Bạch Yến – Ca Sĩ Đẳng Cấp Quốc Tế [Jeffrey Thai]


http://jeffreythaiblog.blogspot.fr/2014/11/bach-yen-ca-si-ang-cap-quoc-te-jeffrey.html

TURDAY, DECEMBER 20, 2014

Bạch Yến – Ca Sĩ Đẳng Cấp Quốc Tế [Jeffrey Thai]

 

Bạch Yến là một trong những ca sĩ đàn chị đầu tiên trong thế hệ ca sĩ nổi danh vào thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước.  Thế nhưng, ngoài việc Đêm Đông là nhạc phẩm đưa Bạch Yến lên đài danh vọng, trước đây, không nhiều người biết nhiều về người ca sĩ này.  Bạch Yến trong tâm trí của người nghe nhạc VN cứ như một thoảng vọng nào đó từ trong quá khứ và không còn hiện hữu ở thì hiện tại.   


Giờ thì nhờ vào mạng Internet, người ta đã có thể đọc được nhiều thông tin hơn về Bạch Yến.  Bạch Yến không còn là một kỳ bí liêu trai mà người ta không thể khám phá được.  Hóa ra, Bạch Yến xuất ngoại từ rất sớm trong sự nghiệp ca hát của mình và ở lại nước ngoài cho mãi đến ngày hôm nay.  Tuy không sống ở VN nhưng sự nghiệp âm nhạc của Bạch Yến là một sự nghiệp liên tục thăng hoa, không gián đoạn.  Dường như khó có ai được như thế.  Bạch Yến trước sau là một ca sĩ đúng nghĩa và chỉ là ca sĩ mà thôi.  

Ngày nay, chúng ta có cả một thế hệ ca sĩ Việt lưu vong sống ngoài tổ quốc, mà đa phần trong họ là những ca sĩ của dòng nhạc vàng, thoát ly đất nước từ sau biến cố năm 1975.  Bạch Yến lại khác:  Là người hầu như duy nhất rời khỏi VN trước năm 1975 để hoạt động âm nhạc ở trường quốc tế.  Bỏ lại dĩ vãng “Đêm đông” ở phía đằng sau, Bạch Yến đơn thân độc mã làm cuộc phiêu linh chinh phục thế giới bằng giọng hát của mình.  Xem các video clip nhạc Bạch Yến trình diễn trên sân khấu nước ngoài, người ta không khỏi thán phục khả năng ca hát, cách trình diễn và phong cách giao lưu của Bạch Yến.   

Giọng hát của Bạch Yến hay như thế nào, có lẽ là điều không cần bàn cãi, khi Bạch Yến đã sớm thành công ở VN; rồi sớm được mời thâu âm và trình diễn vòng quanh Châu Âu khi sang Pháp trau giồi nghệ thuật năm 1961; rồi năm 1965, được mời sang Hoa Kỳ để trình diễn trong show nổi tiếng của Ed Sullivan.  Từ rất sớm trong hành trình nghệ thuật ấy của mình, Bạch Yến đã sớm định hình một phong cách và đẳng cấp mang tầm vóc quốc tế.  

Điều khiến Bạch Yến trở thành một ca sĩ đẳng cấp quốc tế không chỉ nằm ở khả năng ca hát ngoại hạng, hát được nhiều thứ tiếng nước ngoài rất chuẩn như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Do Thái… ; mà còn nằm ở khả năng giao lưu trên sân khấu.  Xem Bạch Yến giao lưu (cho dù bằng ngôn ngữ mẹ đẻ hay một thứ ngôn ngữ khác như Anh hay Pháp), người xem không khỏi thầm thán phục, vì không có nhiều ca sĩ VN có khả năng như thế.  Lối giao lưu ấy vừa nhẹ nhàng, lưu loát, tự nhiên, lại vừa dí dỏm, duyên dáng, đầy cuốn hút. 

