TRẦN QUANG HẢI : Thử tìm hiểu nguồn gốc bản Dạ cổ hoài lang và sự diễn biến của bản này cho tới ngày nay qua cuộc phỏng vấn nhạc sư VĨNH BẢO


Thử tìm hiểu nguồn gốc bản Dạ cổ hoài lang và sự diễn biến của bản này  cho tới ngày nay  qua cuộc phỏng vấn nhạc sư VĨNH BẢO

Trần Quang Hải

 

 130815164031_vinh_bao_traditional_vietnamese_musician_640x360_bbc_nocreditchan-dung-vinh-bao

Nhạc sư Vĩnh Bảo

Nhân dịp đại hội liên hoan đờn ca tài tử lần thứ nhứt được tổ chức tại Bạc Liêu từ 24 tới 29 tháng 4, 2014, cùng với sự tôn vinh bộ môn đờn ca tài tử được UNESCO nhìn nhận trong danh sảch  di sản văn hóa phi vật   của nhân loại vào ngày 5 tháng 12, 2013, và đặc biệt là bài « dạ cổ hoài lang » do nhạc sĩ Cao Văn Lầu tự Sáu Lầu đã sáng tác bài này vào năm 1919 tại Bạc Liêu. Một số người cho ông Sáu Lầu là « Vua vọng cổ ». Tôi muốn biết rõ cội nguồn của sự sáng tác bài « Dạ cổ hoài lang » được sinh ra trong trường hợp nào , và muốn làm sáng tỏ một số nghi vấn trong đầu tôi là một người nghiên cứu nhạc dân tộc.  

Tôi được may mắn là được nhạc sư Vĩnh Bảo truyền dạy lý thuyết cổ nhạc miền Nam qua nhiều cuộc đàm thoại viễn liên và qua hệ thống mạng SKYPE từ nhiều năm qua , tôi đã lĩnh hội một số kiến thức về sự phong phú của cổ nhạc miền Nam , được gọi là « đờn ca tài tử » và thấm nhuần sự tinh vi của 20 bài tổ qua 4 điệu Bắc, Lễ, Nam, Oán do nhạc sư Vĩnh Bảo minh họa với tiếng đờn tranh và đờn kìm .

Để hiểu rõ tường tận hơn , tôi mới gọi điện thoại cho nhạc sư Vĩnh Bảo để minh giải những điều thắc mắc trong đầu tôi về bài « dạ cổ hoài lang » .  Rất may cho tôi là nhạc sư Vĩnh Bảo không bị bận và sẵn sáng tiếp tôi và bằng lòng cho tôi phỏng vấn .

Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn .

Trần Quang Hải (TQH) : Kính chào Bác . Con rất  may mắn có được cơ hội hầu chuyện cùng Bác để hiểu rõ thêm về bài « dạ cổ hoài lang » ra đời 95 năm nay . Trước khi con đặt câu hỏi về bài « dạ cổ hoài lang », con muốn được biết qua một chút ít về Bác và gia đình của Bác để tìm hiểu nguyên do nào đưa Bác vào con đường âm nhạc dân tộc .

Nhạc sư Vĩnh Bảo (VB) : Chào con Hải . Con muốn biết vì sao Bác hấp thụ nhạc cổ truyền thì Bác sẽ kể tóm tắt như sau . Bác sanh ngày 19 tháng 9, năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc. Ba của Bác là ông Nguyễn Hàm Ninh sanh năm 1877, và má của Bác tên Nguyễn thị Cận, sanh năm 1885. Ba Bác là địa chủ, rất đam mê nhạc và thơ phú . Ông thường mời mấy ông thầy đờn về ở luôn trong nhà để học đờn . Nhờ có khiếu trời ban, ông rất điêu luyện và nắm vững cơ bản của cổ nhạc và nhạc lễ miền Nam qua tiếng đờn của đờn kìm, đờn tranh và đờn cò . Gia đình Bác gồm có 7 anh em (4 trai và 3 gái), ai cũng mang trong người dòng máu đam mê âm nhạc của cha . Anh Hai Bác chơi đờn kìm và đờn tranh những bản cổ nhạc . Nhưng ngón đờn khô khan . Anh Ba Bác đờn kìm , đờn xến và đờn mandoline . Ngón đòn vừa tươi mướt, vừa mùi mẩn, đua cho nhiều nhạc sư thời bấy giờ trong ấy có nhạc sư Huỳnh văn Sâm (Sáu Tửng ), tay đờn kìm rất tên tuổi nể phục. Anh Bảy Bác đờn kìm, đờn tranh và đờn cỏ. Ngón đờn rất tươi và mùi mẩn, nhưng do lười biếng, bản đờn nào cũng thuộc man mán, và khi đờn là dựa người cùng đờn với mình . Hai chị và cô em gái Bác cũng chơi đờn theo kiểu qua loa . Các anh chị Bác và Bác đều tây học . Chơi đờn là môn giải trí. Riêng Bác thì âm nhạc gắn liền với cuộc sống sâu kín của Bác, nên Bác ôm chầm lấy nó từ khi lên năm cho tới bây giờ là 97 tuôỉ và vẫn chưa chịu ngừng . (nhạc sư Vĩnh Bảo cười )

TQH : Úi cha ! Như vậy là Bác đã có hơn 90 tuổi nghề với cổ nhạc miền Nam ! Quả thật hiếm có . Bác đúng là « cây đại thu » của cổ nhạc miền Nam ! Bác biết đờn bản « dạ cổ hoài lang » lúc nào  vậy thưa Bác ?

VB : Bác biết đờn từ năm lên 5. Tới 7 tuổi (năm 1925) Bác được thầy Sáu Ký , ở làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh dạy Bác đờn kìm hai bản « dạ cổ hoài lang » và « hành vân » qua lối truyền ngón truyền khẩu. Thầy dạy sao Bác đờn vậy. Ở tuổi con nít , Bác không tò mò tọc mạch hỏi và cũng không nghe ông nói ông học hai bản này của ai, học với ai hay theo bài viết ra . Trong quyển « cầm ca tân điệu » do ông Lê văn Tiếng tự Cư Thiện ở Tân An xuất bản năm 1926 (nhà in Joseph Nguyễn văn Viết) trong ấy có bản « dạ cổ hoài lang » lẫn bản « hành vân » nhưng cũng không thấy ghi ai là người sáng tác .

