HUY PHƯƠNG : Gặp gỡ nhạc sĩ Văn Giảng ở Úc Châu / LÊ DINH : TIỂU SỬ NHẠC SĨ VĂN GIẢNG


Image
Nhạc sĩ LÊ VĂN KHOA cùng ông bà nhạc sĩ VĂN GIẢNG
Chúng tôi vô cùng thương tiếc loan tin:
Ông NGÔ VĂN GIẢNG ( nhạc sĩ THÔNG ĐẠT)
Pháp danh NGUYỄN THÔNG

 
            Tu tran vao 8:40 PM ngay 09/05/2013, huong duong 89 tuoi
                                         
            Tang Le tai Chua Quang Minh
            18 Burke St – Braybrook Vic 3019 – Melbourne, Australia.

Tang le se cu hanh vao Chu Nhat va Thu Hai: 12 & 13/05/2013. Gio tham vieng tu 6 pm den 9 pm, hoa tang vao 8:00 am Thu Ba 14/05/2013

Cầu chúc vong linh anh Văn Giảng được thanh thản nơi chốn vĩnh hằng

Trần Quang Hải & Bạch Yến

Gặp gỡ nhạc sĩ Văn Giảng ở Úc Châu
Monday, April 25, 2011 6:10:33 PM
Huy Phương/Người Việt

 
“Ðường trường xa, muôn vó câu bay dập dồn…”
Anh em cựu quân nhân VNCH, nhất là những sĩ quan xuất thân từ trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức không thể nào không biết đến bài hát Lục Quân Việt Nam mà mỗi buổi sáng, buổi chiều vẫn thường cất tiếng hát khi đi trong hàng quân: “Ðường trường xa, muôn vó câu bay dập dồn…”, hay bài “Thúc Quân”, nhưng ít ai biết hay còn nhớ tên của người nhạc sĩ: Nhạc sĩ Văn Giảng, cũng là Thông Ðạt, tác giả bài tình ca nổi tiếng một thời: “Ai về Sông Tương”.

Tấm hình vợ chồng nhạc sĩ Văn Giảng chụp năm 1949, tới nay ông còn giữ.

Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924 quán làng Bác Vọng Ðông, Thừa Thiên. Ông sinh ra trong một gia đình Phật Giáo thuần thành, song thân làm nghề thương mãi, và ông thú nhận học lực của ông không qua hết bậc trung học. Sau khi học ở trường tiểu học Paul Bert, rồi Phú Xuân, ông phải nghỉ học sớm để ở nhà giúp cha mẹ. Trong suốt thời ấu thơ, Ngô Văn Giảng chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển qua những ban nhạc tài tử dân giả của đất Thần Kinh. Không qua một trường lớp âm nhạc nào, nhưng ông đã trở thành một người chơi đàn hạ uy cầm, tây ban cầm và đại hồ cầm nổi tiếng ở Huế, là trưởng ban nhạc của đài Phát Thanh Huế, từ lúc đài này mới thành lập (1949), và sau đó là giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế (1963).
Ðài phát thanh Huế, dưới thời của Giám Ðốc Ngô Ganh, ban nhạc của Văn Giảng tuy là một ban nhạc nhỏ, nhưng quy tụ nhiều ca, nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Lê Quang Nhạc, Trần Văn Tín (về sau là đại tá ngành quân nhạc), ca sĩ Minh Trang, Tôn Thất Niệm (nay là bác sĩ tại Nam California)… Năm 1963, Văn Giảng được bổ nhiệm làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế và sau đó hai năm, ông được cấp học bổng du học Hoa Kỳ, theo học âm nhạc tại đại học ở Honolulu. Sau biến cố Mậu Thân, theo ý nguyện muốn được rời Huế, Văn Giảng được Bộ Văn Hóa mời vào giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, trong thời gian này, gặp nhạc sĩ Châu Kỳ, người bạn đã chỉ dẫn ông đi vào con đường làm giàu nhờ viết nhạc, ông bắt đầu sáng tác những tình khúc “hái ra tiền”. Ký bản quyền cho hãng dĩa xuất bản Asia, Sóng Nhạc, Văn Giảng đủ tiền mua một căn nhà khang trang mặt tiền trên đường Thoại Ngọc Hầu. Thị hiếu của quần chúng bình dân cả nước lúc bấy giờ là mua những bản nhạc “bolero” thịnh hành của các nhạc sĩ. Những bản nhạc của Văn Giảng như “Hoa Cài Mái Tóc”, “Tình Em Biển Rộng Sông Dài”, “Ðôi Mắt Huyền” đã được ấn hành hàng chục nghìn bản, phổ biến rộng rãi trên thị trường, điều mà trước đây, khi còn là một “nhạc sĩ công chức” ở Huế, Văn Giảng không hề nghĩ đến.
Nhưng nói đến nhạc tình của Văn Giảng chúng ta không thể quên “Ai Về Sông Tương” được viết năm 1949, đã dẫn đầu như một bản nhạc “top”, bản nhạc được thính giả yêu cầu nhiều nhất của đài phát thanh Pháp Á trong hai năm 49-50 dưới một cái tên “lạ hoắc” là Thông Ðạt, mới nghe lần đầu trong giới nhạc sĩ. Bản nhạc đó đã được phổ biến trong vòng 25 năm dài tại miền Nam và ra đến hải ngoại sau biến cố tháng 4-1975. Hỏi vì sao nhạc sĩ không dùng tên Văn Giảng để ký dưới ca khúc này, ông cho biết, là một thanh niên lớn lên trong thời loạn, ông muốn dùng âm nhạc để kích động lòng yêu nước của thanh niên, mặc dù ông chỉ phục vụ trong Ban 5 (tâm lý chiến) một thời gian rất ngắn tại Quân Khu I. “Ai Về Sông Tương” là một bản nhạc thử nghiệm của ông trong loại nhạc tình viết theo sự thách đố của bạn bè đã trở thành một bản nhạc nổi tiếng. Lúc bấy giờ, thính giả của đài phát thanh chỉ biết Văn Giảng qua các bản hùng ca reo vui, phấn khởi mà không hề biết ông cũng là Thông Ðạt khi bản nhạc này được ra đời, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành và được phổ biến trên đài Pháp Á lần đầu tiên qua giọng hát của Mạnh Phát và Minh Diệu.
 
“Từ Ðàm Quê Hương Tôi”
Tên Thông Ðạt cũng là sự kết hợp của hai pháp danh Nguyên Thông của Văn Giảng và Tâm Ðạt của người vợ ông. Cuộc hôn nhân này đã kéo dài 62 năm trong hạnh phúc từ trong nước ra đến hải ngoại của một người nhạc sĩ đa tài, mà tiếng đàn hạ uy di trên đài phát thanh Huế trong thập niên 50 đã làm thổn thức bao nhiêu con tim của những cô gái Huế. Các cô gái khuê các xứ Huế đã có một phong trào đi học đàn hạ uy cầm và lớp nhạc Văn Giảng luôn luôn đông học viên, cũng có nhiều cô đem lòng yêu thầy, nhưng cuối cùng, họ không hề đi ra ngoài vòng lễ giáo.
Và giới Phật tử cũng ít ai biết Văn Giảng là tác giả bản nhạc “Từ Ðàm Quê Hương Tôi” viết sau mùa Pháp nạn ở Huế năm 1966, được ký bằng pháp danh Nguyên Thông.

Nhạc sĩ Văn Giảng tại nhà riêng ở Footscray, Melbourne. (Hình: Huy Phương/Người Việt)