Nhưng trên hết trong phong cách giao lưu ấy của Bạch Yến là tính chân thực.  Người xem cảm nhận được sự chân thực trong lời ăn, tiếng nói, trong ngôn ngữ diễn đạt của Bạch Yến.  Sự chân thực ấy cũng toát lên từ trong ánh mắt, nụ cười, từ vóc dáng nhỏ bé thân quen:  không gượng gạo, không cố làm.  Có nhiều ca sĩ khiến người xem cảm thấy băn khoăn, khi chỉ cần họ quay lưng đi chút thôi, người xem đã có cảm giác đó là một con người khác.  Ở Bạch Yến, trước, sau, trong khi trình diễn, hay ở mọi góc cạnh nào khác, người xem cảm nhận chỉ có một Bạch Yến hiện hữu và chỉ có một mà thôi.      

Nửa thế kỷ đã trôi qua.  Bạch Yến trở lại.  Phải, Bạch Yến đã trở lại vùng đất xưa đã đưa mình lên ngôi vị của một danh ca đầu đàn.  Bạch Yến quay lại để tiếp nối dư âm của “Đêm đông” ngày cũ vẫn còn lạnh giá trong một góc khuất kỷ niệm.  Người xem, người nghe nhạc VN giật mình gặp lại, nghe lại Bạch Yến ngày cũ.  Giật mình không phải vì ở Bạch Yến đã có sự thay đổi quá nhiều, mà chỉ vì cái khoảng thời gian ngót nghét nửa thế kỷ vừa tê tái nằm lại phía đằng sau.  

Bạch Yến ngày nay vẫn thế.  Vẫn nhỏ nhắn như thuở nào.  Không thể phủ nhận là dấu vết thời gian đã hằn nhiều lên gương mặt, lên dáng hình, lên ánh nhìn của Bạch Yến – người ca sĩ đã bước qua lứa tuổi “thất thập”; nhưng hãy nghe, hãy xem Bạch Yến ngày nay nói và hát, để thấy rằng Bạch Yến vẫn trẻ trung và hồn nhiên như một Bạch Yến của ngày xưa cũ; thậm chí còn dịu dàng và nũng nịu nhiều hơn.  

Báo chí vốn thường hay lạm dụng những cụm từ như “nhan sắc không tuổi” hay “tiếng hát vượt thời gian” để nói về các mỹ nhân hay các danh ca một thời vang bóng.  Đôi khi, sự lạm dụng ấy gây cho người nghe hay xem cảm giác bị lừa dối không đáng có.  Nhưng với Bạch Yến, người ta có thể nói với sự tự tin rằng đó là giọng ca vượt qua được qui luật tàn phá của thời gian, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.  

Nghe và xem Bạch Yến hát ngày hôm nay, người ta không khỏi thầm ngạc nhiên về sức sống mạnh mẽ và dài lâu trong vóc dáng con người tưởng chừng như nhỏ bé ấy.  Dáng hình ấy vẫn còn đầy sức sống để diễn tả đủ đầy mọi biểu hiện sắc thái tình cảm của bài ca.  Tâm hồn ấy vẫn còn đầy sức thanh xuân để hát, để nói như một cô gái chỉ vừa bước qua lứa tuổi đôi mươi.  Và trên hết, ở trong giọng ca “thất thập” ấy, sóng gió vẫn cuộn trào những âm ba bão tố.  

Có người ví giọng ca của Bạch Yến là giọng ca của cuồng phong.  Đó là một so sánh khá chính xác và tinh tế – một sự cảm nhận thẳm sâu.  Đôi khi, nghe Bạch Yến hát, không khỏi có cảm giác như cơn phong ba đang cuồn cuộn đâu đó, dữ dội và mãnh liệt.  Từng đợt gió bão cứ liên tục nối tiếp nhau mà hú vang và không có biểu hiện dừng lại.  Lần theo cơn cuồng phong, người nghe trôi nổi qua những vùng miền vừa hoan lạc, vừa xót xa.  Khi cơn cuồng phong, cuối cùng, dịu đi, cũng chính là lúc người nghe thấy mình rơi vào trong vùng tâm bão, êm dịu nhưng chơi vơi.  

Có thể có người cho rằng Bạch Yến hát không mùi.  Không mùi như những ca sĩ nhạc vàng chính hiệu.  Có thể có người cho rằng Bạch Yến hát không buồn.  Không buồn như những ca sĩ nhạc vàng chính hiệu.  Có thể như vậy lắm.  Người nghe có thể không tìm thấy trong giọng ca Bạch Yến những luyến láy mùi mẫn trữ tình đặc trưng của những ca sĩ hát nhạc vàng.  