TQH : Con lấy làm lạ là ngày chào đời của bản « dạ cổ hoài lang » của ông Sáu Lầu không thống nhứt . Có người viết là bài đó chào đời  năm 1918. Rồi có người cho là bài « dạ cổ hoài lang » được sáng tác vào  năm 1919 (theo lời hai người con của ông Sáu Lầu là Cao Kiến Thiết và Cao Văn Hoài) . Mà cũng có người cho rằng bài này viết xong năm 1920 . Bác nghĩ sao về bản « dạ cổ hoài lang » ? Tác giả có phải là ông Sáu Lầu hay không ? và những giả thuyết ly kỳ hóa để thêu dệt sự chào đời của bản này ?

VB : Bác thấy chỉ có năm sáng tác bản này mà còn không thống nhứt thì làm sao có thể tin vào những chuyện bao quanh sự hình thàng bản « dạ cổ hoài lang ». Không có tư liệu bằng văn bản, bút tích hay tiếng đàn nào của ông Cao Văn Lầu (sáng tác được ghi với ký âm theo quốc ngữ Hò , xự, xang, xê, cống  hay theo kiểu ký âm Trung hoa) được lưu lai để chứng minh một cách thuyết phục rằng ông Sáu Lầu là người sáng tác ra bản « dạ cổ hoài lang ». Tuy nhiên phần đông nhạc sĩ đã nhìn nhận và không thấy có phản biện . Riêng Bác, Bác cũng biểu đồng tình, xem ông là người có công sanh ra nó, nhưng có sanh mà không có dưỡng . Việc nuôi dưỡng nó thành nhơn chi mỹ, nghĩa là phát triển nó ra « vọng cổ nhịp tư, nhịp tám , nhịp mười sáu ,và 6 câu nhịp 32 là do sự tận dụng tài năng , với tim óc của nhiều nhạc sĩ , nhạc sư ẩn danh từ nhiều năm qua, đưa cho nhiều người, dù khó tính cũng tìm nghe và học.  Để tỏ lòng tri ân ông Cao Văn Lầu, một số người tôn vinh ông là « Vua Vọng Cổ ». Ông Cao Văn Lầu vốn người chất phác hiền hòa, có thễ sẽ không vui gì trước cái tôn vinh tâng bốc quá đáng này và vô tình tạo ra sự hiểu lầm đáng tiếc .

TQH : Con có đọc là bài « dạ cổ hoài lang » chịu ảnh hưởng của hai bài « hành vân » và « xuân nữ » . Bác nghĩ sao về khía cạnh này ?

VB : « dạ cổ hoài lang » thường đờn cập với bản « hành vân » mà không với bản khác , chẳng hạn như Lưu thủy, Bình bán hay Kim Tiền .Bác cho con thấy sự giống nhau giữa hai bản này . Cả hai bài đều có 20 câu . Qua 20 câu của bài « dạ cổ hoài lang » , những câu 2,3,4, 9, 10, 14, 16, 19 và 20 của bài « hành vân »   đều được thấy trong bài « dạ cổ hoài lang » (tổng cộng 16 câu bài « hành vân » dùng cho 20 câu bài « dạ cổ hoài lang »). Lúc đầu bài « dạ cổ hoài lang » lên dây Bắc , đờn có âm hưởng Huế như bài « hành vân » . Mãi tới năm 1924, mới sữa lại đờn với chữ Xang rung nhẹ (chữ xang già , và cống non) tạo thành đờn hơi ai thay vì dây Bắc là sol la do re mi , trở thành sol si do re mi man mác hơi ai .

 DẠ  CỔ  HOÀI  LANG    những câu giống HÀNH VÂN

 1      Hò   là   xg   hò  xg  xê   CỐNG  xê         câu 4                              

 2     Liêu  xề  liêu  cổng      cống  xê  xg

                                       liêu

3     Hò     liêu  cống   xê  xg                                9                                                

4     Xề  xg     là   hò     __

5     Xề   là  liêu  xáng  ú   liêu    cống  xệ

6     Liêu  xáng  xàng   xề   liêu  liểu     liêu     14  

                                                           ú

7     Hò  là  xg  hò  xg  xê  cống                                       4

8     Xê  cống  xừ  xg  xê  xự  xg                             3

9     Hò     cống  xê  xg  xự                                             10       

10   Xừ .  xg   xừ  xg  xê  xừ  xg                                        19        

11   Xừ .  xg  xừ  cống  xê  xang                                 2

12   Xề  xg    là  hò    __            

13   Cống  xê  xang  tồn  là  xg  xê  cống        20       

14    Xê  cống  xừ  xg  xê  xừ  xg   xang                       3

15   Liêu  xề  liêu  cộng      cống  xê   xg                    16

                                     liêu                                   

16   Liêu  xáng  xàng  xề  liêu  liểu     liêu             14                                                                      

                                                                     ú

17   Là   xự  xang . cống xê xang                                2     

18   Xê  xg  xự  xang  hò  xự  xang                                    3

19   Liêu    liêu  cống       cống  xê  xg                       16

                                    liêu    

20    Liêu  xáng  xàng  xề  liêu  liểu     liêu.             14

                                                           ú        

 Để cho dễ nhận diện sự giống nhau giữa hai bài “dạ cổ hoài lang” và “hành vân”, Bác ghi tóm tắt như sau :