Năm 1981, Văn Giảng từ Cần Thơ vượt biển với người con trai đầu lòng đến Nam Dương. Ðã từng du học tại Hawaii, ông đủ điều kiện định cư tại Mỹ, nhưng vì muốn sớm bảo lãnh cho vợ và 6 đứa con còn lại, ông bằng lòng chọn Úc làm quê hương thứ hai.
Ðến Melbourne, Văn Giảng sinh sống bằng nghề dạy nhạc tại tư gia về các môn sáng tác hòa âm cũng như sử dụng các nhạc khí như tây ban cầm, hạ uy cầm và đại hồ cầm cho người Việt mới đến định cư cũng như cho các sinh viên Úc. Gần 30 năm nay, Văn Giảng đã soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh, nhưng chưa được xuất bản. Ông hy vọng có một nhà xuất bản tiếng Việt ở Mỹ nào đó có thể giúp ông ấn hành các tác phẩm này trước khi ông qua đời, cũng như số tiền từ tác quyền từ những trung tâm băng nhạc trả cho ông, ông dành hết để làm việc thiện.
Năm nay đã 87 tuổi, nhạc sĩ Văn Giảng hiện đang sống với gia đình trong một căn nhà nhỏ, xinh xắn tại thành phố Footscray, tiểu bang Victoria. Ông còn minh mẫn, nghe rõ và còn thích đọc sách. Ở Úc bạn bè ông không nhiều, nhạc sĩ Văn Giảng muốn chúng tôi ghi số điện thoại của ông ở đây, mong có thể tìm lại bạn bè ngày xưa để hàn huyên tâm sự trong “tuổi già đất khách”. Cố tri, người yêu nhạc Văn Giảng-Thông Ðạt có thể liên lạc với ông qua số điện thoại 613- 9689 9623.
(Melbourne, 4/16)

LINK:http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=130128&zoneid=3#.UY3LakpfEhg

BAI CUA NHAC SI LE DINH:

Tiểu Sử Nhạc Sĩ Văn Giảng

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…


Trên đây là lời ca 8 trường canh đầu của bài hành khúc “Lục Quân Việt Nam” của Văn Giảng mà mọi người Việt Nam, từ cậu học sinh đến anh tân binh ở quân trường cũng như tất cả quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đều biết. Bài hát được tác giả viết vào năm 1950 với cung Ré trưởng, khi được đồng ca bởi một số đông người, đem lại cho người nghe một cảm giác như hăng say cương quyết, như nung chí anh hùng:

… Phá tan tành ầm ầm đoàn quân xông pha
Thét oai linh tung gươm giết tan quân thù
Đoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương
Ta anh hùng đời đời lục quân Việt Nam…


Nhạc sĩ Văn Giảng sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế trong một gia đình trung lưu. Thừa hưởng năng khiếu thiên phú gia tộc về âm nhạc vì ông nội của Văn Giảng cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc rất giỏi cho nên Văn Giảng cũng có khiếu về âm nhạc từ lúc nhỏ và ngày còn bé, nghe người ta chơi một loại nhạc khí nào là ông có thể về mò mẫm tự học lấy và thành công trong việc xử dụng loại nhạc khí đó. Cũng như mọi người thích âm nhạc và quyết tâm chơi nhạc, loại đàn dễ học nhất cho mọi người là đàn mandoline, nhạc sĩ Văn Giảng cũng vậy, khi bắt đầu ông học đàn măng cầm và sau đó lần đến lãnh vực tây ban cầm.

Có một người bạn lớn tuổi hơn ông biết đàn tây ban cầm, Văn Giảng muốn tầm sư học đạo, đến nhà ông này để nhờ chỉ dạy nhưng người này bắt ông phải trả công bằng một cây đàn guitare. Làm gì có tiền ở lứa tuổi còn nhỏ ? Văn Giảng về nhà tìm tòi tự học lấy và chỉ một thời gian sau, ông vượt qua tài nghệ của ông “thầy hụt” kia và ông này phải nhờ Văn Giảng chỉ lại cho. Nhờ có biệt tài như vậy mà nhạc sĩ Văn Giảng có thể xử dụng rành rẽ nhiều nhạc khí cổ kim, trở thành một nhạc sĩ tài giỏi và đào tạo rất nhiều môn sinh có trình độ sau này.

Không những chỉ trong lãnh vực âm nhạc mà thôi, nhạc sĩ Văn Giảng còn nổi bật trong lãnh vực văn hóa, mọi thứ, mọi việc ông đều tự học như vừa làm giáo sư âm nhạc ở Huế, ông vừa tự học để rồi sau đó lặn lội vào Saigon thi lấy bằng tú tài và bằng cử nhân.

Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất dương du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, Văn Giảng đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.