Nhưng cứ hãy thử nghe Bạch Yến hát đi.  Nghe và thả lỏng tâm hồn để giọng hát ấy dẫn dắt đi như đứa trẻ níu tay mẹ ngày đầu tiên đi học trên con đường làng.  Giọng hát ấy sẽ  quyến rũ bạn và mê hoặc bạn tự lúc nào mà bạn không hề biết.  Có thể là do kỹ thuật hát chăng?  Chắc là vậy.  Bạch Yến hát một cách rất có kỹ thuật, mà không cần phải có trình độ thẩm thấu âm nhạc cao siêu gì lắm mới có thể nhận ra.  Có thể là do cách phát âm và nhả chữ chăng?  Không có gì phải nghi ngờ điều này.  Phát âm là thế mạnh của Bạch Yến:  tròn vành và rõ chữ.  Hãy nghe Bạch Yến nói tiếng Anh và tiếng Pháp để thấy rõ điều này.  

Có thế thôi ư?  Không.  Trên hết, điều quan trọng là Bạch Yến hát với tất cả tâm hồn và cả thể xác.  Điều đó thể hiện rõ lắm.  Bạch Yến hát bằng miệng, bằng mắt, bằng môi, bằng tay, bằng chân, bằng cả trái tim.  Nhắm mắt mà nghe Bạch Yến hát, vẫn có thể hình dung rất rõ nhân dáng một ca sĩ đang giao phó cả thể xác mình cho những xúc cảm tâm hồn mà bài hát gởi trao:  khi quằn quại, đớn đau, khi hoan hỉ, vui cười, khi chua xót, tái tê, khi âm thầm, lặng lẽ…  Ở Bạch Yến, người ta không bao giờ nhìn thấy sự phân thân giữa ca sĩ và nhân vật trong bài hát.  Cả hai chỉ là một.   

Điểm đặc biệt nữa người ta tìm thấy trong giọng ca của Bạch Yến là sự bứt phá của mọi giới hạn.  Ở giọng ca ấy, không có nốt nào là nốt quá trầm, cũng không có nốt nào là nốt quá cao.  Giọng ca ấy ung dung cất lên rồi cứ thế mà theo gió xuống sâu đến những thung lũng hoang vu hay theo mây mà bay cao đến những tầm xa vời vợi .  Ung dung, miệt mài và không mệt mỏi.  Không bị giới hạn bởi không gian.  Không có thời gian.  Không có tuổi tác.  Chỉ có con người và… kiếp phận, cùng những lời thở than.  

Không có nhiều những sản phẩm âm nhạc của Bạch Yến trên thị trường để người nghe có thể tìm mua để nghe.  Có nhiều lý do lý giải cho điều đó.  Nhưng cho dù vì lý do gì đi nữa, những ai lỡ phải lòng tiếng hát Bạch Yến sẽ cảm thấy một nỗi khát khao cứ dâng trào không bao giờ được thỏa.  Trong bối cảnh ấy, album nhạc Bạch Yến Hát Tình Ca Lam Phương có thể được xem là một món quà vô giá, một giọt mưa rất đỗi ngọt ngào giữa mùa nắng hạn.  

Hãy nghe những bản tình ca Lam Phương qua tiếng hát Bạch Yến để cảm nhận rằng, dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua, tiếng hát của người ca sĩ ấy vẫn vọng và vang mạnh mẽ như thuở mới vào nghề với nhạc phẩm Đêm Đông, tâm hồn người ca sĩ ấy vẫn trẻ trung, vẫn yêu đương nồng nàn và khổ đau da diết như ở mối tình đầu tiên.  Nói một cách chung, bất chấp những dấu vết thời gian hằn trên dung nhan và nhân dáng, người ca sĩ ấy thật sự không có tuổi theo ý nghĩa chính xác nhất của cụm từ này.  Đó cũng là lý do vì sao, trong bài viết này, bạn đã không tìm thấy bất cứ một nhân xưng nào khác dành cho người ca sĩ ấy ngoài nghệ danh:  Bạch Yến.  