Dạ cổ hoài lang                     giông giống Hành vân

Câu 1                                              câu 4

Câu 2

Câu 3                                              câu 9

Câu 4

Câu 5

Câu 6                                               câu 14

Câu 7                                                câu 4

Câu 8                                                câu 3

Câu 9                                                câu 10

Câu 10                                              câu 19

Câu 11                                               câu 2

Câu 12

Câu 13                                             câu 20

Câu 14                                             câu 3

Câu 15                                             câu 16

Câu 16                                             câu 14

Câu 17                                              câu 2

Câu 18                                             câu 3

Câu 19                                             câu 16

Câu 20                                            câu 14

Năm 1924, « dạ cổ hoài lang » mở ra nhịp tư, gọi là « vọng cổ hoài lang » với 20 câu, mỗi câu 4 nhịp. Song lang gõ ngay nhịp 2 và 3, còn nhịp tư là câu chầu. Tới năm 1934, từ bản nhịp tư mở ra nhịp tám gọi là « vọng cổ » (bỏ hai chữ «hoài lang » ; vẫn giữ 20 câu mỗi câu 8 nhịp. Song lang gõ nhịp 4 và 6. Còn nhịp 7 và 8 là câu chầu. Tới năm 1937, bản nhịp 8 mở ra nhịp 16, gọi là « vọng cổ » cũng giữ  20 câu mỗi câu 16 nhịp . Song lang gõ ngay nhịp 8 và 12. Bốn nhịp 13,14,15, và 16 là câu chầu . Khoảng năm 1955, bản nhịp 16 mở ra nhịp 32, thu lại còn 6 câu, mỗi câu 32 nhịp . Theo nguyên tắc,song lang gõ ngay nhịp 16 và 24 (còn 8 nhịp : nhịp 25 tới 32 là câu chầu). Nhưng các nhạc sĩ nhứt trí sửa lại. Song lang gõ ngay nhịp 24 và 32 (còn 8 nhịp của câu chầu đua qua làm đầu câu 2). Không có vọng cổ nhịp 64 như người ta thường tưởng hay nói .

TQH : Không biết Bác có thường đờn bản “dạ cổ hoài lang” không ? Con có nghe Bác minh hoạ bài này khi đờn có âm hưởng huế và một kiểu khác man mác điệu ai .

VB : Riêng Bác thì Bác thường xuyên đờn bài “dạ cổ hoài lang”, tìm cách đánh bóng , trang trí theo cách riêng của Bác như con đã nghe . Bác cảm thấy thích bản này . Bài “dạ cổ hoài lang” nếu có viết ra bản thì chỉ thấy có tên nốt đờn, còn trang trí như rung, mổ, nhấn, luyến láy thì không có, rất là mộc mạc. Thời điểm năm 1925 là lúc Bác học bản này, Bác thấy ít nhạc sĩ đờn , và nếu có thì mỗi người mỗi trang trí khác nhau .

TQH : Thưa Bác, Bác cho con biết vai trò trang trí (ornementation) trong nhạc truyền thống Việt Nam và đặc biệt trong bản Dạ cổ hoài lang ?

VB : À, khía cạnh này vô cùng quan trọng. Đối với nhạc truyền thống, cái tinh thần của bản nằm trong cái trang trì nốt như RUNG, MỔ, NHẤN, LUYẾN LÁY . Nếu không cái trang trí đó thì bản đờn chỉ có cái XÁC mà không có HỒN. Cách chép bản Dạ Cổ Hoài Lang là theo Hò, Xự, Xang, Xê, Cống tạm dịch là Sol La Do Ré Mi. Những nốt này không nói lên cái buồn của tác giả bị cha mẹ buộc lấy vợ lẻ nối dõi tông đường . Chỉ lời ca mới nói lên được điều này . Điểm thú vị nữa là lúc bản Dạ Cổ Hoài Lang ra đời, đờn kìm sử dụng dây Bắc với thang âm HÒ Xự Xang Xê Cống (sol la do re mi) và trang trí nốt đờn theo điệu Bắc (Mode Bắc) nghĩa là những nốt HÒ, XANG, XÊ (Sol Do Ré) Mổ. Còn XỰ, CỐNG (La Mi) thì RUNG và đờn cặp với bản Hành Vân Huế chỉ nói lên cái vui . Vài năm sau đó Dạ Cổ Hoài Lang được chuyển qua hơi BUỒN. Đờn tranh lên dây theo thang âm Hò Xư Xang Xê Cống (Sol Si Do Ré Mi), còn đờn kìm thì vẫn sử dụng dây Bắc, nhưng nốt Xự (La) phải nâng lên môt cung thành Xư (Si) và các nốt Liều, Xang (Sol Do) RUNG còn Xự Xê Cống (La Ré Mi ) MỔ

TQH : Nhạc đờn tài tử có phải là loại nhạc điệu (musique modale) hay không , thưa Bác ?

VB: Như con biết, nhạc đờn tài tử thuộc nhạc điệu (musique modale). ĐIỆU gồm cấu trúc (structure) của câu đờn, thang âm của dây đờn (échelle musicale) bản nào dây nấy, tốc độ (tempo). Về HƠI (có người gọi là GIỌNG) (air, nuance)y hệt như những giọng lên xuống (tons) của tiếng Việt – ma, má , mà, mạ, mả , mã . HƠI nằm trong trang trí nốt đờn như Rung, mổ, nhấn, luyến láy (ornements). Tương tơ như hội họa (peinture), nó mang lại màu sắc, cái đẹp, cái màu sắc cho bản đờn. Bản đờn không có màu sắc thì bản đờn đó nghe khô khan . Vấn đề trang trí nốt đờn cho mỗi bản đờn đều được hệ thống hóa (système répertorié) mà con đã thấy ớ các bản ký âm của Bác do Bác sáng chế ra . Phương pháp này giúp cho người học bài bản nắm vững màu sắc của bài bản tùy theo dây Bắc, Lễ, Nam, Oán .

TQH : Ai là người hát vọng cổ nhịp  8 nổi tiếng và vọng cổ nhịp 16 ?