Phần đông những sáng tác của nhạc sĩ Văn Giảng thuộc loại hùng ca như “Thúc Quân” (1949), “Lục Quân Việt Nam” (1950), “Đêm Mê Linh” (1951), “Quân Hành Ca” (1951), “Qua Đèo” (1952), “Nhảy Lửa” (1953) v.v… nhưng ít người được biết nhạc sĩ Văn Giảng còn có một biệt hiệu khác là “Thông Đạt” với ca khúc bất hủ “Ai Về Sông Tương” mà mọi người trong giới học sinh, sinh viên và ở lứa tuổi 40 trở lên đều biết:


Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương…


Bài ca này được tác giả viết vào năm 1949 với cung La trưởng, uyển chuyển tha thướt trong phần lời lãng mạn, trữ tình, là một bản nhạc gối đầu giường, nằm lòng của thanh thiếu niên nam nữ trong những thập niên 50 – 60.

Về ca khúc này, có một câu chuyện khá thú vị như sau: Trong những thập niên 1940, 1950, ở Huế ai ai cũng biết ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế (xin đừng lẫn lộn với nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ở Saigon do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc) in ấn và phát hành một số nhạc phẩm ít oi của thời đó.

Là nhạc sĩ, đương nhiên Văn Giảng chơi thân với ông Tăng Duyệt vì một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý bảo rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Nghe vậy hay vậy, không cần phải trả lời. Nhạc sĩ Văn Giảng về nhà, âm thầm lấy giấy bút viết bài “Ai Về Sông Tương”, không ghi tên tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên tác giả là Thông Đạt, một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc Việt Nam thời đó. Bản “Ai Về Sông Tương” được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Saigon và cả nước đều nghe “Ai Về Sông Tương” của Thông Đạt trong thời gian sau đó:


… Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm…


Sau nhiều lần được nghe bài “Ai Về Sông Tương” quá hay trên làn sóng điện, qua các đài phát thanh, ông Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài “Ai Về Sông Tương” là ai không để ông thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm này nhưng Văn Giảng tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai!

Rồi một hôm có hai người bạn trẻ của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, tác giả bài “Mùa Thi” (Thi ơi là thi, sinh mi làm chi, “bay” nghẹn ngào, “bám”, ồn áo, buồn vui vì mi) và nhà văn Lữ Hồ tình cờ đến nhà Văn Giảng chơi và thấy bản thảo bài “Ai Về Sông Tương” với tuồng chữ và lối chép nhạc của nhạc sĩ Văn Giảng trong xấp nhạc trên bàn viết nên nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này mới lái xe ngay tới nhà Văn Giảng và vài ngày sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một ca khúc với thể điệu “Blues” tha thướt trong tay để mà ngân nga cho đỡ thương đỡ nhớ những khi trái tim rung động vì một bóng hình nào đó.


Nhạc phẩm “Ai Về Sông Tương” đã chiếm kỷ lục tái bản thời đó với 6 lần in thêm trong tháng đầu tiên và được thính giả Đài Phát thanh Pháp Á chọn là bài nhạc hay nhất trong năm 1949. Qua bút hiệu Thông Đạt, chúng ta còn được thưởng thức những sáng tác sau đây: “Đôi Mắt Huyền”, “Hoa Cài Mái Tóc”, “Tình Em Biển Rộng Sông Dài”, “Xin Đừng Chờ Em Nữa” v.v…

Ngoài hai bút hiệu trên, Văn Giảng – Thông Đạt còn một bút hiệu thứ ba để sáng tác những bài Phật giáo. Đó là bút hiệu Nguyên Thông được dùng để ghi trên những nhạc phẩm như “Từ Đàm Quê Hương Tôi”, “Mừng Đản Sanh”, “Ca Tỳ La Vệ”, “Vô Thường”, “Hoa Cài Áo Lam” v.v…

Trong thời gian làm nhạc trưởng Đài Phát thanh Huế và giáo sư âm nhạc tại các trường Trung học Hàm Nghi, Quốc Học và trường Sư phạm đào tạo giáo viên Tiểu học, nhạc sĩ Văn Giảng có sáng tác và ấn hành một tập nhạc dành cho thiếu nhi mang tên :”Hát Mà Học” gồm có 10 ca khúc: Đến Trường, Chơi Ná, Chê Trò Xấu Nết, Mèo Chuột, Tham Mồi, Gương Sáng Lê Lai, Quang Trung Hùng Ca, Trăng Trung Thu, Chúc Xuân và Tạm Biệt.