03/11/2014
Jeffrey Thai 

Read more: http://jeffreythaiblog.blogspot.com/2014/11/bach-yen-ca-si-ang-cap-quoc-te-jeffrey.html#ixzz3VVbvn3ut

MINH AN : Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN năm 2015


Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN năm 2015

Thứ tư, 11/03/2015, 00:35 (GMT+7)

(SGGP).- Bộ VH-TT-DL cho biết, “Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN năm 2015” lần đầu tiên sẽ tổ chức tại Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 6-8 tới. Đây là đề án vừa được Bộ VH-TT-DL phê duyệt.

Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN là hoạt động chào mừng sự hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 đồng thời là ngày hội âm nhạc để nghệ sĩ các nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật; tiếp thu những tinh hoa âm nhạc truyền thống trong cộng đồng các nước ASEAN.

Liên hoan còn là dịp để nghệ sĩ giới thiệu, tôn vinh các giá trị độc đáo trong âm nhạc truyền thống của mỗi quốc gia; thắt chặt quan hệ, tình đoàn kết của cộng đồng các nước ASEAN trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng như thể hiện tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa ASEAN và hướng tới xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN ngày càng vững mạnh.

Liên hoan sẽ diễn ra tại TP Thanh Hóa với sự tham dự của 12 đoàn nghệ thuật thuộc các quốc gia trong khối ASEAN, các quốc gia đối tác của ASEAN và 1 đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống của chủ nhà Việt Nam. Mỗi đơn vị xây dựng một chương trình nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, chất lượng nghệ thuật cao, mang đậm phong cách và bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, với thời lượng từ 35 đến 40 phút.

Ngoài chương trình biểu diễn chính thức, các đoàn nghệ thuật còn biểu diễn phục vụ khán giả tại một số địa điểm thuộc tỉnh Thanh Hóa và tham gia tọa đàm khoa học chủ đề “Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN – Thống nhất trong đa dạng”.

MINH AN

http://www.sggp.org.vn/amnhac/2015/3/377515/

– See more at: http://www.sggp.org.vn/amnhac/2015/3/377515/#sthash.mcMzAnWg.dpuf

Sainkho Namtchylak biểu diễn tại Việt Nam


Sainkho Namtchylak biểu diễn tại Việt Nam

26/03/2015 12:37 GMT+7

TTO – Nhân dịp du lịch tại TP.HCM, nghệ sĩ kiệt xuất Sainkho Namtchylak sẽ có buổi biểu diễn lúc 20g30 ngày 28-3 tại quán cà phê Pettite Note (351/4 Lê Văn Sĩ, Q. 3)

Nghệ sĩ Sainkho Namtchylak – ảnh: Trần Ngọc Sinh

Sainkho Namtchylak, nghệ sĩ người Tuva (nước cộng hòa tự trị thuộc liên bang Nga, giáp ranh với phía Bắc Mông Cổ) nổi danh khắp thế giới nhờ một giọng hát lạ lùng cùng phong cách biểu diễn đặc biệt không giống ai, đôi khi hát như lên đồng.

Kiểu âm nhạc mà cô theo bao gồm avant-jazz, electronica, vừa có chất hiện đại vừa mang âm hưởng nhạc dân gian của vùng Trung Á.

Cô cũng là một nghệ sĩ trình diễn, một người vẽ tranh với bản năng thiên phú tuyệt vời.

Việc nhận lời biểu diễn ở một quán cà phê nhỏ chỉ khoảng 50 chỗ ngồi, đối với một giọng hát thuộc hàng hiếm hoi của thế giới, cho thấy tính cách giản đơn của một nghệ sĩ tầm cỡ.

Nguồn: Youtube

Quả vậy, Sainkho có một phong thái vừa khác biệt vừa gần gũi, dễ gây thiện cảm khi tiếp xúc.