VB : Vào thời điểm Vọng cổ nhịp 8, có nhiều tay ca như anh Ba Tuất (Sa Đéc), Tám Thưa, Năm Bé (Nha Mân), Sáu Hướng, Tám Kỉnh (Cao Lãnh) giọng ấm, ca rất ngọt và mùi, nhưng toàn là ca những vọng cổ với lời ca trữ tình hay nặng về sữ . Còn Vọng cổ nhịp 8 mà anh Lư Hòa Nghĩa ca (anh Hòa đệm đờn Ghita-mando lõm phím 4 dây), bài ca do anh Lê Kim Hải (Sáu Hải ở Bạc Liêu) soạn, đặt tên là ” Vì tiền lỗi đạo”, lời ca mở đầu là “văng vẳng tiếng chuông chùa” do hãng dĩa nhựa ASIA thu vào năm 1936. Dĩa này bán rất chạy, một phần do anh Lư Hòa Nghĩa ca mùi, phần khác là do lời ca đượm màu tu hành , lại thêm dĩa hát xuất hiện vào thời điểm người ta hay đi chùa lễ Phật. Chuyện này y hệt trường hợp gánh hát cải lương Tân Thinh, đêm nào cũng chật rạp là nhờ biết tâm lý khán giả, hát toàn tuồng nói về Phật : như Phật Thích Ca ra đời, Phật Thích Ca đắc đạo …. Các gánh hát khác vắng người xem bởi hát tuồng sử, tuồng tây.

TQH : Ông Trần Phước Thuận ở Bạc Liêu có viết  câu « nên dùng hai chữ Vọng cổ để đặt tên cho các bài đã được canh tân này ». Bác nghĩ sao về việc dùng chữ « canh tân » ?

VB : Vọng cổ là bản phát triển từ Dạ cổ hoài lang . Gọi « canh tân » là sai . Từ « canh tân » là giữ nguyên xi « dạ cổ hoài lang » rồi tô điểm hoa lá khác với « dạ cổ hoài lang » nguyên thủy . Ví dụ trường hợp 1. Dạ cổ hoài lang đờn theo Bắc, hao hao hơi Huế (đờn kìm sử dụng dây Bắc , thang âm hò, xự, xang, xê, cống  hay sol la do ré mi. 2. Đàn chuyển sang man mác hơi ai , vẫn thang âm hò , xự, xang, xê, cống (sol la do ré mi) nhưng rung nhẹ nốt xang . 3. Đàn hơi ai, thang âm hò, xư, xang, xê, cống (sol si do re mi) xang già rung .

TQH : Con mới xem qua hai chương trình truyền hình về “viên ngọc quý của đờn ca tài tử” . Bài “dạ cổ hoài lang” được cho là “tuyệt tác” . Bác nghĩ sao về điểm này ?

VB : Thời điểm “dạ cổ hoài lang” ra đời , các nhạc sĩ đờn cổ nhạc xem nó như những bài hành vân, lưu thủy, bình bán vắn, kim tiền , và cũng ít ai đờn bản “dạ cổ hoài lang” trong các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử. Nó chỉ tạo sự chú ý đôi chút cho người nghe lẫn người đờn. Tập thể nhạc sĩ ẩn danh, với tài năng , tim óc, làm việc riêng rẻ, phát triển nó ra thành “vọng cổ hoài lang” nhịp tư, rồi “vọng cổ” nhịp tám. Nhưng được ưa chuộng nhứt là từ khi nó trở thành “vọng cổ” nhịp 16 và 6 câu vọng cổ nhịp 32.

TQH : Con cám ơn Bác đã bỏ nhiều thì giờ trả lời những câu hỏi của con . « Dạ cổ hoài lang » ra đời cách nay gần 100 năm , trở thành một hiện tượng âm nhạc hiếm có ở Việt Nam . Từ một sáng tác cá nhân đã trở thành sáng tác của tập thể, khai sinh ra cả một loại hình mới : sáu câu vọng cổ .

VB : Con nói đúng . Theo Bác , việc tôn vinh là phải tôn vinh tập thể cho tất cả những nhạc sĩ nhạc sư đã đóng góp một cách âm thầm để nâng cao giá trị của bài « vọng cổ » thoát thai từ bài « dạ cổ hoài lang ». Ngày nay ở bất cứ buổi sinh hoạt nào cũng đều có bản « vọng cổ » (6 câu chỉ còn hát có hai , ba hoặc bốn câu) . Bài « dạ cổ hoài lang » ít ai hát vì chỉ hát với một lời ca cố định . Còn bài « vọng cổ », đúng hơn là một bài theo điệu vọng cổ bao trùm nhiều đề tài rộng lớn , và nhạc sĩ có dịp đờn phóng khoáng hoa lá theo trình độ tài năng . Bài « Vọng cổ » là viên ngọc quý trong đờn ca tài tử . Cái tôn vinh quá mức này gián tiếp khuyến khích những nhạc sĩ nhẹ dạ chểnh mảng trong việc rèn luyện trau dồi 20 bản tổ. Rồi một ngày nào đó, mục đờn ca tài tử sẽ bị thu hẹp lại còn có môt bản tổ là « vọng cổ ». Đây nè, Bác thử so sánh cho con thấy giữa bản Vọng cổ và những bản điệu Nam, Oán trong 20 bản tổ . Vọng cổ ví như trà Huế, musique moderne, vỏ dừa . Các bản điệu Nam , Oán như trà tàu , musique classique, trầm hương . Trà Huế , dùng tô uống, uống vô tháy đã khát liền . Trà tàu, uống bằng chung nhỏ, uống vô đã khát ngầm, cái hậu nhân nhận còn đọng lại trong cổ . Musique moderne phát lên, nghe cảm thấy hấp dẫn liền, nghe nhiều lần đâm ra chán, hạp với thính giả bình thường (auditeurs profanes). Musique classique, cao siêu, càng nghe càng thấm thía, rất kén người nghe. 100 người nghe nhạc classique, có bao nhiêu ngưởi hiểu ? Vỏ dừa đốt lên khói bay ngập nhà, làm cay mắt . Trầm hương, một miếng bằng lóng tay, đốt lên nghe thơm cả nhà .