Cũng trong lãnh vực âm nhạc, nhờ xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, Văn Giảng thích tìm tòi và nghiên cứu nhạc cổ truyền Việt Nam. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc sĩ cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc sĩ tân nhạc và từ đó, ông thành lập ban cổ kim hòa điệu “Việt Thanh”, một ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức tân cổ hòa điệu với những nhạc khí tranh, tỳ, nhị huyền, nhị hồ, đàn nguyệt… hoà tấu chung với dương cầm, tây ban cầm, đại hồ cầm…

Trong phạm vi này, ông đã hoàn thành tác phẩm độc đáo “Ai Đưa Con Sáo Sang Sông”, một bản đại hòa tấu, thời lượng 60 phút, trình diễn bởi các nhạc sĩ cổ truyền. Ông cũng đã soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc, hoàn thành quyển “Kỹ Thuật Hoà Âm” dày 350 trang được dùng làm tài liệu dạy âm nhạc ở các trường.

Sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy sinh sống ở Huế bất an – ông Tăng Duyệt, bạn thân của ông, đã chết trong biến cố này – nhạc sĩ Văn Giảng vào Saigon lập nghiệp từ năm 1969 và ông nhanh chóng hòa hợp với nhịp sống âm nhạc của thủ đô, soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia – Sóng Nhạc, dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình.

Cũng trong thời gian này, một số nhạc phẩm tình cảm với bút hiệu Thông Đạt của ông được thành hình và tung ra thị trường. Đồng thời, Văn Giảng được Bộ Văn Hóa Giáo Dục đề cử làm Trưởng Phòng Học Vụ Nha Mỹ Thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Saigon, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.

Năm 1970, ông được huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (âm nhạc loại A) với sáng tác phẩm “Ngũ Tấu Khúc” (Quintet for Flute and Strings). Cùng năm này, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 70 tại Osaka (Nhật Bản).

Sau 1975, nhạc sĩ Văn Giảng kẹt lại Việt Nam cho đến năm 1981 mới vượt biên đến đảo Natuna (Nam Dương) và sau đó được chuyển đến đảo Pulau Galang. Ở đây, trong 6 tháng, Văn Giảng sáng tác được một số bài nói lên thân phận lạc loài của người dân mất nước mà bài đầu tiên là “Natuna người tình đầu” cùng một số 70 ca khúc khác.

Ngày 20/5/1982, Văn Giảng định cư tại Úc, ở đây, ông tiếp tục con đường âm nhạc, soạn và xuất bản nhiều sách nhạc lý như cách dùng hợp âm, tự học tây ban cầm, hòa âm, sáng tác, học hát, học đàn v.v…

Ở đây, ông cũng đã sáng tác thêm nhiều tình khúc như: 12 tình khúc (Tập I), 12 Tình Khúc (Tập II) v.v… Những ai thiết tha với tân nhạc, muốn đi sâu, tìm hiểu hơn về sáng tác và hòa âm hoặc muốn trau dồi việc xử dụng các nhạc khí kim cổ, thiết nghĩ không gì bằng tìm các sách giáo khoa của nhạc sĩ Văn Giảng để đi đến nơi đến chốn. Văn Giảng hiện cư ngụ ở thành phố Footscray, bang Victoria (Úc Châu), điện thoại: (03) 9689-9623.
Ngoài một gia sản âm nhạc đồ sộ, từ những hành khúc hùng dũng đến những cung bậc uyển chuyển lả lướt của những bài tình ca qua những điệu nhạc vui tươi yêu đời dành cho thiếu nhi và những ca khúc uy nghiêm về Phật giáo, nhạc sĩ Văn Giảng còn đóng góp trong việc phổ biến âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại với một số lượng đáng kể về sách dạy nhạc viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ, chẳng những dành cho thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại mà cho cả người ngoại quốc muốn học hỏi và tìm hiểu về nền âm nhạc Việt Nam.

Một con người giản dị, khiêm nhường, không thích phô trương với một gia tài âm nhạc to lớn như thế của mình ẩn náu nơi một góc trời Đông sau ngày mất nước quả thật là một người đáng kính nể, đáng tôn thượng trong làng âm nhạc Việt Nam.

Lê Dinh

 

Leave a comment