến Mỹ lần thứ hai của nhóm, sau chuyến lưu diễn hồi trước tết thành công.

Khán giả Việt ở Mỹ chọn gu kịch nào?

Tâm lý khán giả hải ngoại đã chán tấu hài, bắt đầu quan tâm thưởng thức những vở kịch dài có nội dung, cốt truyện, có đầu tư xử lý sân khấu… Ðó là lý do các vở kịch dài vượt Thái Bình Dương. Mở màn là sân khấu Nụ Cười Mới với danh hài Hoài Linh đưa vở Ông bà vú đến Mỹ năm 2008.

Năm 2009 và năm 2011, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc lần lượt hợp tác với Nhà hát Pan Asian Repertory để đưa hai vở kịch chị viết kịch bản là Người đàn bà thất lạc (2009) và Chúng tôi là (2011) đến biểu diễn ở sân khấu Off – Off Broadway (New York).

Những vở diễn của Nguyễn Thị Minh Ngọc có sự tham gia của các nghệ sĩ như NSƯT Ngọc Ðáng, NSƯT Thành Lộc, Hải Phượng, Thái Hòa Lê, Leon Quang Lê, Thục Hạnh, Minh Phượng, Minh Ngọc… Năm 2010, sân khấu kịch Hồng Vân cũng từng thăm dò khán giả kiều bào ở Mỹ với vở Kỹ nghệ lấy Tây.

Ðạo diễn Hùng Lâm hiện đã sống định cư ở Mỹ, mỗi mùa tết anh lại về dựng vở cho sân khấu kịch IDECAF một lần. Ở Mỹ, Hùng Lâm được xem là người dựng kịch chính vì tìm đạo diễn kịch rất khó.

Cũng theo anh, kịch đi Mỹ thường là những vở ít diễn viên, đạo cụ gọn nhẹ… phù hợp nhu cầu “đánh nhanh rút gọn” của việc bay sô.

Giới thiệu kịch đương đại Mỹ

Ủng hộ kịch Việt đến Mỹ, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đang tiếp tục gõ một cánh cửa khác: giới thiệu kịch Mỹ đến các sân khấu VN.

Nói về dự án này, Nguyễn Thị Minh Ngọc cho hay: “Hiện tại tôi đang hào hứng với việc đạo diễn những vở kịch đương đại của Mỹ do tôi chuyển ngữ cho các sân khấu tại VN, với hi vọng là Ðại sứ quán Mỹ sẽ hỗ trợ điều đó.

Có những kịch bản Mỹ rất gần gũi với cuộc sống Việt, ví dụ kịch bản Mỹ tựa đề After (tạm dịch: Sau đó) mà tôi vừa chuyển ngữ, nói về cách trở lại cuộc sống của một người vừa mới ra tù sau 15 năm bị án oan…”.

Sau khi làm nhiều chương trình sân khấu ở Mỹ, đạo diễn Hùng Lâm đúc kết: “Tâm cảm lớn nhất của khán giả Việt ở Mỹ là tình hoài hương, nên những đề tài truyền thống như nỗi nhớ ly hương, chuyện hôn nhân cha mẹ ép uổng… với những hình ảnh áo dài, áo bà ba, bờ tre, bụi chuối có vẻ thích hợp với họ. Hoặc là những đề tài văn chương tiền chiến, tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn… Những chương trình về đêm tưởng nhớ nghệ sĩ cải lương Phùng Há, Thanh Nga mà tôi làm cũng rất có khán giả”.

Những tiểu thuyết xưa như Trà hoa nữ, Ðoạn tuyệt, Giông tố… đã được chuyển thể thành kịch để khán giả Việt ở Mỹ có thể hoài niệm về quê hương, hoặc nhớ về những tác phẩm văn học vốn nổi tiếng ở thế hệ họ.

Vì vậy, việc đem Hợp đồng mãnh thú với đề tài cuộc sống sôi động tình – tiền hôm nay được coi là một thử thách của sân khấu kịch IDECAF nhằm “đo gu” khán giả kiều bào ở Mỹ.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tâm sự: “Gu khán giả Việt ở Mỹ là vậy, nên dám đem một vở mang đề tài đương đại như Hợp đồng mãnh thú đến Mỹ cũng là việc làm mà chúng tôi… hơi run. Nhưng chúng tôi hi vọng vào sự biến hóa của Thành Lộc trong vở diễn sẽ thu hút khán giả!”.

Kịch dài nhưng phải nói chậm

Diễn kịch ở Mỹ cũng không phải là kiểu sân khấu sáng đèn mỗi cuối tuần như ở TP.HCM. Ðạo diễn Hùng Lâm cho biết: “Làm kịch ở Mỹ thường chọn một địa điểm nào đó, diễn vào một đêm nào đó với giá vé từ 45-100 USD, có khi là 200 USD/vé. Khán giả nếu thích nhóm kịch nào thì sẽ bảo với nhau lần sau tìm nhóm kịch đó xem nữa”.

Cũng theo Hùng Lâm, khán giả xem kịch ở Mỹ thường có độ tuổi 30 trở lên, nếu dưới 30 thì đó là khán giả của ca nhạc hoặc là những du học sinh, những người Việt trẻ từng về VN xem kịch nói.

“Ðúng là có một lớp khán giả kiều bào ở Mỹ thích xem kịch. Mỗi mùa tết về quê, ưu tiên của họ là đến các sân khấu xem kịch, có khi mua vé cho cả nhà, bạn bè cùng xem. Sau đó họ mới rủ nhau đi ăn uống các món quê hương” – đạo diễn Hùng Lâm cho biết thêm.

Kịch nói thì một phần quan trọng là… nói, nhưng đối với khán giả Việt ở Mỹ thì một nghệ sĩ nói “tía lia” như Anh Vũ phải rút ra một kinh nghiệm: “Ðúng là khán giả ở Mỹ nghe tiếng Việt không nhanh, khi diễn bên đó tôi phải nói chậm lại. Nhưng khán giả rất thích và muốn được xem nhiều kịch dài ở VN”.

Ðối với tác giả – đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, việc đem kịch dài đến Mỹ được chị nhận xét: “Thời gian đầu mang tính chất phiêu lưu, nhưng khi mọi việc đi vào nề nếp, quy luật cung cầu thì tôi tin rằng nó sẽ ổn định và phát triển. Ai cũng biết rằng một tác phẩm sân khấu khi mang đi lưu diễn đòi hỏi công phu hơn một chương trình ca nhạc rất nhiều. Cho nên tôi luôn ủng hộ các nghệ sĩ, các nhà quản lý, bầu sô… thực hiện việc này”.

Ðó là cơ hội đưa kịch dài đến với kiều bào ở Mỹ, còn khả năng giới thiệu kịch Việt đối với khán giả Mỹ thì sao? Sẽ có ý kiến cho rằng suy nghĩ này là… vượt tầm.

Nhưng nếu ai đó có ước mơ, thì Nguyễn Thị Minh Ngọc nói rằng vẫn có cơ hội: “Nhà hát Pan Asian Repertory nơi tôi từng hợp tác vẫn đợi những vở diễn mới từ VN. Tôi có kêu gọi các tác giả trong nước đưa kịch bản. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và ít nhiều hi sinh như phải tự lo chi phí dịch ra tiếng Anh… nên chưa thấy ai hào hứng!”.

Con đường để các tác giả Việt tiếp cận sân khấu Mỹ vẫn để mở một cánh cửa…

QUANG THI

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150314/kich-dai-di-my/720347.html

Tin cùng chuyên mục