TQH : Con thương chúc Bác luôn vui khỏe, tiếp tục truyền dạy cho tất cả những ai muốn tìm hiểu chân giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử . Thương chúc Bác ngủ ngon .

vinh-bao-tqh-12-2007

 Trần Quang Hải và nhạc sư Vĩnh Bảo 

VŨ ĐỨC SAO BIỂN : Dạ cổ hoài lang niềm cảm hứng của tôi


http://svhttdl.baclieu.gov.vn/dat_nguoi_BL/Lists/Posts/Post.aspx?List=0fcefd2c-865c-4148-92f1-8ffc7a314a21&ID=16

 

Dạ cổ hoài lang niềm cảm hứng của tôi
Tôi sinh ra tại Quảng Nam, là con của một gia đình nghèo. Mười tám tuổi, tôi xách một chiếc va-ly nhỏ đựng vài bộ quần áo, một tấm bằng tú tài, một cây đàn violon đi về phương Nam.
Tôi sinh ra tại Quảng Nam, là con của một gia đình nghèo. Mười tám tuổi, tôi xách một chiếc va-ly nhỏ đựng vài bộ quần áo, một tấm bằng tú tài, một cây đàn violon đi về phương Nam.

Tôi không đi tìm công danh qua con đường đại học. Tôi đi là bởi tôi lỡ say mê hồn tính lãng mạn phương Nam trong “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu. Bởi tôi học Hán văn và thuộc khá nhiều thi ca Đường Tống nên trong tâm thức của tôi, ông Viễn Châu viết “Tình anh bán chiếu”cũng có cái lãng mạn say đắm như Thôi Hộ đời Đường viết bài thơ “Đề tích sở kiến xứ” (Viết tại nơi đã trông thấy ngày xưa).

Tốt nghiệp sau bốn năm học, tôi được bổ về Bạc Liêu dạy học. Ngày ấy tôi mới 22 tuổi. Ba mươi chín năm qua, tôi nghĩ lại mới thấy mình thật may mắn khi được đến vùng đất Bạc Liêu. Bởi Bạc Liêu là cái nôi của Dạ cổ Hoài lang – bài ca tóm thâu gần như trọn vẹn chất oán trong hồn tính lãng mạn tươi đẹp của âm nhạc phương Nam. Bởi Bạc Liêu là quê hương mà người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu viết “Dạ cổ Hoài lang” tràn đầy những suy tưởng triết lý về tình yêu và sự xa biệt. Và bởi Dạ cổ Hoài lang là bản gốc, được phát triển qua thời gian thành bài ca vọng cổ.

Tôi lỡ say mê “Tình anh bán chiếu” của Viễn Châu nhưng về đến xứ Bạc Liêu, tôi mới hiểu được “Dạ cổ Hoài lang” là nguồn gốc phát tích này của bài ca vọng cổ.

Năm 18 tuổi, tôi xa NTH – người bạn gái đầu đời; 20 tuổi, tôi mất người bạn ấy, mãi mãi. Chút tình đầu trong sáng, ngây thơ dằn vặt , ray rứt mãi trong tâm hồn tôi. Năm 1968, tôi viết “Thu, hát cho người”, “Chiều mơ”, “Người xưa” (Huyền xưa) và may mắn thành danh nhạc sĩ thực thụ. “Thu, hát cho người” được công nhận là bài tình ca kinh điển trong âm nhạc Việt Nam. Nguồn nhạc mà tôi được học là nhạc Tây phương với những quy luật chặt chẽ, những nhạc cụ định âm.

Về đến xứ Bạc Liêu, tôi may mắn tiếp cận với một nguồn nhạc mới của Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Líu, U; với những loại nhạc cụ dân tộc bán định âm. Người nghệ sĩ phương Nam thật lãng mạn với những nốt nhất chơi trên phím đàn, với tiếng ca đổ hột ngân dài lãng đãng sương khói cho âm thanh phát ra lơ lửng ¼, 1/8 và thậm chí là 1/16 của toàn âm (ton) so với thanh nhạc Tây phương. Đây là điều mà tôi chưa được học trong giáo trình âm nhạc.

Tôi đến với những ban đàn tài tử, những đêm biểu diễn bỏ túi, nghe các anh chị đàn ca. và không hiểu tự bao giờ, giai điệu “Dạ cổ Hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu thấm thấu vào tâm hồn tôi. Tôi hình dung ra giai điệu ấy, những quãng âm nhạc đặc trưng ấy trên khuôn nhạc của thanh nhạc Tây phương. Giai điệu (mélodie) và các quãng âm (intervaux) của “Dạ cổ Hoài lang” đẹp đến não nùng. Nếu ký âm lại bài ca với thanh nhạc Tây phương theo cung Mi mineur đúng cao độ quốc tế (tương đương với giọng đào ca bài vọng cổ), thì ta mới thấy được cái tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Những chữ cuối câu của bài ca được tác giả thay đổi cao độ liên tục:

1. Từ là từ phu tướng (Tướng: Do#, quãng 6).

2. Bảo kiếm sắc phong lên đàng (Đàng: La, quãng 4).

3. Vào ra luống trông tin nhạn (Nhạn: trở lại chủ âm Mi).

4. Năm canh mơ màng (Màng: trở lại âm Mi).

5. Em luống trông tin chàng (Chàng: Si, quãng 5)…

Nói theo nhạc pháp Tây phương, bài ca chuyển âm giai phong phú: hạ lục trình át âm, hạ tứ trình át âm, chủ âm, hạ ngũ trình át âm. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu quả thật tài hoa khi ông thay đổi âm giai cho bài ca, khử hẳn tính đơn điệu vốn rất dễ gặp trong dân ca nhạc cổ. Tôi thẩm thấu giai điệu này của ông và tôi nghĩ đúng là một bài ca kinh điển.

Năm 1994, tôi viết “Điệu buồn phương Nam” vì nhớ thương hình bóng TNY – một cô gái đất Bạc Liêu. “Chiêu thức” của ca khúc là phát triển điệu “Xuân nữ” nhưng “nội công” của bài hát là chất oán đẹp tươi của “Dạ cổ Hoài lang”. Bài hát được các nhạc sĩ hòa âm khen tặng là bài phát triển dân ca hay nhất của thế kỷ 20.

