HÀ MINH : Nhạc sư 98 tuổi đạt giải thưởng Phan Châu Trinh


Văn hóa – Giải trí ››

Nhạc sư 98 tuổi đạt giải thưởng Phan Châu Trinh

Vừa qua, 24/3 nhân kỷ niệm 89 năm ngày mất Nhà yêu nước, nhà canh tân văn hóa Phan Châu Trinh, Quỹ Phan Châu Trinh đã tổ chức Lễ trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là một hoạt động thường niên của quỹ Phan Châu Trinh. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân xuất sắc, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn hóa- giáo dục, các nhà khoa học, các dịch giả trong và ngoài nước đã và đang có nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hóa và giáo dục Việt Nam . Giải thưởng bao gồm các hạng mục: giải “Vì sự nghiệp văn hóa- giáo dục”, giải “Dịch thuật”, giải “Nghiên cứu” và giải “Việt Nam học”.

giải thưởng Phan Chu Trinh, nhạc sư
Các cá nhân xuất sắc nhận giải thưởng văn hóa uy tín

Với những đóng góp đặc sắc trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống Nam Bộ Nhạc sư Nguyễn Vĩnh  Bảo đã giành giải Vì Sự nghiệp Văn hóa- Giáo dục. Bằng quá trình nghiên cứu bền bỉ, nghiêm túc của mình Nguyễn Vĩnh Bảo đã cải tiến thành công nhạc cụ dân tộc và  được ứng dụng rộng rãi trong quần chúng. Ông cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19, 21 và mới đây nhất là 25 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Đến nay, tuy đã gần trăm tuổi nhưng ông vẫn dạy học, diễn giảng, biểu diễn, đóng đàn và sáng tạo nhạc cụ; có thể nói rằng Nguyễn Vĩnh Bảo là một nhạc sư đã dành  trọn vẹn đời mình cho đờn ca tài tử Nam Bộ.

giải thưởng Phan Chu Trinh, nhạc sư
Không hổ danh “đệ nhất danh cầm”Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo diễn tấu ngay tại sân khấu

 

Nói về giải thưởng mình nhận được, ông bộc bạch: “ Được vinh danh ở giải thưởng Văn hóa mang tên Cụ Phan Châu Trinh tôi rất trân trọng và vui bởi nhữngnghiên cứu, sáng tao của mình đã sức lan tỏa trong cộng. Và nếu không có giải thưởng thì tôi vẫn sẽ không ngừng làm việc và cống hiến hết mình cho nền âm nhạc dân tộc”

giải thưởng Phan Chu Trinh, nhạc sư
Cháu nội cụ Phan Bôi Châu, Ông Phan Thiệu Cát chia vui cùng nhạc sư.

Bên cạnh đó, các giải khác nằm trong khuôn khổ giải thưởng Văn hóa Phan Châu trinh được trao cho các cá nhân: Giải vì sự ngiệp Văn hóa- Giáo dục được trao cho Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm vì những hoạt động sáng tạo góp phần canh tân giáo dục;  giải nghiên cứu được trao cho  Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vì những thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm kinh điển và giải Việt Nam học cho Giáo sư Keith Weller Taylor vì những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử- văn hóa Việt Nam.

Hà Minh

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/227481/nhac-su-98-tuoi-dat-giai-thuong-phan-chau-trinh.html

MỸ DUNG : Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh


Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh

Với nhiều đóng góp trong việc sưu tầm và truyền bá âm nhạc truyền thống Nam bộ, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh.