Trong những ngày qua, cô đã đi thăm thú các địa điểm như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Dinh Thống Nhất…  và khám phá ẩm thực Sài Gòn.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150326/sainkho-namtchylak-bieu-dien-tai-viet-nam/725693.html

TRÂM ANH : Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh: Lập ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt thời hiện đại


Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh: Lập ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt thời hiện đại

25/03/2015 – 09:06 AM
Lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8 đã diễn ra vào tối 24.3 tại TP.HCM. Đông đảo các nhà trí thức, những người quan tâm đến tinh thần canh tân đất nước của giải thưởng đã đến dự. Ngoài 5 giải được trao, năm nay Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh cũng đã đã công bố việc thành lập ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt thời hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải cho các cá nhân và tập thể. 

Các hạng mục giải đã được trao cho các cá nhân:

 Giải Vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục có hai giải: Giải cho nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm vì những hoạt động sáng tạo góp phần canh tân giáo dục; giải cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vì những đóng góp đặc sắc trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống Nam Bộ.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là người có hơn 80 năm đóng góp cho hoạt động của nhạc tài tử Nam bộ, được giáo sư Trần Văn Khê gọi là “đệ nhất danh cầm”. Ở tuổi 98, nhạc sư vẫn lên sân khấu và nói: “tôi năm nay 98 tuổi, vẫn còn đờn. Đó là câu trả lời cho câu hỏi rằng nhạc tài tử Việt Nam có gì hay”. Trăn trở trước câu chuyện giới trẻ và âm nhạc dân tộc, nhạc sư nói trong diễn từ của mình “Muốn lôi kéo giới trẻ quay về với nhạc dân tộc thì phải cho chúng thấy những nét tinh vi, hay ho, độc đáo của nhạc Việt Nam. Chương trình giảng dạy phải do những người có trách nhiệm về văn hóa, có nắm vững truyền thống, biết hướng đi của nó, biên soạn ra để các nhạc sĩ theo đó mà dạy”.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đang trình diễn đàn minh họa cho sự độc đáo của nhạc tài tử Việt Nam.

Nhà giáo Phạm Toàn đã thay mặt nhóm Cánh Buồm nhận giải vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục và thông báo về quá trình hoạt động của nhóm trong thời gian qua, những triết lý và giá trị giáo dục mà nhóm đang theo đuổi, cũng như những nội dung dự tính sẽ làm trong chặng đường sắp tới.

Giải Nghiên cứu được trao cho nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vì những công trình nghiên cứu xuất sắc về biển Đông. Cụm công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam ở biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trong nhiều năm qua là ghi nhận mới của giải. Ông chia sẻ thực tế nghiên cứu lịch sử tại Việt Nam: “Trong lúc nghiên cứu về lịch sử biển Đông, tôi chỉ đơn thuần vì mục đích muốn biết rõ sự thật, vì tò mò, tôi tìm hiểu, kê cứu, hệ thống và đối chiếu so sánh nguồn sử liệu Trung Hoa chỉ để thỏa mãn ham muốn riêng, muốn hiểu biết cặn kẽ và tường tận những ghi chép trong sử liệu thực. Lúc đọc hiểu tư liệu cũng như lúc phân tích chuỗi sự kiện, tôi không nghĩ mình là người dân của một quốc gia nào, lúc này chỉ có tính khách quan của khoa học dẫn dắt. Điều băn khoăn khó nói mà tôi cũng muốn chia sẻ là khi nhìn kỹ lại hoạt động học thuật sử học trong bối cảnh hiện nay, trình độ nghiên cứu lịch sử nói chung hoặc nghiên cứu chuyên sâu các đề tài lịch sử liên quan đến biển Đông nói riêng, chúng ta còn thua khá xa các nước, mà trong đó đáng ngại đáng lo nhất là chưa theo kịp trình độ của người Trung Quốc. Mấy mươi năm qua, nền sử học nước ta đã để quá nhiều khoảng trống trong nghiên cứu cơ bản, riêng ở lĩnh vực nghiên cứu biển Đông, giới sử học trong nước hầu như chưa làm tròn trách nhiệm ở nhiều mặt, chỉ lướt qua công việc dịch thuật, mà sản phẩm của nó là nguồn căn cứ thiết yếu trong nghiên cứu đối sánh, đã thấy còn quá nhiều điểm đáng lo ngại”.

Giải dịch thuật được trao cho dịch giả Nguyễn Nghị vì những thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm kinh điển.