Năm 1999, tôi trở lại Bạc Liêu, được nghe ông Vưu Long Vỹ và các nghệ nhân Bạc Liêu ca lại bài “Dạ cổ Hoài lang”. Tôi ký âm lại bài “Dạ cổ Hoài lang” trên nền tảng được nghe các nghệ nhân hát. Mỗi người hát một cách khác nhau, giữa họ có sự khác biệt về cao độ một số nốt nhạc và một số chữ dùng trong câu. Tôi đối chiếu, lựa chọn và cuối cùng, tôi chọn ca từ trong tiếng hát của ông Vưu Long Vỹ.

Tôi đưa bài “Dạ cổ Hoài lang” (ký âm lại) cho Hương Lan và Hạnh Nguyên đi hát ở Hà Nội như một số ca khúc độc lập (không liên hệ với sân khấu cải lương). Hương Lan vốn quen với sân khấu cải lương nên hát có sửa đổi vài chi tiết về thanh nhạc nhưng Hạnh Nguyên thì hát đúng bài.

“Dạ cổ Hoài lang” là một giá trị văn hóa phi vật thể quý giá của đất Bạc Liêu, xứng đáng để lại cho ngàn sau. Làm thế nào để giữ lại lâu bền trước sự xâm thực của nguồn văn hóa mới? Tôi đưa bài hát cho Công ty MASECO làm karaoke rồi sau đó, các kênh truyền hình thông post lên mạng. Tôi chỉ mong cho lớp đàn em, thanh niên biết say mê, trân trọng tác phẩm “Dạ cổ Hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. May mắn thay, điều đó đã trở thành hiện thực.

Trên nền giai điệu “Dạ cổ Hoài lang”, tôi viết hai ca khúc mới kính tặng nhân dân Bạc Liêu. Đó là “Trở lại Bạc Liêu” và “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang”. cả hai điều có trích dẫn thanh nhạc và ca từ trong “Dạ cổ Hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang”được công nhận là bài tình ca độc đáo, giai điệu và ca từ cực đẹp. Mọi người Việt trên toàn thế giới đều có thể vào mạng Google nghe ca khúc này để hiểu tâm hồn Bạc Liêu, tình yêu Bạc Liêu.

 Tôi có được gần 200 ca khúc, công bố 64 ca khúc, trong đó 25 ca khúc phát triển từ dân ca, nhạc cổ phương Nam. Giai điệu “Dạ cổ Hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là niềm cảm hứng của tôi khi tôi cầm bút viết những bài tình ca về phương Nam. Phía sau từng lời ca vẫn lấp lánh hình tượng tươi đẹp, trong sáng của cô gái Bạc Liêu mà én nhạn không bao giời có thể hiệp đôi!

Lên sân khấu, mỗi nghệ sĩ cải lương ca “Dạ cổ Hoài lang” theo cách riêng của họ, khác nhau về ca từ, khác nhau về thanh nhạc. Nhưng âm nhạc là một nghệ thuật quy ước, không thể chấp nhận tình trạng ấy. Muốn con cháu chúng ta cùng giữ gìn, trân trọng “Dạ cổ Hoài lang” thì không có cách nào hơn là Bạc Liêu phải có một bản “Dạ cổ Hoài lang” chuẩn, được ký âm với thanh nhạc Tây phương, được in ra và được post lên mạng. Ca từ phải được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp thật chuẩn để phục vụ cho những người nghiên cứu văn hóa. Những nhạc sĩ, nghệ sĩ Bạc Liêu dưới sự chủ trì của ngành Văn hóa – Du lịch có thể làm việc ấy. Chúng ta phải làm cho bốn chữ “Dạ cổ Hoài lang” trở thành thương hiệu của đất Bạc Liêu – một thương hiệu hết sức văn hóa mà chỉ có Bạc Liêu mới có được./.

Vũ Đức Sao Biển

Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam

 

Th.S. LÊ QUANG ĐỨC : DẠ CỔ HOÀI LANG VÀ BÀI HỌC SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT


DẠ CỔ HOÀI LANG VÀ BÀI HỌC SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
ThS.LÊ QUANG ĐỨC*
* Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM
TÓM TẮT
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu để lại đời nhiều tác phẩm có giá trị, song nổi bật nhất
vẫn là danh tác “Dạ cổ hoài lang”. Nghiên cứu giá trị tự thân cũng như quá trình
sống của tác phẩm sân khấu kinh điển này sẽ giúp chúng ta rút ra được nhiều bài
học có giá trị về sáng tạo nghệ thuật. Với sự tích hợp nghệ thuật kỳ diệu, với một
cấu trúc nghệ thuật mở, danh tác này là kết quả của một quá trình học hỏi và sáng
tạo liên tục học hỏi. Ở đó, cảm hứng nghệ thuật của người nghệ sĩ đã hòa chung với
cảm thức của thời đại nên tác phẩm đã trở thành tiếng lòng của nhân dân. Song,
bài học lớn nhất của người nghệ sĩ Cao Văn Lầu khi sáng tác nhạc phẩm này là ông
đã đạt tới một trạng thái “vô nhiễm” trước danh, quyền và lợi khi thực hiện sứ
mệnh sáng tạo nghệ thuật của mình.
ABSTRACT
“NIGHT SONG OF THE MISSING HUSBAND” FOLK AND THE
LESSON OF CREATIVE ART
Cao Van Lau – a musician composed many excellent masterpiece . But the
most excellent is “ Night Song of the Missing Husband ‘’ masterpiece. The research
on value in this folk as well as of classic folk will help us to create art. Integrated
magic art with an open architecture results from innovative learning process. Thus,
inspiration of the artist mixed a sense of time has become the heart of people. The
biggest lesson of this masterpiece reached a state of ‘’ immaculate’’ before fame
and wealth in his creative mission.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 – 1976) để lại đời sau nhiều tác phẩm có giá trị
như Thu phong, Minh loan thưởng nguyệt, Chiết hoa, Oanh vàng, Bái đường, Long
châu, Ái cầm, Chim chiều, Giọt mưa đêm, Mai xuân, Tơ vàng, Hậu đình lê,… Song
nổi bật nhất trong danh sách nhạc và làm nên sự nghiệp của Ông vẫn là “Dạ cổ hoài2
lang”. Đến nay, danh tác này đã trên chín mươi năm tuổi. Hơn chín mươi năm đã
qua, nhưng ngày nay, trên các sàn diễn đờn ca tài tử, cải lương, vọng cổ,… tại khu
vực Nam bộ, danh tác “Dạ cổ hoài lang” vẫn còn được sử dụng thường xuyên như
một tác phẩm chủ chốt, một “bài ca vua” trong các buổi ca nhạc truyền thống ở loại
hình này. Vinh dự này đã khẳng định “Dạ cổ hoài lang” là một tác phẩm sân khấu
kinh điển, có giá trị vĩnh cửu. Điều này khiến những người làm công tác sân khấu
nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung tự hỏi: điều gì đã làm nên sự bất
tử ấy? Có lẽ giải thích tường tận lý do này chắc chắn chúng ta sẽ rút ra rất nhiều bài
học về sáng tạo nghệ thuật.
Bài học 1: Tác phẩm là một sự tích hợp nghệ thuật kỳ diệu với một cấu
trúc nghệ thuật mở
“Dạ cổ hoài lang” có nét nhạc dễ nghe, có cấu trúc thanh âm, điệu thức gần
với những điệu dân ca Nam bộ như ru em, hò cấy lúa, lý con sáo, lại có cả cách
tụng hơi “Ai” của sư sãi miền Nam và nói thơ Lục Vân Tiên… Theo nhiều nhà
nghiên cứu âm nhạc, danh tác này đã mang trong mình cả ba điệu thức đặc trưng
của ba miền: giai điệu Hành vân, Xuân nữ trên nền điệu thức oán Phương Nam.
Giai điệu phong phú nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa dân ca và cổ nhạc, giữa ca và
nói. Nhưng nó không hời hợt dễ dãi mà theo nguyên tắc lấy yếu tố dân tộc làm gốc
rễ cho yếu tố hiện đại phát triển.
Ở “Dạ cổ hoài lang”, người ta dễ nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa chất tự
sự và trữ tình. Hai mươi câu trong ca từ ngắn gọn nhưng đã kể lại câu chuyện tình
“chia ly, lên đàng – nhớ thương và hi vọng”. Ở đó mỗi sự tình là mỗi phiến đoạn của
tâm tư hợp thành một chuỗi trữ tình dài với những phức hợp của một thế giới nội
tâm đa dạng.
GS-TS Trần Văn Khê từng nhận xét: “…Nhờ tánh chất động, chữ xang dằn
và già hơn một chút, chữ cống lại non và thấp hơn một chút làm cho cái buồn thêm
rũ rượi, cho hơi thêm bay bướm, cho câu ca thêm mượt mà”*
. Bởi vậy, chính từ
trong ca từ, Dạ cổ hoài lang đã có một sự đa dạng về nhịp, bản chất “động”, với một
cấu trúc mở, đã khiến từ nhịp 2, dần dần tiến tới nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, rồi nhịp 32,
nhịp 64… Có lẽ, trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật, ít tác phẩm nghệ thuật nào như
“Dạ cổ hoài lang” đã không chỉ sống dài lâu cùng thời gian mà lại còn có khả năng
biến hóa, tạo sinh thêm nhiều tác phẩm cháu con khác nhau trong một mô thức
chung nhưng lại được “hiện đại hóa” liên tục.
*
Theo Vọng mãi bản Dạ cổ hoài lang, Sở VHTTDL Bạc Liêu, 2008, trang 9.3
Bài học 2: Quá trình sáng tạo là một sự tích luỹ kinh nghiệm, liên tục
học hỏi và sáng tạo
Trên con đường trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, Cao Văn Lầu đã trải
qua nhiều đoạn đời cam khổ. Và chính những thăng trầm ấy, Ông đã tích lũy được
khá nhiều kinh nghiệm cũng như học hỏi các cung bậc, âm giai để sau này cộng
hưởng trong sáng tác. Cha Ông là một nghệ nhân thổi kèn, đánh trống nhạc lễ, có
lúc làm thầy tuồng cho gánh hát bội, vì thế người con Sáu Lầu ngày nào cũng đã
thấm chất ca từ trang trọng của nhạc tuồng. Những lời ca từ như: phu tướng, kiếm
sắc, tin nhạn, nghĩa tào khang, én nhạn hiệp đôi… mang hơi hướng bác học đã hòa