Tối 24/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Lễ Trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2015. Đây là những giải thưởng được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng cho các cá nhân xuất sắc trên 4 lĩnh vực: “Vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục”, “Dịch thuật”, “Nghiên cứu” và “Việt Nam học”.
Ở lần tổ chức thứ 8 này, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh quyết định trao giải thưởng cho 5 cá nhân có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đổi mới văn hóa và giáo dục Việt Nam. Theo đó, giải “Vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục” được trao cho Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống Nam bộ. Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm cũng được trao giải này với những hoạt động sáng tạo góp phần đổi mới giáo dục nước nhà.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Ảnh: Hội Nhạc sĩ VN)
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Ảnh: Hội Nhạc sĩ VN)
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nhận giải “Nghiên cứu” với những công trình nghiên cứu xuất sắc về biển Đông. Thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm kinh điển, dịch giả Nguyễn Nghị được trao giải “Dịch thuật”. Và giải “Việt Nam học” được trao cho Giáo sư Keith Weller Taylor với những thành tựu đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử – văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, một trong 5 cá nhân được vinh danh trong lễ trao giải năm nay cho biết: “Những món quà đột xuất đến với mình là những món quà thú vị. Là một nhạc sĩ sống nội tâm, đối với tôi không có cái gì lớn, không có cái gì nhỏ nhưng khi được nhận giải thưởng này tôi thấy rất vui. Tôi trân trọng giải thưởng này vì nó mang tên nhà chính trị lớn, nhà yêu nước lớn, nhà văn, nhà thơ Phan Châu Trinh”.
Cũng trong lễ trao giải năm nay, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chính thức tôn vinh 3 danh nhân văn hóa Việt Nam là ông Trương Vĩnh Ký, ông Phan Châu Trinh và ông Phan Bội Châu trở thành 3 nhân vật đầu tiên của “Ngôi đền tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”. Đây là tên một dự án nhằm tri ân và tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại.
Theo Mỹ Dung
VOV

TRÂM PHẠM : Đậm đà canh tôm nấu chua kiểu Nam Bộ


QUANG THI : Dân thờ chủ chợ


Dân thờ chủ chợ

24/03/2015 10:52 GMT+7

TT – Nằm ngay chợ Cao Lãnh (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là đền thờ ông bà Đỗ Công Tường. Bức hoành phi trước đền tạc hàng chữ khiêm tốn: “Đền thờ ông bà chủ chợ Câu Lãnh”.

Trước mặt đền thờ ông bà chủ chợ Đỗ Công Tường ở chợ Cao Lãnh, Đồng Tháp – Ảnh: Q.T.

Tên ông gắn liền với tên gọi TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh của Đồng Tháp ngày nay.

Ngày 17-3, điêu khắc gia Lâm Quang Nới đã chở hai pho phác thảo tượng ông bà Đỗ Công Tường xuống đền thờ ông bà ở chợ Cao Lãnh để nhận góp ý chỉnh sửa.

Đây là hai pho tượng đồng, dự kiến cao 1,8m, được làm để đặt trong điện thờ ông bà Đỗ Công Tường.

Sau ông Quách Đàm (1863 – 1927), người góp tiền xây chợ Bình Tây (Sài Gòn) được tạc tượng, thì ông bà Đỗ Công Tường được xem là chủ chợ thứ hai được tạc tượng.

Vậy ông bà Đỗ Công Tường là ai, vì sao một chủ chợ lại được dân lập đền thờ? Đó là một câu chuyện thú vị về vùng đất Cao Lãnh.

Vợ chồng chủ chợ biết nghĩ thương dân

Theo tài liệu của ban quản lý đền, ông bà Đỗ Công Tường gốc miền Trung, theo những người lưu dân vào vùng đất Đồng Tháp ngày nay để khai hoang, lập nghiệp.

Vì là người nhân từ, tính tình cương trực nên ông được phong giữ chức câu đương – một hàm quan nhỏ thời vua Gia Long (1762 – 1820) để phụ trách phân xử những vụ kiện tụng nhỏ trong vùng.

Chỗ vườn quýt nhà ông rộng rãi, thông thoáng mà tấm lòng ông bà cũng rộng mở nên người dân lân cận dần dần tụ họp về đây để họp chợ mỗi lúc mỗi đông. Vì tên thường gọi của ông là Lãnh, giữ chức câu đương nên người dân lấy tên ông đặt tên chợ là chợ Câu Lãnh.