Giải Việt Nam học cho GS Keith Weller Taylor vì những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử – văn hóa Việt Nam.

Ngoại trừ GS Keith Weller Taylor vì sức khỏe không đến nhận giải được, còn lại các cá nhân được vinh danh đều có mặt nhận giải. Đáng chú ý, nhiều cá nhân được vinh danh năm nay vốn là những nhà nghiên cứu, dịch thuật độc lập như dịch giả Nguyễn Nghị, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.

Từ trái qua: nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, bà Nguyễn Thị Bình, nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm, dịch giả Nguyễn Nghị. 

Một nội dung mới trong hoạt động của Quỹ Phan Châu Trinh được công bố nhân dịp này là dự án “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại” vừa được khởi động.

Đây là “ngôi đền” hiểu theo nghĩa bóng, tức là một hoạt động online, nằm trong sứ mệnh của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, bao gồm: Du nhập, Phục hưng, Khởi phát, Gìn giữ & Lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm góp phần canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.

Theo đó, những nhân vật đã trở thành danh nhân bởi những đóng góp cho văn hóa Việt Nam, tính từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 sẽ được hội đồng đề xuất, bình chọn và quyết định đưa vào vinh danh ở đền.

3 nhân vật đầu tiên của ngôi đền, 3 danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại được tôn vinh là danh nhân văn hóa Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu.

Ngôi đền online mang trong mình hai mục đích: thứ nhất, là để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại. Thứ hai, là để góp phần phục hưng, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của các danh nhân văn hóa này thông qua các tư liệu/tài liệu mà họ để lại và các tư liệu/tài liệu viết/nghiên cứu về họ.

“Ngôi đền” này được truyền cảm hứng từ Điện Panthéon (Pháp), và chỉ dành cho các danh nhân văn hóa tiêu biểu. Cũng trong  ngôi đền online này, mỗi danh nhân văn hóa sẽ có một chuyên mục của riêng mình, nơi cất giữ nhưng phần “hồn” của các danh nhân thông qua việc một tập hợp sâu rộng những tư liệu về cuộc đời của danh nhân, các tác phẩm và thành tựu tiêu biểu của danh nhân, những bài viết và nghiên cứu đặc sắc về danh nhân cũng như một số đề xuất nghiên cứu thêm về từng vị danh nhân.

Có mặt tại lễ trao giải, phát biểu ngay từ đầu, bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ, nguyên phó chủ tịch nước đã nói: “Những hiện trạng đầu năm 2015 đang làm chúng ta lo lắng vì sự tiếp tục xuống cấp đạo đức, văn hóa, giáo dục, bạo lực học đường đang cuốn hút cả các em nữ học sinh; sự tham ô, giả dối vẫn được bao che… Đó là thực trạng đáng buồn của xã hội ta hiện nay. Thiếu văn hóa và giáo dục là thiếu nền tảng về tinh thần; không thể có xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; đất nước không thể phát triển tốt đẹp, bền vững nếu kinh tế phát triển không đi đôi với văn hóa”.

Tin, ảnh: Trâm Anh

Mời độc giả đọc thêm các bài viết về giải văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8 của nhà văn Nguyên Ngọc, GS.TS Trần Văn Khê, nghệ sĩ Hải Phượng trên báo giấy Người Đô Thị xuất bản hôm nay, 25.3.

http://www.nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/tin-tuc-thoi-su-noi-bat/3897/quy-van-hoa-phan-chau-trinh-lap-ngoi-den-tinh-hoa-van-hoa-viet-thoi-hien-dai.ndt

Trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8


Trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8

(PhuongNam.Net.Vn) – Tối 24/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Lễ Trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2015. Đây là những giải thưởng được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng cho các cá nhân xuất sắc trên 4 lĩnh vực: “Vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục”, “Dịch thuật”, “Nghiên cứu” và “Việt Nam học”.

Bà Nguyễn Thị Bình – chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng cho các cá nhân được vinh danh. (Ảnh: L.Điền/TT)

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8 quyết định trao giải thưởng cho 5 cá nhân có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đổi mới văn hóa và giáo dục Việt Nam. Theo đó, giải “Vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục” được trao cho Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống Nam bộ. Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm cũng được trao giải này với những hoạt động sáng tạo góp phần đổi mới giáo dục nước nhà.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nhận giải “Nghiên cứu” với những công trình nghiên cứu xuất sắc về biển Đông. Cụm công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam ở biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa của ông trong nhiều năm qua là một phần quan trọng trên mặt trận học thuật trong công cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam về biển đảo.

Thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm kinh điển, dịch giả Nguyễn Nghị được trao giải “Dịch thuật”. Và giải “Việt Nam học” được trao cho Giáo sư Keith Weller Taylor với những thành tựu đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử – văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, một trong 5 cá nhân được vinh danh trong lễ trao giải năm nay cho biết: “Tôi năm nay 98 tuổi, vẫn còn đờn. Đó là câu trả lời cho câu hỏi rằng nhạc tài tử Việt Nam có cái gì hay”. “Tôi trân trọng giải thưởng này vì nó mang tên nhà chính trị lớn, nhà yêu nước lớn, nhà văn, nhà thơ Phan Châu Trinh”.

THIÊN THANH : Nhạc sư Vĩnh Bảo và nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân được tôn vinh


Nhạc sư Vĩnh Bảo và nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân được tôn vinh

(PetroTimes) – Năm nay Giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh tiếp tục tôn vinh những con người xuất sắc đã và đang có những nổ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hóa và giáo dục nước nhà, trong đó có nhạc sư Vĩnh Bảo và nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân. Lễ trao giải diễn ra tối 24/3 tại TPHCM.

Năm nay đã 98 tuổi, nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong những cây đại thụ của âm nhạc truyền thống Nam bộ. Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: “Nếu Phan Huy Vịnh ca ngợi người kỹ nữ tài ba “học đàn từ thưở 13”, thì còn sớm hơn, Nguyễn Vĩnh Bảo học đàn từ năm lên 7, và từ đó, gần tròn 90 năm từng ngày gắn bó với đờn ca tài tử Nam Bộ như chưa từng có bất cứ một người nào làm được như thế. Ông là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của nền nghệ thuật độc đáo này”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng Trần Văn Khê gọi ông là “Đệ nhất danh cầm”, biết sử dụng ở trình độ cao tất cả các nhạc khí chính của đờn ca tài tử, đặc biệt đặc sắc với đàn Tranh và đàn Kìm (đờn nguyệt) “có ngón đàn điêu luyện, gân guốc và sâu sắc”, đã từng hòa đờn cùng các danh cầm lớn nhất, biết rõ lai lịch của hầu hết nhạc sĩ, nhạc sư cả miền Nam. Còn nhà nghiên cứu âm nhạc, GS.TS Nguyễn Tuyết Phong thì gọi ông là “Người bảo vệ cuối cùng của truyền thống”. 

Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải nhạc sư Vĩnh Bảo

Không những thế, nhạc sư Vĩnh Bảo còn là nhà sáng tạo nhạc khí tài năng; là tác giả đầu tiên của cây đàn tranh 17 dây (để về sau có thêm những cây đàn tranh 19, 21, 25 dây).  “Đờn tranh Vĩnh Bảo” hoàn chỉnh, đặc sắc, nổi tiếng đến mức được nhà thanh học lừng danh Émile Leipp coi là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thanh học (accoutisme) và thậm chí được sánh với Violon Stradivarious huyền thoại của phương Tây.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo cho chúng ta những bài học thật sâu sắc: “Bảo vệ không phải là gìn giữ khư khư. Bảo vệ phải đi cùng với sáng tạo, bằng sáng tạo. Bảo vệ không mâu thuẫn với phát triển, bảo vệ để phát triển, phát triển để mà bảo vệ”.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có hàng trăm học trò trong nước và trên khắp thế giới; cách truyền dạy của ông cũng rất sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn lối truyền khẩu, truyền ngón dân gian Việt Nam với lối dạy hiện đại hàm thụ qua thư từ và internet, hoặc giảng dạy trực tiếp ở nhiều trường đại học nước ngoài, Paris, Tokyo, Singapour, Illinois… Năm 2008, Tổng thống Pháp đã trao tặng nhạc sư Vĩnh Bảo Huy chương Officier des Arts et des Lettres, Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương.