với những lời dân dã: lên đàng, đừng lợt phai, trở lại gia đàng… tạo cho tác phẩm
tinh thần “kinh điển” mà vẫn đậm chất đời sống dân dã. Vì thế, tác phẩm không chỉ
được nhiều tầng lớp công chúng khác nhau đón nhận, giới học sĩ cũng yêu mến mà
dân chúng cũng cảm thấy gần gũi… Nói theo ngôn ngữ ngày nay, tác phẩm đã có
“thị trường” rất sâu rộng.
Chín tuổi vì đói nghèo, cha Ông, cụ Cao Văn Giỏi đã cho Ông vào chùa học
kinh kệ, chữ nho và làm công quả. Sau thêm 4 năm nữa, chú tiểu của chùa Vĩnh
Phước lại được học xong lớp nhì và được thầy cô cho là giỏi Việt văn và Pháp văn.
16 tuổi tiếp theo, Ông được thụ giáo nghệ thuật từ thầy Hai Khị, người được xem là
Hậu tổ cổ nhạc. Ông học chuyên cần, chịu khó tập dượt rèn luyện, và nhờ tài danh,
lại khiêm tốn nên Ông đã thu hút được những danh tài khác đến để lập thành một
ban nhạc tài tử lớn của Bạc Liêu. Từ đó, tính chuyên nghiệp ngày càng rõ rệt hơn…
Nhìn lại bước đường thành danh nhạc sĩ của Ông, chúng ta hiểu vì sao trong “Dạ cổ
hoài lang” tích hợp được điệu dân ca Nam bộ, cách tụng hơi Ai của sư sãi và nói
thơ Lục Vân Tiên… Từ nhạc tế lễ đến nhạc tài tử giải trí, từ ca ra bộ, sự đổi mới
liên tục khiến ban nhạc tài tử của Ông nổi tiếng khắp lục tỉnh. Rõ ràng, vừa học tập
nhiều nơi, nhiều người, tích lũy kinh nghiệm, vừa năng động cải biên, hướng đến
người nghe, vì thế ban nhạc và những tác phẩm của Ông đã thu hút đông đảo công
chúng quan tâm. “Dạ cổ hoài lang” là tác phẩm kết tinh nhất những phẩm chất nghệ
thuật mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu có được trên con đường sáng tạo của mình. Nếu
không tích lũy kinh nghiệm, không học hỏi liên tục và thiếu tư duy sáng tạo, chắc
chắn khó có thể sáng tác được danh tác “Dạ cổ hoài lang” như vậy và bản thân Ông
cũng khó trở thành một nghệ sĩ tài danh.
Bài học 3: Cảm hứng nghệ thuật của người nghệ sĩ hòa chung với cảm
thức của thời đại4
Ở “Dạ cổ hoài lang”, tiếng lòng của niềm riêng cá nhân đã hòa vào nỗi buồn
chung của thời đại vong quốc… Buồn nhưng không hề bi lụy, nét nhạc lạc quan trỗi
lên cuối bài đã khiến bài ca vừa thấm tháp nỗi lòng của điệu buồn ai oán Phương
Nam, nhưng cũng gợi mở một niềm tin về phận nước. Ở đấy, từng người nghe “Dạ
cổ hoài lang” vừa cảm nhận được nỗi lòng của mình, vừa thấy được mơ ước, khao
khát chính mình. “Dạ cổ hoài lang” nếu chỉ dừng lại cái riêng cô độc lạc lõng của cá
thể Sáu Lầu nhớ vợ thì chắc chắn giỏi lắm chỉ được vài trăm người đồng cảm, và
chỉ lay lắt sống sau vài năm sinh thành. Nhưng khi nghe lời nhạc mở đầu: “Từ là từ
phu tướng – Báu kiếm sắc phán lên đàng” thì bài ca ấy đã âm vọng tiếng gọi lên
đàng của thời đại, tiếng lòng chinh phu. Âm hưởng ai oán nhưng vẫn tràn chất bi
tráng. Từ đấy, nỗi buồn xa cách và nhớ chồng riêng tư đã ký thác, gửi gắm tiếng
lòng nhớ nước của bao nhiêu người giữa mờ mịt những năm đầu thế kỷ XX. Cùng
thời đại của bài thơ “Gánh nước đêm” với hình ảnh người phụ nữ thăm thẳm giữa
đêm đen vẫn ấp ủ tấm lòng vì nước của Á Nam Trần Tuấn Khải, “Dạ cổ hoài lang”
đã tự mang trong mình tiếng nói của bao người muốn vạch một lối nhìn và hi vọng
về một điều gì mới mẻ. “Dạ cổ hoài lang” là bài ca vừa mang niềm riêng của tác
giả, vừa chất chứa tiếng lòng của thời đại. Vì thế, bao nhiêu thế hệ, bao tầng lớp
khắp vùng Nam bộ, cả kẻ sĩ cùng dân quê đã gõ nhịp hát “Dạ cổ hoài lang” để tự
nghe thấy tiếng nói thầm thĩ buồn vui và hi vọng của chính mình.
Bài học 4: Tấm lòng hết mình vì nghệ thuật
Song, bài học lớn nhất của người nghệ sĩ khi sáng tác danh tác này là đạt tới
trạng thái “vô nhiễm” trước danh, quyền lợi khi thực hiện sứ mệnh sáng tạo nghệ
thuật của mình. Sinh thời, khi sáng tác “Dạ cổ hoài lang”, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã
trải qua những nỗi niềm riêng – chung chất ngất để thăng hoa và sáng tác ra danh tác
này. Ở đấy, trong người nghệ sĩ Sáu Lầu chỉ có duy nhất làm sao tiếng nói nội tâm
thăng hoa, hiện xuất và đạt tới một ngôn ngữ biểu đạt tốt nhất, thể hiện đầy dủ và
súc tích nhất tình cảm, ước mong trầm tích bên trong nội tâm của mình. Đấy là bài
học vỡ lòng và yếu lược nhất của người nghệ sĩ khi sáng tạo nghệ thuật. Thế nhưng,
ngày nay cũng ít người có thể có được.
Vì thế, chúng tôi nhận thấy, “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu không chỉ là
một tác phẩm nghệ thuật sử dụng để biểu diễn mà còn là một mẫu tác phẩm điển
hình để nghiên cứu và rút ra những bài học hữu ích cơ bản cho sáng tạo nghệ thuật
hôm nay.5
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Từ Dạ cổ hoài lang, Nxb Mũi Cà Mau, 1992.
2. Toan Ánh, Tìm hiểu nghệ thuật cầm ca, Nxb Đồng Tháp, 1998.
3. Trần Phước Thuận, Bàn về thời điểm ra đời và nguồn gốc của bản Dạ cổ
hoài lang, in trong Nam bộ – Đất và Người (Tập 2), Nxb Trẻ, 2004.
4. Huỳnh Văn Khải, Giá trị nghệ thuật của bản Dạ cổ hoài lang, Hội thảo
khoa học về chủ đề Văn hoá phi vật thể người Việt miền Tây Nam bộ do
Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức, 2010.

 

http://www.saigonact.edu.vn/doc/tapchi/tapchiso6/D%E1%BA%A1%20c%E1%BB%95%20ho%C3%A0i%20lang%20v%C3%A0%20b%C3%A0i%20h%E1%BB%8Dc%20s%C3%A1ng%20t%E1%BA%A1o%20ngh%E1%BB%87%20thu%E1%BA%ADt.pdf