Từ năm 1816 – 1826 xảy ra đại dịch tả càn quét khắp châu Á. Năm 1820 dịch vào VN qua ngả cửa biển Hà Tiên.

Theo thống kê của triều Nguyễn, đại dịch cướp đi 206.835 mạng sống. Khi đại dịch tràn đến nơi ở, xóm làng ngày đêm rền rĩ tiếng mõ báo hết lượt người này đến lớp người khác chết, vợ chồng ông bà hết sức đau xót.

Một đường tìm thầy thuốc để cứu dân, mặt khác ông bà còn tắm gội sạch sẽ, trước hương đàn khấn vái Trời Phật rằng hãy phù độ cho dân chúng tai qua nạn khỏi, dẫu được chết thay thì ông bà cũng cam lòng.

Nào ngờ bà rồi đến ông cùng lần lượt mắc bệnh qua đời. Không lâu sau bệnh dịch hết. Dân làng tin rằng Trời Phật đã chứng nghiệm cho lời khấn của ông bà nên lập miếu thờ cúng.

Tên gọi chợ Câu Lãnh lâu ngày đọc trại thành Cao Lãnh, trở thành tên gọi của thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh ngày nay.

Ông Phạm Văn Thuận – trưởng ban quản lý đền thờ ông bà Đỗ Công Tường – bên mẫu tượng phác thảo – Ảnh: Q.T.

Dân Cao Lãnh góp tiền đúc tượng thờ người nhân từ

Năm 2012, công trình xây mới đền thờ ông bà chủ chợ Câu Lãnh khởi công và năm 2014 hoàn thành.

Ông Nguyễn Đắc Hiền – chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp – cho biết kinh phí xây đền (12 tỉ đồng) đều là tiền của bà con đóng góp.

Mỗi năm vào ngày lễ giỗ ông bà mùng 8 đến mùng 10 tháng 6 âm lịch, cùng với những ngày lễ giỗ khác trong năm, ban quản lý thu được 300 – 500 triệu đồng, không kể gạo và những nhu yếu phẩm khác.

Hai pho tượng đồng cao 1,8m giá 500 triệu đồng cũng được làm từ tiền đóng góp của người dân. Vì đây là việc liên quan đến nhiều người nên ông Phạm Văn Thuận – trưởng ban quản lý đền – cho biết:

“Trước tết chúng tôi đã phát 1.000 phiếu thăm dò, cộng với 110 phiếu khác phát cho bà con tiểu thương, buôn bán lẻ ở chợ Cao Lãnh. Kết quả chỉ có hai phiếu từ chối, còn lại các phiếu đều đồng ý việc này”.

Về pho tượng của ông bà chủ chợ, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cũng nhận được những lời góp ý như ông Đỗ Công Tường là người hiền, nên mắt và lông mày không cần xếch lên như bậc võ tướng.

Ông mất ở độ tuổi 40 là độ tuổi đàn ông đã có râu, còn bà thì tóc nên cài trâm. Áo hàng năm nút, khăn đội đầu quấn năm nếp tượng trưng cho nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người xưa. Hay vì ông bà là vợ chồng nên vẻ mặt nên hao hao giống nhau…

Ông Nguyễn Đắc Hiền nói: “Vì ông bà mất không để lại di ảnh nên cũng không chấp nhứt gì đâu. Nhưng như tôi đã góp ý là gương mặt ông bà phải thể hiện được đức tính hiền lành, đức hạnh.

Ông bà tuy không có công trạng gì to lớn nhưng có lòng thương dân, lập tràng lễ tế vì dân nên dân Đồng Tháp từ thời ông bà dài dài cho đến giờ tin lắm. Có gì trái ý nhau, hoặc muốn cầu xin điều gì thì họ ra đền thờ ông bà mà thề, mà xin…!”.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150324/dan-tho-chu-cho/724523.html

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150324/dan-tho-chu-cho/724523.html

QUANG THI