Giải nghiên cứu, năm nay trao cho nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân vì những công trình nghiên cứu xuất sắc về Biển Đông. Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: “Dường như giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh có một truyền thống đáng quý: nó đã giữ mình không bị thu hút vì những vẻ ngoài ồn ào, mà ngược lại thường tìm đến những nhân vật đặc sắc mà lẫn khuất. Năm nay giải nghiên cứu của chúng ta rất vui mừng được trao cho một người mà chắc giới nghiên cứu và học thuật rất ít khi được gặp mặt, học giả Phạm Hoàng Quân”.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 8

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sống tại Cai Lậy, Tiền Giang, lặng lẽ sống và lặng lẽ làm việc suốt hai mươi năm nay. Ông tập trung vào một đề tài nóng bỏng: Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. “Dường như độc lập, độc đảm là đặc điểm nổi bật của Phạm Hoàng Quân. Hầu như hoàn toàn tự học, chẳng có bao nhiêu bằng cấp, nhưng ông nắm chắc, am hiểu sâu sắc cổ ngữ Hán Nôm để có thể bao quát được nhiều sử liệu Trung Quốc, dùng chính lời của họ, sử liệu của họ để bẻ gãy ngụy luận của họ; lại đọc rộng trong tất cả các nguồn tư liệu khác, chăm chú nghiên cứu các công trình của những người đi trước; kết hợp với những chuyến tự mình khảo sát thực địa ở hầu khắp các tỉnh ven biển miền Trung, Phạm Hoàng Quân đã hoàn tất công trình “Hoàng Sa – Trường Sa – Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc” dày gần 400 trang, gồm 14 bài nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, sắc bén, có thể đưa ra đối thoại, tranh luận trên các diễn đàn quốc tế.

Ban tổ chức giải khẳng định những nghiên cứu của Phạm Hoàng Quân đi từ phân tích tổng quan đến khảo cứu những sử liệu tiêu biểu trong chính sử, phương chí, địa đồ… chứng minh rằng từ thời nhà Hán đến thời nhà Thanh Trung Quốc chưa từng quản lý và xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vùng Biển Đông Việt Nam. Trong đêm nhận giải thưởng, Phạm Hoàng Quân đã chia sẻ những khó khăn, trắc trở khi nghiên cứu độc lập và cả những điểm thú vị tuyệt vời của người nghiên cứu độc lập.

Cùng với nhạc sư Vĩnh Bảo, năm nay nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm cùng nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục vì những hoạt động canh tân giáo dục; giải Dịch thuật được trao cho dịch giả Nguyễn Nghị vì những thành công trong việc chuyển ngữ các tác phẩm kinh điển và giải Việt Nam học được trao cho GS Keith Weller Taylor (Mỹ) vì những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử – văn hóa Việt Nam.

Những nhà văn hóa xuất sắc được trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 8Điểm mới của giải thưởng năm nay được Ban tổ chức Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh công bố là dự án “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại” được triển khai. “Ngôi đền” này nằm trong sứ mệnh của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, bao gồm: du nhập, phục hưng, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm góp phần canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.

Cơ sở của việc bình chọn này là mỗi danh nhân trước khi bình chọn đều được một chuyên gia nghiên cứu sâu lập hồ sơ văn hóa, bao gồm một tập hợp sâu rộng những tư liệu về cuộc đời của danh nhân, các tác phẩm và thành tựu tiêu biểu của danh nhân, những bài viết và nghiên cứu đặc sắc về danh nhân cũng như một số đề xuất nghiên cứu thêm về từng vị danh nhân… Hồ sơ này được lưu trong thư mục của từng danh nhân tại địa chỉ ngôi đền” này.

Năm nay, 3 danh nhân văn hóa Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Trương Vĩnh Ký được vinh danh ở “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại”.

 

Thiên Thanh (tổng hợp)

http://petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/van-de-van-hoa/nhac-su-vinh-bao-va-nha-nghien-cuu-pham-hoang-quan-duoc-ton-vinh.html

 

Trao Giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ VIII – 2015


Trao Giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ VIII – 2015

By DANVIET.VN25/03/2015 17:36